HÃY CHO THẤY MỘT CUỘC SỐNG ĐẦY NHIỆT HUYẾT

BEOP SANG

Trích: Ngày Hôm Nay Mang Tên Hạnh Phúc; Anh Vũ dịch; Công ty Cổ phẩn Sách Thái Hà; NXB. Lao Động-Hà Nội

Ta được nuôi dưỡng trên thế gian này, tôn giáo và những lời răn dạy khiến tâm ta thanh tịnh. Ở đời này, muốn được công nhận thì phải không ngừng phát triển bản thân, tăng của cải, danh tiếng, địa vị, tư duy nhưng nếu muốn được công nhận ở pháp xuất thế gian thì bằng tinh thần của bản thân, bằng sự thanh cao không màng của cải, không luyến tiếc ám ảnh, phải làm tiêu tan cái ngã.

Nếu như vậy thì tôi của hiện tại phải lựa chọn như thế nào? Để sống một cuộc đời được giác ngộ, để bản thân ta tự trở thành một niềm vui, để loại bỏ những ảo tưởng thì ta phải vứt bỏ mọi thứ rồi xuất gia hay cứ thế không làm bất cứ điều gì?

Quả thực, điều gì mới được coi là đúng đắn? Ta làm niềm vui nhỏ bé dần hay làm niềm vui ngày một lan rộng? Cả hai chỉ là những cách khác nhau để thể hiện một chân lí chứ không có gì khác nhau cả. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như là hai con đường hoàn toàn khác nhau nhưng thực ra đều có cùng một cái đích để hướng tới. Giống như khi leo núi Himalaya, đối với những người xuất phát từ hướng đông thì phải bảo họ đi về hướng tây, đối với những người xuất phát từ hướng tây thì phải bảo họ đi về hướng đông, mặc dù là bảo họ đi hai con đường khác nhưng thực ra là cùng hưởng đến một mục tiêu cuối cùng.

Bây giờ hãy thử đi theo con đường “ta lan rộng niềm vui”, gạt bỏ những ám ảnh về bản thân ta, cho thấy cuộc đời mình là của chính mình và sáng tạo cuộc sống mà ta được ban tặng.

Trong kinh Kim Cương có câu, hãy loại bỏ hết những ngã tưởng. Kinh A Hàm dạy rằng giác ngộ được vô ngã chính là tìm được con đường đến với chân lí. Ngã tưởng không phải là một chủ thể cố định nên không cần phải ám ảnh. Thế nhưng lời răn về việc xóa bỏ ngã tưởng đôi khi bị giải thích hoặc tiếp nhận không đúng với ý nghĩa thực của nó. Vô ngã, vô tâm, vô tưởng, vô ảnh, vô hữu, những từ thể hiện tư tưởng “Không” của Phật giáo bị nhiều người đánh đồng là chủ nghĩa hư vô.

Và thực ra các Phật tử khi học giáo lí Phật giáo cũng than phiền rằng họ dường như phải vứt bỏ hết mọi ám ảnh, thành công trở nên chẳng còn ý nghĩa gì đặc biệt, cảm thấy tất cả đều vô nghĩa. Đó chính là thiên lệch quá nhiều về “Không”.

Chính vì thế mà cần một lời dạy phù hợp. Lời dạy quý báu và phù hợp nhất đối với những người học Phật pháp là hãy xóa bỏ những suy nghĩ ngốc nghếch thiên lệch về một phía. Những người thiền định hay những người tu hành phải câm lặng như đúng lời dạy, vứt bỏ hết ám ảnh, không được có bất cứ dục vọng gì hay sao? Không được thành công, vứt bỏ hết những khát khao của mình, rời bỏ thành phố về một miền quê xa xôi và phải sống một đời ẩn dật hay sao? Không được kiếm tiền mà phải mãi sống trong cảnh nghèo khó hay sao?

Đấy là con đường duy nhất để đến với “Không”, là con đường xóa bỏ ngã tưởng, mãn nguyện với những gì mình có, vô ngã, vô tưởng đó sao? Hoàn toàn không phải. Nếu như trói buộc trong suy nghĩ như vậy thì không tránh khỏi thiên lệch về một phía. Cả hai phía đều phải nhìn nhận như nhau. Nếu như không có ám ảnh hay vướng bận gì trong lòng thì dù có kiếm nhiều tiền hay sống đạm bạc cũng đều tốt. Điều quan trọng là đừng ám ảnh về phía nào hết chứ không phải là không được thành công.

Lí do ta đến thế giới này là gì? Lí do mà “tôi” với dáng vẻ này, hình hài này sinh ra và sống ở đời là gì? Đó là để quy y, để ta trở về đúng với nơi quy y tự nhiên vốn có mà ta được đưa đến. Mục đích của cuộc sống chính là quay trở về với cố hương, với nguồn cội của trí tuệ, từ bi, giác ngộ vị trí vốn có của mình. Hay có nghĩa là ta sống để học hỏi, giác ngộ, trưởng thành thông qua những gì mà cuộc sống cho ta.

Nếu như vậy thì phải làm như thế nào? Sống cuộc đời là chính mình là cách thích đáng để học hỏi và trưởng thành. Ai cũng có mục đích và sứ mệnh tự khiến cho bản thân sống nhiệt thành và hạnh phúc. Việc ta phải làm chính là nhiệt tình trong tất cả những việc của bản thân, đi theo đúng con đường vô vi. Không cần phải rụt rè hay đuổi theo chủ nghĩa sống hư vô mà tiết chế năng lượng của mình. Tư tưởng “Không” chính đáng nhất, tinh thần vô ngã, xóa bỏ ngã tưởng đúng đắn nhất không phải là làm cho cuộc sống trở nên vô nghĩa hay mê mải với chủ nghĩa hư vô mà là nỗ lực và nhiệt tình từ những việc nhỏ nhất, tự thể hiện cuộc sống của bản thân một cách thật nhiệt thành.

Ai cũng có một con đường riêng mà cuộc đời ở kiếp này ban tặng. Đó không nhất thiết phải thật hoành tráng, cũng không phải là điều mà ta buộc phải chọn để làm như một nghề nghiệp. Điều quan trọng là tự tìm cuộc sống của chính mình và đi trên con đường mà bản thân lựa chọn. Nếu như mất phương hướng, hãy tạm nhìn lại cuộc sống của mình. Cuộc đời này luôn luôn cho ta những gợi ý cần thiết. Chắc chắn là có những người vẫn chưa phát hiện ra được tín hiệu mà chân lí bên trong ta gửi đến nhưng nếu thực sự hiểu rõ về bản thân mình thì mỗi người có thể tìm được những việc “vì chính mình”.

Thời sinh viên ta có nhận được những lời khuyên tham gia câu lạc bộ tình nguyện nhưng vì lí do này lí do kia mà ta từ chối không? Ta có thường xuyên từ chối những lời mời của các tình nguyện viên ở cơ sở phúc lợi xã hội hay viện dưỡng lão hay không? Khi tham gia tình nguyện, ta có từng cảm thấy tự hào, hạnh phúc, cảm động hay không? Những việc ấy nếu như cứ lặp lại, hãy thử nhìn lại xem mình đã quyết định lựa chọn làm nó hay từ chối thẳng thừng. Đấy có thể chính là những gợi ý của cuộc sống gửi đến cho ta để ta tự tìm được đường đi của mình trong pháp giới vũ trụ này.

Nếu là một người yêu hội họa hay thiết kế, đã từng có khi nào mải đắm chìm trong các tác phẩm mà quên đi việc phải làm hay chưa? Vẽ một bức tranh về ai đó mà cảm thấy vô cùng hạnh phúc, đau ốm nằm trong bệnh viện nhưng vẽ vô số tranh, và từng nhận được những đề nghị về công việc liên quan đến hội họa hay chưa?

Hãy bình thản nhìn lại cuộc sống của bản thân. Chỉ cần nhìn lại những mảnh ghép cuộc sống vô ý lướt qua ta thôi là có thể nhận ra được gợi ý mà cuộc sống này muốn nhắn gửi đến ta là gì. Giả sử như có một việc ta thực sự muốn làm nhưng vì nghe theo lời khuyên của bố mẹ hay vì thực tại không cho phép mà ta từ bỏ ước mơ cháy bỏng của cuộc đời mình, vậy có phải ta đang rơi vào guồng quay của cuộc sống công sở giống như bao người khác không?

Nếu như bạn là các bậc phụ huynh thì bạn có đang vì sự ích kỉ và tham vọng của bản thân hay vì hiện thực, vì lí do kinh tế mà ép buộc con cái học những trường mà con không muốn, hay can thiệp vào chuyện nghề nghiệp, hôn sự không? Đấy chính là giết chết bản năng sinh tồn của con cái. Dù có là bố mẹ đi chăng nữa thì cũng không được can thiệp quá sâu vào cuộc sống và đam mê của con mình.

Nếu như có người thương, hãy đừng ngần ngại nói lời yêu thương. Thay vì không thể nói ra mà cứ trăn trở mãi trong lòng, thà rằng hãy thẳng thắn nói lời yêu, dù rằng sau đó có bị từ chối đi chăng nữa thì cũng đem đến được bài học cho bản thân. Nỗi đau thất tình, vết thương của tình yêu chẳng phải chính là những bài học đáng trân trọng mà đời người phải trải qua một lần hay sao.

Thế nào nhỉ? Sinh ra trên trần đời này, chẳng phải nên thử làm điều gì đó sao? Nếu muốn thành công, hãy dám thử thách để có thể thành công. Làm kinh doanh, kết bạn, hẹn hò, học bất cứ thứ gì đó cũng đều tốt. Dù làm gì đi chăng nữa, hãy chọn làm những việc mà chỉ cần con tim cảm thấy rung động, bản thân cảm thấy rạo rực, làm việc say mê quên cả thời gian.

Nếu có đang làm những việc ấy mà lỡ không may gặp phải thất bại thì cũng hãy biết cách mỉm cười và đứng lên. Đấy không phải là thất bại hoàn toàn mà là thành công trong việc dám thất bại. Đừng lo sợ thất bại. Sức mạnh sẽ được nhân lên nếu như không có sự sợ hãi hay do dự. Hãy thử quyết tâm đón nhận mọi thứ thông qua cả thành công lẫn thất bại.

Sống hết mình với cuộc đời này bằng một quả tim nóng, hãy thử cố gắng hết sức để “lan tỏa niềm vui”. Nếu nảy ra bất cứ suy nghĩ gì về việc mình muốn làm thì đó chính là nhiệm vụ ta phải làm cho cuộc sống của chính mình. Đấy chính là ý nghĩa và mục đích sống của cuộc đời ta. Hãy tích cực sống đúng với mục đích của mình. Đừng quá phán xét hay tính toán mà hãy thử làm bất cứ một việc nào đó đi. Học tất cả những điều đáng phải học thông qua những cơ hội này.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BA ĐIỀU TRONG TÂM ĐỂ SÁNG TẠO NÊN THẾ GIỚI
  2. Ở ĐÂY, NGAY BÂY GIỜ, HÃY HẠNH PHÚC
  3. NIỀM VUI TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP