DÙNG SỰ HÀI HƯỚC ĐỂ KHÉO LÉO TRÁCH CỨ 

LƯU CHẤN HỒNG

Trích: Hài Hước Một Chút, Thế Giới Sẽ Khác Đi; Dịch giả: Tuệ Văn; NXB Thanh Niên

Trong xã hội hiện đại, tỉ lệ li hôn càng ngày càng cao, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ kết hôn không được bao lâu đã phát hiện ra: Yêu nhau thì dễ, sống với nhau thì lại khó; vì một chuyện nhỏ trong cuộc sống cũng khiến họ dằn vặt, trách cứ nhau.

Những cặp vợ chồng này cãi nhau cả ngày, mà nguyên nhân chỉ là những việc nhỏ nhặt. Những việc này nếu xảy ra ở những gia đình khác thì chắc chắn sẽ không gây tranh cãi, nhưng trong những gia đình này thì dường như luôn chứa một mồi dẫn hỏa, chỉ mâu thuẫn nhỏ cũng gây ra những xung đột nặng nề.

Có người nói, người hài hước rất thích hợp với cuộc sống gia đình, đó là bởi hài hước là con đường để con người tự hoàn thiện mình, cũng là một nghệ thuật chọc cười người khác.

Hài hước có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa bạn và đối phương, giúp bạn thay đổi bản thân, đối mặt được với mọi áp lực trong cuộc sống, giải tỏa phiền não, phấn chấn tinh thần; thậm chí còn khiến đối phương càng thêm thích bạn, tin tưởng bạn.

Trong cuộc sống, nếu vợ hoặc chồng có cách cư xử hơi quá khích mà người kia lại không biết tha thứ, việc gì cũng ăn miếng trả miếng thì rất dễ nảy sinh tranh chấp và xung đột. Đôi khi chỉ vì một lời nói không thuận tai mà hai người còn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau.

Rất nhiều ông chồng, bà vợ ngày nào cũng cằn nhằn, lải nhải chê bai những khuyết điểm của đối phương, không hề khách sáo khi chỉ trích đối phương khiến hôn nhân đi vào bước đường cùng. Thực ra, suy nghĩ kĩ một chút, chúng ta sẽ thấy, nguyên nhân cuối cùng gây ra sự bất hòa trong gia đình cũng là những sự việc cỏn con ấy.

Hương và Nam yêu nhau từ hồi còn học đại học. Khi còn đi học, Nam lúc nào cũng chăm sóc cho Hương như một người anh trai, vô cùng chu đáo; còn Hương thì như chú chim nhỏ suốt ngày líu lo vui vẻ.

Sau khi tốt nghiệp, hai người cưới nhau, có một gia đình ấm áp và sự nghiệp ngày càng phát triển. Nỗ lực không ngừng nghỉ suốt mấy năm trời của họ đã được đền đáp bằng một chút tích lũy. Hai vợ chồng bàn nhau mở công ty riêng, làm ông bà chủ, họ vô cùng bận rộn nhưng vẫn quyết tâm phấn đấu vài năm để có tiền mua được nhà cao, cửa rộng.

Từ khi mở công ty riêng, Nam làm ngày làm đêm, thường đi tiếp khách tới khuya mới về nhà, về tới nhà là vùi đầu vào ngủ; thi thoảng về nhà sớm cũng lại mải làm việc, đọc sách…

Vậy là chẳng ai còn nghe thấy tiếng “con chim nhỏ” ngày nào, mới đầu Hương còn nhỏ nhẹ yêu cầu Nam nghe mình nói nhưng anh thực sự quá bận, anh mong mỏi thành công, mong mỏi mang tới cho vợ mình một cuộc sống vật chất đầy đủ.

Dần dà sau này, Hương bắt đầu hét vào mặt chồng: “Anh lúc nào cũng về muộn!”, “Có phải là lúc nào cũng thế đâu”, Nam phản ứng lại, anh không nghĩ rằng nên dành một khoảng thời gian để hai vợ chồng trao đổi mọi điều với nhau.

Một năm sau, Hương thường xuyên chất vấn: “Anh thường ở cùng những ai?”

“Anh Dũng, Trang…” – Nam đáp.

Càng ngày Hương càng phàn nàn, la hét nhiều hơn, nhưng mỗi lúc như vậy Nam chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng cầm báo đi vào một căn phòng khác.

Năm năm sau, họ đã có một thành quả tạm thời – sự nghiệp có chút thành công, có thể thực hiện kế hoạch mua nhà to, nhưng Hương lại đề nghị mua hai căn nhà nhỏ chứ không phải là căn nhà to như kế hoạch ban đầu – tuy rằng giữa họ không hề có người thứ ba.

Giữa Hương và Nam dường như không còn sự ăn ý như trước, đó là vì cả ngày Hương chỉ biết cằn nhằn, khiến Nam vốn đã ít nói chuyện với cô, nay càng trở nên bực bội và ít nói hơn. Cuộc sống gia đình giống như trường hợp Nam – Hương có thể nói là không hiếm gặp; thực ra vào lúc này, những điều Hương nói ra cần phải có nghệ thuật.

Khi phê bình, chỉ trích người khác chính là bạn đang mạo hiểm bởi rất có thể bạn sẽ gây tổn thương tới lòng tự trọng của đối phương.

Cho dù lời phê bình hay chỉ trích của bạn xuất phát từ thiện ý, nhưng đối phương vì lòng tự trọng bị tổn thương, cho dù biết là mình sai nhưng vẫn biện hộ cho mình, đến chết không chịu nhận lỗi, thậm chí còn cố ý nói ngược với ý của bạn.

Thực ra, chúng ta có thể dùng sự hài hước để nhắc nhở đối phương. Như thế, dù là có ý trách cứ thì ngôn ngữ hài hước cũng không gây phản cảm, nó hiệu quả hơn nhiều so với những lời chỉ trích nghiêm túc. Ví dụ:

Con trai hỏi: “Bố ơi, núi Alps ở đâu ạ?”

Bố đáp: “Con hỏi mẹ đi! Cái gì mẹ cũng giấu đi rồi.”

Bạn có biết rằng, nếu mỗi thành viên có thêm vài phần hài hước thì trong gia đình sẽ luôn tràn ngập tiếng nói tiếng cười không!

Những tiếng cười chân thành, những cái nhún vai ra vẻ bất lực, một biểu cảm hoạt kê hay câu nói tự trào… đều khiến những mâu thuẫn, xung đột được hóa giải ngay tức khắc. Hài hước khiến các thành viên trong gia đình không còn cảm thấy bí bức, mang lại không khí vui vẻ ấm áp cho mọi người.

So với phê bình gay gắt thì hài hước thể hiện được thiện chí hơn và có cảm giác gần gũi hơn. Cô con gái vào kì nghỉ thường thích ngủ nướng. Sáng hôm đó, bố nói với cô con gái vẫn đang nằm trên giường: “Con ơi, ngày nào con cũng tiết kiệm cho bố mẹ một bữa sáng, làm bố mẹ thấy có lỗi với con quá.”

Cô con gái hiểu hàm ý trong câu nói của bố, từ hôm sau bắt đầu dậy sớm hơn. Đương nhiên, cô bé dậy sớm không phải là vì vội ăn bữa sáng.

Trong gia đình nọ, người chồng đau đầu vì vợ mình quá đam mê thời trang, bỏ ra rất nhiều tiền mua đồ hàng hiệu, vì thế đôi lúc cáu gắt và vô tình làm tổn thương tới tình cảm vợ chồng.

Một người chồng hài hước, khi vợ đưa ra yêu cầu không thể đáp ứng được thì phê bình cũng phải có thiện ý và biết vận dụng sự hài hước để gián tiếp thể hiện quan điểm của mình; như thế gánh nặng tâm lí của cả hai vợ chồng đều được giảm bớt, không khí gia đình nhờ vậy mà giữ được hòa thuận. Chúng ta hãy cùng xem cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng dưới đây:

Vợ: “Mùa xuân năm nay không biết thịnh hành mốt quần áo gì anh nhỉ?”

Chồng: “Thì cũng như mọi khi, chỉ có hai loại, một loại không vừa ý em, một loại anh mua không nổi”.

Sự hài hước của người chồng này sẽ được những người vợ hiểu biết chấp nhận, hai người lúc đó có thể bật cười trước sự nhanh trí của người chồng. Đồng thời, trong câu nói của người chồng cũng hàm ý rằng, vợ anh thường mua những bộ quần áo đắt đỏ, một chút không hài lòng của anh cũng thể hiện ở trong đó.

Tuy nhiên, nếu vẫn tình huống này mà người chồng lại giận dữ nói: “Anh không biết, chắc chắn đây là loại quần áo khiến em hài lòng nhưng khiến anh ăn mì gói cả tháng!” thì chắc chắn rằng giữa hai vợ chồng sẽ lập tức xảy ra một trận “đấu khẩu” nghiêm trọng.

Người chồng dùng ngữ khí vui vẻ, nói một câu hài hước, không những có thể tránh xung đột với vợ mà còn khiến vợ hiểu được cái khó của mình, như thế sẽ không mua đồ đắt tiền nữa.

Vợ chồng nhà kia, buổi tối khi đi ngủ, vợ thường cằn nhằn hết việc này tới việc khác, khiến người chồng không sao chợp mắt, vì thế không thể dậy sớm được.

Một hôm, người vợ nói với chồng: “Anh phải mua một cái đồng hồ báo thức.”

Chồng nói: “Không cần mua đâu! Em chẳng phải là đồng hồ báo thức rồi sao!”

Chỉ nhờ câu nói hài hước mà anh chồng đã nhẹ nhàng chỉ ra khuyết điểm của vợ, vậy là hai người giải quyết được mâu thuẫn trong “hòa bình”.

Trong cuộc sống gia đình, điều mà các cặp vợ chồng quan tâm nhất chính là việc ăn no mặc ấm. Thông thường, hai vợ chồng trò chuyện với nhau chủ yếu xoay quanh những việc nhỏ trong cuộc sống, nhờ những cuộc chuyện trò như vậy mà hai vợ chồng có thể thấu hiểu lẫn nhau.

Khi người chồng về nhà, thấy một cái bánh ngọt đặt trên bàn bèn tò mò hỏi vợ lí do.

Người vợ nói: “Ơ, anh quên à? Hôm nay là kỉ niệm ngày cưới của anh mà! Em mua tặng anh đấy.”

Người chồng nghe thấy rất cảm động, cười nói với vợ: “Cảm ơn em, khi nào tới ngày cưới của em, anh cũng sẽ mua một cái bánh thật to để chúc mừng em”.

Hai vợ chồng cưới vào cùng một ngày, kỉ niệm ngày cưới chỉ có một ngày, làm sao có riêng ngày cưới “của anh” và “của em” được!

Hiển nhiên, trong lời nói của người vợ ngầm ý trách cứ chồng mình quên ngày kỉ niệm, nhưng chị dùng cách nói hài hước để nói với chồng mình, còn người chồng cũng dùng sự hài hước để trả lời vợ, tỏ ý rằng sau này anh sẽ không quên nữa.

Hai vợ chồng tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau là nền tảng để đảm bảo cho tình yêu thăng hoa và sự nghiệp thành công. Bất cứ sự chỉ trích, coi thường nào đều làm tổn thương lòng tự trọng của bạn đời của chúng ta, điều này tuyệt đối không thể coi nhẹ. Bởi vậy, chúng ta có thể thông qua sự hài hước để trách cứ đối phương.

Gia đình nọ, anh chồng có thói quen uống sữa trước khi đi làm. Có một lần, người vợ vì bận công việc từ thiện mà ba bữa sáng liền đều quên chuẩn bị sữa cho chồng. Người chồng không lên tiếng hỏi han, cũng không trách cứ, vẫn chăm chỉ đi làm như thường lệ.

Tới buổi sáng ngày thứ tư, người vợ mới nhớ ra chuyện này, bèn xin lỗi chồng. Lúc này, người chồng tủm tỉm cười rồi nói: “Anh nghĩ là quên thì chỉ quên một ngày thôi, em quên cả ba ngày nên anh tưởng em định ‘cai sữa’ cho anh.”

Người vợ bật cười, sự việc được giải quyết gọn gàng. Thái độ xử sự hài hước này của người chồng thực sự là một điển hình mà các đấng lang quân nên học tập.

Trong một tình huống khác, một người vợ nói với chồng: “Kì nghỉ tới em muốn đi du lịch.”

Người chồng nói: “Sao phải tốn kém thế, mua một quyển tạp chí du lịch về xem là được rồi, vừa được mở rộng tầm mắt, vừa tiết kiệm tiền. Em đừng có mơ mộng nữa, mau mua thức ăn về nấu cơm đi.”

Người vợ lập tức đáp: “Mua thức ăn? Sao phải tốn kém thế, mua một quyển sách dạy nấu ăn về nhìn, như thế chẳng phải vừa được mở rộng tầm mắt, vừa tiết kiệm được tiền sao?”

“Ăn miếng trả miếng”, người vợ đã khiến người chồng “gậy ông đập lưng ông”, chắc chắn lúc này anh ta sẽ phải suy nghĩa lại về yêu cầu của vợ, thừa nhận là mình sai.

Hơn nữa trong cuộc sống, cho dù là trường hợp nào cũng đều nên phát huy sức mạnh của ngôn ngữ, cho nên việc “nói vòng” có tác dụng hơn nhiều so với việc “nói thẳng”.

“Nói vòng vo Tam quốc”, là thông qua cách nói vòng vo để biểu đạt mục đích của mình. Thông thường, hài hước không đi liền với thẳng thắn, bởi vì thẳng thắn hướng tới hiệu quả ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc chứ không đạt được hiệu quả hài hước.

Thường thì hài hước đều thông qua sự ám thị gián tiếp để thông báo cho đối phương một vấn đề gì đó. Vấn đề được nói ra một cách khéo léo, vòng vo thì sẽ tốt hơn là nói thẳng.

Chúng ta cùng theo dõi cặp vợ chồng dưới đây:

Một người vợ hiếu thắng nói với chồng: “Chúng ta không được thua kém gì anh Trung hàng xóm, nhà họ có gì, nhà ta cũng phải có cái đó. Anh biết nhà họ mới mua cái gì không?”

Chồng nói: “Mới có bộ bàn ghế mới thì phải.”

Vợ nói: “Thế thì chúng ta cũng phải mua một bộ mới.”

Chồng nói: “Nhà cậu ấy hình như còn mới mua cái tivi màn hình tinh thể lỏng nữa thì phải.”

Vợ nói: “Chúng ta cũng mua một cái.”

Chồng nói: “Nhà đó còn cái xe máy 125 phân khối.” Vợ nói: “Chúng ta cũng mua xe máy.”

Chồng nói: “Gần đây Trung còn…, anh không muốn nói nữa.” Vợ nói: “Vì sao? Sợ không thắng được nhà anh ta sao? Anh nói đi!” Chồng nói: “Cậu ấy tìm được cho mình một người vợ mới rất xinh.” Vợ nói: “Thế chúng ta cũng…”

Lúc này thì người vợ á khẩu. Ở đây, người chồng đã cố ý nói đùa, ám thị cho vợ thấy yêu cầu của mình thật hoang đường. Cách xử lí này chắc chắn là tốt hơn nhiều so với việc trực tiếp phản đối quan điểm của vợ, khiến tâm lí của người vợ bớt mất thăng bằng hơn.

Trong cuộc sống, khi xảy ra mâu thuẫn, hai vợ chồng đều cần tránh có thái độ quá cứng nhắc, trầm trọng hóa vấn đề. Dùng sự hài hước để trách cứ, kể cả là sự hài hước nửa châm biếm, nửa khoan dung thì cũng có thể “trị” được đối phương mà hoàn toàn không gây tổn thương cho họ. Thêm một chút hài hước, bớt một chút trách cứ, cuộc sống sẽ càng đẹp hơn.

Cuộc sống này vốn giống như mặt biển, có lúc sóng yên bể lặng thì cũng có lúc nổi cơn sóng gió. Những lúc như thế, sự hài hước tựa như “phao cứu sinh” cứu vớt cuộc đời con người. Bởi vậy, đừng tính toán quá chi li, hãy để hài hước là sứ giả mang tới sự thấu hiểu và tiếng cười vui vẻ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ BÌNH YÊN
  2. GIÚP BẠN TRẺ SỐNG HÀI HÒA VỚI CẢM XÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. LÙI ĐỂ TIẾN
  2. NHÌN NHẬN THẾ GIỚI TỪ GÓC ĐỘ THÚ VỊ

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT