SỰ TRUNG THỰC

BRIAN KLEMMER

Trích: Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng; Biên dịch: Nguyễn Trung An - Vương Bảo Long; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Tôi tin mình được hội tụ đầy đủ tính kiên định và đức hạnh để giữ vững danh hiệu mà tôi cho là đáng ghen tị nhất trong tất cả các danh hiệu:“Người trung thực”.

– George Washington

Nếu tiến hành một cuộc khảo sát ngẫu nhiên với hàng ngàn người và hỏi liệu họ có phải là người trung thực hay không, đa phần sẽ trả lời: “Tại sao không chứ? Tất nhiên tôi là người trung thực”. Sự thật thì ai cũng tưởng mình là người trung thực. Bạn hỏi một tên lừa đảo, hắn cũng sẽ bảo rằng hắn trung thực. Hắn còn giải thích: “Tôi nói cho người ta biết rằng tôi sắp ăn cắp của họ. Và đó là sự trung thực của tôi”. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng một số người vẫn nghĩ như vậy. Con người có những quan điểm khác nhau về tính trung thực.

Câu nói ưa thích của người bình thường là: “Vâng, tôi trung thực, nhưng…”. Hãy nhớ rằng từ nhưng luôn chứa đựng những lời nói dối đang được nung nấu và che đậy. Sự trung thực chân chính không thể bị che đậy, cũng không thể bị lu mờ. Không có nếu, và, nhưng mà… nào cả. Sự thật là sự thật. Do nhiều người đánh mất khả năng cảm nhận sự thiếu trung thực nên họ khó nhận biết khi nào họ thiếu nó.

Chúng tôi đã thiết lập một bộ quy tắc riêng bao gồm: những điều trung thực và những điều không trung thực. Khi phải đối mặt với một tình huống, chúng ta thường trốn tránh sự thật bằng một “điều khoản ngoại lệ” sẵn có mà chúng ta hay dùng một cách hào phóng: “Tôi trung thực, nhưng thuế lại là một vấn đề khác”. Đó chỉ là một trong số hàng triệu lời biện hộ mà người ta thường sử dụng.

Khi tôi còn học ở Học viện Quân sự West Point, quy tắc danh dự luôn được tôn trọng: nếu bạn nói dối, gian lận, ăn cắp, hoặc dung túng cho bất cứ người nào làm điều đó, hội đồng kỷ luật sẽ đuổi bạn ngay!

Có thể bạn nói ra sự thật, nhưng bạn vẫn không phải là người trung thực.

Vì không muốn bị đuổi khỏi học viện nên tôi không nói dối, không gian lận và không ăn cắp, và thế là tôi nghĩ mình thật sự là người trung thực. Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng tôi cần kiểm tra lại tính trung thực của bản thân. Có thể bạn nói ra sự thật, nhưng bạn vẫn không phải là người trung thực. Sự trung thực không phải là khắc phục thành hàng một vài sự cố. Trung thực chính là lối sống, là bản chất con người bạn, chứ không đơn thuần là thỉnh thoảng mới thực hiện đôi lần. Chiến binh nhân từ lúc nào cũng thể hiện sự trung thực, ngay cả khi quanh họ không có ai hoặc trong tình huống họ có thể đánh đổi bằng mạng sống của mình.

Lời nói dối chấp nhận được

Trong một buổi hội thảo, Tom, cố vấn của tôi, yêu cầu mọi người đi quanh lớp để bắt chuyện và kể cho các học viên khác nghe một điều thực sự có ý nghĩa đối với bản thân, điều mà chúng tôi mong muốn đạt được. Tôi đã nói với cả lớp rằng tôi muốn học cách tổ chức công việc tốt hơn. Tôi thật sự muốn thế. Tôi không nói dối, nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn trung thực. Điều thực sự có ý nghĩa đối với tôi và tôi thực sự mong muốn là mối quan hệ lãng mạn, nồng nhiệt và vững bền với vợ mình. Nhưng chắc chắn tôi không nói điều đó với người lạ, càng không nói với những người mà tôi quen biết. Mọi người nghĩ rằng tôi cũng muốn giống họ và tôi sợ những gì mà họ sẽ tưởng tượng ra nếu như tôi nói thật. Trong khi đó, tổ chức công việc tốt là một ý tưởng dễ chấp nhận hơn.

Tôi bắt đầu thấy rằng mặc dù không nói dối, nhưng rất nhiều lần trong các mối quan hệ công việc cũng như cá nhân, tôi đã không bày tỏ đầy đủ sự thật. Sự thiếu trung thực có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có người mắc thói quen chỉ nói những điều anh ta cho rằng người khác muốn nghe. Như vậy là người này đang che giấu một điều gì đó. Anh ta không chỉ giấu đi toàn bộ sự thật, mà còn che đậy một phần con người mình – phần mà anh ta không muốn người khác biết. Đó là những thông tin mà rất ít người muốn tiết lộ ra ngoài. Chúng có thể xuất phát từ nỗi sợ hãi hoặc thậm chí từ niềm kiêu hãnh của họ.

Dù động lực là gì thì một số người vẫn dùng những lý lẽ thuyết phục để che giấu sự thật. Tuy họ không cảm thấy mình thiếu trung thực, nhưng thực tế vẫn là vậy. Đối với chiến binh nhân từ, trung thực không phải là cung cấp cho mọi người những gì họ muốn nghe, hay những điều nghe có vẻ xuôi tai. Thay vào đó, trung thực là cung cấp cho mọi người sự thật, toàn bộ sự thật, và không gì ngoài sự thật. Khi mọi người che giấu ý định thành thật nhất của mình và chỉ nói những điều mà họ muốn đối phương nghe, thì họ đang gây tác hại cho chính mình lẫn người nghe.

Muôn mặt của lời nói dối

Sự không trung thực được thể hiện dưới nhiều hình thức. Khi người ta nói ra một sự thật trong những hoàn cảnh thuận lợi thì không có nghĩa là họ không nói dối. Có những việc người ta chuẩn bị làm và họ thậm chí không nhận ra rằng mình đang thiếu trung thực.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRUNG THỰC
  2. TRUNG THỰC VÀ NHÂN HẬU

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỪNG CHO NHỮNG GÌ BẠN MUỐN, HÃY TẶNG NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC CẦN
  2. TÔN TRỌNG TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI GIAO THIỆP VỚI BẠN
  3. SÁU LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHO TẶNG

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY