VỀ NHÂN QUẢ

KHENPO TSULTRIM LODRO

Trích: Tri Kiến Đúng Đắn – Biến Người Tu Thành Bồ Tát; Liên Hoa Trí chuyển Việt Ngữ; Viet Nalanda Foundation.

 

Sau đây là một thảo luận ngắn gọn về bản chất, những sự khác biệt, sự phân loại  và những nghi vấn liên quan đến nhân quả.

Nhân quả là gì? Ví dụ, nếu một người phạm tội trộm cắp, về mặt thân, khẩu và ý của người đó, nguyên nhân là gì? Từ “karma” [nghiệp], mà chúng ta thường dùng trong buổi nói chuyện, có cùng ý nghĩa với từ “nguyên nhân” ở đây. Một tên trộm dùng tay để lấy thứ gì đó và nhét vào túi. Hành động này có phải là nguyên nhân? Khi ai đó nghĩ rằng: “ Tôi sẽ trộm thứ này.” Liệu ý nghĩ này có phải là nguyên nhân? Trong trường hợp của việc trộm cắp, liệu hành động của đôi tay nên được hiểu là nguyên nhân hay ý nghĩ?

Trường phái Nhất thiết hữu bộ Sarvastivada và Duy Thức có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến việc diễn giải nhân quả, nhưng các quan điểm của Duy Thức thì dễ hiểu hơn trong bối cảnh của Chân Lý Tương Đối. Duy Thức Tông cho rằng mọi người đều có một sự liên tục của tâm thức từ vô thủy cho đến khi đạt giác ngộ. Sự liên tục của tâm thức này đôi lúc có năm thức gồm mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể, nhưng đôi lúc thì không. Dù nó hiển bày ra sao thì có một sự tồn tại vĩnh viễn được gọi là A-lại-da thức luôn hiện hữu vào mọi lúc. Bất cứ khi nào nghiệp được thực hiện, một hạt giống nghiệp sẽ được gieo trong A-lại-da thức.

Có một ví dụ về điều này. Khi mực bị đổ lên tuyết, tuyết sẽ biến thành màu của loại mực đó. Sau khi tuyết tan, màu sắc vẫn có thể thấy trên mặt đất. Tương tự, nếu nghiệp sinh ra từ những lỗi lầm, dấu ấn nghiệp sẽ vẫn in hằn trên A-lại-da thức sau khi lỗi lầm đã biến mất. Nghiệp (hay nguyên nhân) sở hữu khả năng độc đáo. Mặc dù mắt trần tục của chúng ta không thể thấy được cách hạt gạo nảy mầm, nhưng tự chúng vẫn có khả năng nảy mầm được như vậy. Giống như thế, khi hạt giống nghiệp được gieo trồng trong A-lại-da thức, nó sẽ tạo ra kết quả khi tất cả mọi điều kiện (duyên) đúng đắn hội tụ. Kết quả này cũng được gọi là ảnh hưởng của nghiệp. Và năng lực đặc biệt này của A-lại-da thức – tạo ra kết quả của nghiệp – là bản tánh cố hữu của nguyên nhân.

Sau khi một người giết một chúng sinh hay trộm cắp thứ gì đó, hạt giống nghiệp của hành động này sẽ duy trì trong A-lại-da thức của anh ta. Tuy nhiên, khi nào nó nảy mầm là điều không chắc chắn. Các bản văn thường sử dụng hình ảnh về việc thu hoạch mùa màng để miêu tả thời điểm của các ảnh hưởng của nghiệp (sự trổ quả). Có nhiều loại hạt giống và rau cỏ khác nhau và khoảng thời gian cho chúng sinh trưởng cũng khác nhau. Một số có thể chỉ từ một đến hai tháng, số khác cần năm hay sáu tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Những loại hạt giống, vị trí địa lý và khí hậu đều là những nhân tố góp phần vào sự khác biệt này.

Giống như vậy, các kinh văn cũng nói rằng, sự chín muồi của nguyên nhân xảy đến theo bốn cách thức. Đầu tiên là nó chín muồi trong cùng một đời. Ví dụ, nghiệp phạm phải vào thời trẻ và ảnh hưởng (quả) xảy đến vào thời trung niên hay khi về già. Đôi khi, nghiệp chín muồi thậm chí còn nhanh hơn và tác động có thể thấy lập tức. Lý do là bởi có những điều kiện nhất định thúc đẩy sự hiển bày của kết quả. Sự chín muồi nhanh chóng như vậy liên quan đến đối tượng và động cơ của hành động. Có nhiều nguyên nhân như vậy được kể trong Kinh Bách Nghiệp (Karmasakata). Ví dụ, chư Tăng và những người bình thường là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau. Nếu là trường hợp nghiêm trọng, chẳng hạn trộm cắp hay nói xấu Tăng già, quả báo có thể đến ngay lập tức hoặc sẽ báo ứng ngay trong chính đời này. Nếu ta phạm phải một hành động tương tự với người bình thường, thì ta chắc chắn sẽ chịu quả báo nhưng không nhất thiết phải ngay lập tức hay ngay trong đời này. Các kết quả khác nhau khởi lên từ sự khác biệt giữa hai đối tượng. Một điều kiện khác nữa là sự khác biệt về động cơ. Nếu ý định giết hai rất mạnh mẽ hoặc được suy tính trong thời gian dài, quả báo sẽ đến nhanh chóng, trong khi tác động có thể không lập tức hiển hiện nếu động cơ giết hại không dữ dội đến vậy.

Có ba loại chín muồi (trổ quả) khác không dẫn đến việc nghiệp báo hiển bày nhanh chóng. Đầu tiên là chín muồi trong đời sau. Ví dụ, kết quả của việc phạm phải một tội ác lớn, chẳng hạn năm tội vô gián, hay một thiện hạnh vĩ đại, chắc chắn sẽ hiển bày trong đời sau. Thứ hai, kết quả chắc chắn sẽ hiển bày nhưng thời gian thì chưa chắc chắn; nó có thể cần ba hay bốn đời hoặc thậm chí còn lâu hơn. Thứ ba, có thể có hoặc không có bất cức kết quả nào. Nguyên nhân của sự không chắc chắn về nghiệp quả không sai chệch này có thể là gì? Khi nguyên nhân (hay nghiệp) yếu gặp phải một cách đối trị mạnh mẽ, nhân quả có thể bị phá vỡ.

Ba loại trổ quả đầu tiên này của nghiệp, là sự chín muồi trong đời này hoặc đời sau, hoặc sự không chắc chắn về  thời gian trổ quả, thì đây là nghiệp không thể thay đổi (bất biến). Loại thứ tư, với một kết quả không chắc chắn rõ ràng, là nghiệp biến đổi (có thể thay đổi).

Về sức mạnh của bốn loại nghiệp này, chỉ Đức Phật toàn tri mới biết. Những kẻ phàm phu hay hành giả ngoại đạo sở hữu sức mạnh huyền bí và thậm chí chư A La Hán cũng không biết sự vận hành phức tạp [của các nghiệp này] một cách tỉ mỉ. Trong thời kỳ [tại thế] của Đức Phật, có nhiều hành giả ngoại đạo ở Ấn Độ, với một khả năng thấu thị đã nhìn thấy những người hiền lương suốt đời lại tái sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh. Họ sinh nghi ngờ: “Nếu nhân và quả là không thể sai chệch, thì tại sao những con người thiện lành này lại có kết thúc như vậy?”. Vì thế, họ xem tư tưởng về nhân quả là điều hoàn toàn vô nghĩa.

Làm sao một người đã thực hành thiện hạnh tròn đời lại có thể tái sinh về các đọa xứ? Mặc dù người đó có thể làm thiện trong suốt đời này, nhưng chúng ta không biết chút gì về các đời quá khứ của người đó. Có thể, anh ta thiện lành trong đời này cũng như hai đời trước, nhưng có thể không phải vậy nếu chúng ta  đi ngược trở lại thêm [vài đời] nữa. Một số ác nghiệp có thể phạm phải từ rất nhiều đời trước. Từ quan điểm của ba loại nghiệp không thể thay đổi, thiện nghiệp mà người ta tạo ra trong đời này chưa chín muồi trong đời hiện tại hoặc đời sau mà trong đời nào đó trong tương lai chưa thể biết được. Tức là, các nghiệp này không trổ quả cho tới hàng trăm hay hàng nghìn năm sau.

Trong vô số các đời quá khứ, liệu chúng ta đã từng phạm phải các loại nghiệp không thể thay đổi này chưa? Câu trả lời là có. Vì thế, chúng ta có thể rất thiện lành trong đời này, quả báo vẫn chờ đợi chúng ta nếu chúng ta không thể tịnh hóa mọi ác nghiệp trong quá khứ. Khi loại nghiệp này chín muồi, không thể nào tránh khỏi việc chịu đựng những tác động của nó dù chỉ là tạm thời. Điều này có phải là thiện nghiệp mà chúng ta tích lũy trong đời này sẽ bị lãng phí chăng? Chắc chắn là không. Chúng cũng sẽ trổ quả riêng. Tuy nhiên, nếu thiện nghiệp không đủ mạnh mẽ và chín muồi một cách chậm rãi, có thể chúng ta phải đau khổ trước rồi mới được tận hưởng sự đền đáp.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGHIỆP CÓ THỂ THAY ĐỔI ?
  2. NHÂN QUẢ

Bài viết khác của tác giả

  1. HẠNH PHÚC LÀ GÌ ? LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?
  2. PHÁP HÀNH CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH ĐỘNG LỰC CHO VIỆC TU TẬP
  3. BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ ĐÓN NHẬN HẠNH PHÚC CHƯA?

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ