NATORI HOUGEN
Trích: Tâm Buông Bỏ, Đời Bình An; NXB Thế Giới
“Từ bỏ những thứ không theo ý muốn bản thân, làm rõ bản chất thật sự của vạn vật”
Khái niệm “khổ” trong Phật giáo, hiểu một cách đơn giản, rõ ràng là những việc diễn ra không đúng theo ý muốn bản thân.
Chúng ta thường nảy sinh cảm xúc tiêu cực khi một việc xảy ra không theo kỳ vọng của bản thân. Thời tiết là một trong những thứ không bao giờ thuận theo suy nghĩ hay mong muốn của con người, cả chính trị, kinh tế và mối quan hệ giữa con người với nhau cũng vậy.
Do đó, nếu cứ cố sức để mọi việc diễn ra theo đúng mong muốn của mình thì con người chúng ta sẽ phải chìm đắm trong bể khổ cả đời. Trong “Tứ Diệu đế”, đế đầu tiên “Khổ đế” đã giảng giải rõ mối quan hệ giữa con người và nỗi khổ. Con người chúng ta cảm thấy muộn phiền khổ sở là bởi tâm hồn chúng ta tập hợp rất nhiều dục vọng cá nhân. Vì dục vọng mỗi ngày một tăng lên, muộn phiền cũng theo đó mà ngày càng được tích lũy. Mối quan hệ nhân quả đó được gọi là “Tập đế”.
Những đau khổ sinh ra do dục vọng của bản thân được gọi là phiền não. Nếu đau khổ không phải vì mọi việc diễn ra chẳng như ý muốn bản thân thì ta không gọi là phiền não.
Để loại bỏ đau khổ tất nhiên phải tiêu diệt những vọng tưởng thỏa mãn dục vọng bản thân. Điều này gọi là “Diệt đế”.
Phật Thích Ca từ kinh nghiệm bản thân cho rằng có một con đường để tiêu diệt những vọng tưởng đó gọi là “Đạo đế”. Thuyết giảng về “Đạo đế” được gọi là Phật đạo.
Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế chính là tứ đế (đế nghĩa là sự thật, chân lý) trong “Tứ diệu đế”. Vì từ nào cũng đủ rõ nghĩa rồi nên chỉ cần nhớ ghép thêm chữ “đế” đằng sau để hiểu là được. Ngoài ra, bởi trong “Đạo đế” có tám con đường chân chính phải đi theo gọi là “Bát chánh đạo” nên người ta hay nói tắt là “Tứ diệu đế và Bát chánh đạo”. Đây là những giáo lý căn bản của Phật giáo thời kỳ đầu.
Không làm rõ bản chất sự vật, sự việc thì không thể từ bỏ, nếu không hiểu rõ điều này, con người sẽ mò mẫm ngụp lặn trong một xã hội cạnh tranh khắc nghiệt và đắm chìm vào bể khổ, rồi từ bỏ một cách mù quáng, như vậy căng thẳng sẽ càng nhiều, sầu não càng tăng tiến.
Khi nảy sinh cảm xúc tiêu cực, đầu tiên tôi sẽ cố gắng hiểu rõ ham muốn của bản thân ẩn trong đó, tôi tự hỏi mình đang khao khát điều gì và ham muốn đó có hợp lý không, cố gắng suy nghĩ về việc không có nó thì sẽ ra sao. Nhờ vậy, phiền não cũng ít dần đi.