TÔN TRỌNG TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI GIAO THIỆP VỚI BẠN

BRIAN KLEMMER

Trích: Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng; Biên dịch: Nguyễn Trung An, Vương Bảo Long; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, First News.

Tôi từng mời Tim Redmond, người bạn đồng thời là nhà quản trị cấp cao, đến chơi vài ngày để quan sát và cho biết tôi cần điều chỉnh những gì để lãnh đạo một công ty mỗi năm có thu nhập 100 triệu đô-la. Tim đã đưa ra một lời góp ý khiến tôi vô cùng bối rối. Ông nói rằng tôi có một tầm nhìn rất thú vị, có thể truyền cảm hứng cho mọi người, thấy được những khả năng tốt nhất của họ và trả lương cho họ nhiều hơn ông nghĩ. Tuy nhiên, tôi có khuynh hướng thiếu tôn trọng. Tôi quá kinh ngạc.

Tôi kịch liệt phản đối nhận định này, bởi tôi chưa bao giờ xem mình là bậc thượng tôn so với bất cứ ai, đặc biệt là với nhân viên. Tôi yêu cầu Tim giải thích cụ thể hơn. Ông bảo tôi hãy nhớ lại các cuộc đối thoại với những người ở văn phòng trong suốt ngày hôm đó. Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu. Sau đó, ông nói rằng tôi đã không hề có một cuộc đối thoại nào. Về cơ bản, tôi chỉ độc thoại. Tôi giao việc cho nhân viên chứ không hề hỏi ý kiến họ. Không tạo cơ hội để người khác thể hiện quan điểm cũng là một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng. 

Kể từ đó, tôi bắt đầu học cách mở đầu mọi cuộc đối thoại bằng câu hỏi. Đây chính là thái độ tôn trọng. Cách giao tiếp này cho thấy bạn đánh giá cao ý kiến của người khác. Mời Tim nhận xét về tôi cũng là một hành vi tôn trọng ông và tôn trọng chính tôi. Tôi còn yêu cầu nhân viên nhắc nhở mỗi khi tôi quên bắt đầu cuộc đối thoại bằng một câu hỏi. Đó cũng là một hành vi thể hiện sự tôn trọng. Bạn có thể trung thực mà không cần cao ngạo hoặc xem thường những người xung quanh. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên là bạn hãy học cách lắng nghe.

Khi giao tiếp, mục tiêu cao nhất của chiến binh nhân từ là lắng nghe.

Bài học nghe có vẻ đơn giản này là một vấn đề tương đối khó với nhiều người, đặc biệt là những người quyền cao chức trọng hoặc những doanh nhân thành đạt. Đôi lúc, thấy họ có quyền từ chối lắng nghe bởi vì họ đã “cán đích” trước những người kia. Không gì có thể vượt qua sự thật. Trong cuộc sống bạn càng thăng tiến bao nhiêu thì bạn càng cần bồi đắp thêm cho địa vị đó. Hẳn bạn đã nghe câu tục ngữ “Trèo cao, ngã đau”. Tôi sẵn sàng lắng nghe sự chỉ dẫn của người khác để giữ lại thành quả lao động của mình, chứ không muốn đánh mất tất cả chỉ vì thói kiêu căng đã khiến tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên.

Khi giao tiếp, mục tiêu cao nhất của chiến binh nhân từ là lắng nghe. Việc chăm chú lắng nghe thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với người mà bạn đang giao thiệp. Và dĩ nhiên, bạn luôn học hỏi thêm được nhiều điều bằng cách lắng nghe. Có lẽ đó là lý do mà tạo hóa ban cho con người hai cái tai, nhưng chỉ có một cái miệng. Giữ đúng cam kết, ngay cả những cam kết tầm thường, cũng là một biểu hiện cho thấy bạn tôn trọng người khác. Có mặt đúng giờ, dù đó là cuộc họp quan trọng hay việc cá nhân, cũng là một hành động tôn trọng người khác.

Người bình thường không mấy bận tâm về sự chậm trễ hay sai hẹn. Nhưng khi đến muộn, họ đã truyền đi thông điệp rằng việc của họ quan trọng hơn việc của bạn. Tôi đã từng thấy nhiều vị sếp thường xuyên để biết bao nhiêu người khác phải chờ đợi. Đó là một hành vi thiếu tôn trọng. Nói tốt về người khác cũng là một hành động thể hiện sự tôn trọng. Nhưng có những người không bao giờ thừa nhận công trạng của ai về bất cứ việc gì – đó là sự thiếu tôn trọng.

Chúng ta luôn tìm thấy điều tốt đẹp ở những người xung quanh. Đó có thể là sự chân thành, lòng quyết tâm hoặc tinh thần lạc quan. Có lẽ bạn nghĩ rằng một số người không cần được tôn trọng. Nhưng đó cũng là một lý do để tôn trọng họ. Hãy gieo vào họ hạt giống tôn trọng bằng chính thái độ tôn trọng của bạn. Bạn đã làm gì để thể hiện sự tôn trọng với con cái? Bạn đang làm gì? Và quan trọng nhất là bạn sẽ làm gì? Bạn có dành thời gian cho chúng không? Bạn có hỏi ý kiến chúng không? Bạn có khuyến khích chúng tham gia vào những cuộc đối thoại với người lớn không? Bạn để cho chúng tự giải quyết vấn đề, hay bạn luôn tự làm thay chúng?

Tôi thường nói rằng nhờ Tom mà cuộc sống của tôi đã thay đổi. Lẽ ra tôi đã không thể trở thành tác giả của những quyển sách bán chạy, tôi đã không thể huy động được hàng triệu đô-la cho những sự nghiệp mà tôi tin tưởng, tôi đã không kết hôn, tôi đã không theo đạo, và còn nhiều thứ khác nữa tôi không thể làm nếu không gặp Tom trong cuộc đời. Đã 24 năm trôi qua kể từ khi ông qua đời, tôi vẫn luôn kể về ông như một cách thể hiện sự tôn trọng. Như hầu hết mọi người, ông cũng có những sai làm, thậm chí có một số sai làm hết sức nghiêm trọng. Tôi chưa bao giờ đề cập đến những sai làm ấy, mà tôi chỉ nói về những sai lầm của mình. Không có cách nào để tôi đền đáp xứng đáng cho ông nhưng đây quả là việc nên làm. Đó chính là việc mà chiến binh nhân từ thường làm.

Đã bao giờ bạn nghe người khác phàn nàn về tổ chức của họ chưa? Chiến binh nhân từ không bao giờ làm như vậy. Họ đi thẳng tới cấp quản trị hoặc gặp người có khả năng cải thiện tình hình để nêu ý kiến. Hành động này tôn vinh họ, thể hiện rằng họ thật sự quan tâm đến tổ chức. Họ không bao giờ kêu ca, trong khi người bình thường thì thích than thở với bất cứ ai chịu bỏ thời gian để nghe họ. Lạm dụng công tác phí là thiếu tôn trọng đối với công ty đang trả lương cho bạn. Để lại một mớ hỗn độn sau khi ăn ở căn-tin là thiếu tôn trọng công ty và đồng nghiệp.

Người bình thường chỉ làm những gì họ thấy thoải mái, bất kể việc đó có ảnh hưởng đến người khác hay không. Người bình thường nâng cao thu nhập và đời sống của họ bằng những việc có thể gây ô nhiễm môi trường. Chiến binh nhân từ luôn tôn trọng những thế hệ tương lai. Chiến binh nhân từ cũng thể hiện tinh thần phụng sự và tôn trọng người khác.

Làm cách nào để thể hiện sự tôn trọng với những người cung cấp dịch vụ mà bạn giao thiệp hằng ngày? Họ là những nhân viên phục vụ bàn, nhân viên bán hàng bảo vệ hoặc giao dịch viên ngân hàng. Bạn có biết và gọi đúng tên họ không? Ai cũng thích khi được khách hàng gọi bằng tên. Điều này được xem như là một phần thưởng cho dịch vụ tốt. Người bình thường không đáp lại bằng hành động tôn trọng, mặc dù nó rất dễ dàng và đơn giản. Bạn có lờ đi những người phục vụ bạn không hay bạn hỏi một vài câu hỏi mang tính tôn trọng họ và góp phần làm đẹp cuộc sống hằng ngày của họ? Bạn có thưởng tiền cho họ không? Bạn sử dụng giọng điệu ra sao khi đang ở sân bay mà chuyến bay bị hoãn?

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ TRUNG THỰC
  2. SÁU LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHO TẶNG
  3.  TRÁCH NHIỆM VÀ CHIẾN BINH NHÂN TỪ

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ