GẶP GỠ NHỮNG BẬC CHÂN TU ĐẠI ĐỨC

DR. PAUL BRUNTON

Trích: Đông Phương Huyền Bí; Nguyên tác A Search In Secret India; Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính; NXB. Văn Hóa Thông Tin

-----?☘️☘️-----

Paul Brunton là bút danh của Raphael Hurst (21 tháng 10 năm 1898 – 27 tháng 7 năm 1981), một tác giả viết sách tâm linh người Anh. Ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là một trong những người đầu tiên phổ biến chủ nghĩa tâm linh Tân Ấn Độ giáo trong chủ nghĩa bí truyền phương Tây, đặc biệt là qua cuốn sách bán chạy nhất A Search in Secret India (1934) đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng.

Brunton là người đề xuất học thuyết “Chủ nghĩa tinh thần”, hay Chủ nghĩa tinh thần phương Đông để phân biệt với chủ nghĩa duy tâm chủ quan của truyền thống phương Tây. Brunton giải thích học thuyết của mình về Tinh thần luận trong The Hidden Teaching Beyond Yoga (1941, ấn bản mới 2015 North Atlantic Books), Trí tuệ của Bản ngã (1943, ấn bản mới 2015 North Atlantic Books) và trong di cảo xuất bản The Notebooks of Paul Brunton gồm 16 tập (Larson Publications, 1984–88). Ngoài ra ông cũng viết và xuất bản khoảng gần 20 quyển sách về tâm linh trong suốt cuộc đời mình.

Năm 1930, Hurst bắt đầu một chuyến đi đến Ấn Độ, điều này đã đưa ông tiếp xúc với Meher Baba, Vishuddhananda Paramahansa, Paramacharya của Kancheepuram, Ramana Maharshi, và nhiều bậc chân tu khác. Brunton được ghi nhận là người đã giới thiệu Ramana Maharshi với phương Tây qua các cuốn sách A Search in Secret India và The Secret Path. Một ngày nọ—đang ngồi với Ramana Maharshi—Brunton có một trải nghiệm mà Steve Taylor đặt tên là “một trải nghiệm về sự giác ngộ thực sự đã thay đổi anh ấy mãi mãi”.

—–??☘️—–

Xin ngài nói cho tôi biết vài điều về sư phụ của ngài, đức Ramakrishna.

– A! Đó là vấn đề mà tôi thích nói đến nhất. Sư phụ tôi qua đời đã gần nửa thế kỷ nay, nhưng tôi không thể nào quên được ngài. Hình ảnh của ngài vẫn luôn sống động và bất diệt trong tim tôi. Hồi đó, tôi hãy còn là một thanh niên mới hai mươi bảy tuổi khi gặp ngài, và từ đó về sau tôi vẫn luôn sống bên cạnh ngài cho đến những năm cuối cùng trước khi ngài viên tịch. Kết quả là tôi đã trở nên một người hoàn toàn thay đổi. Thái độ của tôi đối với cuộc đời đã thay đổi hẳn, và là do ảnh hưởng của đức Ramakrishna. Ngài tạo ra một sự xúc cảm tâm linh mãnh liệt cho tất cả những ai được gặp ngài. Ngài làm cho họ say mê, ngây ngất. Thậm chí những kẻ nặng mùi vật chất có ý định đến để đùa cợt chế nhạo cũng đều phải im lặng vì ngạc nhiên trước mặt ngài.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Nhưng làm sao những người đó có thể cảm thấy kính phục trước vấn đề tâm linh, một vấn đề mà họ không hề tin tưởng?

Đức Mahasaya mỉm cười đáp:

– Ta hãy đưa hạt tiêu cho hai người nếm thử. Một người biết rõ và đã quen mùi, còn người kia chưa biết hạt tiêu là gì. Tuy vậy, chẳng phải là cả hai người cùng nếm thấy một hương vị giống nhau đó sao? Chẳng phải là cả hai người sẽ cùng cảm nhận được vị cay của hạt tiêu trên đầu lưỡi đó sao? Cũng vậy, những người chủ trương chạy theo vật chất tuy không biết gì về sự cao cả tâm linh của đức Ramakrishna, nhưng không phải vì thế mà họ không nhận biết được cái ảnh hưởng tâm linh cao cả và thuần khiết luôn tỏa ra quanh ngài.

– Như vậy, chắc chắn ngài phải là một bậc chân sư siêu việt!

– Đúng thế, và theo tôi thì ngài còn cao cả hơn tất cả những danh xưng mà người thế gian hiện có. Ramakrishna là một người giản dị, mù chữ vì thất học. Ngài không viết được ngay cả tên mình, đừng nói chi đến việc viết một lá thư! Ngài có vẻ ngoài rất khiêm tốn, và còn khiêm tốn hơn nữa trong cung cách sinh hoạt hằng ngày. Tuy thế, ngài thâu phục được lòng tôn kính sùng mộ của cả những bậc thượng lưu trí thức đương thời. Những người này phải cúi đầu trước sức mạnh tâm linh cao cả của ngài, vì nó hiện hữu một cách cụ thể đến nỗi người ta có thể cảm nhận được rất rõ ràng. Ngài luôn dạy chúng ta rằng tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền thế ở đời này chỉ là những thứ phù du giả tạm, không đáng kể so với đạo đức tâm linh, và chỉ là những trò hư ảo gạt gẫm giác quan con người.

Tôi luôn nhớ đến những ngày tuyệt diệu xưa kia khi được sống bên ngài. Hồi đó, ngài thường đắm chìm trong những cơn đại định thiêng liêng đến nỗi chúng tôi ngồi quanh ngài luôn cảm thấy dường như ngài là một vị thánh chứ không phải người thường. Một điều lạ là Ngài có khả năng đưa người đệ tử vào trạng thái nhập định chỉ với một cái sờ nhẹ bằng bàn tay. Trong trạng thái đó, họ có thể trực nhận những điều huyền diệu thâm sâu, bằng sự linh cảm trực tiếp. Để tôi nói anh nghe ngài đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào. Tôi đã hấp thụ một nền học vấn theo giáo dục Âu Tây và lấy làm tự hào về kiến thức uyên bác của mình. Tôi đã từng là giáo sư đại học ở Calcutta, dạy các môn văn chương, Anh ngữ, lịch sử, và kinh tế chính trị.

Hồi đó, đức Ramakrishna ở tại đền Dakshineswar, cách thành phố Calcutta chừng vài dặm. Tại đó, vào một ngày mùa xuân mà tôi nhớ mãi, tôi đã gặp ngài. Ngài bày tỏ với những lời lẽ giản dị những ý tưởng tâm linh do kinh nghiệm trực tiếp của ngài. Tôi định thử bàn luận vài điều, nhưng tôi không nói được gì cả trước sự có mặt thiêng liêng của Ngài, vì nó ảnh hưởng đến tôi quá sâu sắc, không thể thốt ra thành lời. Từ đó trở đi, tôi đến viếng thăm ngài nhiều lần, và không thể nào rời xa ngài được nữa, cho đến một ngày kia, đức Ramakrishna nói đùa một cách hài hước rằng:

Có người đem cho con công ăn một liều thuốc phiện. Qua hôm sau, con công lại đến vào đúng giờ như hôm qua. Nó đã say mê mùi thuốc phiện và đến tìm một liều khác”.

Quả đúng như vậy. Tôi chưa từng được hưởng những giờ phút an lạc tuyệt vời như khi tôi sống gần đức Ramakrishna. Vì thế, không có gì lạ khi tôi thường xuyên trở lại với ngài. Và rồi tôi trở thành một trong những đệ tử thân cận của ngài, không còn là một khách viếng thăm qua đường. Một ngày kia, sư phụ bảo tôi:

Thầy nhận thấy con có những tính chất thích hợp của một người yogi. Con hãy làm việc hết lòng ở thế gian, nhưng đừng quên vẫn để tâm trí vào việc tu tập pháp môn này. Gia đình, cha mẹ, vợ con… con hãy sống tròn trách nhiệm với họ và nuôi dưỡng họ như những người thế gian gương mẫu. Nhưng hãy nhớ rằng, con rùa bơi lội trên mặt hồ mà tâm trí vẫn hướng về một nơi trên hồ mà nó đẻ trứng. Con hãy làm công việc ở thế gian, nhưng hãy đặt tâm trí vào việc tu tập”.

Sau khi sư phụ từ trần, phần nhiều các đệ tử tình nguyện xuất gia, khoác áo vàng và đem truyền bá giáo lý của đức thầy ở khắp nơi trong xứ Ấn Độ. Riêng tôi, tôi không bỏ nghề nghiệp cũ và vẫn tiếp tục dạy học. Tuy nhiên, trong lòng tôi đã quyết định dứt bỏ cuộc đời trần thế, mặc dầu bề ngoài tôi vẫn sống như mọi người thế tục. Có nhiều đêm, tôi đi lang thang như kẻ không nhà, và ngủ trên các vỉa hè của thành phố, chung lộn với những kẻ ăn mày hành khất. Điều này đem đến cho tôi cái cảm giác, ít nhất là tạm thời, của một người cùng đinh không tài sản, không gia đình.

Ramakrishna không còn nữa, nhưng nếu anh đi châu du khắp xứ Ấn Độ, anh sẽ thấy những công trình cứu tế xã hội, từ thiện, y tế và giáo dục được thực hiện khắp nơi trong xứ dưới sự hướng dẫn của những vị đệ tử ngài thuở xưa, mà phần đông nay cũng đã qua đời. Điều mà anh không thấy một cách hiển hiện rõ ràng là những người đã hoàn toàn thay đổi tâm tính và xoay hướng cuộc đời của họ nhờ ảnh hưởng của đức tôn sư. Giáo lý của ngài đã được truyền khẩu qua các vị đệ tử. Những vị này về sau lại truyền bá rộng rãi trong dân chúng. Tôi đã được hân hạnh ghi chép những lời dạy của ngài bằng tiếng Bengal, những quyển sách giáo lý đó rất phổ thông khắp cả mọi gia đình trong tỉnh Bengale, và những bản dịch cũng được phát hành đi khắp các vùng ở Ấn Độ. Như thế, anh thấy ảnh hưởng của Ramakrishna đã phát triển rộng rãi như thế nào ngoài vòng các đệ tử trực tiếp của ngài.

Đức Mahasaya ngừng nói và đắm chìm trong im lặng. Tôi nhìn kỹ gương mặt ngài và lấy làm ngạc nhiên mà thấy rằng ngài có những nét mặt và màu da không giống như của người Ấn Độ. Dung mạo và cốt cách của ngài thật cao quí tuyệt vời. Lòng hảo tâm, thiện chí, đạo đức, từ bi và thành thật của ngài biểu lộ ra một cách rõ ràng. Ngài có đức tự tin của một người đã từng sống một cuộc đời hoàn toàn tuân theo tiếng gọi của lương tri. Tôi chợt hỏi:

– Không biết đức Ramakrishna sẽ nói thế nào với một người không thể chỉ sống bằng đức tin, mà còn đòi hỏi phải thỏa mãn lý trí?

– Ngài sẽ khuyên người ấy hãy quán xét nội tâm. Quán xét nội tâm là một phương pháp rất nhiệm mầu. Chính Ramakrishna đã quán xét nội tâm để đạt được đức tin và trí tuệ. Những người tự hào là có tri thức và đòi hỏi phải được thỏa mãn lý trí nhưng chưa có đức tin chỉ là vì họ chưa từng nhìn lại chính mình mà chỉ mải mê quan sát, phân tích ngoại cảnh. Một khi họ biết quay về quán xét nội tâm, họ sẽ thấy rằng trước đây họ thực sự chưa hiểu được gì cả. Nhờ đó mà họ phát khởi đạo tâm, và ngay sau đó sẽ có được đức tin chân chính.

– Nhưng nếu những người ấy không tin vào sự quán xét nội tâm, họ vẫn luôn cho rằng đã hiểu rõ được chính mình thì phải làm sao?

– Quán xét nội tâm là bước khởi đầu cơ bản nhất, là nền tảng cho bất cứ lý thuyết tâm linh nào. Nếu lý trí của anh ta thất bại ngay trong việc nhận biết tầm quan trọng của việc này thì mọi nỗ lực để cứu giúp một người như thế sẽ không bao giờ đạt tới kết quả.

– Nhưng nếu có người thực hành quán xét nội tâm mà không đạt được kết quả nào thì sao?

– Nếu vậy, người ấy nên thường tiếp xúc, gặp gỡ với những bậc chân tu đại đức đã từng có nhiều kinh nghiệm tâm linh. Sự tiếp xúc, gần gũi với những bậc ấy sẽ giúp anh ta khai mở được đạo tâm hãy còn tiềm tàng, và giúp anh ta nhận ra một điều là tất cả mọi người đều có một khởi điểm giống nhau trên đường tu tập. Những vị đã chứng ngộ hoặc có trình độ tu chứng cao có thể giúp chúng ta cảm nhận được sự giải thoát mà các ngài đã đạt được, và qua đó phát khởi niềm tin, hướng tâm theo về những mục đích cao cả hơn là cuộc sống thế tục. Trên hết mọi sự, các vị ấy là những tấm gương chói sáng về đạo đức, tinh thần, nên có thể làm phát khởi nơi chúng ta có một sự khao khát mãnh liệt muốn sống một đời sống tâm linh. Bởi vậy, sự tiếp xúc giao thiệp với những bậc thầy tâm linh là một bước đầu tiên rất quan trọng, và cũng thường được duy trì mãi cho đến giai đoạn thành tựu cuối cùng, như đức Ramakrishna vẫn thường dạy.

—–?☘️☘️—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC HÀNH CHÂN NGÃ LÀ TÌM THẤY HẠNH PHÚC
  2. HOÀN THIỆN ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC VÀ TINH THẦN
  3. AI CẬP HUYỀN BÍ – TÔI GẶP MỘT VỊ CHÂN SƯ

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ