SỰ CHỨNG NGHIỆM GIẢI THOÁT

S.N.GOENKA

Trích: Mở Con Mắt Thiền – Nghệ Thuật Sống/ S.N.GOENKA, Thích Hạnh Chánh dịch. NXB TP.Hồ Chí Minh; năm 2002.

S. N.Goenka

là một thiền sư cư sĩ dạy thiền Vipassana theo truyền thống của Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin tại Miến Điện. Mặc dù gốc là người Ấn Độ nhưng Thiền Sư Goenka sinh trưởng và lớn lên tại Miến Điện. Trong khi sống tại đây, Thiền Sư may mắn được gặp Thiền Sư U Ba Khin và được truyền thụ phương pháp thiền Vipassana. Sau mười bốn năm tu tập với thầy, Thiền Sư Goenka trở về sinh sống tại Ấn Độ và bắt đầu giảng dạy Vipassana vào năm 1969. Tại một quốc gia bị chia rẽ bởi những khác biệt của giai cấp và tôn giáo, những khóa thiền do Thiền Sư Goenka giảng dạy đã lôi cuốn được nhiều người thuộc mọi thành phần trong xã hội. Thêm vào đó, hàng ngàn người từ nhiều quốc gia trên thế giới đã tới tham dự những khóa thiền Vipassana.

Thiền Sư Goenka đã hướng dẫn cho hàng chục ngàn người trong hơn 300 khóa thiền tại Ấn Độ và tại những quốc gia khác ở phương Đông lẫn phương Tây. Năm 1982, Thiền Sư bắt đầu bổ nhiệm những thiền sư phụ tá để giúp Ngài đáp ứng nhu cầu tổ chức thêm các khóa thiền ngày một gia tăng. Nhiều trung tâm thiền đã được thành lập dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư tại Ấn Độ, Canada, Mỹ, Úc, New Zealand, Pháp, Anh, Nhật, Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện và những quốc gia khác trên thế giới.

Phương pháp do Thiền Sư Goenka giảng dạy tượng trưng cho một truyền thống có từ thời của Đức Phật. Đức Phật không bao giờ giảng dạy một tôn giáo mang tính chất tông phái; Ngài giảng dạy Dhamma (Pháp) – con đường giải thoát – là đường lối chung cho mọi người. Với cùng truyền thống đó, phương pháp của Thiền Sư Goenka hoàn toàn không mang tính chất tông phái. Vì lý do này, sự giảng dạy của Thiền Sư thích hợp với mọi người thuộc mọi thành phần, mọi tôn giáo hoặc không thuộc tôn giáo nào, ở mọi nơi trên thế giới.

Bài dưới đây là bài trích từ quyển sách Mở Con Mắt Thiền – Nghệ Thuật Sống của Thiền Sư Goenka do Thích Hạnh Chánh dịch, NXB TP.Hồ Chí Minh ấn hành năm 2002.

Thiền sư cư sĩ S .N. Goenka

Thiền sư cư sĩ S .N. Goenka

——? ——

Giải thoát là điều có thể đạt được. Chúng ta có thể đạt được sự tự do từ các duyên tạo nghiệp, từ các khổ đau. Đức Phật giải thích: có một chân trời chứng nghiệm nằm sau toàn bộ lãnh vực vật lý, toàn bộ lãnh vực tâm lý. Đó không phải là thế giới này (ở đây nên hiểu là thế giới do chấp thủ mà có – Lời người dịch) hay thế giới khác hay cả hai, cũng không là ở nơi mặt trời hay mặt trăng. Ta gọi cảnh giới này là không sanh mà cũng không diệt, cũng không vĩnh cửu, không chết mà cũng không tái sanh. Nó hiện hữu không cần sự hỗ trợ, không phát triển, không thiết lập. Đây là cảnh giới của sự chấm dứt khổ đau.

Ngài cũng dạy rằng: “Có một cảnh giới không sinh ra, không trưởng thành, không tạo dựng, không điều kiện (Hành), không hao hụt sẽ được biết từ cảnh giới sinh ra, trưởng thành, tạo dựng, điều kiện? Nhưng do có sự không sanh, không trở thành, không hiện hữu, không điều kiện (Hành), vì thế, có sự giải thoát được biết đến từ cái có sanh, có trở thành, có hiện hữu, không điều kiện (Hành)”.

Niết bàn không phải là giai đoạn mà chúng ta đạt được sau khi chết; nó là một cái gì đó được chứng nghiệm trong mỗi chúng ta ngay tại đây và bây giờ. Niết bàn được diễn tả trong các từ mang tính phủ định không phải vì Niết bàn là sự chứng nghiệm có tính phủ định nhưng vì chúng ta không còn cách nào khác để diễn tả được nó. Mỗi ngôn ngữ có những từ ngữ để giải quyết toàn bộ phạm trù hiện tượng vật lý và tâm lý, nhưng không có một từ ngữ hay khái niệm nào để diễn tả những phạm trù nằm sau hiện tượng vật lý hay tinh thần. Nó vượt qua khỏi tất cả các phạm trù, tất cả sự phân biệt. Chúng ta chỉ có thể diễn tả Niết bàn bằng cách nói “Không phải là”. Thực tế, thật là vô nghĩa khi cố gắng diễn tả Niết bàn. Bất kỳ sự diễn tả nào sẽ là sự nhầm lẫn. Tốt hơn là không tranh luận hay tìm lý lẽ chứng minh Niết bàn, quan trọng là chứng nghiệm Niết bàn. Đức Phật dạy: “Chân lý cao cả (Niết bàn) của sự chấm dứt khổ đau phải được trực nhận tự thân mỗi người”. Khi nào chúng ta chứng nghiệm Niết bàn thì khi ấy Niết bàn thực sự đến với chúng ta; rồi thì những lý lẽ nói về Niết bàn trở nên không liên hệ gì cả.

Để chứng nghiệm Chân lý tối hậu của Giải thoát, điều cần thiết trước tiên là thẩm thấu những gì nằm sau thực tế hiện hữu. Chúng ta càng từ bỏ tham ái, sân hận, phiền não chừng nào thì chúng ta lại càng đến gần Chân lý tối hậu chừng ấy. Thực hành từng bước một, chúng ta tự nhiên đạt đến giai đoạn mà giai đoạn này sẽ dẫn đến giai đoạn kế tiếp là sự chứng nghiệm Niết bàn. Không có một điểm nào để ao ước, mong chờ; không có một lý do nào để nghi ngờ rằng Niết bàn sẽ đến. Niết bàn chắc chắn sẽ đến cho tất cả những ai thực hành Chánh pháp một cách đúng đắn. Khi Niết bàn đến thì không một ai có thể đàm thuyết gì cả. Niết bàn tùy thuộc một phần nào đó vào sự tích lũy điều kiện trợ duyên sinh nghiệp trong mỗi chúng ta, một phần trong tổng số nỗ lực mà chúng ta dùng để diệt trừ các hành nghiệp. Tất cả những gì chúng ta làm, cần phải làm để đạt được mục đích là tiếp tục quán sát mỗi cảm thọ mà không phản ứng. Chúng ta không thể xác định khi nào chúng ta sẽ chứng nghiệm Chân lý tối hậu Niết bàn, nhưng chúng ta có thể đoan quyết rằng chúng ta đang trên tiến trình đến đó. Chúng ta có khả năng kiểm soát trạng thái tinh thần hiện tại. Bằng cách duy trì sự trầm tĩnh thì dù cho bất cứ cái gì xảy ra bên ngoài hay bên trong tâm trí đi nữa, chúng ta đạt được sự giải thoát ngay phút giây ấy. Một bậc đã chứng nghiệm Chân lý tối hậu nói rằng: “Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si gọi là Niết bàn”. Trong một chừng mực nào đó, khi tâm ý giải thoát khỏi các trạng thái này, chúng ta thực chứng giải thoát.

Mỗi phút giây thực hành Thiền quán một cách đúng đắn, chúng ta có thể chứng nghiệm sự giải thoát này. Nói một cách tổng quát, Chánh pháp trong thật nghĩa của nó chắc chắn sẽ đem đến kết quả ngay tại đây và bây giờ, không phải chỉ có ở mai sau. Chúng ta phải chứng nghiệm những lợi ích thiết thực của nó một cách song hành trong khi thực tập, và mỗi bước đi phải trực tiếp đưa đến mục tiêu. Tâm trí vào lúc giải thoát khỏi các duyên (tạo nghiệp) là tâm ý của sự an bình. Mỗi phút giây ấy sẽ đem chúng ta lại gần hơn sự giải thoát hoàn toàn.

Chúng ta không thể nỗ lực để phát triển Niết bàn, vì Niết bàn không thể phát triển. Nhưng chúng ta có thể cố gắng để phát triển đặc tính đưa chúng ta đến Niết bàn, đặc tính của sự trầm tĩnh. Mỗi phút giây chúng ta quán sát thực tại mà không phản ứng, chúng ta nhìn thẩm thấu được Chân lý tối hậu. Đặc tính cao nhất của tâm trí là sự trầm tĩnh dựa trên nền tảng của sự tỉnh thức đầy đủ về Thực tại.

HẠNH PHÚC CHÂN THẬT

Một lần, có người thỉnh cầu Đức Phật giải thích về Hạnh phúc chân thật. Ngài liệt kê nhiều hành động thiện khác nhau đưa đến hạnh phúc và an lạc thực sự. Những an lạc thực sự nằm trong các chủng loại như: Các hành động thực hiện đóng góp vào sự lợi ích nhiều người bằng cách thực hành đầy đủ các trách nhiệm đối với gia đình và xã hội và các hành động làm trong sạch tâm ý. Hành động tốt đẹp của chúng ta không thể tách biệt khỏi sự tốt đẹp của cộng đồng. Và cuối cùng, Đức Phật dạy: “Khi đối diện với những thạnh suy của cuộc sống, tâm ý không được xao động, không được than vãn, trách móc, không được tạo điều kiện phát sinh phiền não, luôn luôn cảm thấy an bình. Đây là hạnh phúc lớn nhất”.

Không nên quan tâm quá đáng đến những gì sinh khởi dù cho trong thế giới vi mô của chính tâm trí ta hay là thế giới bên ngoài, chúng ta có thể đối diện nó với sự không căng thẳng mà chỉ để triệt tiêu lòng tham muốn và sân hận, nhưng với lòng hoàn toàn thanh thản với nụ cười trên môi phát sinh từ tận cùng tâm trí ta. Mỗi tình huống, vui hay không vui, mong ước hay không mong ước, chúng ta không nên bức xúc, khắc khoải, âu lo, chúng ta cảm thấy hoàn toàn an bình, sự an bình trong một sự hiểu biết của vô thường. Đây là an lạc lớn nhất.

Khi biết rằng chúng ta là chủ nhân chính mình thì không có sự việc gì có thể khuynh loát được chúng ta; chúng ta đón nhận được tất cả những gì cuộc đời dâng tặng với nụ cười thanh thản; đây là sự thăng bằng tuyệt đối của tâm trí, một sự Giải thoát đúng nghĩa. Đây là những gì chúng ta có thể đạt được bằng thực hành Thiền quán. Sự trầm tĩnh thực tế này không đơn thuần trạng thái xa lánh tiêu cực hay tích cực. Nó không phải là một sự phục tùng mù quáng hay sự thờ ơ lãnh đạm để cho những ai muốn trốn chạy khỏi những rối rắm của cuộc sống hay dúi đầu vào cát. Nói một cách chính xác hơn, sự thăng bằng chân thực của tâm trí đặt nền tảng trên sự thức tỉnh của các vấn đề rối rắm, sự nhận biết tất cả các lãnh vực của thực tại.

Sự vắng mặt của tham ái hay sân hận không ám chỉ một thái độ tụ thủ bàng quan mà trong đó chúng ta tận hưởng sự giải thoát của chính mình mà không hề đếm xỉa gì đến nỗi đau của người khác. Trái lại, sự trầm tĩnh chân thật được gọi một cách chính xác là “Sự lãnh đạm thánh thiện”. Nó là một đặc tính năng động, một sự biểu lộ của tâm trí trong sáng. Khi giải thoát khỏi sự phản ứng quen thuộc mù quáng, tâm trí lần đầu tiên có thể sử dụng hành vi tích cực để tạo dựng, sinh khởi và lợi lạc cho bản thân và cho người khác. Song hành với sự trầm tĩnh là sự sinh khởi của các đặc tính khác của tâm trí trong sáng như là: thiện chí, tình thương tìm kiếm một sự lợi lạc cho người khác mà không mong cầu sự đền trả; thương xót, trắc ẩn với những ai bị thất bại và khổ đau; chan hòa niềm vui và biểu lộ tình cảm với những ai thành công và thành đạt, thịnh vượng. Bốn đặc tính này là kết quả đương nhiên của sự thực hành Thiền quán.

Trước đây, chúng ta luôn luôn cố gắng giữ khư khư những cái gì tốt đẹp về cho mình và chuyển qua cho người khác những gì mình không ưa thích. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng sự hạnh phúc chính mình không thể nào có được bằng sự hy sinh của người khác; chúng ta tận trí rằng làm cho ai hạnh phúc là đạt được hạnh phúc cho chính mình. Vì vậy, chúng ta phải san sẻ những điều tốt đẹp của mình cho người khác. Có được sự thoát khỏi khổ đau và chứng nghiệm sự yên bình của giải thoát, chúng ta trực nhận rằng đây chính là điều tốt đẹp nhất. Vì thế, chúng ta mong ước rằng mọi người cũng có thể chứng nghiệm điều tốt đẹp tối thắng này và tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau của họ.

Đây là sự kết luận biện chứng của Thiền định Thiền quán, mettà-bhàvanà, sự phát triển tốt đẹp sẽ hướng về người khác. Trước đây, chúng ta có thể nói đãi bôi trong lúc cảm tình sinh khởi trong tận cùng tâm trí quy trình xưa cũ của tham ái và sân hận tiếp tục trôi chảy. Giờ đây, một số quy trình phản ứng đã dừng lại, thói quen xưa cũ của sự ích kỷ đã ra đi, thiện chí tốt đẹp tự nhiên tuôn chảy từ nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng ta. Với toàn bộ sức mạnh của tâm thanh tịnh đằng sau, thiện chí tốt đẹp này có thể là sức mạnh ghê gớm trong việc tạo nên một không khí an bình và hòa hợp cho sự lợi lạc muôn loài.

Có những người tưởng tượng rằng luôn luôn duy trì sự thăng bằng có nghĩa là chúng ta không còn vui thú trong tất cả lãnh vực của cuộc sống như thể là một họa sĩ có bảng màu đầy đủ các màu sắc nhưng chỉ dùng màu xám, hay như là một người có cây dương cầm chỉ chơi một nốt đô thăng. Đây là cách hiểu sai của sự trầm tĩnh. Sự thật là cây dương cầm đã lạc nhịp và chúng ta không biết làm thế nào để thể hiện. Chỉ đơn giản nện vào những nốt nhạc trên danh nghĩa của sự tự cảm hứng chỉ tạo nên những âm điệu chói tai. Nhưng nếu chúng ta học cách sử dụng nhạc cụ và thể hiện một cách chính xác thì chúng ta có thể sáng tác nhạc hay chơi nhạc được. Chúng ta sử dụng hết các dãy nốt nhạc từ thấp nhất đến cao nhất và mỗi nốt chúng ta thể hiện tạo nên sự hài hòa và tuyệt diệu.

Chúng ta sử dụng hết các dãy nốt nhạc từ thấp nhất đến cao nhất và mỗi nốt chúng ta thể hiện tạo nên sự hài hòa và tuyệt diệu.

Đức Phật dạy rằng: “Trong tu tập để trong sạch tâm và đạt được: ‘Trí tuệ đưa đến sự toàn thiện’, chúng ta trải qua sự hoan hỷ (vui thích), an bình hạnh phúc, sự tỉnh thức, tận tri (hiểu biết đầy đủ), hạnh phúc chân thật”. Với một tâm trí thăng bằng, chúng ta tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Khi hoàn cảnh vui thích diễn ra, chúng ta thưởng thức hương vị một cách hoàn toàn với sự tỉnh thức đầy đủ và không thái quá trong giây phút hiện tại. Nhưng khi sự tận hưởng trôi qua, chúng ta không buồn rầu, đau khổ. Chúng ta tiếp tục mỉm cười, hiểu rằng nó sẽ thay đổi. Tương tự như vậy, khi hoàn cảnh không vui thích hiện ra, chúng ta không phiền muộn. Thay vì phiền muộn trước sự thay đổi chúng ta hiểu nó bằng cách hiểu rõ nó, có thể chúng ta sẽ tìm ra cách thức biến đổi hoàn cảnh hay tâm lý đó. Nếu nó không nằm vào trong các lãnh vực sức mạnh nội tâm thì chúng ta vẫn duy trì sự yên bình, hiểu rõ một cách đầy đủ là sự chứng nghiệm hay trạng thái đó (buồn, vui) là vô thường, chắc chắn sẽ biến mất đi. Trong cách thức này, duy trì sự không căng thẳng, chúng ta có thể có một cuộc sống hữu ích thích thú hơn.

Câu chuyện kể rằng ở Myanmar, một số người thường phê phán những học trò của ngài U Ba Khin. Họ bảo rằng những thiền sinh này thiếu hành vi nghiêm túc thích hợp của một người tu tập Thiền quán. Trong thời gian tu tập, những người phê bình thừa nhận rằng các thiền sinh thực hành Thiền quán rất nghiêm túc như sư đòi hỏi, thế nhưng sau đó, họ có vẻ hạnh phúc và hay cười. Khi sự phê bình đến tai ngài Webu Sayadaw, một trong những bậc trưởng lão được kính trọng nhất tại Myanmar, ngài trả lời: “Họ cười vui bởi vì họ có thể cười vui”. Những nụ cười của các thiền sinh này không phải do phiền não hay vô minh mà từ Chánh pháp. Một người đã trong sạch tâm thì sẽ không cau mày hay khó chịu, hay trang nghiêm giả vờ. Khi đau khổ đã được hoán chuyển một cách tự nhiên là chúng ta cười vui. Khi học được phương pháp giải thoát một cách tự nhiên, chúng ta hạnh phúc. Nụ cười này phát xuất từ trái tim chỉ biểu lộ sự yên bình, trầm tĩnh và thiện chí tốt đẹp, một nụ cười duy trì sự tươi sáng trong mọi hoàn cảnh, là hạnh phúc chân thật. Đó là mục tiêu của Chánh pháp.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ CHỨNG NGHIỆM GIẢI THOÁT
  2. THẨM MỸ
  3. PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM TRONG LỚP HỌC

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?