NGHỆ THUẬT SỐNG

ERICH FROMM

Trích: Nghệ Thuật Sống; Mộc Nhiên biên soạn; NXB. Thanh iên

Nói cho cùng, nếu xét những khía cạnh và mọi yếu tố có thể định hướng cuộc đời mình, có lẽ chúng ta cũng sẽ đồng ý với Erich Fromm rằng, một người trong thời đại hiện nay sẽ: hoặc là thiên về khuynh hướng sở hữu, hoặc là thiên về khuynh hướng hiện thể. Người thiên về khuynh hướng sở hữu sẽ xác định cái Tôi của mình, sự sinh tồn của mình, ý nghĩa đời sống của mình, cách sống của mình, dựa theo những gì mình có, theo những gì mình có thể có, hay sẽ có nhiều hơn trong tương lai. Sự thèm khát sở hữu này không chỉ nằm trong lãnh vực vật chất, như tiền bạc, nhà cửa, đất đai, mà còn lan qua những lãnh vực khác như sở hữu ý tưởng, niềm tin, các khái niệm về thiên đường, thượng đế, đời sống sau cái chết hay kiếp sau.

Hơn nữa, người khác, cái con người bằng xương bằng thịt khác cũng trở thành một đối tượng để sở hữu, trở thành một thứ tài sản, không phải theo ý nghĩa buôn bán nô lệ như thời trước, nhưng ở hình thức vi tế hơn, như trong cách nói: vợ của tôi, con của tôi, người yêu của tôi, hay vợ, chồng, có con, đã ngầm ý sở hữu trong đó. Trong cách nói bình thường này đã ẩn chứa khuynh hướng của chế ngự suy nghĩ thường ngày, và, theo tâm phân học, khuynh hướng này lại ẩn mình trong những hành động quan tâm hay trách nhiệm giả hiệu đối với người khác. Thậm chí tình mẫu tử được xem là thiêng liêng và được ca ngợi từ bao đời, được xem là mẫu mực cho mọi tình yêu cũng có thể ẩn chứa tính sở hữu trong đó: tôi yêu nó vì nó là con của tôi, nếu nó không phải là con của tôi, tôi không thể biểu lộ tình yêu đến mức như vậy. Đó là chưa kể vì yêu con mình thái quá mà một người mẹ có thể có những hành động ganh tị và ích kỷ khó thể tưởng tượng được, và lúc đó tình mẫu tử mà họ tự hào cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

Nhưng vấn đề ở đây không phải là sở hữu hay không sở hữu, mà là thái độ đối với những gì mình có hay không. Khuynh hướng chối bỏ sở hữu cũng chỉ là một khuynh hướng có sở hữu dưới hình thức khác, nghĩa là tôi muốn sở hữu khái niệm không sở hữu. Một người chỉ có mảnh khố che thân, chẳng có một tài sản vật chất gì đáng kể, nhưng vẫn có thể có khuynh hướng sở hữu các thứ khác đầy nghẹt trong đầu, không nhất thiết việc sở hữu chỉ liên quan đến vật chất. Vì thế Erich Fromm cho rằng sự sở hữu ông nói ở đây là một thái độ, một cách sống, một khuynh hướng thuộc tâm tính. Người có tâm tính sở hữu sống ở đời phải dựa trên cặp nạng nào đó, họ phải có cặp nạng của riêng họ, lấy đi cặp nạng đó họ hoàn toàn bị suy sụp, hỏng chân, hay sẽ có hành động mất tự chủ. Chẳng hạn như khi con của tôi chết, tài sản của tôi bị lợi dụng, lòng tự trọng của tôi bị xúc phạm, lý tưởng của tôi bị xem thường, tín ngưỡng của tôi bị bôi bác, tôi sẽ trở nên giận dữ hay suy sụp hoàn toàn.

Khuynh hướng khác, như đã nói, không phải đối ngược với tâm tính tính sở hữu, giống như người có khả năng thể chất nương tựa vào đôi chân của chính mình thì không cần nạng chống nữa, đó là thái độ sống theo khuynh hướng hiện thể. Người sống theo cách này có sức mạnh tinh thần để tự dựa vào chính mình, đó là khả năng thể hiện tình yêu, khả năng thể hiện lý trí, và khả năng thể hiện hành động sáng tạo. Tình yêu, lý trí, và tâm thái sáng tạo là sức mạnh tinh thần của chính mình, chỉ phát khởi và phát triển khi chúng được thể hiện. Chúng không phải là vật thể tiêu thụ, mua bán, sở hữu như những đối tượng của khuynh hướng sở hữu. Và khác với các đối tượng sở hữu bị hao mòn trong quá trình sử dụng – tình yêu, lý trí, và tâm thái sáng tạo lại triển nở và gia tăng khi chúng được sử dụng và chia sẻ.

Theo Erich Fromm, sự chuyển hóa từ thái độ sống thiên về sở hữu sang cách sống hiện thể không phải là điều dễ dàng, vì lệ thuộc vào nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Nhưng Erich Fromm cũng gợi ý việc tự hiểu mình, tự phân tích mình, có thể xem như một ứng dụng của tâm phân học vào đời sống thường ngày, giúp chúng ta hiểu được những uẩn ức, những hạn chế trong tâm thức, những ánh mây mù ngăn che không cho chúng ta bước hẳn vào cuộc sống kỳ diệu này. Theo Erich Fromm, sống không phải là để có cái này, hay không có cái kia, mà sống là một nghệ thuật, và nghệ thuật này có thể được trình bày cụ thể qua các bước hướng về cách sống hiện thể. Phần tiếp theo chúng ta sẽ nêu các điểm nổi bật trong các gợi ý của Erich Fromm về nghệ thuật sống. Dĩ nhiên không cần nói các bước gợi ý này không phải là kim chỉ nam để luyện tập một ngày vài phút, đó chỉ là những suy gẫm trong dòng tuôn chảy không ngừng nghỉ. Nhưng dù sao sự đúc kết cũng làm rõ được phần nào vấn đề miên man bất tận không có chỗ chấm dứt của con người.

Để hướng đến nghệ thuật sống, trước tiên phải thay đổi được tâm tính thiên về sở hữu. Các bước gợi ý sau:

  • Nhận biết được tâm tính thiên về sở hữu của mình. Điều này tương đối dễ khi quan sát các sự kiện chung quanh mình tương quan với mình như thế nào. Có phải tôi là cái tôi có? Nếu tôi không có cái này hay cái kia, nếu tôi bị tước mất cái tôi đang có thì tôi có còn là tôi nữa không? Khi người khác động đến cái tôi có, tôi phản ứng như thế nào? Nếu tôi không có cái mà người khác có, tôi có thấy mình kém họ? Nếu tôi không được cái mình muốn có, tôi có buồn bã âu sầu? Nếu tôi muốn có cái mình thích, tôi làm gì để được nó?
  • Nhận biết gốc rễ của tâm tính thiên về sở hữu, nghĩa là do đâu mình có tâm tính ấy. Những gốc rễ này thường quyện chặt lấy nhau nên khó mà tách ra và nhổ bỏ được, như cảm giác về sự bất lực, vô vọng của mình, nỗi sợ khi giáp mặt cuộc đời, lo sợ sự bất ổn, bất an, lòng nghi kỵ người khác… Đây là công việc thường xuyên của nhà tâm phân học, và cũng có thể trở thành hành động thường xuyên của bất cứ ai.
  • Thay đổi các gốc rễ này trong thực tiễn. Hành động cho và chia sẻ là bước đầu làm giảm gọng kìm của tâm tính sở hữu. Lúc đầu việc này sẽ làm phát sinh sự bứt rứt, làm tăng nỗi sợ bị đánh mất chính mình; nhưng con người chân thật không nằm trong các thứ hắn sở hữu, vì vậy hãy can đảm để vượt qua cảm thức này. Việc từ bỏ sở hữu vật chất không quan trọng bằng việc từ bỏ thói quen trong mọi sinh hoạt từ thói quen ăn sáng đúng giờ cho đến thói quen trong sinh hoạt tình dục, từ bỏ bám víu vào các ý tưởng quen thuộc, sưu tầm các câu danh ngôn mà mình đắc ý, từ bỏ sự đồng hóa với địa vị mình, hình ảnh mình muốn có hay người khác có về mình.

Tiến trình này phải kèm theo ý muốn vượt qua khỏi chính mình và hướng về người khác. Nếu diễn tả ra thì rất đơn giản. Hướng sự chú tâm của mình về người khác, về thế giới tự nhiên, về các ý tưởng, về nghệ thuật, về các biến cố xã hội hay chính trị… Chúng ta bắt đầu quan tâm đến thế giới bên ngoài bản thân mình. Nếu người ta có ý muốn và quyết định phải thoát khỏi ngục tù của tính chỉ yêu mình và tính ích kỷ, khi họ có can đảm chịu đựng từng cơn ray rứt, lo âu, họ sẽ cảm nghiệm được lóe sáng đầu tiên của niềm vui và sức mạnh mà đôi khi họ có được. Và chỉ khi đó một yếu tố quyết định mới thể nhập vào hoạt động của tiến trình này. Cảm nghiệm mới này sẽ trở thành động lực quyết định để họ tiến về phía trước và theo con đường họ đã phác họa ra. Trong khi vẫn chưa được như vậy, sự bất mãn và những phán đoán hợp lý sẽ hướng dẫn họ. Nhưng các phán đoán đó nâng đỡ họ không lâu. Chúng sẽ mất năng lực của chúng nếu một yếu tố khác không bước vào – đó là cảm nghiệm hạnh phúc (dù thoáng hiện không đáng kể) vượt trên tất cả mọi kinh nghiệm khác đến mức nó trở thành động lực mạnh mẽ cho sự tiến triển xa hơn. Bản thân cảm nghiệm đó càng trở nên mạnh mẽ hơn khi sự tiến triển tiếp diễn.

Nói tóm lại: sự nhận biết, ý chí, rèn luyện, chịu đựng được nỗi sợ và cảm nghiệm mới về hạnh phúc là mọi thử thách cần thiết cho sự chuyển hóa của cá nhân. Tại một điểm nào đó, năng lực và hướng của các sức mạnh nội tại đã thay đổi khiến cảm thức về bản thân mình cũng thay đổi luôn. Trong cách sống sở hữu, châm ngôn là: Tôi là cái tôi có. Sau khi vượt qua được thái độ này, châm ngôn sẽ là: Tôi là hành động (trong ý nghĩa hành động không bị tha hóa): hay đơn giản là: Tôi là cái tôi đang hiện thể.

Nhận biết được con người mình qua việc quan sát thực tiễn liên quan đến mình là điều duy nhất có ý nghĩa. Theo Erich Fromm, bản tính đích thực của con người mình sẽ hiển lộ dần khi bản thể cái Tôi biến chuyển từ cái tôi có, sang hành động, và sau cùng là cái đang hiện thể.

Phần vừa rồi chúng ta bàn về ba tiền đề để nhận ra và giảm thiểu được áp lực của khuynh hướng sở hữu vượt trội trong mình. Sau khi vượt qua thái độ đó, cần tạo điều kiện để khuynh hướng hiện thể lộ diện. Có nhiều hướng để khám phá và rèn luyện các sức mạnh trong con người mình để tiến đến việc cảm nghiệm cách sống hiện thể. Chúng ta thử điểm qua ba bước đề nghị của Erich Fromm.

  • Khám phá ra những bí ẩn trong vô thức mình

Không cần thiết phải am hiểu những kỹ thuật của tâm phân học để thực hiện, vì việc này có nghĩa là cần vượt quan được sự phòng vệ và kháng cự của ý thức, đem cái vô thức tối tăm ra ánh sánh ý thức để tự hiểu mình. Cũng cần nhớ ngay từ đầu là vô thức không phải là một cõi, một khu vực có tọa độ xác định trong tâm thức mỗi người. Đó chỉ là một thuật ngữ để chỉ những cái đang tồn tại trong tâm thức mà chúng ta chưa biết. Biết được cái chưa biết trong chính mình tương tự như nói biến vô thức thành ý thức trong tâm phân học.

Cảm nghiệm được vô thức của mình có nghĩa là tôi biết bản thân mình như một con người, tôi biết tôi mang trong mình mọi phẩm chất con người và không phẩm chất nào của con người xa lạ với tôi, tôi biết và tôi yêu người lạ, vì tôi không còn xa lạ với chính mình. Kinh nghiệm về vô thức là kinh nghiệm về tính nhân bản của mình, giúp mình có thể nói với mọi người rằng “Tôi là chính bạn”. Tôi có thể hiểu bạn trong mọi phẩm tính của bạn, trong tính thiện của bạn và trong tính ác của bạn, thậm chí trong cả sự điên khùng của bạn, bởi vì mọi thứ đó cũng chính là tôi nữa.

Vô minh không phải vì chúng ta đè nén những điều xấu của mình vào vô thức, thực ra là chúng ta từ chối nhìn vào sự thực mà tất cả chúng ta đã biết. Sự thực thường đi kèm theo sự cay đắng, thù ghét, và thái độ biểu lộ vô chừng, và đó là lý do chúng ta thiếu cam đảm nhìn sự thực. Nhưng nếu người ta có thể nhìn sự thực, họ sẽ hành xử khác đi, và khi họ hành xử khác đi họ sẽ không còn tiếp tục lao vào xung đột với quan hệ chung quanh, với thôi thúc tìm kiếm sự thành công, hay tìm kiếm các thứ mà họ xem là thiêng liêng.

  • Vô thức là cội nguồn của cách sống hiện thể.

Erich Fromm cho rằng nội dung giấc mơ của chúng ta rất quan trọng, cần chú ý để thấy những ẩn ý của chúng. Nhiều giấc mơ biểu lộ những mong muốn tưởng chừng vô lý, phản xã hội, và vô luân mà chúng ta kiềm chế được khi đang thức. Tuy vậy trong giấc mơ chúng ta thường thông minh hơn. Sáng suốt hơn, đạo đức hơn khi chúng ta còn thức, vì lúc ngủ chúng ta không bị gây nhiễu hay che mờ bởi nền văn hóa cùa mình, chúng ta bắt đầu nhận biết được những gì chúng ta thực sự suy nghĩ và cảm thấy. Cái Tôi chân thật bắt đầu lên tiếng; nó thường thông minh hơn và đứng đắn hơn cái Tôi giả tạo mà chúng ta phô bày ra khi còn thức.

Kết luận của tôi là chúng ta có thể tìm ra cái trí tuệ chân thật và các phán định giá trị quan trọng biểu lộ trong giấc mơ của chúng ta, cũng như hiểu được các mong muốn vô luân và phi lý. Thậm chí chúng ta có thể tìm thấy những dự đoán đáng tin cậy về cường độ và phương hướng của những sức mạnh đang hành xử trong chính chúng ta và người khác”.

Như vậy có liên quan giữa con người đích thực và con người trong giấc mơ, tuy không phải là liên quan một-một.

  • Dịu dàng là một cảm xúc điển hình trong cách sống hiện thể.

Tính dịu dàng không bị thúc bách từ nhu cầu bên trong, nó không có mục tiêu, không điểm cực lạc, không có chấm dứt, như các cảm xúc của đói khát hay tình dục. Sự thỏa mãn của nó nằm trong chính hành động của nó, trong niềm vui khi can đảm thấy thân thiện, cảm thấy nồng ấm, khi lưu tâm và tôn trọng người khác, khi làm cho người khách hạnh phúc. Sự dịu dàng là một cảm nghiệm hân hoan mà ai cũng có thể có, trong đó không có vô ngã cũng chẳng có hy sinh gì cho ai cả.

Sự dịu dàng không có mục đích tự thân nào, không phải là một càm xúc để giải tỏa sự thúc ép tâm sinh lý bên trong, đó chỉ là niềm vui khi cảm thấy trong lòng ấm áp, hài lòng, và mong muốn quan tâm đến người khác. Nhưng thật oái oăm, nền văn hóa của người phương Tây không khuyến khích sự dịu dàng, vì lẽ nó mà nền văn hóa có định hướng theo mục đích, mọi thứ đều có mục đích và mọi hành động phải dẫn đến kết quả nào đó. Trong khi đó, sự dịu dàng lại không hề có mục đích, chẳng thể thỏa mãn một nhu cầu nào cả. Vì thế mọi người tự ngăn lại không biểu lộ sự dịu dàng, nhất là cánh đàn ông, họ cảm thấy khó chịu khi phải tỏ ra dịu dàng, vì họ cảm thấy mình yếu đuối khi phải bộc lộ nó. Phụ nữ vì cố tỏ ra mình bình đẳng với đàn ông nên cũng ức chế luôn sự dịu dàng vốn là nữ tính đặc thù trời cho.

Vì vậy tạo được cho mình tính dịu dàng, biểu lộ nó với người khác, với thế giới chung quanh, mà không hề mong cầu sự trao đổi nào, chẳng phải để làm dáng hay để nhận được sự thương mến của người khác, khi được như vậy thì chúng ta đã bước vào hiện thể. Ai cũng cảm động trước sự dịu dàng của người khác, vậy mà ai cũng tránh né bộc lộ tính dịu dàng của mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÍ TUỆ XÚC CẢM – NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO BÊN TRONG
  2. CÁI TÔI, NGƯỜI VÀ BẢN NGÃ
  3. THẾ GIỚI KHAO KHÁT TÌM KIẾM TRÍ TUỆ TÂM LINH

Bài viết khác của tác giả

  1. HAI PHƯƠNG DIỆN CỦA TỰ DO ĐỐI VỚI CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI
  2. NGỘ THEO CÁI NHÌN CỦA PHÂN TÂM HỌC

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU