GẦN, QUÁ GẦN

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Bài Ca Của Tự Do Và Niềm Vui; NXB Hà Nội, THAIHABOOKS.

1. Khi hỏi một họa sĩ anh đang vẽ cái gì, anh sẽ trả lời: “Tôi vẽ cảnh vật như là tôi thấy, như là nó phát lộ với tôi. Tôi không vẽ cốt cho giống, vì nếu thế thì chụp ảnh cho rồi. Tôi vẽ sự phát lộ, sự khai mở của cảnh vật trong cái thấy của tôi”. Họa sĩ đi tìm thực tại trong hội họa.

Khi hỏi một nhà thơ, người ấy trả lời: “Tôi muốn diễn tả đời sống với tất cả bộ mặt của nó, trong sự cô đọng tinh khiết nhất có thể được, bằng ngôn ngữ”. Nhà thơ đi tìm thực tại trong thi ca.

Khi hỏi một nhà vật lý, ông trả lời: “Tôi đi tìm những hạt căn bản và những định luật vật lý đã tạo thành vũ trụ. Tôi muốn biết trạng thái bắt đầu và trạng thái chấm dứt của nó. Nhà vật lý đi tìm thực tại trong vật lý học.

Mỗi người, ở trong bất cứ ngành nào, ở bất cứ địa vị nào, đều đi tìm cái đúng hơn nữa, cái tốt hơn nữa, cái đẹp hơn nữa. Cứ hơn nữa và hơn nữa. Cho đến cái tuyệt đối, tuyệt đối đúng, tuyệt đối tốt, về tuyệt đối đẹp, dù có thể không bao giờ tìm thấy. Con người từ trong bản chất luôn luôn đam mê, khao khát cái tuyệt đối.

Người ta luôn luôn đi tìm cái gì đó, vượt lên chính mình, vượt lên những cái tầm thường, nhàm chán mỗi ngày, tìm kiếm hoài mãi cho đến suốt đời. Cái đó ngôn ngữ loài người đã định danh là thực tại, cái tối hậu, cái tuyệt đối, cái vô hạn… Nhưng thực ra, người ta không biết cách nào để tìm thấy thực tại, nên người ta chỉ đi tìm những phóng chiếu về thực tại của chính mình, tức là qua tiền bạc, sắc đẹp, quyền lực, ảo tưởng về tự do, tài trí, danh vọng… Chỉ tìm và tìm thấy những phóng chiếu của chính mình về thực tại, cho nên người ta không mãn nguyện, tiếp tục đi tìm, mãi mãi đi tìm. Có khi bằng những biện pháp xấu, để rồi lọt lưới pháp luật và rộng hơn, lọt lưới nhân quả.

Thân phận bi đát của con người là càng đi tìm thực tại qua những phòng chiếu của chính mình thì thực tại càng xa. Xa hay gần cũng chỉ do tâm và cũng chỉ bởi tâm mà thôi. Ít người biết rằng, cái người ta luôn luôn đi tìm chính là cái mình vốn có, còn cái mình đang tìm chỉ là ảnh phóng chiếu của chính mình về cái vốn có ấy mà thôi.

2. Nhưng, thực tại thì ở khắp nơi, khắp chốn, giờ nào cũng có, ngày nào cũng có, chỉ vì lo thấy những phòng chiếu của mình mà không định thần để thấy được thực tại mà thôi. Khi có người hỏi thế nào là thực tại tối hậu, sư Cảm Thành, đời thứ hai dòng Vô Ngôn Thông, đáp: “Khắp tất cả chỗ”. Hỏi tiếp về thực tại tối hậu ấy, sư đáp: “Chưa từng che giấu”.

Bởi vì thực tại tối hậu ấy ở khắp tất cả chỉ và chưa từng che giấu, chúng ta có thể gặp nó ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ cái gì, trong bất cứ không gian, thời gian nào. Sự gặp gỡ, tiếp xúc, thấy trực tiếp nó, được gọi là ngộ, hay chứng ngộ. Ngộ là thấy và đi vào thực tại. Ngộ là thấy bản tánh của tất cả mọi sự, của không gian và thời gian, hay nói theo kinh điển, là thấy và đi vào thật tướng của tất cả các pháp. Trong tất cả các truyền thống, người ta ngộ khi tiếp xúc với đời sống, với sắc thanh hương vị xúc pháp, với đất nước lửa gió, với thế giới và vũ trụ. Bởi vì ngộ là thấy bản tánh của tất cả mọi sự, từ cái cụ thể nhất đến cái vô hình nhất, nên nơi sự vật nào chúng ta cũng có thể thấy ra bản tánh của nó.

Nhưng ngộ không phải là một mặc khải trời dành riêng cho người nào. Nó cũng không dành riêng cho một ngành nghiên cứu nào, một nghề nghiệp nào, một vị trí xã hội nào. Nó cũng chẳng phải dành riêng cho một tôn giáo nào. Nó dành cho tất cả mọi người, bất kể tôn giáo, chủng tộc, giàu nghèo, học nhiều học ít… Những người nào tự làm cho tâm mình thanh tịnh, thanh tịnh đến mức nào đó thì thấy nó. Và tâm càng thanh tịnh thì nó càng hiển lộ rõ ràng, cả bề sâu lẫn bề rộng.

Khi nói rằng nó “ở khắp tất cả chỗ, chưa từng che giấu” có nghĩa là nó vẫn ở quanh ta, bao bọc ta từ xưa tới nay. Như vậy thì nhìn cái gì cũng thấy nó, nghe cái gì cũng phải là nó, thế mà tại sao chúng ta không nghe, không thấy? Đó là bởi vì những che chướng của phiền não và cái thấy sai lầm ngăn che chúng ta. Nói như kinh Lăng Nghiêm, bởi vì “ngay nơi cái thấy biết lập ra và lập thêm cái thấy biết, đó là gốc của vô minh. Còn ngay nơi cái thấy biết mà không thêm không bớt cái thấy biết, đó tức là Niết bàn” (Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn. Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn).

Đó là cái thấy trần trụi của một tấm trần trụi không tạo tác thêm thắt thêu dệt, một cái tâm bổn nguyên. Tâm ấy Thiền tông gọi là tâm bình thường (“Tâm bình thường là đạo”, Thiền sư Nam Tuyền). Đại Ấn (Mahamudra) của tông phái Kagyu cũng gọi là tâm bình thường (Tạng ngữ, tạmal gyi shepa, ordinary mind). Tâm bình thường này, Trung Hoa gọi là tâm tánh, bản tánh của tâm. Đại Ấn cũng nói tâm bình thường là bản tánh của tâm, tâm như nó là.

Để biết cái tâm bình thường vốn hằng ở nơi ta mà bao nhiêu phiền não, kiến chấp đều giả lập ở trên tâm ấy mà chẳng hề hấn gì đến nó, chúng ta cần bình tĩnh lại, sáng suốt để nhận ra và nhìn thấy nó. Từ “thiền định” gốc của Ấn Độ, dịch sang tiếng Anh là “meditation” thì người Tây Tạng dịch là “làm quen”. Chúng ta cần làm quen với cái tâm bình thường ấy, nghĩa là thiền định về nó. Làm quen hay thiền định là nhìn trực tiếp vào tâm, xem nó thực sự là cái gì, đến lúc nào chúng ta sẽ thấy nó, thấy cái tâm bình thường, cũng là khuôn mặt xưa nay của mình.

Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715), khi vua Lê đến hỏi đạo, hỏi làm sao làm quen với tâm bình thường này, sự đáp: “Xin bệ hạ hết lòng lắng nghe bài kệ này:

Nghe lại chính mình, mỗi hằng xem

Quan sát tư duy tử tế trông

Trong mộng chớ tìm người tri thức

Mặt Thầy sẽ thấy trên mặt mình.”

Trên mặt mình vốn có gương mặt của Thầy, trên tâm mình vốn có bản tánh của tâm, quả thật thực tại rất đỗi gần gũi vậy.

Ngài Hương Hải cũng nói rằng thấy cái gì thì cái ấy là tâm, là tâm bình thường, là bản tánh của tâm:

Thấy vật liền thấy tâm

Không vật tâm chẳng hiện

Mười phần trong thông, bít

Chân tâm đâu cũng khắp.

Nếu sanh hiểu trí thức

Lại thành thấy điên đảo

Thấy cảnh thường vô tâm

Mới thấy mặt giác ngộ.

3. Thực tại ấy xưa nay vẫn thế, không hề chướng ngại bất kỳ ai, không lập hàng rào ngăn chặn ai. Trong thực tại ấy không có xa hay gần, khó hay dễ, lạ hay quen. Chỉ vì chúng ta tự lập những chướng ngại, tự tạo những bức tường che chắn mà nó thành ra xa, thành ra khó, thành ra lạ.

Tô Đông Pha, một trong tám nhà thơ văn lớn đời Tống, có bài thơ nói về thực tại ấy, mặt mũi xưa nay của chúng ta, như sau:

Mây khói Lô sơn, sóng Chiết giang

Chưa đến muôn ngàn hận chẳng tan

Đến rồi mới thấy không gì khác

Mây khói Lô sơn, sóng Chiết giang.

Dễ hay khó? Cư sĩ Bàng Uẩn, đệ tử của Thiền sư Mã Tổ và của nhiều thiền sư khác, có câu chuyện trong gia đình như sau:

“Một hôm ngồi trong nhà, ông chợt nói:

– Khó khó khó, mười tạ dầu mè vuốt ra nơi cây.

Bà Bàng nói:

– Dễ dễ dễ, rành rành trăm ngọn cỏ, rành rành ý tổ sư.

Người con gái Linh Chiếu nói tiếp:

– Cũng chẳng khó cũng chẳng dễ, đói đến thì ăn, mệt đến thì ngủ.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. NHÂN ĐỌC LẠI TỰ THÚ CỦA LEV TOLSTOY

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. TỰ DO, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG