ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Cách Sống - Đối thoại giữa triết gia, bác sỹ và nhà sư; Thiên Nga dịch; Công ty Cổ phần Sách Thái Hà; NXB. Hà Nội

MATTHIEU: Trên đường, ta có thể tìm sự giúp đỡ từ một thiện hữu, một vị thầy, một người hiểu và làm chủ được tâm hơn ta. Dù ta làm nghề gì thì ta vẫn luôn cần có người dẫn dắt để học hỏi và tiến bộ. Người dìu dắt này, nhất là về tâm linh, cần phải có mọi phẩm tính cần thiết. Cái nguy là, khi ta trong trạng thái hoang mang hay không vững vàng, ta sẽ đi tin tuởng một tên lang băm. Vị thầy chân chính không mong được gì cũng không sợ mất gì. Thầy có mọi thứ để cho và chia sẻ. Thầy chẳng màng có thêm dăm ba môn đệ, thầy không cầu vinh quang, quyền lực hay giàu sang. Thầy chỉ mong mỏi giúp người khác giải thoát. Chính thầy cũng cần là tấm gương sống về sự giải thoát này- Trong trường hợp của riêng tôi, sau khi gặp vị thầy đầu tiên, Kangyur Rinpoche, tôi đi từ hoang mang và không mục đích đến một cái nhìn sáng tỏ và đầy khích lệ về điều mình có thể hoàn thành trong đời này.

ALEXANDRE: Để tiến tới giải thoát, ta cần tự hỏi ai là tấm gương cho mình, tham chiếu của ta là gì. Có phải tay vận động viên vẻ vang cứ thích đạt thêm thành tích? Chủ doanh nghiệp hám tiền? Diễn viên đầy tiếng tăm? Hay là người hàng xóm khiêm cung tận tụy với người khác? Nói ngắn gọn là, tôi nhìn về ai để học cách sống? Những đức tính, phẩm chất mà tôi muốn học theo để tiến bước là gì? Với tôi, những người làm tôi xúc động và giúp tôi trưởng thành là những người mà, ngày ngày, tỏa ra lòng tốt và không bao giờ để cái khổ làm mình cay đắng, những người anh hùng thầm lặng trong đời sống hằng ngày: sáng thức dậy, độ lượng, chịu đựng thử thách mà không đánh mất niềm vui.

MATTHIEU: Tôi nhớ có một khảo sát người ta thực hiện ở Mỹ mà trong đó họ hỏi: “Giữa Đạt-lai Lat-ma và Tom Cruise, anh chị thấy ngưỡng mộ ai hơn?”, 80% trả lời: “Đạt-lai Lat-ma”. Câu hỏi tiếp theo: “Vậy nếu được chọn thì anh chị muốn trở thành người nào?”. Lần này, đa số đáp: “Tom Cruise”. Tôi thắc mắc nguyên do là ở đâu. Rõ ràng họ nghĩ rằng, khi đã có ngoại hình, tiếng tăm và sự giàu có của Tom Cruise rồi thì họ có thể tu có được những phẩm chất nhân đạo của Đạt-lai Lạt-ma, họ thấy như vậy thì dễ hơn là ngược lại. Sự thật thì không dễ dàng hơn. Chuyển tâm là công việc của cả đời người. Ngày đó, một nhà báo Chile hỏi ngài Đạt-lai Lạt- ma: “Có ba mươi ngàn người đến nghe ngài trong sân vận động này, vì sao lại đông như vậy?”. Ngài đáp: “Tôi không biết, hãy hỏi họ!”. Ngẫm nghĩ một lát, ngài nói thêm: “Có lẽ là vì, từ sáu mươi năm nay, sáng nào tôi cũng thiền bốn tiếng đồng hồ về lòng từ bi”.

CHRISTOPHE: Từ lâu tôi đã thấy khó chịu với những mẫu mực. Tôi lớn lên với một nỗi ngờ vực về người lớn. Tôi thấy rõ sự mong manh của họ đến mức mà có lẽ tôi dần có một kiểu thận trọng, thậm chí là ác cảm với ý nghĩ người khác có thể làm thầy. Tôi thấy thoải mái hơn nhiều khi xem tất cả mọi người đều là mẫu mực, nhưng theo kiểu tạm thời. Thật ra, tôi xúc động sâu xa nhờ những bài học từ bệnh nhân, từ con tôi, hay người xa lạ. Tôi cũng chưa bao giờ tìm thầy. Mối quan hệ phụ thuộc này luôn làm tôi sợ. Một người thầy tạm thời thì có thể là một người thân kể tôi nghe một câu chuyện và làm tôi thán phục về trí thông minh hay sức mạnh của họ. Gần đây, một người bạn tâm sự với tôi chuyện anh ta ở bên người vợ sắp chết. Chị bị ung thư, và thể trạng của chị càng ngày càng suy yếu. Anh ta kể tôi nghe anh rửa ráy cho vợ, xoa bóp hai bàn chân cho vợ, và anh còn duy trì, thậm chí làm phong phú thêm, quan hệ yêu đương của hai người. Nghe anh ta kể, tôi thấy như mình đang đứng trước một cái gì đó thật đáng né, một tấm gương về phẩm cách, tận tụy, và vị tha. Những điều này làm tôi suy nghĩ nhiều, và khi tôi tình cờ gặp ai đó có cách xử sự gương mẫu, tôi luôn đặt ra cho mình hai câu hỏi: “Mình có làm được điều đó không?” và “Mình có thể làm gì ngay lập tức để đến gần được điều đó?”.

Đôi lúc các cô con gái của tôi cũng là thầy. Cô thứ hai chẳng hạn, là một đứa hăng hái, vui vẻ, trong khi đó thì tôi, một cách tự động – nếu không cố gắng, là người trầm uất và chuyên “lý sự cùn” để biện minh cho thế giới quan của mình. Trước kia, tôi thấy rằng những người nhiệt tình thường tự đưa mình vào thế nguy hiểm vì họ sẽ chuốc lấy sự thất vọng. Hoặc họ làm tôi khó chịu (tôi thấy họ không hiểu thực chất của đời sống), hoặc họ làm tôi thấy lo (tôi sợ giùm cho họ). Từ lâu tôi đã sợ cho con gái tôi, sợ nhiệt tâm của nó, sợ khuynh hướng vui vẻ dù cho có chuyện gì của nó, sợ nó sẽ bị tổn thương hay thất vọng, không gượng dậy được. Thế rồi, cách đây vài năm, nhờ tự kiểm nghiệm lại bản thân, tôi hiểu rằng con bé mới là người có lý! Hai năm nay rồi, nó đang học lớp dự bị, chịu vất vả, mỗi ngày dậy lúc 6 rưỡi sáng, đi tàu điện một giờ buổi sáng và một giờ buổi chiều. Và ngày nào tôi cũng dậy theo để chuẩn bị nước cam, cà phê, bánh sandwich cho nó, tôi nghĩ rằng quan trọng là tôi có mặt. Hầu như lúc nào con bé cũng tươi cười vui vẻ, ngay cả trong mùa đông, trời lạnh, vào ban đêm, hay trong thời gian có bài kiểm tra, bài thi. Có những buổi sáng nó hỏi thăm tôi, và một vài lần, tôi không được khỏe nhưng tôi không muốn cho nó thấy, nên tôi đáp: “À, tốt, tốt”. Con bé trách tôi: “Cái tốt này nghe không thuyết phục lắm đâu ạ!”. Dần dần, tôi thuộc bài. Và tôi đã có thể tự nhủ: “Chuyện gì đi nữa thì sáng ra mình cũng có mọi lý do để vui vẻ; mình thức dậy, mình sống trong chế độ dân chủ, mình sẽ sống một ngày trên trái đất này, mọi người thương yêu mình và dẫu mình có những điều lo nghĩ nhưng tối nay mình vẫn sẽ tươi vui như thường!”. Vậy là mỗi sáng, tôi học được một bài học đáng kể và nhẹ nhàng. Tôi đang đứng trước một người thầy (hay một người cô!) về niềm vui, sự nhiệt tình và tin tưởng ở cuộc sống, và tôi rất biết ơn con bé về điều đó!

ALEXANDRE: Việc làm theo lời dạy của một người thầy không hề ngăn tôi dè chừng như bệnh dịch những đạo sư mà tôi xem như tột đỉnh của sự tha hóa nếu họ không giải thoát cho ta khỏi tâm lý của ta, và nếu bản thân họ không sống trong một sự buông bỏ tận cùng. Khi tin tưởng giao cho người chưa qua tu tập chìa khóa số phận của mình thì sẽ có những tác hại kéo theo. Làm sao để tránh sa vào sự sùng bái và thôi tìm kiếm một ông bố tuyệt vời chiều chuộng ta? Thiên chức của sư phụ, hay người thầy, chính là thức tỉnh cho ta thấy tự do của mình, truy đuổi không khoan nhượng mọi mưu chước của bản ngã và đồng thời, chứng tỏ một tình thương vô điều kiện, Tuy nhiên, điều đó không thường thấy. Tôi may mắn được gặp một tu sĩ Thiên Chúa giáo cũng đồng thời là thiền sư. Vừa gặp nhau thì tôi đã hiểu rằng thầy sẽ là thầy tôi. Điều làm tôi cảm động là chưa lúc nào thầy đòi cái danh xưng thầy. Trái lại, thầy không ngừng trả tôi về với tự do của mình. Cho đến hôm nay, dọc đường tôi chưa từng gặp một lòng tốt như vậy, một sự khôn ngoan và đức tin ở Chúa Trời như vậy.

Một vị thầy đích thực thì không còn bản ngã. Không có mong muốn chiều lòng nào, không có ý muốn thao túng nào làm vẩn đục được lòng từ bi vô biên của thầy. Thầy thể hiện một sự nhất quán tuyệt đối. Điều tôi phát hiện ra nhờ người sư phụ là khả năng luôn tu huyễn không thể tin nổi của tôi. Chỉ một người dìu dắt sáng suốt và nhân từ vô biên mới có thể kéo ta ra khỏi những ảo tưởng, thứ làm ta xa rời những gì thật sự tốt cho ta. Thật khó giữ một khoảng cách tối thiểu khi mà, từ sáng đến tối, chúng ta vật lộn trong một mớ bòng bong cảm xúc!

CHRISTOPHE: Alexandre này, khi cậu kể về cuộc sống hằng ngày với thiền sư của mình, tôi “phục lăn” vì tôi không đời nào dám nói với bệnh nhân hay người thân được một phần mười những điều thầy nói với cậu. Về phần mình, tôi có một nỗi sợ đến ám ảnh là thêm khổ cho người khác. Theo tôi nghĩ, hết chín trên mười lần thì sự dè dặt này tốt, tôi tránh được việc làm khổ quá nhiều, nhưng thỉnh thoảng, nỗi sợ phải thành thật đưa ra ý kiến này trói buộc tôi. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt người đó mà nói rằng như vậy là đủ rồi, họ không nên ngoan cố trong những sai lầm như vậy nữa. Và cũng như cậu, tôi rất ngưỡng mộ những người có thể nhắc ta rằng có những thực tại, rằng không phải chuyện gì cũng có thể, không phải cái gì cũng được phép, rằng ta không thể cứ làm theo ý mình mãi.

MATTHIEU: Cái anh nói về thầy của Alexandre làm tôi nhớ ngày tôi sống bên Khyentse Rinpoche, người thầy thứ hai của tôi. Dù tôi khó mà hình dung được một người từ tâm hơn, nhưng đôi lúc thầy cũng cực kỳ nghiêm khắc với tôi. Tuy nhiên, suy cho cùng, nếu không thì sao thầy có thể dọn sạch những khuyết điểm và bản ngã của tôi?

ALEXANDRE: Cần phân biệt rõ hai thứ. Thiên chức của đạo sư là cứu chúng ta ra khỏi nhà tù bản ngã đồng thời giúp chúng ta đến gần giác ngộ hay hợp nhất với Chúa Trời; nhiệm vụ của bác sĩ trị liệu là giúp chúng ta đi qua thử thách, tìm được công cụ để kham nổi những khổ nạn lớn. Nếu một thầy thuốc tâm thần muốn đóng vai đạo sư và thực hành những cú sốc điện mà ta thấy trong Thiền tông, anh ta có thể đưa một bệnh nhân ra thẳng nghĩa địa.

MATTHIEU: Thái độ này của Khyentse Rinpoche không phải theo kiểu cứng nhắc. Thật ra, hầu như những ai biết thầy đều nói rằng họ chưa bao giờ thấy ai dễ mến hơn thầy, rằng thầy chưa bao giờ cao giọng hơn người khác. Điều đó không ngăn thầy tỏ ra không thương tiếc với những khuyết điểm của chúng tôi khi thầy thấy đã đến lúc làm vậy và khi thầy biết người nghe thầy nói gần gũi với thầy đủ để hiểu rằng thầy chỉ muốn điều tốt cho họ.

ALEXANDRE: Điều gì làm anh cảm động nhất trong 13 năm sống với thầy?

MATTHIEU: Trước hết, trong suốt những năm đó, không lúc nào tôi chứng kiến một lời hay một cử chỉ chỉ trích người khác. Cuối cùng, tôi phải tin rằng thầy chưa bao giờ có dù chỉ một chút ác ý, rằng thầy chỉ có một mong muốn duy nhất là dìu dắt người khác đi tới tự tại. Trong cuộc sống hằng ngày, tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến một tâm trạng thất thường. Thầy luôn hành động và đối xử với người khác bình đẳng tùy duyên. Thầy chứng tỏ một sự nhất quán hoàn toàn giữa bên trong và bên ngoài. Thỉnh thoảng thầy tỏ ra nghiêm khắc kinh khủng, nhưng điều đó không liên quan gì đến tâm trạng không vui. Biết bao lần tôi đã nhận ra rằng đó chỉ là để giúp người khác bỏ được những khuyết điểm. Dần dà, điều đó gợi trong tôi một lòng tin tưởng hoàn toàn.

ALEXANDRE: Sao lại một lòng tin tưởng hoàn toàn?

MATTHIEU: Trong mối tương giao bình thường giữa con người với con người, tôi buộc phải thỏa hiệp với phần bóng tối và ánh sáng trong mỗi người. Tôi biết rằng tôi có thể tin tưởng những người này, nhưng ít hơn với những người khác. Một thợ thủ công khéo léo, một kỳ thủ hay một tay dương cầm tài năng có thể cho tôi những lời khuyên chí lý trong chuyên môn của họ, nhưng tôi không mong chờ họ chỉ cho tôi làm sao để trở thành người tốt hơn. Tôi biết rằng, ngoài những phẩm chất mà tôi nhờ đến họ, họ cũng có thể có đủ kiểu khuyết điểm.

Trong trường hợp vị thầy này, kinh nghiệm cho thấy rằng tôi có thể hoàn toàn tin tưởng ở thầy. 13 năm tôi thường trực ở bên thầy lại càng khẳng định điều đó. Không lúc nào tôi nhận thấy thầy có chỗ sơ hở. Và chăng lòng tin này cũng là không thể thiếu đối với tôi. Để nhờ thầy giúp tôi thoát khỏi những nguyên nhân khổ, tôi cần tin tưởng hoàn toàn ở thầy. Tôi không thể cho phép mình nghi ngờ những lời khuyên của thầy trong từng giai đoạn.

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BẬC THẦY
  2. HỌC HỎI TỪ NHỮNG “NGƯỜI THẦY” VÀ TRUYỀN TRI THỨC LẠI CHO THẾ HỆ KẾ TIẾP
  3. MỘT VỊ THẦY THẬT SỰ PHẢI MỞ ĐƯỢC CON MẮT PHÁP THẤY THẲNG NHẤT TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN
  2. ĐI TÌM BẢN NGÃ
  3. HÀNH ĐỘNG SINH RA TA – CÁI VÔ HẠN TRONG LÒNG BÀN TAY

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG