DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Cách Sống - Đối thoại giữa triết gia, bác sỹ và nhà sư; Thiên Nga dịch; Công ty Cổ phần Sách Thái Hà; NXB. Hà Nội

MATTHIEU: Ta cần bắt đầu tập sự đơn sơ từ trẻ con. Cần biết lẽ phải để không tập cho chúng trở nên mê tiêu thụ. Trong cuốn Cái giá đắt của chủ nghĩa duy vật, nhà tâm lý học Tim Kasser trích dẫn câu của CEO General Mills, một trong những công ty dinh dưỡng lớn trên thế giới: “Khi nhắm đến những người tiêu thụ nhỏ tuổi, chúng ta theo mô hình ‘từ nôi đến mộ’. Chúng ta nghĩ rằng ta cần bắt được trẻ em từ rất sớm, rồi bảo quản chúng cả đời”. Để ngăn trở kế hoạch vô liêm sỉ này, Kasser đề nghị cấm mọi quảng cáo nhằm vào trẻ em, như người ta đã làm ở Thụy Điển và Na Uy.

Làm sao dạy cái đơn sơ cho trẻ em? Bằng cách để chúng chia sẻ niềm vui của những thứ đơn sơ. Quay lại với Tim Kasser, ở Bangkok, anh đến để dự hội thảo về “đạo Phật và xã hội tiêu thụ”, anh kể chúng tôi nghe: “Sáng nay, tôi có một lúc tuyệt vời với các con trai trong công viên. Chúng tôi phát hiện đủ loài hoa nhiệt đới và chim muôn màu, chúng tôi tận hưởng cái đẹp và yên tĩnh của nơi này. Hãy hình dung rằng thay vì vậy tôi dẫn các con đi mua sắm trong một siêu thị Thái Lan. Hãy hình dung rằng chúng tôi bước ra kêu một xe ba bánh “tuk tuk” và cái này móc vào một xe hơi. Có lẽ chúng tôi đã phải đưa tài xế vào bệnh viện, một khoản tiền phạt đổ xuống đầu tài xế phụ trách, mọi thứ này có lợi hơn cho tiêu thụ và tổng sản phẩm nội địa nước này, nhưng không phải sự toại nguyện sâu xa của chúng tôi”.

Trong một chuyến đi dạo ở miền quê Pháp, một người bạn nhắc tôi là, thời trẻ, đến mùa anh đào nở, chúng tôi thường ngồi dưới bóng râm chén thỏa thê. Ngày nay, anh đào vẫn còn trên cành. Bọn trẻ không leo trèo dưới cây nữa. Chúng thường ngồi trước máy tính. Từ năm 1997 đến năm 2003, phần trăm trẻ em từ 9 đến 12 tuổi dành thời gian chơi với nhau ở ngoài, đi dạo hay làm vườn đã giảm đi một nửa. Trò chơi ngày càng chỉ dành cho một người, ảo, bạo lực, không còn cái đẹp, sự ngạc nhiên, tinh thần đồng đội và những thú vui đơn sơ. Vậy mà, các nghiên cứu chỉ ra rằng một mối liên lạc nhiều hơn với thiên nhiên có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nhận thức của trẻ.

CHRISTOPHE: Vấn đề về trẻ em này mang tính cơ bản… Tôi đã viết, trong một tạp chí khoa học, về cuốn sách của Joel Bakan, Trẻ em của chúng ta không phải để bán. Trong đó, anh mổ xẻ chi tiết cách xã hội ta nhắm vào trẻ em, thao túng chúng, làm chúng nghiện và thao túng cả cha mẹ chúng. Điều này thật kinh khủng!

MATTHIEU: Và vô đạo đức một cách nền tảng. Chúng ta cần phải giải quyết tính ích kỷ được hợp pháp hóa và hoàn toàn các doanh nghiệp thương mại này biết đích xác rằng họ vô sỉ, làm điều sai trái với trẻ em.

CHRISTOPHE: Tôi cũng nghĩ như anh, Matthieu, và tôi còn nghĩ rằng mọi hình thức quảng cáo nhắm vào trẻ vị thành niên cần bị cấm, dù lĩnh vực nào đi nữa, dù đó là cho đồ chơi hay thức uống có đường. Không có cớ nào chính đáng xui trẻ em tiêu thụ cả. Người ta lợi dụng tính nhạy cảm của chúng với sự vô sỉ, theo tôi, đây là điều không chấp nhận được. Điểm khác mà chúng ta, những bậc cha mẹ, chịu trách nhiệm là, tôi thường có cảm giác như các món quà chúng ta cho con cái là để xóa cảm giác có lỗi về thời gian ta không ở bên chúng. Suốt nhiêu năm, tôi ở Toulouse, còn Pauline, vợ tôi, ở Paris. Tuần nào cũng vậy, tôi đi máy bay về với vợ nên tôi thường ở sân bay. Đây là những nơi có nhiều cửa hiệu và nếu ta nhìn kỹ, có cả những tiệm đồ chơi, điều này dẫu sao cũng thật đáng ngạc nhiên. Mấy tiệm này nhắm đến các ông bố, và ngày càng thêm các bà mẹ, cảm thấy có lỗi vì xa con, họ đến trước cửa kính, và nao lòng khi nghĩ đến con. Họ tự an ủi và muốn làm chúng vui bằng cách mua một món đồ chơi, trong khi đó lý tưởng mà nói thì họ cần tự hỏi: “Nhưng tại sao mình không vui? Có phải vì con mình thiếu đồ chơi? Không, mình không vui vì mình không thường ở với chúng”. Rồi ta làm gì? Để cho tiện, ta bước vào tiệm, mua đồ chơi, đưa cho đứa con mà dẫu sao cũng hài lòng, vì nó cũng xem đó là bằng chứng tình thương, một cách nào đó. Tôi làm vậy, tất cả chúng ta làm vậy, nhưng như vậy chẳng khác nào đưa nước ngọt cho con mình thay vì dạy nó uống nước lọc. Ta không giúp gì cho nó.

Cái tốt hơn ta có thể làm cho con cái là làm gương. Nếu cứ sáu tháng ta lại sắm một đồng hồ mới, nếu ta đi mua đồ giảm giá như điên, nếu siêu thị là chuyến đi chơi cuối tuần của cả gia đình, ta có thể nhắn nhủ chúng cái gì?

Nhưng tôi có niềm hy vọng vì tôi nghĩ loài người thông minh, dễ thích nghi, và tôi thấy rằng thế hệ trẻ mới lớn lên trong môi trường quá thừa vật dụng, đồ chơi, quần áo, đã bắt đầu miễn nhiễm với tiêu thụ. Bọn trẻ mà tôi quen – con, cháu, con của bạn thân nếu không coi thường thì ít ra cũng dửng dưng hay ngày càng tự chủ trong chuyện sở hữu, và thực ra chúng đem cho cái chúng sở hữu dễ dàng hơn ta nhiều. Tôi có cảm tưởng là đến một lúc nào đó xã hội siêu tiêu thụ này, xã hội lôi kéo ham muốn của ta và tạo ra những ham muốn giả tạo, cuối cùng sẽ làm tiết ra trong não ta những kháng thể theo kiểu khá tự nhiên. Ta thấy nổi lên ngày càng nhiều các hình thức kinh tế song song, các hình thức kinh tế chia sẻ mà, thay vì mua, họ mượn – một máy xẻ cây của hàng xóm chẳng hạn. Ta có thể tiến dần đến các mô hình sẽ thắng thế, khi trẻ em cho mượn đồ chơi, sách…

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHẬT PHÁP CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO TRẺ EM?
  2. DẠY TRẺ CÁCH NÊU GƯƠNG
  3. CHO CON TRẺ “MỘT LIỀU THIÊN NHIÊN”

Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN
  2. ĐI TÌM BẢN NGÃ
  3. HÀNH ĐỘNG SINH RA TA – CÁI VÔ HẠN TRONG LÒNG BÀN TAY

Bài viết mới

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP