HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
Trích: Ngọn Đèn Trí Huệ Tỏa Khắp; Trần Thị Lan Anh dịch; Hiệu đính: Ban thuật dịch Thiện Tri Thức.
Câu hỏi: Xin Ngài tóm tắt lại các phương pháp như giải thoát niệm tưởng, giải thoát trần trụi v.v.?
Rinpoche: Trong bản văn này, một vài phương pháp giải thoát đã được đề cập. Phương pháp chúng ta cần phải nhớ là giải thoát tự nhiên ngay khi sinh khởi, tức là nương vào tánh giác để giải thoát các niệm tưởng không để lại dấu vết gì khi chúng vừa sinh khởi. Chúng ta nói đến bốn phương pháp giải thoát, nhưng đây cũng chỉ là các ngôn từ được sử dụng trong kinh điển, và cũng tốt khi chúng ta được nghe về các phương pháp ấy. Bốn dạng giải thoát này là: giải thoát nguyên sơ, giải thoát ngay khi sinh khởi, giải thoát trần trụi, và giải thoát khỏi các cực đoan. Nhưng rốt ráo xét về góc độ thực hành thì điều quan trọng đối với chúng ta là làm sao để có thể giải thoát được bất cứ niệm tưởng nào khi chúng vừa sinh khởi. Chúng ta loại bỏ các niệm tưởng với tánh giác. Mỗi niệm tưởng cần được tự giải thoát ngay khi sinh khởi để không còn gì sót lại. Hãy nhớ ví dụ về tên trộm đi vào nhà trống. Tất cả các thuật ngữ khác là để nói về giải thoát nhưng sự phân biệt giữa những thuật ngữ này chỉ cần thiết đối với những ai nghiên cứu kinh điển. Đối với chúng ta là những người thực hành thì không thật sự cần thiết.
Câu hỏi: Có nhiều niệm tưởng đến sau khi con thấy trạng thái tự nhiên. Có phải Ngài nói rằng chúng ta chỉ cần nghỉ ngơi và phớt lờ các niệm tưởng đi hay không? Sự khác nhau giữa nhìn thẳng vào niệm tưởng và phớt lờ niệm tưởng là gì ạ?
Rinpoche: Chỉ cần nhìn vào niệm tưởng sinh khởi. Vào giai đoạn đầu, các nhiệm tưởng giống như cục nước đá, trong khi tỉnh giác giống như nước ấm. Tánh giác sắc bén giống như nước nóng. Khi niệm tưởng giống như cục nước đá sinh khởi và được làm tan chảy bởi nước nóng của tánh giác thì ngay lập tức niệm tưởng sẽ tan biến. Các niệm tưởng tan hòa bất nhị vào tánh giác, hòa lại vào trong tâm. Khi đó con sẽ nhận ra rằng tâm không khác biệt với các niệm tưởng. Hai thứ này không phải là hai thực thể tách biệt. Và rồi mọi cảm xúc sẽ tan biến một cách tự nhiên. Khi sự chánh niệm không đủ mạnh thì cũng giống như nước lạnh, và nước lạnh không thể làm tan chảy cục nước đá. Khi đó niệm tưởng và tâm xuất hiện một cách riêng biệt giống như nước lạnh và các cục nước đá, chúng không hòa được vào với nhau. Nhưng thông qua việc thuần thục trong thực hành mà nước sẽ trở nên nóng dần lên, và khi nó trở nên rất nóng thì cho dù niệm tưởng hay cảm xúc gì xuất hiện đi chăng nữa, tất cả sẽ ngay lập tức tan rã và hòa nhập làm một với tâm. Cuối cùng con sẽ có được kinh nghiệm rằng niệm tưởng và tâm không phải là hai thứ riêng biệt, chúng không tách biệt khỏi nhau. Sự khác nhau duy nhất chỉ như là cục nước đá và nước, nhưng thật sự chúng có cùng một bản tánh.
Vì vậy lúc đầu khi một niệm tưởng sinh khởi thì cảm xúc về niệm tưởng ấy sẽ duy trì trong tâm. Vì thế có vẻ như có hai thứ khác biệt. Nhưng một khi tất cả được tan hòa thông qua tánh giác thì con sẽ nhận ra rằng thật sự thì chúng không phải là hai. Vào giai đoạn đầu, tâm giống như nước nóng và niệm tưởng giống như cục nước đá. Vào giai đoạn giữa, tâm giống như nước và niệm tưởng giống như các đợt sóng. Vào giai đoạn cuối, niệm tưởng giống như các gợn sóng lăn tăn trên nước.
Câu hỏi: Con có một câu hỏi liên quan đến sự tan rã của “cái tôi”. Dường như trạng thái này vượt khỏi sự bám chấp vào bản ngã. Một số người nói rằng chúng ta như các hạt cát trên bờ biển. Một số khác lại nói rằng chúng ta như bong bóng vỡ vào nước. Xin Ngài giải thích giúp con về điều này?
Rinpoche: Con đừng nghĩ quá nhiều về điều này. Tất cả những cách so sánh như thế thuộc về phạm trù khái niệm, và chúng ta cần thực sự vượt qua được phạm trù khái niệm này. Đủ loại niệm tưởng, ví dụ như lo lắng, sẽ khởi sinh. Hãy nhìn vào bản tánh của những niệm tưởng và các hoài nghi trong tâm con. Nếu con nhìn mà không suy nghĩ thì sẽ chỉ có tánh giác sáng tỏ biết được rằng có niệm tưởng vừa sinh khởi. Sau đó hãy tiếp tục duy trì tánh giác này và rồi niệm tưởng sẽ tự nó tan biến, sau đó sẽ không có thêm suy nghĩ rằng “nó là như thế này hay như thế kia” nữa. Tất cả những thứ đó chỉ là hư vọng. Trong thực hành trekcho, chúng ta không nên suy nghĩ về những cách so sánh khác nhau v.v. Đừng cố để diễn giải kinh nghiệm của bản thân, mô tả nó là như thế này hay như thế kia. Hãy trực tiếp cắt phăng tất cả những niệm tưởng đó thông qua chánh niệm. Theo cách đó thì các niệm tưởng sẽ biến mất một cách tự nhiên.
Câu hỏi: Nếu một niệm tưởng sinh khởi và cùng lúc được tự giải thoát, thì tại sao chúng ta lại không thể giải thoát niệm tưởng khi chúng ta nhận ra nó? Có phải là do sự nhận biết của chúng ta không phải là sự nhận biết chân thực, và sự chánh niệm của chúng ta không phải là chánh niệm chân thực?
Rinpoche: Chánh niệm luôn là chánh niệm chân thực. Tuy nhiên khi chánh niệm vẫn còn quá yếu thì nó không đủ khả năng để vượt qua được niệm tưởng. Chánh niệm quá yêu bởi vì nó chưa trở thành khuynh hướng quen thuộc của con. Vào giai đoạn đầu chúng ta không thể kỳ vọng rằng chỉ đơn thuần thông qua việc nhận biết niệm tưởng là chúng ta có thể ngay lập tức giải phóng nó – sự giải phóng niệm tưởng như thế đòi hỏi một mức độ thuần thục nhất định. Đó là lý do chúng ta cần thực hành vào mọi lúc. Nếu chúng ta thực hành như thế trong một thời gian dài thì chúng ta dần dần sẽ có khả năng giải phóng nhiều niệm tưởng hơn. Sự tỉnh giác dần dần sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Các niệm tưởng sẽ không biến mất ngay lập tức chỉ đơn thuần bởi chúng ta nhận biết chúng. Con phải thực hành liên tục trong thời gian thật dài. Nếu sân giận sinh khởi, con có thể vượt qua nó hai hay ba lần, nhưng nếu con không hoàn toàn an trụ trong chánh niệm một cách trọn vẹn thì khi sân giận quay trở lại, con sẽ không thể vượt qua được nó. Chánh niệm giống như lửa và hiện tại thì lửa của con chưa đủ mạnh. Hãy nhận ra từng niệm tưởng một và rồi sự chánh niệm của con sẽ phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn.