ERICH FROMM
Trích: Trốn Thoát Tự Do/ Erich Fromm; Bùi Thanh Châu dịch;NXB Từ Điển Bách Khoa; 2007
——
Trong chương trước chúng ta đã tập trung phân tích ý nghĩa tâm lý của những học thuyết chính yếu của đạo Tin Lành. Nó chứng tỏ rằng những học thuyết tôn giáo mới là một giải pháp cho những nhu cầu tinh thần vốn nảy sinh từ sự sụp đổ của hệ thống xã hội trung cổ và từ sự bắt đầu của chủ nghĩa tư bản. Sự phân tích xoay quanh vấn đề về ý nghĩa hai mặt của tự do chỉ ra rằng sự tự do thoát khỏi những mối ràng buộc truyền thống của xã hội trung cổ, qua việc trao cho cá nhân một cảm thức độc lập mới mẻ, đã khiến hắn cảm thấy cô đơn và xa cách, nhấn chìm hắn trong hoài nghi và hoang mang, đồng thời xô đẩy hắn vào sự tuân phục mới và vào một khuynh hướng hoạt động khiên cưỡng và phi lý.
Trong chương này, tôi muốn chứng tỏ rằng sự phát triển xa hơn nữa của xã hội tư bản chủ nghĩa đã tác động đến cá nhân theo phương hướng vốn đã diễn ra từ thời kỳ cải cách.
Với những học thuyết của đạo Tin Lành, con người được chuẩn bị về mặt tâm lý cho vai trò mới mà hắn đảm nhiệm trong hệ thống công nghiệp hiện đại. Hệ thống này, về phương diện thực tiễn, và cả phương diện tinh thần nảy sinh từ đó, vươn tới mọi ngóc ngách của cuộc sống, nhào nặn nên toàn thể tính cách con người và làm nổi bật những sự tương phản ta đã đề cập trong chương trước: nó phát triển con người – đồng thời khiến hắn bất lực hơn; nó tăng tiến sự tự do – và tạo ra những ràng buộc lệ thuộc theo cung cách mới. Chúng ta không cố gắng mô tả tác động của chủ nghĩa tư bản lên toàn thể kết cấu tính cách con người, vì chúng ta chỉ tập trung vào một khía cạnh của một vấn đề chung: tính biện chứng của tiến trình phát triển tự do. Mục đích của chúng ta là chứng tỏ rằng cấu trúc của xã hội cận đại đã đồng thời tác động lên con người trên hai phương diện: hắn trở nên độc lập, tự tin và nghiêm khắc hơn, đồng thời cũng xa cách, cô đơn và sợ hãi hơn. Việc hiểu thấu toàn diện vấn đề tự do tùy thuộc vào chính khả năng nhìn nhận cả hai phương diện của tiến trình và đừng bỏ qua một phương diện nào trong khi theo đuổi phương diện kia.
Điều này quả khó khăn, vì theo lệ thường chúng ta hay suy nghĩ theo cung cách phi biện chứng và có xu hướng hoài nghi: liệu hai khuynh hướng trái ngược nhau có thể đồng thời xảy ra từ một nguyên nhân duy nhất không? Hơn thế nữa, mặt tiêu cực của tự do, gánh nặng đè lên vai con người, khó có thể được nhận ra, nhất là đối với những kẻ vốn nặng lòng với cứu cánh của tự do. Bởi trong cuộc tranh đấu vì tự do trong lịch sử cận đại, người ta chỉ chú tâm vào việc đánh đổ những hình thái quyền lực và sự câu thúc cũ, cũng là lẽ tự nhiên khi người ta vẫn nghĩ rằng những câu thúc xưa cũ càng bị xóa bỏ, con người càng có được nhiều tự do hơn. Tuy nhiên, chúng ta thất bại trong việc nhìn nhận một cách toàn diện rằng mặc dù con người đã giải phóng bản thân khỏi những cựu thù của tự do, nhưng những kẻ thù mới với bản chất khác đã xuất hiện, bản chất không phải là những câu thúc từ bên ngoài, mà là những nhân tố bên trong đã ngăn trở sự nhận thức một cách trọn vẹn tự do cá nhân. Chẳng hạn, chúng ta tin tự do tín ngưỡng là một trong những chiến thắng cuối cùng của tự do. Chúng ta không nhìn nhận một cách đầy đủ rằng trong khi nó là một chiến thắng trên những quyền uy của giáo hội và nhà nước vốn không cho phép con người thờ phụng theo phương thức của chính mình, thì con người hiện đại đã đánh mất niềm tin tinh thần to lớn vào bất kỳ điều gì không thể chứng thực bằng những phương pháp của khoa học tự nhiên. Một thí dụ khác, chúng ta vẫn nghĩ quyền tự do ngôn luận là bước cuối cùng trong hành trình chinh phục tự do. Nhưng chúng ta đã quên một điều, mặc dù có quyền tự do ngôn luận nhưng con người hiện đại lại ở trong một hoàn cảnh mà phần lớn những gì “hắn” cảm nghĩ và nói năng cũng đều là của mọi người, hắn không có được khả năng tư duy một cách sáng tạo. Hơn nữa, chúng ta lấy làm tự đắc vì con người đã dần thoát khỏi những quyền uy bên ngoài, thứ quyền uy vốn có thể sai bảo ta phải làm gì và không làm gì. Chúng ta đã lờ đi vai trò của những uy quyền vô danh như “ý kiến công luận” và “ý thức cộng đồng”, vốn cũng rất mạnh mẽ; vì lẽ chúng ta rất sẵn lòng làm theo những gì mọi người mong đợi ở ta và hơn nữa ta lại vô cùng lo sợ việc bị cô lập. Nói cách khác, chúng ta bị mê hoặc bởi sự phát triển tự do đối với những quyền lực bên ngoài và nhắm mắt làm ngơ trước sự tồn tại của những mối ràng buộc, thôi thúc, sợ hãi từ bên trong, vốn có khuynh hướng làm xói mòn ý nghĩa sự chiến thắng của tự do đối với những kẻ thù truyền thống của nó. Vì lẽ đó, chúng ta có khuynh hướng cho rằng vấn đề tự do chỉ đơn thuần là việc góp nhặt cung cách tự do ta đã từng có được trong lịch sử cận đại, đồng thời tin rằng việc gìn giữ tự do trước những sức mạnh phủ định nó là tất cả những gì cần thiết. Chúng ta quên rằng, mặc dù mỗi một sự tự do giành được đều phải được hết sức giữ gìn, tự do không chỉ là vấn đề số lượng mà còn là chất lượng; rằng chúng ta không chỉ phải gìn giữ và tăng cường tự do truyền thống, mà còn phải đạt được một phương thức tự do mới, nó cho phép chúng ta nhận ra cá nhân mình, để có niềm tin vào bản thân và vào cuộc đời.
Bất kỳ sự đánh giá phê phán nào về tác động mà hệ thống công nghiệp gây nên trên cung cách tự do tinh thần này đều phải bắt đầu bằng việc thấu hiểu ý nghĩa của chủ nghĩa tư bản trong bước tiến triển vượt bậc của cá tính con người. Thực ra, bất kỳ sự đánh giá nào về xã hội cận đại mà lờ đi phương diện này phải chứng tỏ là được bắt nguồn từ chủ nghĩa lãng mạn phi lý và là sự ngờ vực của chủ nghĩa tư bản hay xét đoán, không vì mục đích xây dựng, mà vì mục đích phá hoại những thành tựu quan trọng nhất của con người trong lịch sử cận đại.
Điều gì đạo Tin Lành làm để giải phóng con người về mặt tâm hồn, chủ nghĩa tư bản tiếp tục thực hiện về mặt tinh thần, xã hội và chính trị. Sự tự do kinh tế là nền tảng của bước phát triển này, tầng lớp trung lưu là chiến sĩ. Cá nhân không còn bị trói buộc vào một hệ thống xã hội cố định, cá nhân có thể dựa trên truyền thống và với một sự tiền dự trữ tương đối nhỏ để vượt lên những hạn định truyền thống. Hắn có thể kỳ vọng sự thành công từ lợi ích kinh tế cá nhân với điều kiện là phải cần cù, thông minh, can đảm, tiết kiệm, hay có vận may dẫn dắt con người. Cơ hội thành đạt là của hắn, mỗi người phải chiến đấu chống lại nguy cơ mất mát và trở thành một trong những kẻ bị tận diệt hay mang thương tích trong cuộc chiến kinh tế khốc liệt. Dưới chế độ phong kiến, những hạn định đối với sự mở mang cuộc sống đã bày sẵn trước khi con người sinh ra, nhưng dưới chế độ tư bản chủ nghĩa thì cá nhân, nhất là thành viên của tầng lớp trung lưu, có cơ hội – mặc dù có nhiều hạn chế – thành công dựa vào chính phẩm chất và hành động của mình. Hắn xác định mục tiêu trước mắt theo hướng đó để phấn đấu. Hắn học cách dựa vào chính mình, đưa ra những quyết định có trách nhiệm, từ bỏ những luận điệu mê tín để vừa xoa dịu vừa đe dọa. Con người ngày càng vượt lên trên sự ràng buộc của tự nhiên; hắn làm chủ những thế lực của tự nhiên đến một mức độ chưa từng có và không thể mơ thấy nổi trong lịch sử trước đó. Con người trở nên bình đẳng; sự dị biệt đẳng cấp và tôn giáo, vốn từng là những ranh giới tự nhiên ngăn trở sự hòa hợp giữa loài người, đã biến mất, và con người biết nhìn nhận nhau như là những thực tại nhân bản. Thế giới dần được giải phóng khỏi những hiện tượng kỳ bí; con người bắt đầu nhìn nhận chính mình một cách khách quan và ngày một ít ảo tưởng hơn. Bên cạnh đó sự tự do chính trị cũng phát triển. Dựa vào sức mạnh của địa vị kinh tế, tầng lớp trung lưu đang đi lên có thể giành được quyền lực chính trị và tạo ra được nhiều khả năng cho sự phát triển kinh tế. Những cuộc cách mạng vĩ đại ở Anh và Pháp, cuộc đấu tranh vì nền độc lập ở châu Mỹ, là những cột mốc quan trọng của sự phát triển này. Đỉnh điểm của sự phát triển tự do trong lĩnh vực chính trị là việc bầu ra nhà nước dân chủ cận đại dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa con người và quyền lợi ngang nhau của mọi người. Mọi người được phép hành động vì lợi ích của chính mình và đồng thời theo một chính kiến vì sự thịnh vượng của cộng đồng dân tộc.
Tóm lại, chủ nghĩa tư bản không chỉ giải phóng con người khỏi những ràng buộc truyền thống, mà còn góp phần to lớn đến sự thăng tiến tự do tích cực, đến sự phát triển của một tính cách tự thân hành động, suy xét và chịu trách nhiệm.
Nhân tố đầu tiên được đề cập ở đây là một trong những tính chất phổ biến của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa: nguyên tắc hành động cá nhân. Trái ngược với chế độ phong kiến thời Trung cổ, ở đó mọi người đều có vị thế cố định trong một hệ thống xã hội có tôn ti rõ ràng, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa để cá nhân tự đứng trên đôi chân mình. Hắn làm gì, hắn hành động ra sao, hắn thành công hay thất bại hoàn toàn là việc của hắn. Việc nguyên tắc này đã thúc đẩy tiến trình cá thể hóa là điều rõ ràng và luôn luôn được đề cập đến như một mục quan trọng của nền văn hóa hiện đại. Nhưng trong khi thúc đẩy “tự do được giải thoát”, nguyên tắc này giúp cắt đứt mọi mối ràng buộc giữa cá nhân với người khác và vì thế mà bỏ rơi và chia cách cá nhân khỏi đồng loại. Bước phát triển này đã được chuẩn bị trong những học thuyết của thời kỳ cải cách. Trong giáo hội Cơ Đốc, mối liên hệ giữa cá nhân với Thượng Đế dựa vào tư cách thành viên của giáo hội, Giáo hội là cầu nối giữa con người và Thượng Đế, vì lẽ đó một mặt nó hạn định cá tính hắn, nhưng mặt khác cho phép hắn đối diện Thượng Đế với tư cách là một thành phần không tách rời của một nhóm cộng đồng. Đạo Tin Lành để cá nhân mình đối diện với Thượng Đế. Niềm tin, theo ý nghĩa của Calvin, là một kinh nghiệm hoàn toàn chủ quan, và, niềm tin vào sự cứu rỗi cũng có tính chủ quan tương tự. Cá nhân phải đối diện với Thượng Đế trong cô đơn hẳn không thể không cảm thấy bị xô đẩy và tìm kiếm sự cứu rỗi trong sự tuân phục tuyệt đối. Về phương diện tâm lý, chủ nghĩa cá nhân về tinh thần không quá khác biệt so với chủ nghĩa cá nhân về kinh tế. Trong hai trường hợp, cá nhân đều hoàn toàn cô đơn và trong cô đơn hắn phải đối mặt với sức mạnh siêu nhiên, là Thượng Đế, những đối thủ cạnh tranh, hay những thế lực kinh tế. Mối liên hệ giữa cá nhân với Thượng Đế là sự chuẩn bị tâm lý cho những hành vi thế tục mang tính cá nhân của con người.
Trong khi tính cá nhân của hệ thống kinh tế là một nhân tố không thể bác bỏ thì tác động của chủ nghĩa cá nhân về kinh tế ngày càng gây nên tình trạng cô độc ở mỗi người là có vẻ đáng hoài nghi, vấn đề chúng ta sắp thảo luận giờ đây mâu thuẫn với một vài quan niệm phổ biến nhất về chủ nghĩa tư bản. Những quan niệm cho rằng trong xã hội hiện đại, con người đã trở thành trung tâm và mục đích của mọi hoạt động, rằng những gì hắn làm đều là làm cho mình, rằng nguyên tắc về tính tư lợi và ích kỷ là những động lực toàn năng trong phạm vi hoạt động của con người. Nó tiếp diễn theo sau những gì ta đã đề cập ở đầu chương này và chúng ta tin rằng điều đó dùng đến một chừng mực nào đó. Trong bốn trăm năm qua, con người đã làm nhiều điều vì bản thân, vì mục đích của chính mình. Dẫu rằng nhiều thứ xem ra là mục đích của hắn lại không phải của hắn, ở đây ta muốn ám chỉ “hắn”, không phải là “anh công nhân”, “nhà sản xuất”, mà là con người cụ thể với tất cả những tiềm năng cảm xúc, trí tuệ và giác quan, Bên cạnh việc khẳng định nhân vị mà chủ nghĩa tư bản mang lại, nó cũng thừa nhận sự tự phủ định và chủ nghĩa khổ hạnh vốn tiếp diễn một cách trực tiếp từ tinh thần của đạo Tin Lành.
Để làm sáng tỏ luận đề này, trước hết ta phải đề cập đến một sự kiện đã nói trong chương trước. Trong hệ thống phong kiến, tiền bạc là tôi tớ của con người, nhưng trong hệ thống hiện đại, nó trở thành chủ nhân. Trong xã hội trung cổ, những hoạt động kinh tế là phương tiện cho một mục đích; đó chính là đời sống, hoặc – hiểu theo lối của giáo hội Cơ Đốc – là sự cứu rỗi linh hồn của con người. Những hoạt động kinh tế là điều cần thiết, thậm chí tiền của có thể phụng sự cho ý hướng Thượng Đế, nhưng tất cả những hoạt động bên ngoài đó chỉ có ý nghĩa và chân giá trị khi nó đưa con người đến gần những cứu cánh của cuộc sống. Hoạt động kinh tế và ước muốn lợi lộc vì chính mục đích tiền bạc vốn thật phi lý đối với nhà tư tưởng trung cổ thì trong tư tưởng cận đại sự phi lý đó đã không còn.
Trong mọi vận động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, sự thành đạt, lợi lộc vật chất, đã trở thành cứu cánh. Nó thúc đẩy con người góp phần vào sự phát triển của hệ thống kinh tế để tích lũy tiền của chứ không vì hạnh phúc hay cứu rỗi con người, đó là một mục đích tự thân. Con người trở thành một mắt xích trong guồng máy kinh tế và là mắt xích quan trọng nếu anh có nhiều tiền của là mắt xích tầm thường nếu anh không có thứ đó – nhưng luôn là mắt xích phục vụ cho một mục tiêu bên ngoài việc sẵn lòng phụng sự những cứu cánh siêu việt, con người thật sự đã được dọn đường bởi đạo Tin Lành, dẫu chẳng có gì vượt xa tư tưởng của Luther và Calvin hơn việc chỉ tán thành cái uy thế của những hoạt động kinh tế. Nhưng trong lý thuyết thần học của mình, họ đã đặt nền tảng cho sự phát triển bằng cách phá vỡ cột trụ tinh thần của con người, sự ý thức về phẩm giá và lòng tự tôn của hắn, bằng việc rao dạy hắn hành động phải phù hợp với những mục đích bên ngoài.
Như ta đã thấy trong chương trước, một mấu chốt chủ yếu trong học thuyết Luther là việc ông nhấn mạnh sự xấu ác trong bản chất con người và sự vô dụng của ý chí. Calvin đã nhấn mạnh tương tự trên tính đồi bại của con người và đưa cái ý tưởng con người phải hết sức tự hạ lòng tự tôn vào trung tâm toàn bộ hệ thống tư tưởng của ông; hơn thế nữa, mục đích của cuộc đời con người chỉ đơn thuần là tôn vinh Thiên Chúa. Vì lẽ đó, về mặt tâm lý, Luther và Calvin đã chuẩn bị cho con người vào vai trò hắn phải đảm nhận trong xã hội hiện đại: vai trò mà bản thân hắn cảm thấy vô nghĩa và sẵn sàng đặt cuộc đời dưới những mục đích hoàn toàn không phải của mình. Một khi con người đã sẵn sàng trở nên không là gì cả ngoài phương tiện để tôn vinh Thiên Chúa – kẻ chẳng phải là hiện thân của công lý lẫn tình yêu, hắn đã đủ sẵn sàng để chấp nhận vai trò một người nô lệ cho cơ cấu kinh tế – và rốt cuộc là một nhà lãnh đạo”.
Sự phụ thuộc của cá nhân, như một phương tiện vào những cứu cánh kinh tế dựa trên tính chất đặc thù của việc sản xuất theo kiểu tư bản chủ nghĩa, khiến cho việc tích lũy tư bản trở thành mục tiêu và đích đến của sự vận động kinh tế. Một người làm việc vì mục đích kiếm tiền, nhưng tiền do hắn làm ra không để tiêu xài mà để đầu tư thành đồng vốn mới; đồng vốn tích lũy đó mang lại nhiều lợi nhuận hơn rồi lại được tái đầu tư, và cứ thế tạo thành một vòng tròn khép kín. Đương nhiên luôn có những tay tư bản tiêu tiền một cách xa hoa hoặc “đốt tiền để chơi trội”, nhưng tầng lớp điển hình cho chủ nghĩa tư bản thì ham thích công việc – chứ không phải ham thích tiêu tiền. Nguyên tắc tích lũy tiền của thay vì dùng nó để tiêu xài chính là tiền đề cho những thành tựu vĩ đại của hệ thống công nghiệp hiện đại của chúng ta. Nếu con người không có nguyên tắc sống để làm việc và mong muốn đầu tư thành quả công việc mình vào mục đích tăng năng suất của hệ thống kinh tế, sự tiến bộ của chúng ta trong việc làm chủ thiên nhiên sẽ chẳng bao giờ thực hiện được; nhờ sự phát triển sản xuất trong xã hội này mà lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có thể mường tượng một tương lai trong đó cuộc tranh đấu không ngừng để thỏa mãn những nhu cầu vật chất sẽ không còn nữa. Song, nguyên tắc làm việc vì mục đích tích lũy tiền của, về phương diện khách quan, có ý nghĩa lớn lao đối với tiến bộ của nhân loại, nhưng về mặt chủ quan, nó thúc đẩy con người làm việc vì những mục đích ngoài cá nhân, khiến hắn trở thành nô lệ cho chính cỗ máy hắn đã dựng nên, và do đó mang lại trong hắn một cảm thức vô nghĩa và bất lực cá nhân.
Những cá nhân bất kể họ là nhà tư bản lớn hay nhỏ, họ đã dành hết cuộc đời cho việc thực hiện chức năng kinh tế của mình, cho việc tích lũy tiền của. Về phần những người không có tiền của và phải kiếm sống bằng việc bán sức lao động của mình thì sao? Tác động tâm lý bởi địa vị kinh tế của họ cũng chẳng khác biệt là bao so với nhà tư bản. Thứ nhất, người làm công phải phụ thuộc vào những quy luật thị trường, vào sự hưng thịnh hay trì trệ, vào tác dụng của những cải tiến kỹ thuật nằm trong tay ông chủ của họ. Họ bị thao tùng một cách trực tiếp, và đối với họ, ông chủ trở thành hiện thân của uy quyền vượt trội. Điều này đặc biệt đúng đối với địa vì người công nhân từ đó trở đi và trong suốt thế kỷ XIX. Từ sau lúc ấy, phong trào công đoàn đã mang lại cho giai cấp công nhân phần nào quyền lợi của chính họ và vì thế mà thay đổi hoàn cảnh mà trong đó người công nhân chỉ là một đối tượng của sự thao túng.
Bên cạnh sự lệ thuộc trực tiếp và mang tính cá nhân vào ông chủ, người làm công, cũng như toàn thể xã hội, bị nhấn chìm trong một tinh thần phụng sự cho những mục đích bên ngoài cá nhân mà chúng ta đã mô tả như là tính cách điển hình của những tay chủ tư bản. Điều này chẳng có gì lạ. Trong bất kỳ xã hội nào, tinh thần của toàn thể nền văn hóa đều được quyết định bởi tinh thần của những tầng lớp quyền lực nhất trong xã hội đó. Điều đó đúng phần nào bởi vì những tầng lớp này nắm quyền điều khiển hệ thống giáo dục, trường học, nhà thờ, báo chí, nhà hát kịch nghệ, và bằng cách đó họ tuyên truyền trong dân chúng những tư tưởng của mình; hơn thế nữa, những tầng lớp quyền lực này có được nhiều thanh thế đến mức những giai cấp bên dưới sẵn sàng thừa nhận và nói theo những chuẩn mực và đồng nhất về phương diện tâm lý.
Đến đây chúng ta quả quyết rằng kiểu sản xuất từ bản chủ nghĩa đã biến con người thành công cụ cho những mục tiêu kinh tế vượt trên cá nhân, và tăng cường sự vô nghĩa nơi cá nhân mà đạo Tin Lành là sự chuẩn bị về mặt tâm lý. Tuy nhiên, luận điểm này mâu thuẫn với sự kiện rằng con người hiện đại dường như không bị thúc đẩy bởi sự hy sinh và chủ nghĩa khổ hạnh mà bởi tính ích kỷ tột cùng và sự mưu cầu lợi ích cá nhân. Làm sao chúng ta có thể hòa giải sự kiện rằng, về mặt khách quan hắn trở thành kẻ nô lệ phụng sự cho những mục đích không phải của mình, còn về mặt chủ quan hắn vẫn tin rằng bản thân bị thúc đẩy bởi tính tự lợi? Chúng ta làm thế nào để điều hòa tinh thần của đạo Tin Lành với học thuyết hiện đại về tính tư lợi vốn tuyên bố rằng, vận dụng công thức của Machiavelli (một chính khách đầy thủ đoạn và gian xảo), tính ích kỷ là động cơ mãnh liệt nhất trong cách hành xử của con người, nỗi khao khát lợi ích cá nhân mạnh hơn tất cả những lý lẽ đạo đức, và con người thà chịu nhìn thấy cha hắn chết còn hơn là để mất cơ đồ của mình? Sự mâu thuẫn đó có thể được làm sáng tỏ bằng việc giả định rằng sự nhấn mạnh tính không ích kỷ chỉ là một chiêu bài tư tưởng để che đậy tính vị kỷ bên dưới? Điều này chỉ đúng trong chừng mực nào đó, nên chúng ta không chấp nhận đây là câu trả lời trọn vẹn. Để chỉ ra được phương hướng có vẻ là lời giải đáp cho vấn đề, chúng ta phải xem xét những rắc rối tâm lý của vấn đề tính ích kỷ.
Ý nghĩa giả định đằng sau tư tưởng của Luther và Calvin cũng như của Kant và Freud: Tính ích kỷ tương đồng với lòng tự ái. Yêu tha nhân là một đức hạnh, còn yêu bản thân lại là tội lỗi. Xa hơn nữa, tình yêu tha nhân và tình yêu chính mình loại trừ lẫn nhau.
Về lý thuyết, ở đây chúng ta gặp phải một quan điểm sai lầm về bản chất của tình yêu. Tình yêu không phải chủ yếu “được gây ra” bởi một đối tượng đặc biệt, mà đó là một đặc tính mong manh trong đó con người vốn chỉ được xây dựng bởi một “đối tượng” nhất định. Lòng căm ghét là một ước muốn mãnh liệt được tàn phá, tình yêu là sự khẳng định mạnh mẽ một “đối tượng”; nó không phải là một “xúc cảm” mà là một sự nỗ lực hành động và hòa hợp tinh thần, mục tiêu của nó là hạnh phúc, đem lại sự phát triển, và tự do cho đối tượng của mình. Đó là một thiện chí và có thể chuyển sang bất kỳ người nào hay đối tượng nào bao gồm cả chúng ta. Tình yêu độc nhất tự bản chất là điều mâu thuẫn. Thật vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà một người nào đó trở thành “đối tượng” của tình yêu. Những nhân tố quy định trong sự lựa chọn một tình yêu cụ thể rất nhiều và quá phức tạp để có thể bàn luận ở đây. Tuy nhiên, điểm quan trọng, đó là tình yêu dành cho một “đối tượng riêng biệt chỉ là sự hiện thực hóa và tập trung tình yêu vào cho một người, chứ không phải trên đời chỉ có duy nhất một người để chúng ta có thể yêu, rằng việc tìm thấy người đó là một cơ may vĩ đại trong cuộc đời chúng ta, rằng tình yêu dành cho người đó khiến ta rời bỏ tất cả những người khác. Kiểu tình yêu chỉ có thể được cảm nghiệm, liên quan đến một người được chứng minh rằng đó không phải là tình yêu mà là sự gắn bó mang tính ác-thống dâm. Sự xác quyết nền tảng hàm chứa trong tình yêu hướng về phía người được yêu như là một hiện thân của những đặc tính thuộc bản chất con người. Tình yêu dành cho một người là yêu thương con người đó theo đúng nghĩa. Tình yêu con người đúng nghĩa không phải là một cái nhìn trừu tượng đến “sau” tình yêu dành cho một người riêng biệt nào đó, hay là sự mở rộng của kinh nghiệm với một “đối tượng” đặc biệt; nó là tiền đề; mặc dù về mặt di truyền, nó có được trong sự tiếp xúc với những con người cụ thể.
Từ đây rút ra rằng, chính bản ngã tôi cũng là một đối tượng tình yêu của tôi như bất kỳ ai khác. Sự xác quyết của đời sống tôi, hạnh phúc, sự phát triển, tự do được bắt nguồn từ sự hiện diện của thiện chí đích thực và khả năng của sự xác quyết đó. Nếu một cá nhân có được thiện chí này, hắn ta cũng có được đối với chính mình; nếu hắn chỉ có thể “yêu” tha nhân, hắn chẳng thể yêu thương gì khác cả.
Tính ích kỷ không tương đồng với sự tự yêu mình nếu không muốn nói là rất trái ngược. Tính ích kỷ là một thuộc tính tham lam. Giống như mọi tính tham lam nó là một thói tham lam vô độ, mà kết quả của nó là chẳng bao giờ được thỏa mãn thực sự. Lòng tham là một cái hố không đáy làm kiệt quệ con người trong một nỗ lực bất tận để thỏa mãn nhu cầu không bao giờ thực sự được đáp ứng, Để ý kỹ ta thấy rằng những kẻ ích kỷ luôn luôn lo lắng cho bản thân mình, hắn chẳng bao giờ được thỏa mãn, luôn bồn chồn, luôn bị xô đuổi bởi nỗi sợ không chiếm hữu cho đủ, sợ mất mát hay bị tước đoạt cái gì đó. Hắn chìm đắm trong nỗi đố kỵ gay gắt đối với bất kỳ ai có nhiều hơn hắn. Nếu quan sát tỉ mỉ hơn, nhất là những động cơ vô thức, ta nhận ra rằng loại người này căn bản là không yêu bản thân, ngược lại hắn oán ghét sâu sắc chính mình.
Sự khó hiểu trong vấn đề tưởng chừng mâu thuẫn này thật dễ dàng lý giải. Tính ích kỷ bắt nguồn từ việc thiếu khả năng thương yêu chính mình. Người nào không yêu chính mình, không bằng lòng với mình, thì luôn luôn lo lắng về bản thân. Hắn không có được sự thư thái tinh thần vốn chỉ tồn tại dựa trên nền tảng tình yêu mến và niềm tin chân thành. Hắn bận tâm về bản thân, ham hố muốn đoạt mọi thứ cho mình, bởi lẽ căn bản là hắn không an tâm và không toại nguyện. Tương tự như những người quá yêu mình, hắn không bận tâm nhiều đến việc thu vén cho bản thân bằng sự ngưỡng mộ bản thân. Trong khi nhìn bề ngoài tưởng chừng họ quá yêu bản thân, nhưng thực ra ngược lại, họ không yêu thương chính mình. Freud đã chỉ ra rằng người tự yêu mình đã chuyển hết tình yêu dành cho tha nhân về phía mình. Mặc dù vế đầu của câu trên có phần đúng, nhưng về sau thì sai lầm. Hắn ta chẳng yêu ai, kể cả tha nhân lẫn bản thân mình.
Chúng ta gặp phải một mâu thuẫn về việc con người hiện đại tin rằng mình bị thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, song thực ra hắn đã dành cả cuộc đời cho những mục đích bên ngoài hắn; theo phương cách tương tự, Calvin cho rằng mục đích duy nhất của cuộc sinh tồn con người không phải dành cho mình mà là để tôn vinh Thượng Đế. Chúng ta cố gắng chứng tỏ tính ích kỷ bắt nguồn từ sự thiếu niềm tin và tình yêu đối với bản ngã đích thực, nghĩa là, toàn bộ con người cụ thể cùng mọi tiềm năng của hắn. “Bản ngã” mà con người hiện đại hành động là bản ngã xã hội, bản ngã căn bản được tạo nên bởi vai trò mà cá nhân phải đảm đương và thực tế chỉ là sự che đậy chủ quan đối với chức năng xã hội khách quan của con người trong xã hội. Tính vị kỷ trong thời hiện đại là lòng ham hố xuất phát từ tâm trạng vỡ mộng về cái tôi đích thực và mục tiêu của nó là bản ngã xã hội. Trong khi con người hiện đại khẳng định được bản ngã, thì bản ngã ấy đã bị suy yếu và mai một đến độ chỉ còn là mảnh vỡ của cái tôi tổng thể – trí năng và sức mạnh ý chí – đến mức loại trừ tất cả những bộ phận khác của toàn thể cá tính.
Cho dù điều đó là thật, việc làm chủ tự nhiên đã làm cho sự lớn mạnh của bản ngã cá nhân vẫn tăng dần đó sao? Điều này đúng ở một mức độ nào đó. Nhưng con người dù đã vươn đến một trình độ đáng kể trong việc chinh phục tự nhiên, xã hội vẫn không kiểm soát được chính những sức mạnh mà nó đã sản sinh ra. Tính hợp lý của hệ thống sản xuất, trong phương diện kỹ thuật của nó, đi cùng với tính bất hợp lý của hệ thống sản xuất của chúng ta xét ở những khía cạnh xã hội. Những cuộc khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp, chiến tranh đã chi phối vận số con người. Con người đã xây nên thế giới của mình, hắn đã xây dựng những công xưởng và nhà cửa, hắn làm ra xe hơi và quần áo, hắn trồng ngũ cốc và hoa quả. Nhưng hắn đã trở nên xa lạ với những sản phẩm do chính đôi tay mình làm, hắn thực sự không còn là chủ nhân của cái thế giới mà hắn đã xây nên; trái lại, thế giới do con người tạo nên đó đã trở thành chủ nhân của hắn, trước nó hắn cúi đầu, kẻ mà hắn tìm mọi cách để xoa dịu và thao túng một cách tốt nhất có thể. Công trình do đôi tay tạo ra đã trở thành Chúa của hắn. Tưởng chừng như hắn bị xô đẩy bởi tư lợi cá nhân, nhưng trên thực tế toàn thể bản ngã cùng tất cả những tiềm năng của nó đã trở thành công cụ cho những mục đích của chính bộ máy mà đôi tay hắn đã tạo nên. Hắn che giấu ảo tưởng mình là trung tâm thế giới, dẫu rằng hắn bị chìm đắm trong một ý thức gay gắt về sự vô nghĩa và bất lực mà tổ tiên hắn đã từng cảm nhận đối với Thượng Đế.
Cảm giác xa cách và bất lực ở con người hiện đại thậm chí còn được tăng cường bởi tính chất của tất cả những mối quan hệ nhân bản của hắn. Mối quan hệ cụ thể của một cá nhân với người khác đã mất đi tính thẳng thắn và nhân bản. Mọi mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân đều bị những quy luật thị trường chi phối. Rõ ràng rằng mối tương quan giữa các đối thủ cạnh tranh được dựa trên sự lãnh đạm của con người đối với nhau. Hoặc giả bất kỳ ai trong số họ sẽ bị tê liệt khi đối đầu với những thách thức kinh tế của mình – tranh đấu lẫn nhau và nếu cần, có thể tiêu diệt lẫn nhau không chút e dè.
Quan hệ giữa người chủ và người làm thuê cũng tương tự. Từ “ông chủ” bao gồm toàn thể sự kiện này: chủ sở hữu tư bản mướn người khác làm việc như hắn “mướn” một cái máy. Cả hai bên đều sử dụng nhau để mưu cầu lợi ích kinh tế cho mình; giữa họ là kiểu quan hệ trong đó, mỗi bên đều là phương tiện cho một mục đích, đều là phương tiện của nhau. Đó phải là mối quan hệ giữa hai con người không có bất kỳ sự quan tâm nào khác ngoài việc lợi dụng nhau. Tính chất công cụ tương tự cũng chi phối quan hệ giữa nhà kinh doanh và khách hàng. Khách hàng là đối tượng để lôi kéo, không phải là người để nhà kinh doanh phải quan tâm thỏa mãn những mục tiêu của hắn. Thái độ dành cho công việc cũng mang tính phương tiện; trái ngược với người thợ thủ công thời Trung cổ, nhà sản xuất giờ đây không còn quan tâm đến những gì hắn làm ra; hắn sản xuất chủ yếu để kiếm lợi từ việc đầu tư của mình, và việc sản xuất của hắn sẽ tùy thuộc vào thị trường vốn và hứa hẹn việc đầu tư đồng vốn vào một ngành có thể sinh lời.
Không chỉ trong kinh tế, trong quan hệ cá nhân giữa người với người cũng có sự lãnh đạm này; thay cho mối quan hệ giữa người và người, chúng mang tính chất quan hệ giữa những sự vật. Nhưng có lẽ trường hợp quan trọng nhất và tàn phá ghê gớm nhất của tinh thần là mối quan hệ của cá nhân với chính mình. Người ta không chỉ bán hàng hóa, họ bán cả bản thân và cảm thấy bản thân là một món hàng. Người lao động chân tay bán sức lao động của mình; nhà kinh doanh, bác sĩ, văn thư, bán “tri thức” của họ. Họ phải có một “năng lực” nếu họ sẵn sàng bán sản phẩm hay sự phục vụ của mình. Năng lực này làm hài lòng người khác, nhưng bên cạnh đó người sở hữu nó cần có một số yêu cầu khác: hắn cần có nghị lực, óc sáng tạo bằng cách này hay cách khác, như địa vị đặc thù của hắn có thể đòi hỏi. Cũng như đối với bất kỳ mặt hàng nào khác, thị trường sẽ định giá phẩm chất những con người này và ngay cả chính sự tồn tại của họ. Nếu những giá trị mà một người đem bán là vô dụng, hắn chẳng có gì cả; giống như một món hàng không thể bán được thì vô giá trị cho dù nó có thể có giá trị sử dụng. Vì lẽ đó, lòng tự tin, “ý thức bản ngã”, chỉ đơn thuần là sự biểu thị những gì người khác nghĩ về mình. Bản thân hắn không hề tự tin vào giá trị của mình, bất chấp việc được mến mộ và thành công trên thị trường. Nếu hắn được săn đón, hắn sẽ là người nào đó; nếu hắn không được biết đến, đơn giản hắn chẳng là ai cả. Sự phụ thuộc của lòng tự trọng vào sự thành đạt của “cá tính” là lý do tại sao việc được mến chuộng lại có tầm quan trọng ghê gớm đối với con người hiện đại đến vậy. Nó không chỉ quyết định việc con người có xông pha trong những vấn đề thực tiễn hay không, mà còn quyết định cả việc họ có thể giữ vững lòng tự trọng nếu bị rơi vào hố thẳm của cảm giác tự ti.
Chúng ta đã cố chứng tỏ rằng tự do mới mà chủ nghĩa tư bản mang lại cho cá nhân đã tác động lên tự do mang tính tôn giáo mà đạo Tin Lành đã gieo trên hắn. Cá nhân trở nên cô đơn, xa cách hơn, trở thành một công cụ trong tay những thế lực mạnh mẽ vượt trội bên ngoài hắn; hắn trở nên một “cá nhân”, nhưng là một cá nhân đầy hoang mang và bất an. Có những nhân tố giúp hắn vượt qua những biểu hiện rõ ràng của tình trạng bất an này. Trước tiên bản ngã của hắn phải được phục hồi trở lại với trạng thái sở hữu của cải. “Hắn”, với tư cách một con người cá nhân và số của cải hắn sở hữu không thể bị tách rời. Quần áo và nhà cửa phải là những bộ phận thuộc về hắn như chính thân thể hắn vậy. Hắn càng cảm thấy mình ít quan trọng chừng nào thì lại càng cần chiếm hữu nhiều chừng nấy. Nếu cá nhân không có tài sản hoặc đã đánh mất nó, hắn như đang mất đi một phần quan trọng của “cái tôi” và đến một mức độ nào đó, hắn không được nhìn nhận như một người hoàn hảo, hoặc bởi người khác hoặc bởi chính hắn.
Những yếu tố khác ủng hộ bản ngã là thanh thế và quyền lực. Chúng một phần là kết quả của việc chiếm hữu của cải, một phần xuất phát trực tiếp từ thành công trong những lĩnh vực mang tính cạnh tranh. Sự ngưỡng mộ của người khác và quyền lực của họ, tăng cường sự ủng hộ do tài sản mang lại, sẽ khôi phục cái tôi bất an của cá nhân.
——