HẠNH PHÚC LÀ GÌ ? LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?

KHENPO TSULTRIM LODRO

Trích: Bạn Đã Sẵn Sàng Đón Nhận Hạnh Phúc Chưa ?

Từ thời xa xưa điều mà tất cả chúng sinh đều mong muốn chính là hạnh phúc. Nhưng với sự tiến bộ của xã hội những gì chúng ta tin tưởng là hạnh phúc lại lảng tránh chúng ta. Sự suy giảm chỉ số hạnh phúc toàn cầu buộc chúng ta phải suy nghĩ lại: Hạnh phúc là gì? Làm sao để đạt được hạnh phúc? Trong những năm gần đây chủ đề này ngày càng được nhiều người quan tâm.

Có lẽ có một số phương pháp để đạt được hạnh phúc trong Đạo Phật, những phương pháp này có thể không hiệu nghiệm cho tất cả mọi người bởi vì mỗi chúng ta đều có nhu cầu riêng – theo ngôn ngữ đạo Phật không có phương pháp nào thích hợp cho tất cả mọi người bởi vì mỗi chúng sinh có căn cơ khác nhau.

Tuy nhiên cho những ai mong cầu thì phương pháp này có thể hướng dẫn chúng ta trên con đường tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày trong công việc và sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa hơn.

Trong truyền thống Phật Giáo đặc biệt Phật giáo Tây Tạng, vai trò của hạnh phúc rất quan trọng. Tuy nhiên, truyền thống Đại Thừa không nhấn mạnh hạnh phúc cá nhân; phúc lạc cho tất cả chúng sinh mới là điều cốt tủy. Khi phấn đấu mang lại niềm vui cho mọi người, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc lớn hơn cho chính mình. Hạnh phúc cuối cùng này siêu vượt hơn bất cứ hạnh phúc nào có được từ thú vui vật chất. Đây chính là quan niệm về hạnh phúc của Phật giáo Tây Tạng.

* BẢN CHẤT CỦA HẠNH PHÚC
Trong bất kỳ công việc hay công trình nghiên cứu nào đang đảm nhiệm, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tìm hiểu bản chất của nó. Vì vậy, trước tiên, chúng ta hãy giải đáp câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Bản chất của hạnh phúc là gì?
Có một quyển sách tiếng Hoa tựa đề Hạnh phúc là gì đã giải đáp câu hỏi này theo quan điểm của 155 chuyên gia trên thế giới. Ví dụ như hạnh phúc là có thu nhập ổn định; hạnh phúc là gia đình êm ấm, hạnh phúc là du lịch vòng quanh thế giới; hạnh phúc đơn giản là một cốc nước… Ở đây không có sự thống nhất.
Phật giáo cho rằng bản chất của hạnh phúc không phải là thu nhập bền vững hay sự hòa thuận trong gia đình, cũng không phải niềm vui đi du lịch khắp thế giới hay một cốc nước. Mặt dù những điều trên có thể mang đến cảm thọ an lạc nhưng đó không phải bản chất của hạnh phúc.
Bản chất thật sự của hạnh phúc là cảm thọ đến từ bên trong. Đôi khi cảm thọ này có liên quan đến vật chất nhưng đôi khi chẳng có bất cứ liên hệ nào. Vật chất chỉ là nhân hoặc duyên để tạo nên cảm thọ an lạc. Vật chất có thể mang đến sự thỏa mãn hoặc một cảm thọ an toàn tạm bợ. Những dạng hạnh phúc khác nhau, như nguồn thu nhập bền vững chẳng hạn, là nguồn gốc mang đến hạnh phúc nhưng tự thân không phải là hạnh phúc.
Nếu hạnh phúc chỉ là một cảm thọ, thì đây sẽ là nền tảng của cảm thọ này? Cảm nhận về hạnh phúc đến từ sự thỏa mãn, sự thỏa mãn lại đến từ cảm giác tươi mới. Những loại cảm thọ này đều liên quan đến tâm của chúng ta chứ không liên quan trực tiếp đến thế giới vật chất.

* NGUỒN GỐC CỦA HẠNH PHÚC
Chúng ta có thể chia hạnh phúc thành vô số loại. Tuy nhiên, để đơn giản hoá, có hai loại cốt yếu, một loại đến từ vật chất bên ngoài, một loại không đến từ vật chất bên ngoài. Trong loại hạnh phúc thứ hai, có cảm thọ đại lạc vượt lên trên cả cảm thọ an lạc thông thường. Cảm thọ này được trải nghiệm trong quá trình phụng sự hoặc mang lại lợi lạc cho các chúng sinh khác – đây là mục tiêu mà các Bồ Tát trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa hưởng đến.
Một số người cho rằng Phật giáo chống lại mọi hình thức vui hưởng lạc thú vật chất, tập trung kiểm soát ham muốn, và đề cao sự thực hành khổ hạnh. Thực sự đây chính là một lối hiểu sai lầm. Đức Phật đã nói rằng các Phật tử đều có quyền vui hưởng mà không cần chối bỏ những thứ họ được quyền hưởng như của cải dành dụm được một cách lương thiện hay phước báu huân tập từ thiện nghiệp trong kiếp sống trước đây. Đức Phật không phủ nhận rằng, trong một chừng mực nhất định, vật chất có thể mang đến hạnh phúc. Tuy nhiên, Ngài đã chỉ rõ ra rằng không phải tất cả hạnh phúc đều đến từ vật chất. Ngài cũng nói rằng, hạnh phúc có từ vật chất thì rất ngắn ngủi và không thể nương dựa vào được.
Nhiều nhà tâm lý hiểu được, ở nhiều mức độ khác nhau, cách thức vận hành của tâm; nhiều nhà triết học cũng đã khảo sát hạnh phúc từ nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong tất cả các tôn giáo và các môn khoa học, chính Phật giáo có được cái nhìn đầy đủ nhất về vấn đề này. Việc nghiên cứu về tâm thức trong Phật giáo là cực kỳ tinh tế. Cách thức vận hành của tâm thức như thế nào được giải thích rất rõ ràng trong các kinh điển.
Trong Phật giáo, người phàm phu là người chưa bao giờ luyện tâm. Xét trên quan điểm của tâm, cho dù chúng ta có giàu có bao nhiêu, có địa vị xã hội thế nào và học vấn ra sao, nếu chúng ta chưa thực hành luyện tâm, thì chúng ta cũng chỉ là những người bình thường. Từ ngữ này không dùng để hạ thấp người khác mà đơn thuần được dùng để chỉ một người chưa thực hành tâm linh.
Đối với những người bình thường, tâm sẽ đi theo một mô thức tự nhiên. Mô thức này luôn luôn đi về một hướng. Ban đầu, vật chất sẽ mang đến cho chúng ta cảm thọ hạnh phúc. Cảm thọ hạnh phúc dựa trên một cảm giác thỏa mãn. Cảm giác thỏa mãn này lại đến từ một trải nghiệm tươi mới. Khi quan sát một cảm thọ hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy rằng mọi thứ sẽ mất đi vẻ hào nhoáng một khi sự mới lạ không còn nữa. Sự tươi mới không phải là phẩm tính có thể tồn tại mãi mãi. Khi nào nó tan biến chỉ là vấn đề thời gian. Khi cảm giác mới lạ biến mất, cảm giác thỏa mãn sẽ mất đi chỗ dựa và sẽ biến mất theo. Cảm thọ hạnh phúc cũng sẽ biến mất theo. Là con người, chúng ta nghĩ rằng vật chất là thứ mà chúng ta theo đuổi cả đời; thật ra thì chúng ta chỉ đang chạy theo một cảm thọ. Đức Phật đã chỉ ra sự khác biệt quan trọng này, nhưng chúng ta cần phải tự mình nhận biết hay khám phá điều này.
Đức Phật đã dạy rằng: chúng ta có thể tìm kiếm hạnh phúc – đó là quyền của chúng ta, tuy nhiên, ta không thể nương dựa vào loại hạnh phúc hình thành từ vật chất bên ngoài. Do đó, khi theo đuổi các thú vui thế tục, chúng ta phải đồng thời tìm kiếm loại hạnh phúc to lớn hơn – loại hạnh phúc đến từ tinh thần, hay từ sự đảm nhận các việc làm cao thượng và có nhiều ý nghĩa.

* TÌM KIẾM CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC HẠNH PHÚC
Darrin M. McMahon, một giáo sư người Mỹ, đã trải qua 6 năm nghiên cứu về lịch sử và cách mưu sinh của nhân loại, và đã hoàn thành quyển sách tên là Hạnh phúc, một câu chuyện lịch sử. Ông đã kết luận vào cuối quyển sách rằng hạnh phúc chỉ có thể tồn tại rong trí tưởng tượng của chúng ta mà thôi; chúng ta có thể theo đuổi hạnh phúc, nhưng hạnh phúc chỉ sống trong tưởng tượng của chúng ta thôi, chúng ta có thể nghĩ về hạnh phúc như là một lý tưởng để theo đuổi, nhưng có thể chẳng bao giờ đạt được lý tưởng này.
Tôi nghĩ rằng kết luận này quá bi quan bởi vì điều này dựa trên nền tảng các phương pháp không chuẩn xác. Nếu các phương pháp của chúng ta là đúng đắn, chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong kiếp sống này. Vấn đề là làm cách nào để tìm ra các phương pháp này. Nếu các phương pháp không đúng đắn, cho dù có cố gắng đến đâu chúng ta cũng không thể đạt được hạnh phúc.
Vậy các phương pháp đúng đắn là gì?
Có năm phương pháp chính yếu để đạt hạnh phúc, ba điều “không nên [làm]” và hai điều “nên[làm]”.
> Ba điều “không nên”
1. Thứ nhất là đừng so bì.

Chúng ta càng so sánh với người khác thì chúng ta càng khó có thể tìm thấy hạnh phúc hơn. Ví dụ: một người có một chiếc xe hơi rất hiện đại và xa xỉ; nếu ông ta thích so bì, ông ta sẽ tìm trong số bạn bè của mình xem ai có chiếc xe tốt hơn. Như tục ngữ có câu: người giỏi còn có người giỏi hơn, núi này cao còn có núi khác cao hơn. Thậm chí trong hiện tại nếu người đàn ông này vẫn ở vị trí số một, không có gì đảm bảo rằng ông ấy sẽ không bị qua mặt trong một, hai năm tới. Nếu lúc đó, ông ta lại muốn tiếp tục ganh đua, ông ta sẽ tìm thấy mình dấn thân trong một cuộc rượt đuổi rất mệt mỏi. Việc so bì là không cần thiết trong cuộc sống này, nhưng đây thường là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều đau khổ.

2. Thứ hai là đừng kiêu ngạo.

Càng kiêu ngạo bao nhiêu thì chúng ta lại càng cảm thấy trống trải và vô dụng bấy nhiêu. Vào cuối cái vòng lẩn quẩn nghiệt ngã này, chúng ta chỉ có thể lấp đầy sự trống trải của mình với một sự kiêu ngạo lớn hơn mà thôi. Cảm thọ này là loại khổ đau tột độ. Rất nhiều người giàu có muốn chết hơn là sống bởi vì họ cảm thấy trống trải bên trong; tài sản, của cải của họ không thể mang đến chút hạnh phúc nào.
Nhiều người nghĩ rằng sự giàu có là chìa khóa cho hạnh phúc. Tuy nhiên, sau khi giàu có, họ không thường cảm thấy hạnh phúc như họ đã hình dung. Trong khoảng từ những năm 1959 đến năm 2000, thu nhập của người phương Tây tăng lên gấp ba lần, nhưng thực tế thì phúc lạc của người dân lại giảm đi. Nhiều nhà tâm lý học, xã hội học và kinh tế học đã nghiên cứu hiện tượng này trong hơn 50 năm và đã kết luận: khi thu nhập hằng năm của chúng ta dao động quanh mức 40.000 đô la Mỹ thì tiền bạc có thể mang đến cảm giác an toàn, rồi cảm giác an toàn này sẽ dẫn đến cảm thọ hạnh phúc; khi thu nhập hằng năm vượt khỏi mức này thì tiền bạc và hạnh phúc chẳng còn liên quan đến nhau nữa. Vì vậy, có nhiều của cải chưa chắc đã hạnh phúc.
Ví dụ, có một tình trạng tâm lý được gọi là khuynh hướng mua sắm bắt buộc. Khi người ta bị trầm cảm, họ sẽ bị ám ảnh bởi ý muốn mua sắm để khỏa lấp khoảng trống trong lòng mình. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ không có được cảm giác thỏa mãn như những lần mua sắm trước và đau khổ lại trỗi dậy.
Do đó, một loạt các giá trị được tích lũy qua thời gian bị rơi vào diện cần phải xem xét lại. Người ta đã bắt đầu suy nghĩ lại hạnh phúc là gì và làm sao để tìm được một loại hạnh phúc mới.

3. Thứ ba là đừng quá tham lam.
Nhiều người hiểu không đúng về Đạo Phật và cho rằng Phật giáo chối bỏ mọi ham muốn và những thú vui vật chất. Không phải như vậy. Đức Phật cũng thừa nhận rằng, sự ham muốn, trong một chừng mực nhất định, là một động lực. Ví dụ, lòng khát ngưỡng để học Giáo Pháp, để thành Phật, để mang lợi lạc đến cho mọi chúng sinh đều là những ham muốn. Thiếu sự ham muốn này, người ta sẽ không còn thiết tha học Phật Pháp. Do đó, nói chung Đức Phật không bác bỏ sự ham muốn, Đức Phật đã nói rằng người bình thường không thể hoạt động hay sống sót mà không có nhu cầu; họ uống khi khát và ăn khi đói. Tuy nhiên, khi nhu cầu trở nên thái quá, sẽ có những hậu quả mà chúng ta không muốn thấy như khổ đau, thất vọng hay tuyệt vọng… Chúng ta có thể tự hỏi chính mình: làm thế nào để tìm được hạnh phúc? Làm thế nào để từ bỏ bất hạnh? Nếu chúng ta quán chiếu theo hướng này, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời – sự ham muốn, nếu không được kiểm soát, sẽ là vô hạn. Sự ham muốn quá mức cuối cùng sẽ nhấn chìm chúng ta và đem đến nhiều đau khổ.
Hạnh phúc do vật chất mang lại thì có giới hạn. Trong khi tham muốn của chúng ta thì lại vô hạn. Làm sao có thể lấp đầy không gian vô tận với một vật hữu hạn? Tất nhiên là không thể thực hiện điều này trong kiếp sống này được! Kiếp sống của chúng ta chỉ kéo dài vài thập kỷ nhưng thậm chí cho dù chúng ta có sống hàng tỷ năm đi chăng nữa, chúng ta sẽ vẫn không thể thỏa mãn lòng tham ngày càng to lớn của mình. Thực ra thì càng sống lâu thì lòng tham muốn và khổ đau đi kèm sẽ càng tăng. Đức Phật đã dạy chúng ta phải kiểm soát lòng ham muốn của mình để đạt được hạnh phúc chân thật. Nếu lúc nào chúng ta cũng đuổi theo vật chất, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc thật sự.
Để hoàn toàn cắt đứt sự ham muốn, chúng ta phải dựa nương vào việc tu Phật. Khi đạt được Phật quả, sẽ không còn ham muốn nữa. Tâm từ bi và trí tuệ vô tận của Đức Phật đã thay thế tất cả các ham muốn trần tục. Nhưng trước khi đạt được Phật quả, người phàm chúng ta vẫn còn nhiều ham muốn. Trong việc tu tập của mình, chúng ta phải tránh không để rơi vào biên kiến. Một là từ bỏ tất cả các ham muốn vật chất. Một số tôn giáo cổ ở Ấn Độ đã đề cao lối sống khổ hạnh – họ không ăn uống trong một thời gian rất dài, không mặc quần áo, không nói chuyện, thậm chí còn hành xác tàn nhẫn. Đức Phật đã không chấp nhận các cách thực hành này và thậm chí còn cho rằng trong chừng mực nhất định, chúng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe chúng ta. Một thái cực khác là buông xuôi trước mọi ham muốn của mình. Chúng ta làm việc cực nhọc cả đời để đáp ứng các nhu cầu của mình, nhưng vẫn chưa thấy thỏa mãn tại thời điểm lìa đời. Cuối cùng, oán hận và giận dữ là thứ duy nhất mà chúng ta sẽ mang theo. Thật khó để đạt được hạnh phúc theo cách này.

> Hai điều nên làm”

4. Thứ tư là phải có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống.

Đừng lý tưởng hoá cuộc sống, đừng cho rằng cuộc sống hoàn hảo. Nếu chúng ta không cảnh giác trước những khủng hoảng đang chực chờ, chúng ta sẽ cực kỳ tuyệt vọng khi đối diện với sinh, lão, bệnh, tử và các loại đau khổ khác. Chúng ta có thể sẽ hành động cực đoan nếu chúng ta không đối phó được với khổ đau. Do đó, sự thận trọng với liều lượng vừa phải là cần thiết để khắc phục các khó khăn trong cuộc sống. Khi sự cố xảy ra, chúng ta phải luôn tự nhắc mình: sinh, lão, bệnh, tử; buồn, vui; hội ngộ và chia ly là một phần của cuộc sống. Chẳng có ai trong chúng ta có thể được buông tha hay chạy thoát được, vì vậy chúng ta không được mềm yếu quá mức. Trong cuộc sống, có nhiều điều rắc rối và bất hạnh mà chúng ta không thể tránh khỏi. Một số việc xảy ra do nguyên nhân khách quan, một số khác là do nghiệp trong quá khứ của chúng ta. Cho dù lý do có như thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể trốn chạy. Chừng nào còn có thân tướng này, chúng ta còn phải trải nghiệm sinh, lão, bệnh và tử. Nếu chúng ta không đủ mạnh mẽ để đối phó với chúng, chúng ta sẽ phải chịu nhiều khổ đau. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ ra nhiều phương pháp để đối diện với sinh, lão, bệnh, tử và luôn dạy chúng ta phải đối diện, chứ không phải chạy trốn khổ đau.

5. Thứ năm là luyện tâm.
Cách tốt nhất để điều tâm và luyện tâm là hành thiền. Trong các trường phái lớn của Phật giáo Trung Hoa, bao gồm cả Tịnh độ và Thiền tông thì Thiền tông đề cao thiền tập; trong Phật giáo Tây Tạng cũng có nhiều phương pháp hành thiền khác nhau. Mục đích của những phương pháp hành thiền này là nhằm đạt được giải thoát và Phật quả; thậm chí nếu chúng ta không phát nguyện cho mục tiêu rốt ráo, phương pháp này vẫn có lợi trong việc trưởng dưỡng tâm.
Thiền định hay tập trung tư tưởng có thể được thực hành cùng với niềm tin tôn giáo hoặc không [nhất thiết phải là tôn giáo], cũng giống như Yoga có thể kết hợp hoặc không kết hợp với bất cứ tôn giáo nào. Yoga chỉ đơn giản là một phương pháp tập luyện để có sức khỏe tốt. Cũng như vậy, việc hành thiền có thể mang đến hạnh phúc và điều trị bệnh trầm cảm bằng cách điều hòa tinh thần chúng ta.
Đức Phật đã chỉ cho chúng ta nhiều phương pháp để luyện tâm. Cho dù chúng ta có tin Đạo Phật hay không, các phương pháp luyện tâm vẫn rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Ai cũng có thể thực hành các phương pháp này. Dĩ nhiên là kết quả thực hành thiền định sẽ khác nhau đối với những người có hoặc không có niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình – cho dù chúng ta có muốn đạt được Phật quả, mang lại lợi lạc cho chúng sinh, và tự giải thoát hoặc chỉ đơn thuần là giảm căng thẳng, nâng cao chất lượng cuộc sống và sống một cuộc đời hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.
Tuy nhiên điều không hay là dường như mọi người chỉ chú trọng luyện thân, chứ không luyện tâm của mình. Xu hướng này đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra trên thế giới – không phải khủng hoảng tài chính mà là khủng hoảng tinh thần. Trầm cảm, đi kèm với các triệu chứng lo âu và cảm thấy cô đơn, đã trở thành sát thủ lớn thứ ba của nhân loại, sau ung thư và AIDS.
Có hai cách để điều trị bệnh trầm cảm: cách thứ nhất là thiền hành, vốn không chỉ điều trị cả triệu chứng lẫn căn bệnh mà còn mang lại được các lợi ích ngoài mong đợi; cách thứ hai là điều trị bằng dược phẩm mà về nguyên lý vốn dựa trên các tác dụng sinh lý của quyết phiền não. Mặc dù bệnh nhân trông có vẻ như không còn bị trầm cảm, nhưng thuốc có tác dụng phụ làm ảnh hưởng xấu đến khả năng nhận thức của họ và do đó không thể dùng để điều trị trong một thời gian dài.
Nếu mới bị bệnh trầm cảm thì thuốc là không cần thiết; các triệu chứng như đãng trí, lo âu và các cảm xúc tiêu cực đều có thể được điều trị bằng cách điều tâm. Khi các triệu chứng trên được giảm nhẹ, chúng ta có thể lấy lại sự tập trung và sẽ làm việc hiệu quả hơn. Nếu bệnh tình của người đó đã khá trầm trọng thì thuốc có thể được sử dụng trước để làm giảm triệu chứng. Đó là bởi vì một người mới thực hành chưa đủ khả năng để bình ổn bệnh tình của mình. Khi bệnh tình đã được cải thiện, người đó phải bắt đầu hành thiền để đi sâu vào nguyên nhân của mọi vấn đề.
Dù cho chúng ta có thảo luận về hành thiền theo quan điểm của Phật giáo hay khoa học đi chăng nữa, năng lực của thiền định là không thể nghĩ bàn.
Các nhà khoa học Mỹ đã có lần làm một thí nghiệm, trong đó những người tham gia là hành giả thiền định của Phật giáo Tây Tạng. Một mặt, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các dạng thức để đo lường sự thay đổi về sóng não, và mặt khác, sử dụng hình ảnh cộng hưởng để định vị hoạt động của não bộ. Cuối cùng, họ đã kiểm chứng rằng thiền định không chỉ thay đổi hoạt động của não bộ trong thời gian ngắn, mà còn có nhiều khả năng thay đổi hoạt động của não bộ trong lâu dài. Nói cách khác, với việc hành thiền, chúng ta có thể hoàn toàn loại bỏ chứng lo âu, sự buồn chán, các cảm giác tiêu cực, và tạo ra cảm giác hạnh phúc, thậm chí còn có thể cấu trúc lại não bộ. Do vậy, dù là người điều hành công ty hay công nhân làm việc dưới áp lực cao, nếu chúng ta có thể thực hành thiền định mỗi tối hai mươi phút hoặc nửa giờ, và buông bỏ những cảm xúc tiêu cực tích lũy trong ngày, chúng ta sẽ có khả năng duy trì trạng thái hạnh phúc hơn khi đi vào giấc ngủ. Làm được như vậy, chúng ta điều hòa được cả thân lẫn tâm một cách hiệu quả. Theo các nhà tâm lý, năm phút hành thiền sâu tương đương với một giờ ngủ. Do đó, hành thiền mỗi tối không chỉ giúp điều thân và điều tâm mà duy trì trạng thái tràn đầy năng lượng.
Cũng không cần thiết phải từ bỏ gia đình, cuộc sống, hay công việc để hành thiền. Trong lúc tận hưởng của cải vật chất và cuộc sống gia đình trong cõi đời này, chúng ta vẫn có thể dành thời gian để thực hành một cách thường xuyên. Nếu chúng ta có thể giữ sự tĩnh lặng và thư giãn trong các hoạt động của cuộc sống, chúng ta sẽ có thể trải nghiệm hạnh phúc đến từ sâu thẳm trong tâm mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC GIẢN ĐƠN
  2. ĐẠO ĐỨC VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. VỀ NHÂN QUẢ
  2. PHÁP HÀNH CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH ĐỘNG LỰC CHO VIỆC TU TẬP
  3. BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ ĐÓN NHẬN HẠNH PHÚC CHƯA?

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH