PADMASAMBHAVA
Khi hóa thân, Đạo sư Padmasambhava, được vua Trisong Deutsen mời và ngụ tại Samye Vinh Quang ở Núi Đỏ, Phu nhân của Ton, một người đàn bà sùng mộ phi thường, gởi người hầu là phu nhân của Margong tên là Rinchen Tso dâng cúng một bữa ăn sáng gồm sữa đặc ép với nho.
Về sau, khi đạo sư trên đường đến Samye Chimphu, khi ngài vừa qua cửa, Phu nhân của Ton lễ lạy trên đường và đi nhiễu quanh ngài, chắp tay trước mặt ngài và nói: Xin thưa, đại sư. Ngài sắp đi, và phu nhân già này sắp chết.
Trước hết, khi còn thiếu nữ, con là một tái sanh thấp kém. Bị xao lãng bởi những hoạt động, con quên Pháp. Thứ hai, trí thông minh con yếu kém. Thứ ba, con cảm thấy tối tăm do tuổi già và tâm không sáng.
Xin đại sư ban cho người phụ nữ già này một giáo huấn đòi hỏi ít khó nhọc, đơn giản để nắm giữ, dễ áp dụng và rất hiệu quả. Xin ngài ban cho một giáo huấn cho người phụ nữ già này, người ấy sẽ sớm chết.
Đạo sư trả lời: Phu nhân già lão, bà là ai?
Người phụ nữ già đáp: Con là người đã gởi một tô ăn sáng do người hầu đem đến.
Đạo sư vui vẻ nói: Con chắc chắn là một người có lòng sùng tín lớn hơn cả Trisong Deutsen.
Rồi ngài chỉ dạy phu nhân già và người hầu bằng những lời này:
Hỡi người đàn bà lớn tuổi, hãy xếp chéo chân và giữ lưng cho thẳng. Như vậy chốc lát, hãy đơn giản ở trong chú ý hoàn toàn thư giản.
Đạo sư chỉ ngón tay vào tim phu nhân lớn tuổi và dạy: Người đàn bà lớn tuổi, hãy nghe ta. Nếu bà hỏi sự khác biệt nào giữa tâm của Phật toàn giác và tâm của chúng sanh của ba cõi, thì không gì khác hơn là sự khác biệt giữa chứng ngộ và không chứng ngộ bản tánh của tâm.
Bởi vì chúng sanh không chứng ngộ bản tánh này, mê lầm xảy ra và từ vô minh này vô số loại khổ đau đi đến. Những chúng sanh như vậy lang thang trong sanh tử. Chất liệu căn bản của Phật quả ở trong họ nhưng họ không nhận biết nó.
Trước hết, chất liệu căn bản của Phật quả đang ở trong con. Hơn nữa, nó không nhiều hơn ở đàn ông và ít hơn ở đàn bà. Như thế. Dù con sanh ra làm đàn bà, con không bị ngăn cản gì trong việc đạt Phật quả.
Tám vạn bốn ngàn pháp môn được dạy để nhận biết và chứng ngộ tâm trí huệ của chư Phật, nhưng sự thấu hiệu này chứa đựng trong ba lời chỉ dạy của một vị thầy. Như vậy dù con có trí thông minh kém cỏi, con không bị thiệt thòi gì.
Bây giờ, nghĩa của Pháp, tâm Phật, và ba lời chỉ dạy của đạo sư là thế này: Bằng cách tịnh hóa những đối tượng được tri giác bên ngoài, những tri giác của con được tự do trong chính chúng. Bằng cách tịnh hóa tâm đang tri giác bên trong, tỉnh giác không bám víu của con được tự do trong chính nó. Khi sự tỉnh thức rõ biết sáng tỏ ở giữa được an vui, con nhận biết tự tánh của con.
Những đối tượng được tri giác bên ngoài được tịnh hóa như thế nào? Tỉnh giác hiện tại này, trạng thái giác ngộ của tâm, thì không bị tư tưởng làm hư hỏng và trị giác như là một sự sáng tỏ tự nhiên. Hãy để nó như vậy, và những đối tượng vẫn được tri giác mà không có bám víu vào. Theo cách này, bất kể hình tướng nào xuất hiện, chúng vốn không thật và không được xem là những sự vật có thật. Như vậy, bất kể cái gì con tri giác, dù là đất hay đá, núi hay vực, cây hay cỏ, nhà hay lâu đài, tài sản hay dụng cụ, bạn hay thù, chồng hay vợ, con trai hay con gái … con không thấy là của ta; và như thế, chúng được tri giác nhưng không cho là hiện hữu theo cách ấy. Do thoát khỏi bám víu vào bất cứ cái gì, con được tịnh hóa khỏi những đối tượng được tri giác ở ngoài.
Những đối tượng được tịnh hóa không có nghĩa là con ngừng tri giác. Nó có nghĩa không bám giữ trong khi sáng tỏ và trống không. Giống như thí dụ những phản chiếu trong một tấm gương, chúng xuất hiện nhưng trống không, trong đó không có cái gì để bám vào, và những tri giác của con được biết là những tri giác xảy ra cho chính con.
Nhờ tâm đang tri giác bên trong được tịnh hóa, đây là sự chỉ dạy giải thoát tỉnh giác không bám víu trong chính nó: Bất kể cái gì xảy ra trong tâm con – dòng tư tưởng, trí nhớ, hay năm cảm xúc độc hại khi con không bám trụ vào chúng, thì chuyển động tan biến bởi tự nó; như vậy con không ô nhiễm bởi những lỗi của sự suy nghĩ.
Không có sai sót bên trong không có nghĩa là trở thành một tảng đá vô tri. Nó có nghĩa là tỉnh giác của con tồn tại thoát khỏi những lỗi lầm của sự suy nghĩ, giống như thí dụ đã đi đến một đảo toàn bằng vàng; trên đảo vàng ấy, thậm chí tên “hòn đá” cũng không có. Cũng thế, một khi tư tưởng của con tan vào cái tỉnh thức rõ biết bổn nguyên, thậm chí không có cái tên “tư tưởng”.
Khi sự tỉnh thức rõ biết sáng tỏ ở giữa được an vui, đây là sự chỉ dạy nhận biết tự tánh của con: Khi thực hành, thoát khỏi sự không biết, thức của con thì trong sáng, thanh tịnh và tỉnh thức. Khi thực hành, con có kinh nghiệm cái tỉnh thức rõ biết của con không bị hư hỏng bởi ý niệm cũng không bởi bám níu vào lạc, trong sáng, hay không có tư tưởng. Bản thân cái ấy là tâm Phật, con nhận biết tự tánh của con.
Giống như thí dụ không cần tưởng tượng mẹ của con là mẹ của con, con không sợ hãi do nghĩ rằng bà không phải là mẹ của con. Tương tự, khi tỉnh giác của con nhận biết rằng nó là bản tánh vốn có của pháp tánh, con sẽ không tưởng tượng một cách sai lầm nữa rằng những hiện tượng của sanh tử là bản tánh vốn có – dù không biết nó, con cũng không bao giờ lìa khỏi bản tánh vốn có của pháp tánh.
Khi điều này được biết là sự tu hành không tạo tác, bà mẹ pháp tánh là sự kiện rằng tất cả mọi hiện tượng là không có tự tánh; chỗ ở của pháp tánh là sự nhận biết rằng chúng không có tự tánh; và biết tự tánh của con bởi chính con được gọi như thế bởi vì con nhận biết rằng tỉnh giác của con là không gian vốn có của pháp giới.
Khi con đã nhận biết điều này, không có sự sanh ra cao cấp hay thấp kém, không có những hoạt động cao hơn hay thấp hơn, không có trí thông minh sắc bén hay yếu ớt, không có học rộng hay hẹp, không có già hay trẻ, không có tâm trong sáng hay mờ tối.
Đây là một giáo huấn ít khổ nhọc nhưng đơn giản để nắm giữ, dễ áp dụng nhưng rất hiệu quả, với nó con sẽ không còn sợ vào lúc chết. Phu nhân lớn tuổi, hãy thực hành nó! Hãy siêng năng, vì cuộc sống không chờ đợi! Con không có phần thưởng nào từ sự làm nô lệ cho chồng và con cái, thế nên chớ trở về tay không, nhưng hãy đem theo những đồ dự trữ của những giáo huấn của đạo sư! Công việc của đời này thì không cùng, thế nên hãy đạt đến hoàn thiện trong thực hành thiền định!
Phu nhân lớn tuổi, hãy giữ lời khuyên này như tùy tùng của con cho sự không sợ hãi lúc chết!
Ngài nói như vậy. Bởi vì đạo sư ban cho giáo huấn này khi chỉ ngón tay vào tim người đàn bà lớn tuổi, nó được biết như là “Giáo huấn Chỉ thẳng cho Phu nhân Lớn tuổi”. Khi nghe lời dạy này, phu nhân lớn tuổi và người hầu cả hai đều được giải thoát và thành tựu.
Đức Bà Tsogyal viết lại cho sự lợi lạc của những thế hệ tương lai. Nó được viết ra trên triền dốc Samye vào ngày mười bảy tháng thứ hai mùa hè năm con Thỏ.
Cất giấu như kho tàng terma cho lợi lạc của những thế hệ tương lai,
Nguyện nó gặp một hóa thân xứng đáng! Nguyện nó dạy chúng sanh theo những cách thích hợp!
Qua đây, nguyện cho người đủ duyên giải thoát dòng hiện sinh của họ!
ẤN, ẤN, ẤN