NUÔI DƯỠNG LÒNG BIẾT ƠN

KHENPO TSULTRIM LODRO

Trích: Bạn Đã Sẵn Sàng Để Đón Nhận Hạnh Phúc Chưa? ; Dịch: Pema Choedon Lâm Thúy Bảo Châu; NXB Viet Nalanda Foundation

Nếu chúng ta yêu quý cuộc đời và thế giới mà mình đang sống, chúng ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Cuộc đời chúng ta cũng sẽ có ý nghĩa hơn. Với lòng biết ơn từ trong tim của mình, chúng ta sẽ không than phiền hay oán giận; chúng ta sẽ có được sự thuận hòa tại nơi làm việc, gia đình và với những người bạn của ta.

Làm thế nào để nuôi dưỡng lòng biết ơn?

Nếu chúng ta chấp nhận tư tưởng của Phật giáo thì phát triển lòng biết ơn sẽ là việc dễ dàng. Mặc dù một số người không chấp nhận quan niệm của Đức Phật về tái sinh, vẫn có bằng chứng để chứng minh sự tồn tại của điều này.

Khi chấp nhận tư tưởng tái sinh, chúng ta có thể suy luận rằng tất cả mọi chúng sinh, vào một thời điểm nào đó đã từng là cha mẹ của mình. Khi đã là cha mẹ của mình trong kiếp trước thì họ cũng đâu khác gì cha mẹ của mình trong kiếp này, vốn là những người mà chúng ta đang mang ơn. Bởi vì thân thể trải qua một tiến trình đặc biệt khi tái sinh nên nhiều ký ức tuyệt vời đã bị mất đi. Dù vậy, nhiều điều liên quan đến quá khứ của chúng ta vẫn tồn tại một cách tiềm tàng. Mẹ chúng ta trong đời trước cũng rất có thể là những chú chó, mèo mà chúng ta yêu thích, hay là một người xa lạ, hay thậm chí là chú chó, mèo hoang.

Một khi chấp nhận được tưởng này, chúng ta có thể tập xem mọi chúng sinh như người nhà của mình; trong Phật giáo điều này được gọi là Tâm Bồ Đề. Làm như vậy, chúng ta sẽ trở thành một người biết yêu thương và có lòng bi mẫn. Mọi việc mà chúng ta làm đều thực sự là vì lợi ích của mọi chúng sinh. Thậm chí một người không phải Phật tử cũng có thể trở thành một người khoan dung; chí ít khi người đó gặp phải tình huống dẫn tới phẫn nộ người đó sẽ nhận biết được sân hận của mình ngay khi nó khởi lên và kiểm soát được cơn giận này.

Nếu quan niệm về tái sinh không được chấp nhận thì sẽ khó có thể nuôi dưỡng lòng biết ơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cố gắng thuyết phục bản thân như thế này: một người, nếu muốn thành công, sẽ không thể làm được gì mà không có sự giúp đỡ và hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp của rất nhiều người khác. Tương tự như vậy, nếu muốn đạt Phật quả, chúng ta phải cần có sự giúp đỡ của tất cả chúng sinh. Ví dụ, tất cả các pháp tu trong Phật giáo có thể được phân thành sáu loại – hay sáu Ba La Mật. Thứ nhất là bố thí. Cho tiền của cho người nghèo khó là một dạng bố thí; chia sẻ kiến thức của mình cho người khác mà không cần điều kiện và không có chút vụ lợi là một dạng bố thí khác nuôi dưỡng lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh cũng là một dạng bố thí khác.

Không có chúng sinh thì chúng ta sẽ thực hành hạnh bố thí với ai? Chúng ta dựa vào chúng sinh để tinh tấn trong thực hành và đạt được Phật quả. Do đó chúng ta phải biết ơn họ.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HẠNH PHÚC LÀ GÌ ? LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?
  2. VỀ NHÂN QUẢ
  3. PHÁP HÀNH CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH ĐỘNG LỰC CHO VIỆC TU TẬP

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY