BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ ĐÓN NHẬN HẠNH PHÚC CHƯA?

KHENPO TSULTRIM LODRO

Trích: Bạn đã sẵn sàng để đón nhận hạnh phúc chưa?; Dịch giả và Hiệu Đính: Pema Choedon Lâm Thúy Bảo Châu - Konchog Kunzang Tobgyal hiệu đính, với sự góp ý của Sơn Ý Quiet Wisdom Translation Project Viet Nalanda Foundation; Ấn tống 2018

 

Trong số năm nhà tư vấn tiếp thị hàng đầu của Mỹ là tác giả Joe Vitale người đã viết quyển sách Bí Mật Kiếm Tiền Vĩ Đại Nhất Trong Lịch Sử! Mặc dù quyển sách bao hàm rất nhiều vấn đề, bí mật quan trọng nhất chính là sự rộng lượng.

Bí mật chủ yếu để kiếm tiền là: càng cho đi nhiều, càng nhận lại nhiều. Một ông chủ công ty không thể cư xử bủn xỉn với nhân viên của mình và phải luôn luôn chia sẻ lợi nhuận công ty với họ. Rộng lượng chính là hạt giống của sự báo đáp.

Tất nhiên, có những người đang vận dụng kiến thức này vì tư lợi của mình. Họ cho đi nhưng chủ đích của họ không thanh tịnh, cuối cùng thì họ thực sự lừa dối chính họ. Bằng việc cho đi với động cơ thanh tịnh, những gì đúng là của bạn sẽ đến một cách tự nhiên.

Việc chủ doanh nghiệp có quan tâm thật lòng đến nhân viên hay không phụ thuộc vào tính tình và sự tu tập bên trong của người chủ. Nếu tính cách và sự tu tập không đạt được tiêu chuẩn nhất định thì thực hành vô ngã là việc khó khăn. Chúng ta phải biết rằng nếu chúng ta không được hạnh phúc trong không gian riêng của mình thì vinh quang nào ở thế giới bên ngoài cũng là vô dụng. Chỉ bằng cách học cho đi chúng ta mới có thể tạo được một thế giới bên trong lẫn bên ngoài hoàn hảo cho chính mình.

 

Bạn đã sẵn sàng để đón nhận hạnh phúc chưa?

Trong lịch sử loài người, khái niệm vĩ đại nhất là tư tưởng Tâm Bồ đề của Đại thừa. Từ ngữ “Bồ đề” thể hiện tinh thần đích thực của sự bố thí vô ngã.

 

? Nuôi dưỡng lòng bi mẫn và xây dựng hạnh phúc

Bố thí được hình thành trên cơ sở lòng bi mẫn. Chúng ta không nên bố thí để làm lợi cho mình hay vì đơn thuần là bố thí; chúng ta phải bố thí cho lợi ích kẻ khác. Chừng nào còn khổ đau của luân hồi và nhân loại, lòng bi mẫn luôn luôn là điều cần thiết.

Mỗi người hay chúng sinh hữu tình đều có lòng bi mẫn với mức độ khác nhau. Thành ngữ có câu: “Hổ dữ không ăn thịt con.” Đó cũng là bản chất chăm sóc con cái của thú dữ như hổ, rắn độc… Tuy nhiên lòng bi mẫn này rất giới hạn và hay bị tâm sân hận thay thế.

Thông thường chúng ta quan tâm đến tư lợi của mình trước và không nghĩ đến quyền lợi của những người khác; đôi khi chúng ta quan tâm đến quyền lợi của chúng ta trước rồi mới quan tâm đến quyền lợi của những người khác. Không ai sẵn lòng buông bỏ tư lợi để phục vụ người khác. Chỉ trong Phật giáo Đại thừa, chúng ta mới tìm thấy được khái niệm bố thí vô điều kiện.

Sự khác biệt giữa Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy nằm ở phạm vi của đối tượng được nhận thức. Trong Phật giáo Đại thừa, tất cả là vì lợi ích của những người khác; do có lòng bi mẫn vô hạn nên đây là “cỗ xe lớn.” Trong Phật giáo Nguyên thủy, không làm hại kẻ khác là tiền đề cơ bản nhưng mục đích chỉ là giải thoát cho bản thân; do có lòng bi mẫn rất giới hạn nên đây là “cỗ xe nhỏ.”

Trong lịch sử loài người, khái niệm vĩ đại nhất là tư tưởng Tâm Bồ đề của Đại thừa.

Từ ngữ “Bồ đề” thể hiện tinh thần đích thực của sự bố thí vô ngã. Tất cả các cuốn sách về Phật giáo Đại thừa đều nói đến vô ngã và bi mẫn. Mặc dù ai cũng biết tâm Bồ đề là tốt, làm thế nào để có thể vận dụng được vào việc quản lý công ty?

Một công ty tốt không những phải huấn luyện cho nhân viên về kỹ thuật mà còn phải huấn luyện cho họ về tinh thần. Ví dụ, khi nhân viên gặp vấn đề cá nhân, công ty Google cho họ nghỉ phép và thậm chí còn cho họ tham gia các hoạt động đánh Gôn hay Bowling để thư giãn hoàn toàn. Và kết quả trở thành tốt ngoài sự mong đợi.

Ngoài ra, nhiều công ty lớn của Nhật Bản như Panasonic và Toyota chẳng hạn, còn tổ chức các hoạt động thiền định và khuyến khích nhân viên đến tu viện tham gia các đợt nhập thất. Hằng năm các công ty này cũng tổ chức lễ tưởng niệm dưới sự chủ trì của ban lãnh đạo để cầu nguyện cho các nhân viên quá cố theo tập tục địa phương hay theo truyền thống của các nhóm tôn giáo, hoặc chính công ty bảo trợ cho lễ cầu siêu cho người quá cố tại các chùa. Khi phúc lợi của nhân viên có vị trí ưu tiên trong nền văn hóa công ty, họ sẽ thực sự cảm nhận rằng “công ty chính là gia đình, là nhà mình” – quả thật là công ty đang quan tâm đến tôi, không những khi tôi còn sống mà cả khi tôi đã qua đời và không còn đóng góp gì được cho công ty nữa. Cho dù nỗ lực này chỉ mang tính hình thức hay là thật lòng, nó cũng rất hữu ích. Dĩ nhiên là lòng bi mẫn chân thành là tốt nhất; sớm hay muộn, lòng bi mẫn giả dối cũng sẽ bị người ta phát hiện. Chúng ta không nên lừa dối người khác và lừa dối chính mình.

Người tổng quản lý trước của công ty Toshiba là một Phật tử và là hình mẫu của lòng bi mẫn. Ông ấy dành ra một giờ đọc Kinh Liên Hoa mỗi buổi sáng sau khi thức dậy; trở về nhà vào buổi tối sau giờ làm, ông ấy tiếp tục đọc kinh và thiền định, và thông thường từ chối các lời mời giao tiếp xã hội. Ông ấy kiên trì thực hành dù cho công việc có áp lực ra sao. Ở tuổi bảy mươi, ông ấy luôn suy tưởng về tánh Không và không màng bỏ vài giờ đi đường đến thăm nhân viên sống ở vùng nông thôn. Thực tế đã chứng minh rằng việc ông ấy đặt mình vào ngang hàng những người ông ấy muốn giao tiếp đã thực sự động viên họ. Nỗ lực này đến từ đâu? Câu trả lời chính là sự nuôi dưỡng lòng bi mẫn của Phật giáo.

Nguyên nhân của nhiều vấn đề trong xã hội ngày nay là sự thiếu vắng lòng bi mẫn.

Trước đây đã xảy ra biến cố nghiêm trọng tại trường Y khoa Harbin, trong đó một bác sĩ bị giết và ba học sinh bị thương. Sau biến cố, một cuộc khảo sát trên mạng Internet được thực hiện với kết quả đáng kinh ngạc. 6.161 người tham gia khảo sát được hỏi họ vui hay buồn về biến cố đó. 4.018 người trong số đó trả lời là họ “hài lòng”. Báo động hơn nữa là nội dung đăng “Hãy mang pháo hoa, rượu và âm nhạc đến!” đã nhận được hơn 5.000 lượt thích.

Kết quả này bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ: người ta đang bị cái gì vậy? Làm thế nào mà họ trở nên lạnh lùng như vậy? Tại sao nhiều người lại tỏ ra vui sướng trước cái chết của vị bác sĩ? Tại sao họ lại ghét bác sĩ đó?

Phần lớn các câu trả lời đều đơn giản – vì vị bác sĩ này không tốt. Tại sao bác sĩ lại không tốt? Nói một cách hợp lý, bác sĩ phải là người giàu lòng bi mẫn và là người chúng ta tin dựa vào nhiều nhất. Nếu đạo đức nghề nghiệp của các bác sĩ đang là vấn đề, chúng ta có thể trông chờ gì ở những ngành nghề khác? Thật sự, những vấn đề này của xã hội là hậu quả của việc thiếu lòng bi mẫn.

Khoa Sức Khỏe Tâm Thần của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Trung Quốc đã từng đưa ra kết quả nghiên cứu: số lượng người Trung Quốc mắc bệnh tâm thần ở nhiều mức độ khác nhau đã vượt qua con số một trăm triệu. Nói cách khác, cứ mười ba người thì có một người được chẩn đoán là bị rối loạn tâm thần. Ngoài ra, tỷ lệ này đang tiếp tục tăng cao. Trong số những người bị rối loạn tâm thần, hơn mười sáu triệu người được chẩn đoán là bị bệnh tâm thần trầm trọng. Đúng là một thống kê kinh khủng!

Theo báo cáo năm 2003 của Quang Minh Nhật báo, số lượng người Trung Quốc tự tử mỗi năm vào khoảng 230.000 người. Nhiều thông tin hiện hành chỉ ra rằng trung bình có 287.000 người chết vì tự tử mỗi năm (tương đương với số lượng thương vong của vài trận động đất ở Văn Xuyên), trong khi đó lại có thêm hai triệu người định tự tử nhưng được cứu sống. Nếu tình hình cứ tiếp diễn thì sẽ có mười triệu người tự tử trong năm năm, một trăm triệu người sẽ tự tử trong năm mươi năm. Mặt khác, theo báo cáo năm 2003 của Quang Minh Nhật Báo, các chuyên gia tin rằng 80% những người có xu hướng tự tử đều bị bệnh trầm cảm.

Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y Tế Thế Giới dự đoán rằng trầm cảm sẽ trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn nhất trên thế giới trong tương lai không xa.

Bên cạnh những người đang mắc bệnh trầm cảm, có nhiều người đang sống cô lập và ngày càng xa lánh xã hội. Hậu quả của việc sống cô lập và lo lắng trong thời gian dài là bệnh trầm cảm.

Trầm cảm không chỉ dẫn đến việc mất ngủ, ăn không ngon miệng và không giao tiếp với người khác, mà còn dẫn đến việc tự tử trong trường hợp đau buồn tột độ. Nếu khủng hoảng này không được giải quyết thì sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc ngay cả khi tiền bạc đang thừa mứa.

Để giải quyết tình cảnh này, các chuyên gia đã đưa ra một giải pháp có tên là “đơn thuốc cho hạnh phúc”. Đơn thuốc này yêu cầu mỗi người phải sống hạnh phúc mỗi ngày. Nhưng làm sao để người ta có thể hạnh phúc mỗi ngày lại là một câu hỏi khó.

Hiện nay phương pháp phổ biến nhất để điều trị trầm cảm là dùng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, những loại thuốc đều có tác dụng phụ và làm giảm khả năng nhận thức của chúng ta.

Thật sự, cách điều trị bệnh trầm cảm tốt nhất là thiền định; thiền không chỉ được hướng dẫn trong Phật giáo mà còn có tác dụng được minh chứng trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học.

Có một quyển sách mang tựa là Sống Vui. Quyển sách giải thích quá trình tìm kiếm hạnh phúc thông qua thiền định với lý lẽ rất thuyết phục. Giờ thì chúng ta đã biết được rằng thực hành thiền định có thể nâng cao cảm thọ hạnh phúc của mình.

Tóm lại, lòng bi mẫn là động lực quan trọng nhất và cũng là nhân tố gắn kết trong doanh nghiệp; những đóng góp của công ty cho xã hội hoàn toàn đến từ lòng bi mẫn. Từ bi mẫn phần lớn bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, một người không theo tôn giáo nào chắc chắn cũng có thể là người rất từ ái.

Một doanh nhân bi mẫn sẽ tạo ra một nền văn hóa quan tâm đến phúc lợi của nhân viên. Tại sao tự tử lại là một vấn nạn vẫn đang tiếp diễn tại một số công ty? Khi nhân viên lo lắng quá mức và không cảm thấy công ty quan tâm đến mình, họ sẽ có những hành động thái quá. Vì vậy, mỗi doanh nhân có lương tâm đều phải ưu tiên cho phúc lợi của nhân viên. Tôi hy vọng chân thành rằng mọi người ở bất cứ nơi đâu có thể đến sở làm một cách vui vẻ và về nhà an toàn mỗi ngày.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NUÔI DƯỠNG LÒNG BIẾT ƠN
  2. HẠNH PHÚC LÀ GÌ ? LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?
  3. VỀ NHÂN QUẢ

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. MẠN ĐÀ LA – NỐI KẾT XƯA VÀ NAY