HẠNH PHÚC LÀ XẢ LY

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Sự Hợp Nhất Từ Bi Và Trí Tuệ; Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ; NXB Tôn Giáo

“Bạn không nên ích kỷ mà cần rộng mở trái tim và tấm lòng hướng tới mọi người”

Pháp hội quán đỉnh Đức Phật A Di Đà, chùa Diên Phúc, Hà Nội, tháng 11/2008

Chúng ta cần hân hưởng cuộc sống một cách thông minh, khôn khéo. Con người được cho là ưu việt hơn bất kỳ chúng sinh nào khác trong sáu đạo luân hồi, vì thế chúng ta cần sống một cách trí tuệ. Điều này có nghĩa chúng ta phải biết xả bỏ chấp thủ và hướng tới giác ngộ giải thoát. Tôi thấy rằng các bạn vân tập nơi đây với tâm nguyện dọn nhận ân phúc gia trì và giáo pháp thù thắng, để từ đó hướng mình một cách rốt ráo đến chân hạnh phúc. Đây chính là điều chúng ta mải miết kiếm tìm từ đời sống này sang kiếp sống khác. Song ít ai biết rằng bí quyết để có được hạnh phúc là biết xả bỏ, không bám chấp vào những phù du hư ảo của cuộc sống. Nếu biết dùng trí tuệ quan sát và thực hành hạnh xả ly chân chính, bạn sẽ có thể thay đổi cuộc sống và đón nhận ân phúc gia trì từ Đức Phật A Di Đà.

Cuộc sống này quả thực quá ngắn ngủi! Nếu phải từ giã cõi đời mà vẫn vô minh không nhận thức được điều này thì ta sẽ còn nhiều khó khăn, thậm chí là vô vọng. Vì vậy, hãy biết thay đổi ngay trong kiếp này. Đặc biệt, ngày hôm nay có phúc duyên được thụ nhận giáo pháp thù thắng của Đức Phật A Di Đà, được khai thị về chìa khoá của hạnh phúc chân thực bạn nên phát tâm thực hành hạnh xả bỏ.

“Xả bỏ” nghĩa là chúng ta không còn chỉ khư khư nghĩ đến bản thân, mong cầu mọi thứ cho riêng mình. Chúng ta thường ích kỷ, không muốn lợi ích hay đặc ân gì cho người khác. Thái độ như vậy sẽ khiến chúng ta căng thẳng, chịu nhiều sức ép. Nó không chỉ nguy hiểm cho riêng bạn mà còn gây xáo trộn bất an cho gia đình và cộng đồng. Sự ích kỷ khiến bạn không biết dang tay và rộng mở tấm lòng. Với bàn tay nắm chặt và con tim vô cảm, làm sao bạn có thể mang lại hạnh phúc cho người khác? Nếu không bày tỏ tình yêu thương, bạn không thể làm cho người khác hạnh phúc và cũng sẽ không thể tạo ra hạnh phúc cho chính mình.

(hình ảnh: Đức Pháp Vương đích thân ban gia trì quán đỉnh cho từng Phật tử)

Tại sao tôi nói lên điều này? Chúng ta đang sống trong một thế giới với các mối nhân duyên phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Trên thực tế, bạn sẽ chỉ có thể hạnh phúc khi cha mẹ, vợ chồng và con cái bạn đều hạnh phúc. Nếu một thành viên trong gia đình đang buồn khổ khó khăn, làm sao bạn có thể hạnh phúc khi sống bên họ? Vì vậy, để bản thân được hạnh phúc, việc đầu tiên là bạn cần nỗ lực hết sức để mang lại và giữ gìn hạnh phúc cho mọi người. Cũng vì lý do này mà đạo Phật luôn khuyến khích thực hành các thiện hạnh để mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi loài. Thay vì lo lắng thái quá cho bản thân, hãy biết nghĩ về hạnh phúc của mọi người. Điều này có nghĩa là bạn không nên ích kỷ mà cần rộng mở trái tim và tấm lòng mình.

Bây giờ bạn đã quy y Tam bảo và thụ nhận quán đỉnh A Di Đà. Cuộc đời từ nay sẽ có những thay đổi vì bạn đã có nơi nương tựa vững chắc và trở thành hành giả tu tập Phật pháp vì lợi ích hết thảy hữu tình. Để thực hành, bạn có thể quán tưởng Đức Phật A Di Đà bất khả phân với bậc Thượng sư của mình. Nếu tức thời không thể quán tưởng thì cũng không sao, bạn cần có tâm thanh tịnh xả bỏ hoàn toàn để trở về bản tính giác ngộ tự nhiên, đó là điều quan trọng nhất.

Lễ quán đỉnh tới đây đã đến hồi kết. Tất cả công đức tích luỹ được hôm nay và sau này, tất cả những thiện hạnh của mình, bạn cần hồi hướng cho hạnh phúc của mọi chúng sinh hữu tình. Đại lễ quán đỉnh gia trì Đức Phật A Di Đà đã diễn ra vô cùng tốt đẹp. Tự đáy lòng mình, tôi muốn gửi lời tri ân tới Ban tổ chức. Cho dù việc xây dựng ngôi chùa này chưa được hoàn thành, nhưng tôi cầu nguyện và tin tưởng rằng Phật sự này sẽ được hoàn mãn mà không gặp trở ngại nào, và sau này chúng tôi sẽ có dịp quay lại hạnh ngộ các bạn!

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. TRƯỞNG DƯỠNG TÂM TỪ BI
  2. HÃY TỪ BỎ NHỮNG LỜI PHÀN NÀN
  3. TÂM RỘNG MỞ MANG ĐẾN HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG