NIẾT BÀN THƯỜNG VUI

ĐƯƠNG ĐẠO

Nguồn: Pháp Bảo Đàn Kinh giảng giải - Phẩm Cơ Duyên; Tác giả: Đương Đạo; NXB Thiện Tri Thức

Nhục thân Lục Tổ Huệ Năng (638-713)

Có vị tăng tên là Chí Đạo, người ở Nam Hải, Quảng Châu, đến xin chỉ dạy, thưa rằng: kẻ học đạo này từ khi xuất gia xem Kinh Niết Bàn đã hơn mười năm mà chưa rõ đại ý, xin Hòa thượng xuống ơn chỉ dạy.

Sư nói: Ông nghi như thế nào?

Thưa: Tất cả chúng sanh đều có hai thân là Sắc thân và Pháp thân. Sắc thân thì vô thường, có sanh có diệt. Pháp thân thì thường, không tri không giác.

Kinh nói: “Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”, chẳng rõ thân nào tịch diệt, thân nào thọ vui? Nếu nói sắc thân, thì khi sắc thân diệt rồi, bốn đại phân tán, hoàn toàn là khổ, khổ thì không thể nói vui được. Còn như nói Pháp thân tịch diệt, tức đồng như cỏ cây gạch đá, cái gì thọ được vui?

Lại pháp tánh là cái thể của sự sanh diệt, năm uẩn là cái dụng của sự sanh diệt. Một thể năm dụng sanh diệt là thường, sanh thì từ thể khởi ra dụng, diệt thì thu dụng về thể. Nếu cho rằng sanh lại tức là loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu cho rằng chẳng sanh lại, tức là vĩnh viễn về nơi tịch diệt, đồng với vật vô tình. Như thế thì tất cả các pháp đều bị Niết bàn cấm cản đè nén, sanh còn chẳng được, có gì vui đâu?

Cũng vì chưa thấy trực tiếp tự tánh Niết bàn nên dùng ý thức hữu hạn mà suy luận nên lầm lạc rối bời, sanh đủ thứ nghi. Mê lầm không hiểu thật tướng của sắc thân và Pháp thân, của sanh diệt và tịch diệt, của hữu tình và vô tình, của tịch diệt và vui… Những cái ấy đối nghịch nhau trong suy lường giới hạn của ý thức.

Muốn tìm hiểu những cái đối nghịch loại trừ lẫn nhau trong sanh tử, thì phải vượt khỏi ý thức và thức chấp ngã (mạt na thức) để có một kinh nghiệm ngộ, thấy trực tiếp những cái đó là gì, nếu không chúng chỉ là những danh từ và ý niệm chống đối mâu thuẫn nhau. Kinh Phật nói đến năm người mù sờ voi là như vậy.

Sư nói: Ông là con họ Thích, sao lại học tập tà kiến đoạn thường của ngoại đạo mà bàn luận pháp tối thượng thừa? Cứ như ông nói, thì ngoài sắc thân còn có riêng Pháp thân, lìa sanh diệt mà cầu nơi tịch diệt, lại suy diễn Niết bàn thường vui mà nói có thân thọ dụng. Ấy là tiếc giữ sanh tử, mê đắm cái vui thế gian.

Ông nay phải biết: Phật vì tất cả các người mê, họ nhận năm uẩn hòa hiệp làm tướng ngoại trần, rồi ham sống ghét chết, niệm niệm trôi dời, chẳng biết là mộng huyễn hư giả, uổng chịu luân hồi, lấy Niết bàn thường lạc chuyển thành tướng khổ mà trọn ngày cầu kiếm.

Vì thế Phật thương xót nên chỉ bày Niết bàn chân lạc, trong sát na không có tướng sanh, trong sát na không có tướng diệt, lại không có sanh diệt nào để diệt, đây là tịch diệt hiện tiền. Đang khi hiện tiền cũng không có cái lượng hiện tiền, mới gọi là thường lạc.

Cái lạc này không có người thọ cũng không có người không thọ, thế thì làm sao có tên một thể năm dụng? Huống gì lại nói Niết bàn cấm ngăn các pháp, làm cho vĩnh viễn chẳng sanh. Đó là báng Phật nhạo Pháp.

Thức thì phân biệt, không phải vô thường thì là thường, không phải thường tức là vô thường, không phải sanh diệt thì là chẳng sanh chẳng diệt, không phải chẳng sanh chẳng diệt tức là sanh diệt, không phải Pháp thân tức là sắc thân, không phải sắc thân tức là Pháp thân… Chính cái thức phân biệt này chia cắt thực tại, đặt tên cho những chia cắt ấy để cái toàn nguyên thành ra sanh tử.

Cho nên để thấy được, sống được cái toàn nguyên cũng tức là Niết bàn này, phải vượt khỏi thức phân biệt, đây là trí huệ thấy cái toàn nguyên, cái Niết bàn “đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt”.

Những lời chỉ dạy của Lục Tổ thật rõ ràng, quý báu đến độ được người xưa gọi là Kinh. Chúng ta học Thiền là phải tham thiền về những câu nói ấy bằng tất cả thân tâm mình cho đến khi chúng tỏ lộ ra như là thực tại xưa nay vẫn như vậy. Người tu hành phải chứng thực cái đó, để cho nó hiện tiền, không bao giờ mất nữa. Thế nên Lục Tổ nói ở trước, “Thừa có nghĩa là làm, chẳng phải nơi miệng tranh luận”.

Cái gì là mê lầm nhận năm uẩn hòa hiệp làm tướng thân tâm mình, phân biệt các pháp làm tướng ngoại trần, khiến Niết bàn thường lạc chuyển thành tướng sanh tử khổ đau? Chứng thực được sự mê lầm ấy thì sanh tử biến mất, trước mắt là Niết bàn, nhìn đâu cũng Niết bàn, đi đâu cũng Niết bàn.

Trong sát na không có tướng sanh, trong sát na không có tướng diệt, lại không có sanh diệt nào để diệt, dùng Định Huệ để thấy được cái đó, tức là thấy Niết bàn tánh Không, tức là thấy tánh. Không có tướng sanh là ngay cả khi niệm sanh thì không thấy có tướng sanh, niệm đó vẫn là vô tướng, là tướng Không vì không có tự tánh. Không có tướng diệt là ngay khi niệm đang diệt vẫn không thấy có tướng diệt, vì niệm diệt là vô tướng, là tướng Không vì không có tự tánh. Lại không có sanh diệt nào để diệt: thấy cái này là thấy Niết bàn. Phải thực hành liên tục cho đến khi thấy trực tiếp được điều này, không còn thắc mắc, nghi ngờ, vì đây là điều dĩ nhiên.

Khi đã thấy trực tiếp Niết bàn mới hiểu được tịch diệt hiện tiền là gì, Niết bàn thường lạc và không ngăn cấm các pháp, các khái niệm là gì.

Người tu hành không cần học nhiều, chỉ cần lấy một câu chánh ngữ mà tham thiền cho đến khi vỡ lẽ, cho đến khi thấy được lẽ thật này là gì. Chỉ có giới định huệ mới có thể cứu được chúng ta, còn ngôn ngữ, ý niệm chỉ là trò chơi của vọng tưởng.

Niết bàn là không sanh không diệt. Tất cả đều không sanh không diệt, tất cả là Niết bàn.

Không phải sanh tử có sanh có diệt một bên, Niết bàn không sanh không diệt một bên. Không phải tướng có sanh có diệt một bên, tánh không sanh không diệt một bên. Mà sanh tử cũng không sanh không diệt, tướng cũng không sanh không diệt, vì tướng nào cũng là vô tướng, vì tướng nào cũng là tánh. Thấy sanh tử không sanh không diệt bèn thấy sanh tử tức là Niết bàn.

Tất cả không sanh không diệt, đây là tịch diệt hiện tiền. Tất cả không sanh không diệt, đây là lạc thường hằng.

Hãy nghe kệ ta:

            Vô thượng đại Niết bàn

Tròn sáng thường tịch chiếu

Phàm ngu gọi là chết

Ngoại đạo chấp là đoạn.

Các người cầu Nhị thừa

Thấy đó là vô tác

Đều thuộc tình suy tính

Gốc sáu hai kiến chấp

Vọng lập tên hư giả

Đâu phải chân thật nghĩa.

Chỉ người vượt thức lượng

Thông đạt, không lấy bỏ

Vì biết pháp năm uẩn

Và ngã trong năm uẩn

Ngoài hiện các sắc tượng

Tất cả tướng âm thanh

Bình đẳng như mộng huyễn

Không khởi (cái) thấy phàm thánh

Không tạo (cái) thấy Niết bàn

Hai bên, ba thời dứt.

Thường ứng (nơi) dụng các căn

Mà chẳng khởi dụng tưởng

Phân biệt tất cả pháp

Chẳng khởi tưởng phân biệt.

Kiếp hỏa đốt cháy biển

Gió thổi núi chọi nhau

Chân thường tịch diệt lạc

Tướng Niết bàn như vậy.

Ta nay cưỡng nói ra

Khiến ông bỏ tà kiến

Ông chớ theo lời hiểu

Cho ông biết ít phần.

Chí Đạo nghe nói đại ngộ, hớn hở làm lễ rồi lui ra.

Tự tánh Niết bàn thì vừa tịch lặng, không sanh không diệt, tức là tánh Không, vừa chiếu soi, tức là tánh Sáng. Cái thể tròn sáng này ai cũng có, và Thiền là khám phá tự tánh tròn sáng này. Khám phá vì nó có sẵn, không phải làm ra hay trừ bớt, mà phải như Kinh Viên Giác nói, “tùy thuận”. Tùy thuận “vô thượng Đại Niết bàn, tròn sáng thường lặng chiếu”, đó là tu Thiền.

Vừa khởi lên suy nghĩ bèn rơi vào sáu mươi hai kiến chấp, bị thức tình trói buộc. Khi không còn trói buộc trong tình thức suy tính, trong cái lượng hẹp hòi của thức thì đây là trí, hay Định (Chỉ) tự nhiên, Huệ (Quán) tự nhiên, Định Huệ đồng thời tự nhiên.

Định là bản tánh không sanh không diệt của tánh Không. Huệ là tánh Sáng thấy năm uẩn và cái ngã trong năm uẩn, ta, người, thế giới đều “bình đẳng như mộng huyễn”. Bình đẳng như mộng huyễn tức là xưa nay chẳng sanh nay cũng chẳng diệt, “trong sát na không có tướng sanh, trong sát na không có tướng diệt”.

Khi đã hợp nhất tâm thức chúng sanh của mình với tánh Không và tánh Sáng, thì tất cả những gì xảy ra từ trước đến giờ ở trong khoảng cách giữa mình và tánh Không tánh Sáng đều trở thành mộng huyễn. Từ đây sống trong tánh Không tánh Sáng đều trở thành mộng huyễn. Từ đây sống trong tánh Không tánh Sáng thì tất cả những gì xảy ra đều là mộng huyễn. Đây là Như huyễn tam muội: “Bình đẳng như mộng huyễn”.

Định Huệ đồng thời là thể tịch chiếu tròn sáng ấy thường ứng hiện nơi dụng của các căn mà không có một cái ngã để khởi tưởng là dụng, phân biệt tất cả các pháp mà chẳng khởi tưởng phân biệt. Thể là tịch lặng chiếu soi thì dụng là các tướng cũng tịch lặng chiếu soi, “lại không có sanh diệt để diệt, đây là tịch diệt hiện tiền”.

Khi không khởi, không tạo cái hiểu, khi không vọng lập về phàm thánh, về Niết bàn thì chính cái không khởi không tạo không vọng lập ấy là tự tánh Niết bàn xưa nay. Tịch diệt hiện tiền là “hai bên, ba thời dứt”.

Khi “lìa tướng” thì tướng ấy thanh tịnh, nghĩa là không sanh không diệt. Tướng ấy chính là tâm vô niệm, là tánh. Bấy giờ tướng, tánh đều thanh tịnh, không sanh không diệt, đây là “chân thường tịch diệt lạc”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI – PHẦN DẪN NHẬP
  2. VỀ NGUỒN
  3. BỒ ĐỀ TÂM ĐỒNG VỚI CÔNG ĐỨC CỦA TẤT CẢ PHẬT PHÁP

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI