NGHIỆP CÓ THỂ THAY ĐỔI ?

KHENPO TSULTRIM LODRO

Trích: Tri Kiến Đúng Đắn; Việt dịch: Liên Hoa Trí (Pema Jyana); Viet Nalanda Foundation ấn tống; 2018

Nếu chúng ta có sức mạnh tiên tri, chúng ta sẽ có khả năng thấy được tất cả những nghiệp xấu tích tập trong A-lại-da thức. Không có sự ăn năn hối cải, quả báo chắc chắn sẽ xảy đến.

Trong thế giới hiện đại, người ta cũng có những câu hỏi tương tự. Có những người chưa bao giờ trộm cắp thứ gì, chưa từng giết hại hay làm tổn thương ai; thay vào đó, họ giữ gìn giới luật và thực hành thiện hạnh. Tuy nhiên, họ thường thiếu may mắn hơn người khác về nhiều mặt. Những trường hợp như vậy thường khiến mọi người băn khoăn: “Nếu nghiệp là chân thật, tại sao người tốt lại gặp phải điều xấu?” Những hành giả cư sĩ không có kiến thức sâu sắc về nghiệp hay thấu hiểu trọn vẹn về A-tì-đạt-ma-câu-xá luận có thể hỏi câu hỏi tương tự. Một số người thậm chí nói rằng: “Tôi đã tham dự nhiều lễ cầu nguyện và tụng đọc nhiều kinh văn. Tôi không đáng phải chịu căn bệnh này hay bất hạnh nào đó.” Đây là quan điểm sai lầm. Sự thật là mọi hành động thiện lành được làm đã được lưu lại trong A-lại-da thức. Do bởi những điều kiện liên quan chưa hội đủ mà nghiệp từ những hành động này chưa đem kết quả. Giống như một người nông dân gieo hạt giống vào mùa xuân và phải chờ năm hay sáu tháng mới có thể thu hoạch. Trong lúc này, anh ta chỉ là một người nông dân nghèo chẳng có gì ở nhà để ăn. Vài người có thể hỏi: “Anh đã vất vả cả ngày cày xới đất đai, sao anh lại chẳng có gì để ăn?” Câu hỏi như vậy là vô nghĩa. Mọi người đều biết cần một khoảng thời gian chờ đợi từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch. Lý do tại sao bây giờ anh ta không có thức ăn là bởi anh ta không làm đất tốt từ năm ngoái để thu hoạch một vụ mùa bội thu vào năm nay. Sự chăm chỉ của anh ta năm nay sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả theo bất cứ cách nào. Tương tự, tham dự các lễ cầu nguyện hay phóng sinh sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến cơn đau và bất hạnh mà chúng ta phải chịu đựng bây giờ bởi chúng là sự hiển bày của sự chín muồi của ác nghiệp quá khứ.

Một tình huống khác nữa là những người xấu ác dường như chẳng bị bệnh tật hay gặp phải điều xấu ác như vậy. Nhiều người trong số họ có cuộc đời tốt đẹp và thậm chí còn sống rất sung túc cho tới chết. Người ta sẽ lại hỏi rằng: “Nếu nhân và quả thực sự vận hành, tại sao không có bất cứ quả báo nào sau tất cả những hành động xấu xa mà những người này đã làm? Dường như người xấu sống cuộc đời khỏe mạnh và hạnh phúc hơn người tốt. Chẳng phải điều này cho thấy rằng nhân quả không tồn tại sao?” Điều này thì cũng giống với ví dụ về việc trồng trọt.

Bây giờ hãy cùng nhau phân tích xem liệu khổ đau về vật lý và bất hạnh có phải khởi lên dựa trên nghiệp hay không.

Một số người không phải Phật tử nghĩ rằng nghiệp đưa đến sự xuất hiện của mọi hiện tượng. Việc một người có cuộc đời tốt đẹp, hay thậm chí họ có thể ăn sớm hay muộn ra sao, đã được quyết định trước và vì thế không thể thay đổi. Tuy nhiên, đây không phải là tri kiến Phật giáo.

Phật giáo cho rằng nguyên nhân đưa đến khổ đau vật lý và những bất hạnh gồm có nhiều nhân tố khác nhau. Có một số bệnh tật được xem là được gây ra bởi nghiệp, đều khởi nguồn từ đời quá khứ. Các căn bệnh như vậy không thể chữa được bằng thuốc thang, dù bao nhiêu tiền được chi trả. Các căn bệnh như vậy có thể là do bởi nghiệp. Nhưng nếu bạn bị cảm lạnh, đau đầu hay sốt, điều này rất có thể cũng liên quan đến nghiệp, nhưng không nhất thiết gây ra bởi nghiệp từ các đời quá khứ. Vì vậy, nghiệp đôi khi chịu trách nhiệm trực tiếp cho một số việc nhất định, nhưng lúc khác thì không liên quan trực tiếp. Điểm chính yếu ở đây là, trong mọi vấn đề, Phật giáo luôn luôn phản đối cách tiếp cận nhị nguyên, khẳng định một điều trong khi phản bác điều khác. Điều này cũng áp dụng với cả nghiệp.

Mặt khác, nếu mọi thứ đã được định sẵn và không thể thay đổi như một số vị ngoại đạo tin tưởng, thì mục đích của việc thực hành tâm linh là gì? Nếu mọi thứ đã được định sẵn, thì thật vô nghĩa khi cố gắng thay đổi mọi thứ trong đời này – vậy nếu có một cuộc đời tốt đẹp, hãy tận hưởng vận may; còn nếu mọi thứ đã được định sẵn, thật vô nghĩa khi cho người nghèo thức ăn bởi đói đã là số mệnh của họ rồi. Bởi thế, thuyết định mệnh là không đúng.

Vẫn có một số người khác từ chối công nhận sự thực về nhân và quả. Điều này cũng là sai. Tốt nhất, chúng ta cần tiếp cận theo con đường trung đạo, hơn là đi về hai thái cực.

Trong bất cứ trường hợp nào, việc tìm hiểu xem liệu khổ đau hay hạnh phúc có liên quan đến nghiệp hay không đã vượt khỏi những giới hạn về nhận thức của chúng ta. Trong những hoàn cảnh thông thường, những gì chúng ta làm, dù tốt hay xấu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự trổ quả của nghiệp báo trong tương lai nhưng lại không phải sự hiển bày của nghiệp ngay hiện tại. Tuy nhiên, một số ngoại lệ vẫn có thể xảy ra với những hoàn cảnh đặc biệt.

Một số người nghĩ rằng bởi sát sinh và trộm cắp là trái ngược với những niềm tin tôn giáo, nên họ từ bỏ những việc làm này. Sự thật là sát sinh và trộm cắp cần được từ bỏ bởi chúng đối nghịch với quy luật tự nhiên và vì thế sẽ đem đến sự trừng phạt không thể tránh được. Ví dụ, uống thuốc độc có trái với giáo lý Phật Đà hay không? Mặc dù Phật giáo cấm mọi người uống thuốc độc, lý do thực sự là vì chất độc tự nó là không thể ăn được. Nếu bạn khăng khăng dùng nó, bạn sẽ trúng độc và chịu đau đớn. Đây là kết quả của việc hành xử trái với quy luật tự nhiên. Một số loại chất độc phát tác ngay lập tức, một số khác cần vài tháng hay thậm chí nhiều năm. Điều này đúng với nghiệp báo. Mặc dù chúng ta không thể thấy được sự vận hành thực sự của nhân và quả, nhưng sự trổ quả cũng tuân theo nguyên tắc trên. Nếu người ta thấy rằng một người có sức khỏe tốt sau khi dùng chất độc, nhưng trước khi chất độc phát tác, họ cho rằng người đó không bị trúng độc. Điều này có nghĩa lý hay không? Thực sự, người ta không nên đánh đồng việc không đau đớn với việc không bị trúng độc; đơn giản là vì vẫn chưa đến lúc chất độc phát tác. Tương tự, sát sinh và trộm cắp giống như chất độc gặm nhấm. Chúng chắc chắn sẽ phát tác, chỉ là vấn đề thời gian.

Có một ví dụ kinh văn như sau. Ngày xưa có một vị vua giết một vị A La Hán. Hôm sau, một cơn mưa ngọc báu trút xuống vùng đất của ông ta. Cơn mưa ngọc báu đó, trở nên quý giá hơn theo mỗi ngày, tiếp tục trong sáu ngày tiếp theo. Tuy nhiên, vào ngày thứ tám, bùn trút xuống một cách ghê gớm và chôn vùi tất cả dân chúng. Tại sao ngọc báu lại trút xuống vùng đất của vị vua sau khi ông ấy giết một A La Hán? Đó là bởi những hành động lớn lao ông ta đã làm trong các đời trước. Mặc dù giết A La Hán là một trọng tội, thiện nghiệp từ quá khứ chín muồi trước và vì thế, ông ta có được phước báu như vậy. Nhưng khi thiện nghiệp suy kiệt, những kết quả của nghiệp tiêu cực lập tức xuất hiện. Có phải Đấng Sáng Tạo sắp xếp trình tự các sự kiện như người ngoại đạo thường nghĩ? Không. Quy trình [của nghiệp] cũng giống như với mùa màng, [nghĩa là] việc thu hoạch phụ thuộc vào sự kết hợp đúng đắn của đất đai, khí hậu, ánh sáng và nhiều nhân tố khác. Đó không phải là nhân tạo mà là quy luật tự nhiên.

Nếu bạn muốn biết nhiều hơn về nghiệp, bạn có thể đọc chương bốn trong A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, có giải thích rõ ràng sự vận hành của nhân và quả. Không hiểu về nghiệp một cách chuẩn xác sẽ gây ra nhiều vấn đề dù đó là những người với sự thấu thị, chứ đừng nói là những kẻ ngu dốt bình phàm như chúng ta.

Loại nguyên nhân thứ tư là nghiệp có thể biến đổi. Sức mạnh của loại nghiệp này, dù là tốt hay xấu, thì cũng chỉ yếu ớt thôi, nên nó có thể không gây ra tác động nào khi gặp phải một điều kiện (duyên) đối trị. Để ác nghiệp có thể trở nên thay đổi được, chúng ta cần tạo ra những điều kiện đối trị này, ở đây tức sự hối hận. Theo Đại thừa A-tì-đạt-ma-tạp luận (Mahayanabhidharma-sangiti-shatra), cách thức để biến mọi nghiệp xấu đã phạm phải từ vô thủy thành nghiệp biến đổi, chính là sự hối hận và thệ nguyện sẽ không tái phạm nữa. Hối hận trước ác hạnh quá khứ và xác quyết sẽ không bao giờ lặp lại chúng nữa là hai yếu tố then chốt để biến nghiệp không thể thay đổi (nghiệp bất biến) thành nghiệp có thể thay đổi được (nghiệp biến đổi).

Ví dụ, một kẻ đồ tể giết hại động vật như là một sinh kế sau đó thay đổi và trở thành một Phật tử cư sĩ. Anh ta bày tỏ sự ăn năn lớn lao về việc sát sinh và phát nguyện sẽ không tái phạm nữa. Khi hai điều kiện này được thỏa mãn, nghiệp từ việc sát sinh sẽ trở thành nghiệp biến đổi (có thể thay đổi được), và điều này có thể dẫn đến hoặc có thể không dẫn đến bất cứ nghiệp báo nào. Nếu sự thống hối còn sâu sắc hơn như thế, thì thậm chí có thể anh ta không phải chịu đựng bất cứ nghiệp báo nào.

Đối với tất cả những hành động sai lầm trong quá khứ mà chúng ta đã tiến hành nhưng không thể nhớ, chúng ta có thể quán chiếu như sau: “Mọi hành động sai lầm mà con đã phạm phải từ vô thủy, dù vô tình hay cố ý, đều là sai quấy như thế chúng là chất độc mà con đã ăn, con cảm thấy nỗi lo sợ và sự hối tiếc to lớn nhất về những hành động của mình, và phát nguyện sẽ không tái phạm.” Theo cách này, mọi ác có thể chuyển thành nghiệp biến đổi. Không thể nào coi nhẹ tầm quan trọng của sự quyết tâm này. Ngược lại bất cứ nghiệp báo nào cũng đều có thể xảy ra nếu ta không thực hiện [sám hối và quyết tâm không tái phạm ác hạnh].

Mặc dù chúng ta đã không phạm phải việc sát sinh hay trộm cắp trong đời này và trở thành những hành giả Phật giáo, ta thường trì tụng thần chú, thiền định và phóng sinh các thú vật, những thiện hạnh này vẫn chỉ là việc làm của những người đang mê lầm. Khi sân hận mạnh mẽ khởi lên trong tâm, mọi thiện nghiệp tích lũy từ bấy lâu sẽ tức thì bị phá hủy nếu công đức chưa được hồi hướng. Bên cạnh đó, gốc rễ của thiện hạnh của người bình thường là không ổn định – bây giờ tốt không có nghĩa là mãi mãi tốt. Nếu chúng ta có sức mạnh tiên tri, chúng ta sẽ có khả năng thấy được tất cả những nghiệp xấu tích tập trong A-lại-da thức. Không có sự ăn năn hối cải, quả báo chắc chắn sẽ xảy đến. Khi ấy, giống với tri kiến của những vị theo chủ nghĩa hư vô, [ta sẽ nghĩ rằng] nhân quả không tồn tại, rằng người ta có thể sống cuộc đời thiện lành nhưng vẫn bị rơi vào đọa xứ sau khi chết. Đây là một quan điểm nguy hiểm với người Phật tử chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần ăn năn mọi nghiệp tiêu cực bởi tất cả những nghiệp ấy đều có thể được tịnh hóa nhờ sự sám hối đúng đắn.

Mặc khác, thiện hạnh cũng có khả năng biến thành nghiệp biến đổi. Vì thế, điều quan trọng với chúng ta là bảo vệ tất cả thiện nghiệp tốt nhất trong khả năng có thể. Có hai cách để làm vậy. Một là hồi hướng. Cách kia, tốt hơn, là thấu hiểu trọn vẹn về ý nghĩa của tính Không, tức là biết thiện nghiệp, giống như giấc mộng, cũng vốn là hư huyễn. Nếu chúng ta có thể quán chiếu theo cách này, thì dù sân hận khởi lên cũng không thể phá hủy gốc rễ của thiện hạnh. Bởi sân hận là lỗi lầm, là một cảm xúc phiền não bám rễ trong sự tham luyến, nó không tương đồng với tri kiến cho rằng mọi hiện tượng đều là hư huyễn. Nhưng thiện hạnh mà chúng ta đã làm có liên quan trực tiếp đến việc chứng ngộ tri kiến đó. Bởi bất cứ điều gì đắm chìm trong tham luyến cũng đều thấp kém so với gốc rễ thiện hạnh được gieo trồng bằng trí tuệ, và sân hận không thể phá hủy gốc rễ thiện hạnh này. Nhưng nếu chúng ta chưa đạt được bất cứ sự chứng ngộ nào và cũng không hồi hướng công đức mà liên tục chìm đắm trong sân hận, thiện nghiệp sẽ bị phá hủy rất dễ dàng. Đối với những người bình thường, cách tốt nhất để bảo vệ thiện nghiệp là hồi hướng công đức.

Tóm lại, chúng ta cần làm mọi điều có thể để biến mọi ác nghiệp thành nghiệp biến đổi và mọi thiện nghiệp thành nghiệp bất biến.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ CHẤM DỨT CỦA NGHIỆP
  2. BÁT CHÁNH ĐẠO

Bài viết khác của tác giả

  1. NUÔI DƯỠNG LÒNG BIẾT ƠN
  2. HẠNH PHÚC LÀ GÌ ? LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?
  3. VỀ NHÂN QUẢ

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY