ĐỪNG CHO NHỮNG GÌ BẠN MUỐN, HÃY TẶNG NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC CẦN

BRIAN KLEMMER

Trích: Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng; Biên dịch: Nguyễn Trung An - Vương Bảo Long; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Khi người bình thường cân nhắc đến việc cho tặng ai đó, họ thường kéo một bức màn để phủ kín lên tất cả những thứ họ thực sự không muốn từ bỏ và chỉ hé ra những thứ họ muốn cho, và cố gắng giữ lại thật nhiều. Những thứ chúng ta cho là tốt nhất không phải lúc nào cũng có ý nghĩa trong mắt người nhận. Cho đi có nghĩa là hiến tặng những gì mà người khác muốn và cần, chứ không phải là thứ bạn muốn cho đi.

Xét ở một khía cạnh nào đó, đây có thể được xem là lối hành xử ngạo mạn. Cái tôi thường mách bảo rằng chúng ta luôn biết người khác cần gì. Một trong những cách cơ bản nhất để biết những gì mà một người, một cộng đồng hay một tổ chức muốn là hãy hỏi thẳng họ. Chỉ đơn giản vậy thôi. Trong các cuộc hội thảo, tôi đã nghe hàng ngàn người chồng kể rằng họ làm việc cật lực để có tiền mua nhà cửa, sắm quần áo đẹp và mang lại cuộc sống thoải mái cho gia đình. Tuy nhiên, khi bạn lắng nghe lời tâm tình của vợ họ, bạn mới hiểu rằng thà họ sống trong một ngôi nhà nhỏ hoặc ít đi nghỉ mát, còn hơn là chồng họ cứ bận rộn suốt ngày và không có thời gian dành cho con cái.

Nhiều người vợ chăm sóc con cái kỹ lưỡng và giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, ấy vậy mà chồng họ lại ước ao rằng thà phòng khách bừa bộn hoặc cả nhà phải ăn thêm vài bữa bên ngoài, còn hơn vợ họ không còn chút sức lực để thân mật với chồng lúc cuối ngày. Không phải tôi đang cố gắng chuẩn hóa các vai trò ở đây. Điều tôi muốn nói là chúng ta thường cho tặng người khác những gì mà ta nghĩ họ cần, chứ chẳng bao giờ chịu hỏi họ thật sự muốn gì.

Đôi khi, chúng ta dành nhiều thời gian ở công ty để làm thêm những điều ta thích, nhưng điều đó lại không đem lại thêm chút giá trị nào cho công ty. Mọi nỗ lực của chúng ta thật ra chẳng có ích gì, bởi đó không phải là những gì công ty trông đợi. Bạn đã bao giờ hỏi sếp về công việc mà ông muốn bạn giải quyết chưa? Lần gần đây nhất bạn hỏi vợ chồng hoặc con cái mình rằng bạn có thể làm gì cho họ là khi nào? Một lần, tôi và con trai Kelly cùng đi nghỉ mát ở Hawaii, nơi tôi đã lên kế hoạch đi câu cá và vô vàn các hoạt động có ý nghĩa khác. Sau đó, tôi phải kìm mình lại để áp dụng nghệ thuật của chiến binh nhân từ và hỏi con xem nó thích chơi những trò gì.

Kelly trả lời rằng nó chỉ ao ước được xem những bộ phim hành động mà mẹ không cho xem. Tôi quyết định sẽ dành một ngày trong kỳ nghỉ đó để xem phim cùng con. Và chúng tôi đã xem hết phim này đến phim khác trong suốt chín giờ liền. Chúng tôi gọi pizza về ăn và thậm chí không ra khỏi phòng. Đến hôm nay, sự việc đó đã trở thành một trong những kỷ niệm thú vị của nó về tình cha con của chúng tôi. Tuy con trai tôi luôn mong được ở bên tôi, nhưng nó không muốn nghe theo sự áp đặt của tôi hoặc làm những điều mà tôi tưởng rằng sẽ mang lại niềm vui cho nó. Lần đó, tôi không những có kỳ nghỉ tuyệt vời với con trai, mà về sau nó cũng nghe lời tôi hơn.

Đôi khi, mọi người yêu cầu bạn làm những điều mà bạn không thích hoặc khiến bạn cảm thấy khó chịu. Ba mươi năm trước, tôi từng tham dự một cuộc hội thảo dành cho nam giới do cố vấn Tom Whilhite hướng dẫn. Thậm chí, tôi còn giúp ông ấy thiết kế một số mục cho chương trình. Trong một hoạt động không thuộc phần thiết kế của tôi, ông đã nhờ chúng tôi bỏ ra vài ngày để đi lấp mấy ổ gà trên đường dẫn tới nông trại của gia đình ông ấy. Chúng tôi đã phải trả 7.500 đô-la để tham dự hội thảo nên chắc bạn có thể đoán ra phản nào phản ứng của chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi biết rằng chỉ sau cơn mưa đầu tiên, những ổ gà mà chúng tôi đã cố gắng lấp đi sẽ xuất hiện trở lại. Chúng tôi cho rằng con đường cần được trải nhựa, chứ không phải đắp sơ sài bằng thứ đất xốp như vậy. Nhưng cả mong muốn lẫn ý nghĩ của chúng tôi đều không thay đổi được tình hình. Quan trọng là phục vụ thầy của tôi và làm cho ông ấy điều ông ấy muốn, bất kể chúng tôi có hiểu lý do hay không.

Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng phục vụ là đáp ứng những gì được yêu cầu, chứ không phải những gì bạn thích làm. Bài học đó đã giúp ích tôi rất nhiều trong những năm sau này. Bạn thậm chí không cần hiểu ý nghĩa hoặc giá trị của những việc bạn đang làm. Bạn chỉ cần biết rằng điều đó có ý nghĩa đối với những người khác – đây chính là bản chất của sự cống hiến. Bạn hãy tập hỏi sếp mình xem ông ấy thật sự mong muốn điều gì ở bạn. Hãy hỏi cả vợ/chồng và con bạn, người thân yêu và cả những người xa lạ.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng một số người không hề biết họ thực sự muốn gì. Có người cảm thấy e ngại không muốn nói ra, có người lại nghi ngờ động cơ của bạn, vì họ nghĩ rằng có thể bạn đang muốn lợi dụng họ. Chiến binh nhân từ là những chuyên gia giao tiếp và họ luôn biết cách trò chuyện để mọi người cởi mở nói về những ước mong của mình. Vì thế chuyên gia không đến ngay trong một sớm một chiều; nó đòi hỏi sự luyện tập chuyên cần, do vậy, bạn hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÔN TRỌNG TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI GIAO THIỆP VỚI BẠN
  2. SỰ TRUNG THỰC
  3. SÁU LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHO TẶNG

Bài viết mới

  1. PHẬT TỬ CÓ HIẾU THUẬN VỚI CHA MẸ KHÔNG ?
  2. LÒNG BIẾT ƠN – TRÍCH SÁCH TRÍ HUỆ, NHỮNG HIỂU BIẾT THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
  3. RÈN LUYỆN ĐỂ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC