TAI SITUPA XII
(ảnh Ngài Tai Siputa Thứ 12)
Mọi sự vật đều có hai khía cạnh tương đối và tuyệt đối. Những khía cạnh này không đối nghịch nhau mà là hai mặt của một sự vật. Để biết được khía cạnh tương đối và tuyệt đối của bồ đề tâm là rất quan trọng, nếu không bạn sẽ thấy thực hành khó khăn. Nếu chúng ta đợi cho đến khi chúng ta có thể thực hành bồ đề tâm tuyệt đối thì sẽ phải đợi mãi mãi, bởi vì hiện tại chúng ta chỉ có thể thực hành bồ đề tâm tương đối. Bồ đề tâm tuyệt đối là bản chất và thành quả của bồ đề tâm tương đối. Tuy vậy nếu chỉ biết và thực hành bồ đề tâm tương đối, mà không có hiểu biết hay nhận thức về bồ đề tâm tuyệt đối, chúng ta chỉ có cơ hội trở thành người tốt, thiện tâm, và thỉnh thoảng xúc động – đó là tất cả, nhưng không đủ. Loại bồ đề tâm hữu hạn này không thể đưa đến giác ngộ. Bạn phải hiểu biết cả hai bồ đề tâm tuyệt đối và bồ đề tâm tương đối, và thực hành kết hợp cả hai.
Tứ vô lượng tâm là bồ đề tâm tương đối. Các khía cạnh tương đối và tuyệt đối liên quan đến tính nhị nguyên. Muốn được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh là cách nghĩ nhị nguyên. Chúng ta tự lừa dối mình nếu nghĩ rằng hiện tại chúng ta không bị chi phối bởi tính nhị nguyên. Chúng ta có thể không nhị nguyên trong những giai đoạn ngắn của hoàn cảnh thuận lợi nhất. Mọi điều chúng ta làm như học hỏi từ Pháp, thiền, hoặc những việc làm tích cực đều mang tính nhị nguyên. Chúng ta đừng cảm thấy tồi tệ về điều này, bởi vì chúng ta đang tận dụng các điều kiện nhị nguyên có được. Chúng ta không tự lừa phỉnh, không mơ ước hão huyền , không tưởng tượng. Chúng ta đang kiểm soát những điều kiện hiện tại một cách thích hợp để giải quyết tính nhị nguyên theo cách này.
Bồ đề tâm tương đối là phương tiện qua đó chúng ta có thể liên hệ một cách tích cực giữa chúng ta và những người khác ở mức độ phát triển hiện tại của mình. Đó là khả năng duy nhất ở giai đoạn này. Về phương diện triết học và lý thuyết, chúng ta có thể học về nhiều mức độ khác nhau, nhưng chúng ta hiểu những mức độ đó như thế nào lại tùy thuộc vào sự tinh tấn bên trong của chính mình. Chúng ta có thể biết về Đức Phật, nói về các phẩm tính của Đức Phật, về tâm giác ngộ viên mãn; chúng ta có thể viết những quyển sách về điều đó, nhưng chiều sâu sự hiểu biết của chúng ta phụ thuộc vào mức độ thành tựu của từng cá nhân. Chúng ta không thể hiểu Đức Phật từ mức độ của Phật, mà chúng ta phải là vị Phật để có thể hiểu được điều này. Bất kể chúng ta làm, học hỏi, hay suy nghĩ, chúng ta có lẽ chỉ đang nghĩ từ mức độ chúng ta đang là ( người bình thường). Bất kỳ lòng từ, lòng bi mẫn, trong dự định hay là hành động, bất cứ điều gì chúng ta làm như việc làm của bồ tát, chúng ta đều đang làm ở mức độ tương đối. Đó là bồ đề tâm tương đối. Trong lúc đang thực hiện những việc làm có ích cho người khác, như là trợ giúp cho người nghèo hay là săn sóc người bệnh, chúng ta đang thể hiện bồ đề tâm tương đối. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta chân thành mong muốn tất cả chúng sinh được thoát khỏi khổ đau, và sử dụng khía cạnh tương đối như là một mục tiêu cho mục đích tuyệt đối, thì đó là bồ đề tâm tuyệt đối. Đó là một phương cách nhị nguyên. Tính nhị nguyên khởi đầu từ bản ngã, những nguyên nhân, vô minh, và do vô minh nên chúng ta phải sử dụng phương tiện của bồ đề tâm tương đối. Nó được khỏi đầu ở mức độ hiện tại của chúng ta và đưa chúng ta từ đó đến thành quả cao nhất – sự giác ngộ.
Về tuyệt đối mọi chúng sanh là Phật. Mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, tất cả các hiện tượng, và ngay cả tính Không đều là Phật. Hiểu điều này để biết được mức độ của chúng ta liên quan đến bồ đề tâm tuyệt đối. Hiểu được như thế, chúng ta muốn giúp đỡ, và biết có khả năng để giúp khi gặp những người vô minh, thiếu hiểu biết, hoặc là họ có một số điều sai trái. Vô minh, thiếu hiểu biết, những sai lầm có thể sửa chữa được. Những điều này có thể sửa chữa được vì về bản chất tối thượng, mọi người không phải là vô minh, thiếu hiểu biết. Chúng ta biết làm thế nào để thay đổi một hoàn cảnh tiêu cực. Nhìn ở khía cạnh tương đối, một người có lẽ mắc nhiều tội lỗi khủng khiếp, nhưng do Phật tính của người đó mà ta có thể giúp được họ. Nếu một người về bản chất là tiêu cực thì không có cách nào để giúp hay cải thiện, bởi vì người đó không có tiềm năng để tinh tấn. Tương tự như ta đặt một cái chén trên mặt đất rồi rót nước vào, và mong đợi sẽ có nhiều chén nước khác sinh ra. Điều này không thể xảy ra vì cái chén không có tiềm năng này. Nói cách khác, nếu bạn có một hạt thóc, hay một hạt giống hoa rồi trồng và tưới nước cho nó, hạt giống này sẽ lớn lên bởi vì bản thân nó có tiềm năng, về cơ bản, chúng sinh là có tiềm năng hơn hản những hạt giống do không bị tình trạng thiếu khả năng, không có chúng sinh đơn lẻ không phát triển. Do tính Phật bẩm sinh, nên mọi chúng sinh đều có tiềm năng để tinh tấn và cuối cùng để hiển thị Phật tính. Đó là sự giải thích cốt lõi về bồ đề tâm tuyệt đối mà chỉ có thể hiểu được qua thực hành và áp dụng nó, cùng với sự tăng trưởng của bồ đề tâm.
Ở giai đoạn phát triển hiện tại của chúng ta, cách thức thực hành bồ đề tâm là để biết rằng chúng ta có thể giúp đỡ các chúng sinh khác do tiềm năng lớn lao của họ – là bồ đề tâm tuyệt đối. Ngay cả về bản chất mọi chúng sinh là Phật, nhưng họ vẫn cần tất cả sự trợ giúp có thể có được. Trợ giúp này là bồ đề tâm tương đối, chúng ta có thể làm mọi điều để giúp đỡ chúng sinh, hoặc là ít nhất không làm hại họ. Sự kết hợp của bồ đề tâm tương đối và tuyệt đối là cách thức tốt nhất để chúng ta thực hành bồ đề tâm bây giờ. Chúng ta nên bắt đầu từ đây. Ngay khi chúng ta ước muốn có thể làm điều gì đó vì lợi lạc của chúng sinh khác. Chúng ta gọi điều đó là “Khát vọng bồ đề tâm”.
—**—
“ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ” – NXB Tôn Giáo
(Awakening The Sleeping Buddha)
Tai Situpa Thứ XII
Nguyên Toàn dịch