CÁI TÔI, NGƯỜI VÀ BẢN NGÃ

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Cách Sống - Đối thoại giữa triết gia, bác sĩ và nhà sư;Thiên Nga dịch; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2018

 

MATTHIEU: Chúng ta xem cái tôi của mình là một thực thể độc lập, tự trị và lâu bền. Điều này tất nhiên giúp ích cho ta sống ở đời, nhưng khái niệm này có thật sự tương ứng với thực tại hay không? Khi tôi xem bức hình mình hồi còn bé, tôi nghĩ thầm: “Thằng nhóc đạp xe này là mình đấy”. Từ sau giai đoạn này, tôi đã kinh qua đủ thứ và cơ thể tôi già đi, nhưng tôi tự nhủ: “Trước sau vẫn là mình đấy thôi”. Trong hiện tượng này, nhiều cơ cấu tâm thần xảy ra đồng thời: nhận thức về một “tôi”, nhận thức về một “người” và nhận thức về một “bản ngã”.

Cái tôi sống trong hiện tại; hắn là người suy nghĩ, sáng ra “tôi thức dậy”, “tôi tồn tại”, rồi “tôi lạnh” hay “tôi đói”. Nó tương ứng với kinh nghiệm về thực trạng của chúng ta.

Ý niệm người phản chiếu lịch sử của ta. Đó là một thể liên tục mở rộng ra đến toàn thể tồn tại của ta bao gồm các khía cạnh thể xác, tinh thần và xã hội. Sự liên tục của nó trong thời gian cho phép ta nối các hình ảnh của ta thuộc về quá khứ với những hình ảnh liên quan đến tương lai.

Còn lại là bản ngã. Một cách tự nhiên, ta xem nó làm nên cái lõi con người ta. Ta quan niệm nó như một toàn thể không thể phân chia và thường hằng định hình ta từ nhỏ cho đến lúc chết. Bản ngã là người chủ sở hữu của “thân xác tôi”, “ý thức tôi”, “tên tuổi tôi”. Thực chất thì ý thức của ta là một dòng năng động thường trực biến đổi, nhưng ta cũng không khỏi hình dung nó là một thực thể riêng biệt như một con thuyền xuôi dòng sông.

Một khi nhận thức về một “tôi” và một “người” kết tinh lại trong cảm nhận về danh tính còn mạnh mẽ hơn nhiều là bản ngã, chúng ta muốn bảo vệ và làm thỏa mãn bản ngã này. Chúng ta tỏ ra ác cảm đối với tất cả những gì đe dọa nó, và thấy cuốn hút theo tất cả những gì làm nó hài lòng và củng cố nó. Hai phản ứng này làm sinh ra vô số cảm xúc đối nghịch – giận dữ, ham muốn, thèm khát, đố kỵ…

Chỉ cần xem xét một chút bản ngã là đủ hiểu đây chỉ là một sự lừa phỉnh mà tác giả là tâm trí ta. Chẳng hạn ta hãy thử định vị nó. Khi tôi nói: “Anh mới đánh tôi” thì tôi không nói: “Anh mới đánh vào người tôi, nhưng cũng không sao vì đó không phải tôi”. Do vậy, tôi kết hợp bản ngã với thân xác mình. Ý thức của tôi thì không thể bị đánh được. Nhưng khi tôi nói: “Anh làm tôi buồn lòng”, tôi kết hợp bản ngã của tôi với những tình cảm của tôi, ý thức của tôi. Hơn nữa, khi tôi nói những tình cảm “của tôi”, ý thức “của tôi”, tên “của tôi”, thân xác “của tôi”, bản ngã có vẻ như là chủ sở hữu của tất cả những thứ này. Ta không rõ lắm làm sao mà một thực thể được ban cho sự tồn tại riêng lại có thể, theo cách nói của Arlequin, nhận hết mọi danh tính tương khắc này. Bản ngã do vậy không thể chỉ là một khái niệm, một cái nhãn tinh thần dán lên một quá trình năng động. Hẳn là nó hữu ích cho ta vì nó cho phép ta gom lại một tập hợp các tình huống hay thay đổi, các cảm xúc, suy nghĩ của ta, nhận thức về môi trường của ta, thành một tổng thể mạch lạc. Nhưng suy cho cùng nó là sản phẩm của một sinh hoạt tinh thần liên tục duy trì trong đời sống, trong tâm trí chúng ta, một thực thể tưởng tượng,

ALEXANDRE: Anh sẽ nói gì với một thiền sư thực hành những cú sốc điện và không ngần ngại, nếu cần, giáng cho một môn sinh vướng trong chấp trước một cái tát đau điếng?

MATTHIEU: Nếu tôi là một thiền sinh chân chính, tôi sẽ tự nhủ: “Ai đánh mình vậy, bàn tay của thầy, hay cái ý định dẫn dắt bàn tay đó?” hay còn nữa: “Cái gì làm mình thấy đau, má mình hay những cảm xúc của mình?” Chuyện này làm tôi nhớ lại câu chuyện một người bạn ở Hồng Kông đến tu học trong tự viện của chúng tôi ở Shechen, Nepal. Hơn một nghìn người ngồi dưới đất, san sát nhau bên trong điện. Đến một lúc, ai đó ngồi đằng sau cô này đánh một cú vào lưng để nhắc cô nhích lên một chút. Sự việc này làm xáo trộn cô cả giờ. Cô tự nhủ: “Mình từ xa lắc đến để thọ giáo về nhẫn nhục và từ bi, vậy mà có người cư xử thô lỗ với mình, trong khi chính anh ta cũng đến để học hỏi những điều này”. Nhưng một lúc sau, cô không nhịn được cười. “Con đã nhận ra,” cô kể lại với sư thầy của tự viện, “là thân con cảm nhận cú đánh trong vài giây, nhưng bản ngã của con thì chịu đựng nó cả giờ.

Trở lại việc xem xét bản ngã, chúng ta thường đi đến kết luận rằng bản ngã là ý thức của chúng ta. Thế nhưng, chính ý thức này cũng là một dòng chảy không nắm bắt được: quá khứ đã chết, tương lai vẫn chưa sinh ra, hiện tại không có quãng thời gian nào. Làm sao mà bản ngã có thể tồn tại khi lửng lơ giữa cái không còn tồn tại nữa và cái vẫn chưa tồn tại? Còn phút giây hiện tại thì không thể nào sờ thấy được. Bản ngã không thể sống thọ nếu nó ngụ trong cái trong suốt của phút giây hiện tại, hoàn toàn không có những ý nghĩ tranh luận. Nó có nhu cầu sống bằng những sự nghiền ngẫm quá khứ và dự đoán tương lai.

Thế thì, nếu bản ngã chỉ là một ảo tưởng, thoát khỏi nó không có nghĩa là tiệt trừ cái cốt lõi tồn tại của chúng ta, mà chỉ là mở mắt chúng ta ra. Và vì sự chấp ngã của ta là ngọn nguồn của khổ, sẽ cực kỳ hữu ích nếu lật bộ mặt bịp bợm của nó.

Đừng sợ, khi vất bỏ bản ngã, ta không trở thành một thứ rau cỏ mà hoàn toàn trái lại. Paul Ekman có lần nói: “Tôi nhận ra rằng, ở những người tôi thấy như được phú cho những phẩm chất người khác thường đồng thời đem lại ấn tượng là tốt bụng, trong sáng và vui sống, như Đạt lai Lạt ma hay Desmond Tutu, họ có một bản ngã khó nhận thấy. Mọi người tự nhiên ước được ở bên họ, mọi người thấy mình được phong phú thêm. Những vị này là nguồn khích lệ cho người khác vì họ ít xem trọng địa vị, tiếng tăm, cái tôi của họ. Một sự vắng bặt tính vị ngã như vậy thật đáng ngạc nhiên.

 

 

Đôi nét về tác phẩm “Bàn Về Cách Sống – Đối thoại giữa triết gia, bác sỹ và nhà sư”

Ngôi nhà chúng tôi ngụ để viết cuốn sách này nằm sâu trong rừng ở Dordogne. Cách đó không xa là con đường nhỏ chúng tôi thường đi dạo giữa hai cuộc đàm đạo. Và, ở một ngã tư, có tấm bảng gỗ chỉ đường đến ngôi làng nhỏ bên cạnh, với dòng chữ viết tay: “Niềm vui: Ngõ cụt”! Nhưng chúng tôi không nghe theo lời nhắn nhủ này. Trong suốt hai tuần làm việc trong không khí tràn đầy tình bằng hữu, niềm vui trong lòng chúng tôi còn lâu mới là “ngõ cụt”!

Cả ba chúng tôi đã quyết định gặp nhau để cùng viết một cuốn sách bàn về cách sống. Không phải là một cuốn sách giáo khoa giảng những bài học, mà là một cuốn sách nói về niềm tin cũng như kinh nghiệm của chúng tôi.

Chúng tôi thấy dường như ba quỹ đạo của chúng tôi, tuy khác nhau là vậy – triết gia, thầy tu, bác sĩ tâm thần – nhưng có lẽ sẽ cho phép có một sự giao thoa quan điểm phong phú về những đề tài lớn lao truy vấn mọi con người mỗi khi họ suy ngẫm về cách thức dẫn dắt đời mình. Chúng tôi biết nhau đã lâu. Chúng tôi đã đọc sách của nhau. Thế rồi chúng tôi gặp mặt và trở thành bạn bè. Qua những lần gặp mặt, nhờ những giá trị, niềm tin chung, ý nghĩ viết chung một cuốn sách nảy sinh.

Trong bộ ba huynh đệ chúng tôi, mỗi người có một vai. Matthieu là anh cả, độ lượng vững vàng, đi khắp năm châu để bảo vệ những chính nghĩa mà anh ấp ủ (các dự án nhân đạo, Tây Tạng, lòng vị tha) với sự tráng kiện cả về trí lực lẫn thể lực buộc hai cộng sự của anh phải nể phục. Alexandre là em út, vui vẻ trìu mến, đầu óc sáng láng, đầy sáng tạo, thi vị, thích cười và chọc cười, thích được nghe thủ thỉ và biết yêu thương. Christophe là anh hai, điềm tĩnh, tha thiết giúp đỡ, giải thích, kẻ cô độc nhất trong nhóm, nhưng luôn thấy hạnh phúc được ở bên các “thiện hữu”, biệt danh bộ ba tự đặt cho mình.

Cũng nên nói vài lời về địa điểm và khung cảnh. Trong những ngày trò chuyện này, chúng tôi sống ở một nếp nhà hết sức đơn sơ, nhìn ra thung lũng Vézère. Từ đây, chúng tôi được ngắm mặt trời mùa đông mọc lên, dịu dàng ló ra từ sương mù rồi soi sáng dần cảnh vật. Trong ngôi nhà đó, chúng tôi được tiếp đãi như các ông hoàng vùng Périgord, bằng các bữa chay ngon lành, và chúng tôi chỉ việc ngồi trầm tư, thảo luận với nhau bên lò sưởi mà thôi. Để trí não thông suốt thì đã có những buổi dạo chơi tuyệt vời giữa thiên nhiên, ngồi bên bàn hàn huyên với bạn bè đến chơi, rồi đến thăm cộng đồng Phật tử ở Trung tâm Nghiên cứu Chanteloube nằm giữa những đền thờ, bảo tháp và tịnh thất.

Chúng tôi cũng được cười thật nhiều khi tìm tựa cho tác phẩm của mình. Đây là những cái tên các bạn không được biết (và chúng tôi hy vọng các bạn sẽ hiểu khởi nguồn của chúng khi đọc cuốn sách): Ba người đàn ông trong một xóm nhỏ; Những người thợ sửa giày từ bi; Những tên cướp bản ngã; Những tiều phu vị tha; Những người thợ ống nước đầy biết ơn; Những người gác cổng Périgord; Những người hốt rác cái tôi, tôi, tôi; Những con giun biết lắng nghe; Biệt đội tối ưu thành tích từ bi.

Trong những ngày làm việc này, vây quanh chúng tôi là bao thiện nam tín nữ, thường trực hay ghé thăm. Không có họ thì chúng tôi đã không thể nào thực hiện dự định này: trên bìa là ba cái tên của chúng tôi, nhưng có cả một mạng lưới những thiên thần và bà tiên đã nghiêng mình bên cái nôi của cuốn sách này. Một điều cuối cần xác định là, cuốn sách này tập hợp những trao đổi về kinh nghiệm và niềm tin của ba người bạn mà quỹ đạo, tính cách và nghề nghiệp của họ đã đưa đẩy tới chuyện suy ngẫm và đàm luận về những điều làm cho con người trở nên tốt đẹp.

Chúng tôi không vờ mình là mẫu mực trong vấn đề này, hay là mẫu mực về nỗ lực cần hoàn thành và khó khăn phải vượt qua. Các cuộc đàm đạo của chúng tôi bàn về những đề tài chúng tôi đã chọn trước khi ở lại đây, và mỗi tối chúng tôi quyết định đề tài cho ngày mai, để đêm sẽ cho chúng tôi lời khuyên bảo. Những trao đổi không ra đầu ra đũa của chúng tôi được ghi âm lại toàn bộ, rồi được chép lại ra giấy. Tiếp đó các biên tập viên, cũng như chính chúng tôi, sẽ bắt tay vào “gọt giũa” và cho vào khuôn dạng những giờ trò chuyện và tranh luận này.

Chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ tìm thấy trong những trang sách này chút gì đó từ bầu không khí siêng năng và hoan hỷ của những cuộc trao đổi, cũng như tinh thần ngẫu hứng cùng sự tận tâm của chúng tôi trong việc cố gắng truyền đạt mạch lạc cho độc giả. Giờ thì hãy đến ngồi cạnh chúng tôi, trên một chiếc ghế dựa hoặc, còn gần chúng tôi hơn nữa, trên những chiếc ghế bành đã mệt rã nhưng niềm nở mà chúng tôi ngồi. Mấy người bạn kia đã có mặt rồi, và họ sẽ sớm nói cho chúng ta nghe những điều quý giá. Lửa lách tách trong lò sưởi, thung lũng trải dài bên ngoài cửa sổ, mặt trời mùa đông bắt đầu dịu nhẹ, trà nghi ngút trong tách sưởi ấm đôi bàn tay và kích thích thần trí. Alexandre làm vẻ tinh nghịch và nói đùa một câu, Matthieu chỉnh lại kính và vỗ tay nhắc mọi người chú tâm hơn, còn Christophe thì nhìn lần cuối những ghi chú mà anh đã ghi lại tối hôm trước trong cuốn sổ tay nhỏ (anh biết mấy gã bạn gian xảo hay quay qua chờ anh xung phong).  Cuộc thảo luận sắp bắt đầu, chỉ còn thiếu các bạn nữa thôi.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả ALEXANDRE JOLLIEN

  1. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  2. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI
  3. CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

Bài viết khác của tác giả CHRISTOPHE ANDRE

  1. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  2. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI
  3. CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

Bài viết khác của tác giả MATTHIEU RICARD

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG