DEEPAK CHOPRA
Trích: Cuốn Sách Của Những Bí Mật; Nguyên tác: The Book of Secrets; Thế Anh chuyển ngữ; NXB. Hồng Đức, 2017
BBT – Tiếp nối bài trước, Bạn đã có những gì đang tìm kiếm, trong bài viết này Deepak Chopra tiếp tục hướng dẫn chúng ta cách để đến gần hơn với bản thể đích thực vốn luôn hiện diện sẵn đủ nơi mình, đó chính là Người quan sát.
- Thuận theo dòng chảy nhận thức.
- Đừng cưỡng lại những gì diễn ra bên trong.
- Cởi mở trước những điều chưa biết.
- Đừng kiểm duyệt hay bác bỏ những gì được cảm nhận.
- Vươn xa khỏi bản thân.
- Sống thành thật, nói chân lý.
- Hãy để trọng tâm trở thành ngôi nhà của bạn.
Thuận theo dòng chảy: Cụm từ “thuận theo ân phúc” đã trở thành phương châm sống của nhiều người. Nguyên tắc đằng sau phương châm sống này là bất kỳ điều gì mang lại niềm vui lớn nhất cho con người thì đều là cẩm nang đáng tin cậy để thuận theo trong tương lai. Một cẩm nang khác thậm chí còn đáng tin cậy hơn là thuận theo tâm thức của bạn khi tâm thức bắt đầu phát triển. Đôi khi tâm thức không đồng nghĩa với phúc lành hay niềm vui. Bạn có thể nhận thức về một nhu cầu thầm kín, đó là sự bất mãn hay không hài lòng với những hạn chế của cuộc sống hiện tại. Đa số mọi người đều không đi theo những dấu hiệu này. Họ tìm kiếm nguồn hạnh phúc từ bên ngoài và nghĩ rằng phúc lành đến từ chính họ. Tuy nhiên, nếu thuận theo tâm thức thì bạn sẽ thấy rõ tâm thức luôn tạo ra một con đường riêng xuyên qua không gian và thời gian. Tâm thức không thể phát triển nếu thiếu sự phát triển của những sự kiện bên ngoài giúp phản chiếu nó. Do đó, khát vọng và mục đích luôn đan xen với nhau – nếu làm theo khát vọng thì mục đích sống cũng sẽ tự động xuất hiện. Một dòng chảy cuộc sống sẽ giúp kết nối những sự kiện rời rạc này và bạn đang thuận theo dòng chảy đó. Khi bạn còn nhỏ thì dòng chảy sẽ giúp bạn chuyển từ giai đoạn phát triển này sang giai đoạn phát triển khác; khi bạn lớn lên thì dòng chảy vẫn có thể làm điều tương tự. Không ai có thể dự đoán bước tiếp theo của sự phát triển tâm thức, bao gồm cả chính bạn. Tuy nhiên, nếu sẵn sàng thuận theo dòng chảy thì con đường này sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến người quan sát thầm lặng, người hiện hữu ở nguồn cội của mọi khát khao cá nhân.
Đừng cưỡng lại những gì đang diễn ra: Cuộc sống không thể vừa mới vừa cũ, nhưng tất cả chúng ta đều ao ước rằng giá mà mình có thể sống với cuộc sống hiện tại đồng thời thay đổi một số điều mà mình khao khát. Đây chính là công thức hoàn hảo để dẫn đến một cuộc sống bế tắc. Để tìm kiếm con người đích thực thì bạn phải từ bỏ mọi hình ảnh xưa cũ về bản thân. Cho dù bạn có yêu thích bản thân hay không thì điều đó cũng không liên quan. Những người có lòng tự trọng cao và thành tích đáng tự hào vẫn có thể bế tắc trong cuộc chiến của những điều đối lập – thực tế thì những người như vậy thường nghĩ rằng họ chiến thắng khi đứng về phe “tốt.” Phần bản thể tìm thấy được sự bình yên trong mọi trận chiến chính là người quan sát. Nếu bạn muốn gặp gỡ người quan sát thì hãy chuẩn bị thật tốt. Những thói quen xưa cũ vốn luôn tập trung vào chiến thắng hay thất bại, được chấp nhận hay bị chối bỏ, cảm thấy kiểm soát hay mất kiểm soát, sẽ dần thay đổi. Đừng cưỡng lại những thay đổi này – bạn đang từ bỏ những cạm bẫy của cái tôi và chuyển sang một cảm giác mới mẻ về bản thể.
Cởi mở trước những điều chưa biết: Cuốn sách này, vốn đề cập đến bí ẩn của cuộc sống, lại rất nhiều lần nhắc đến điều chưa biết. Con người của bạn mà bạn nghĩ đến vốn không có thật mà chỉ là sự pha trộn của những sự kiện, tham vọng và ký ức trong quá khứ. Sự pha trộn này cũng có một cuộc sống riêng – nó cũng vận động theo không gian và thời gian, nhưng chỉ trải nghiệm những điều đã được biết đến. Một trải nghiệm mới không hẳn đã mới; đó chỉ là sự thay đổi nhỏ của các cảm giác quen thuộc. Để cởi mở trước những điều chưa biết đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ những phản ứng quen thuộc và thói quen. Hãy để ý xem bạn thường xuyên thốt ra những từ ngữ quen thuộc như thế nào, những điều thích hay không thích quen thuộc mà bạn vẫn làm, những con người quen thuộc mà bạn gặp gỡ hàng ngày trong cuộc sống. Tất cả sự quen thuộc này giống như một vỏ ốc. Điều chưa biết nằm ngoài vỏ ốc và để khám phá nó, bạn cần phải sẵn lòng chào đón nó đi vào bên trong vỏ ốc của bạn.
Đừng kiểm duyệt hay bác bỏ những gì được cảm nhận: Nhìn bề ngoài thì cuộc sống mỗi ngày dường như đã trở nên thoải mái hơn so với trước đây. Tuy nhiên, con người vẫn đang sống một cuộc sống với đầy rẫy những thất vọng bị che giấu. Nguồn gốc của những thất vọng này là cảm giác suy nhược, một cảm giác khiến bạn không thể trở thành người mình muốn, không thể cảm nhận được những gì muốn cảm nhận, không thể làm những gì muốn làm. Một người sáng tạo không nên để mình rơi vào tình cảnh như thế. Không một ai có thể áp đặt sự suy nhược cho bạn; đó là một cảm giác hoàn toàn do bạn tự mang lại. Bất kỳ phần bản thể nào mà bạn không đủ can đảm đối mặt đều tạo ra rào chắn giữa chính bạn và thực tại. Tuy nhiên, các cảm xúc lại mang tính chất hoàn toàn riêng tư. Chỉ mỗi bạn biết rõ bạn đang cảm nhận như thế nào. Sau khi bạn ngưng kiểm duyệt cảm xúc cá nhân thì hiệu quả mang lại sẽ còn tốt hơn nhiều so với cả những cảm xúc tốt đẹp. Mục tiêu của bạn không chỉ là để trải nghiệm những cảm xúc tích cực. Con đường dẫn đến tự do không phải dựa trên cảm giác tốt đẹp; nó phải dựa trên cảm giác mình sống đúng với con người mình. Tất cả chúng ta đều có món nợ cảm xúc với quá khứ, dưới dạng những cảm xúc mà chúng ta không chấp nhận để bản thân thể hiện. Quá khứ sẽ không thể ngủ yên nếu như những món nợ này chưa được trả. Bạn không cần phải quay trở lại gặp người từng khiến bạn giận dữ hay e ngại, với ý định làm thay đổi quá khứ. Những tác động gây nên ở người đó sẽ không bao giờ giống với những tác động gây nên ở bạn. Mục đích của việc trả hết món nợ cảm xúc chính là để tìm thấy vị trí đích thực của bạn ở hiện tại.
Cái tôi có lý trí để không thể hiện cảm xúc một cách phóng túng:
Tôi không phải là mẫu người có cảm nhận như thế.
Tôi sẽ vượt qua điều đó.
Không ai muốn lắng nghe những cảm xúc này.
Tôi không có quyền cảm thấy tổn thương; điều đó là không công bằng với mọi người.
Tôi sẽ chỉ gợi lại những vết thương cũ.
Quá khứ là quá khứ.
Nếu nhận thấy mình đang thốt ra những câu nói trên khi đối diện với những cảm xúc đau khổ thì bạn có thể sẽ thành công trong việc kiềm chế chúng. Tuy nhiên, mọi cảm xúc bị kìm nén, che giấu đều sẽ giống như một dạng nhận thức bị đông cứng. Một khi nhận thức ấy chưa “tan” ra, thời điểm bạn dám nói rằng “Tôi đang tổn thương” cho dù không dám nhìn vào thực tế ấy, thì bạn vẫn bị nó kiềm tỏa. Đây là một dạng trở ngại khác giữa bạn và người quan sát thầm lặng mà bạn cần phải vượt qua. Bạn cần dành thời gian và tập trung chú ý, chấp nhận cảm xúc cá nhân và để chúng nói lên những gì chúng cần nói.
Vươn xa khỏi bản thân: Khi chấp nhận một bản thể cố định và không thay đổi thì bạn có thể nghĩ rằng mình đã đạt được một điều gì đó tích cực. Như mọi người vẫn nói thì “Giờ đây, tôi biết rõ mình thật sự là ai.” Điều họ thực sự biết chỉ là một bản sao của bản thể đích thực, một tập hợp của những thói quen, sở thích và tính cách hoàn toàn thuộc về lịch sử. Bạn cần phải vươn xa khỏi nhân dạng tự tạo này để tìm kiếm nguồn năng lượng mới. Người quan sát thầm lặng không phải là một bản thể thứ hai. Đó không phải là một bộ áo mới được treo trong tủ mà bạn có thể lấy ra để khoác vào người thay thế cho bộ áo cũ đã sờn rách.
Người quan sát là một cảm giác về bản thể vượt xa khỏi mọi giới hạn đã biết. Rabindranath Tagore đã có một bài thơ buồn man mác khi hình dung ra cảnh mình qua đời. Ông có một trực giác sâu sắc rằng cảm giác khi đó sẽ giống như một tảng đá đang tan chảy trong tim:
Tảng đá sẽ tan chảy trong nước mắt
Bởi lẽ ta không thể gần bên em mãi.
Ta không thể trốn thoát khỏi cảnh bị khuất phục.
Một ánh mắt nhìn xuống từ trời cao xanh thắm
Triệu hồi ta đi trong yên lặng.
Ta sẽ đón nhận cái chết ngay dưới chân em.
Đối với tôi thì đây là lời mô tả hoàn hảo nhất cho việc vươn xa khỏi bản thân. Khi sống với cảm giác đè nặng trong tim thì bạn vẫn không thể tránh khỏi bản thể đích thực của mình. Sẽ luôn có một ánh mắt thầm lặng nhìn xuống bạn. (Thay vì nói: “Ta sẽ đón nhận cái chết”, nhà thơ lẽ ra có thể nói: “Ta sẽ đón nhận sự giải thoát” hay “Ta sẽ đón nhận niềm vui.”) Vươn xa khỏi bản thân đồng nghĩa với việc nhận ra rằng nhân dạng cố định của bạn là không có thật. Khi đó, nếu cái tôi yêu cầu bạn nhìn nhận thế giới xung quanh với suy nghĩ “tôi có lợi ích gì trong đó” thì bạn có thể giải thoát bản thân bằng cách đáp lại rằng “tôi không còn quan tâm nữa.”
Sống thành thật: Tại sao mọi người nói rằng chân lý sẽ giúp giải thoát bạn? Con người trong xã hội thường bị trừng phạt và tẩy chay vì nói lên sự thật. Những lời dối trá thường mang lại thành công. Một thỏa thuận để sống hòa nhã và không gây chuyện có thể mang lại tiền bạc và quyền lực. Tuy nhiên, “Chân lý sẽ giúp giải thoát bạn” thực chất không phải là một lời khuyên thực tế. Đằng sau phát biểu này là một hàm ý tâm linh: “Bạn không thể tự giải thoát mình nhưng chân lý có thể.” Nói cách khác, chân lý có sức mạnh để gạt sang một bên những điều giả dối, nhờ đó nó sẽ giúp giải thoát chúng ta. Ý định của cái tôi là tiếp tục duy trì sự phát triển của nó. Tuy nhiên, ở những thời khắc quan trọng thì chân lý sẽ lên tiếng; nó sẽ giúp chúng ta biết mọi chuyện thực chất là gì, đó không phải là điều tồn tại mãi mãi và dành cho tất cả mọi người mà chỉ là điều tồn tại trong khoảnh khắc và dành riêng cho mỗi người. Cảm giác thôi thúc này cần được tôn trọng nếu như bạn muốn được tự do. Khi tôi hình dung xem chân lý như thế nào thì một số ví dụ đã chợt xuất hiện như sau:
❄️ Biết rằng bạn không thể trở thành hình mẫu mà người khác mong muốn ở bạn, bất chấp bạn yêu quý người đó ra sao.
❄️ Biết rằng bạn đang yêu, ngay cả khi việc nói lên điều đó là đáng sợ.
❄️ Biết rằng cuộc chiến của người khác không phải là cuộc chiến của bạn.
❄️ Biết rằng bạn xuất sắc hơn những gì mà bạn đang thể hiện.
❄️ Biết rằng bạn sẽ sống sót.
❄️ Biết rằng bạn phải đi trên con đường mình đã chọn, bất chấp cái giá phải trả.
Mỗi câu đều bắt đầu với từ “Biết rằng”, bởi lẽ người quan sát thầm lặng chính là cấp độ khi bạn hiểu rõ bản thân, bất chấp người khác nghĩ gì. Nói lên chân lý không giống với việc bày tỏ những điều không hài lòng mà bạn cảm thấy e ngại để có thể nói ra. Những hành động như vậy luôn đi kèm với cảm giác căng thẳng và áp lực; chúng bắt nguồn từ cảm giác thất vọng; chúng luôn mang theo sự giận dữ và tổn thương. Dạng chân lý đến từ một người hiểu biết sẽ luôn có tính chất điềm tĩnh; nó không đề cập đến hành vi của người khác; nó chỉ giúp làm rõ bạn thực sự là ai. Hãy trân trọng những khoảnh khắc chân lý như vậy. Bạn không thể buộc chúng xuất hiện, nhưng bạn có thể khuyến khích chúng bằng cách sống thành thật và đừng biến mình thành một người được tạo ra chỉ để mang lại cảm giác an toàn và được chấp nhận.
Hãy để trọng tâm trở thành ngôi nhà của bạn: Trở thành trọng tâm được xem là điều đáng khao khát; mỗi khi cảm thấy xao nhãng hay buồn chán thì mọi người thường nói: “Tôi mất trọng tâm rồi.” Tuy nhiên, nếu trong tâm trí bạn không có ai, nếu cảm giác về mình của cái tôi chỉ là ảo giác, thì trọng tâm nằm ở đâu?
Nghịch lý thay, trọng tâm tồn tại ở khắp nơi. Đó là một không gian mở không có bất kỳ giới hạn nào. Thay vì nghĩ rằng trọng tâm của bạn là một điểm cụ thể – cách mà mọi người vẫn thường chỉ tay vào trái tim ý nói nguồn gốc tâm hồn – bạn hãy cố gắng trở thành trọng tâm của trải nghiệm. Trải nghiệm không phải là một nơi chốn; đó là một điểm thu hút sự tập trung. Bạn có thể sống ở đó, ở ngay trọng tâm với mọi thứ quay xung quanh. Việc rời khỏi trọng tâm đồng nghĩa với việc mất đi sự tập trung, quay lưng với trải nghiệm hoặc thậm chí ngăn không cho trải nghiệm xảy ra. Trở thành trọng tâm cũng giống như nói: “Tôi muốn tìm thấy ngôi nhà của mình trong vũ trụ.” Bạn thư giãn theo nhịp điệu của cuộc sống, tạo tiền đề cho cuộc gặp gỡ với bản thể ở một cấp độ sâu sắc hơn. Bạn không thể gọi đến người quan sát thầm lặng, nhưng bạn có thể tiến gần hơn đến người ấy bằng cách không để bản thân lạc lối trong tạo tác của cá nhân. Khi nhận thấy mình đang bị áp đảo bởi điều gì đó thì tôi có thể bình tĩnh trở lại với vài bước đơn giản sau đây:
? Tôi tự nhủ rằng: “Tình huống này có thể khiến tôi run sợ, nhưng tôi có thể giải quyết tốt bất kỳ tình huống nào.”
? Tôi hít thở thật sâu và tập trung chú ý vào những gì mà cơ thể đang cảm nhận.
? Tôi lùi lại và quan sát bản thân như một người khác đang quan sát tôi (nhất là người mà tôi đang chống lại hoặc đang phản ứng lại).
? Tôi nhận thấy rằng cảm xúc cá nhân không phải là cẩm nang đáng tin cậy để dẫn đến những kết quả lâu dài và thực tế. Chúng chỉ là những phản ứng nhất thời và nhiều khả năng được tạo ra do thói quen.
? Nếu sắp sửa bộc lộ những phản ứng thiếu kiểm soát thì tôi sẽ bỏ đi.
Như bạn có thể thấy, tôi không cố gắng để cảm thấy tốt hơn, sống tích cực hơn, thể hiện tình yêu hay thay đổi trạng thái mà mình đang có. Tất cả chúng ta đều được định hình bởi tính cách cá nhân và bị chi phối bởi cái tôi. Những tính cách của cái tôi được huấn luyện bởi thói quen và bởi quá khứ; chúng hoạt động giống như những động cơ tự hành. Nếu có thể quan sát những động cơ này hoạt động mà không bị bó buộc ở bên trong thì bạn sẽ biết được rằng mình đang sở hữu một nhận thức thứ hai, nhận thức vốn luôn điềm tĩnh, cảnh giác, vô tư, am hiểu nhưng không bao giờ bị áp đảo. Nhận thức thứ hai ấy chính là trọng tâm của bạn. Đó không phải là một nơi chốn mà là một cuộc gặp gỡ thân mật với người quan sát thầm lặng.