SEAN COVEY
Trích “7 Thói Quen của Bạn Trẻ Thành Đạt”
Người dịch: Vũ Thị Thu Nhi – Nguyễn Thành Nhân
NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2018
Sean Covey (sinh ngày 17 tháng 9 năm 1964 ) là một tác giả người Mỹ. Ông được biết đến với các sách viết về động lực cho trẻ em và thanh thiếu niên. Covey tốt nghiệp Đại học Brigham Young với bằng tiếng Anh và sau đó tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard. Ông đam mê bóng đá nhưng sau đó bị chấn thương ở đầu gối, và từ đó ông theo đuổi nghề viết sách. Các sách của ông viết về động lực cho trẻ em và thanh thiếu niên. Cuốn sách bán chạy nhất quốc tế của ông “7 Thói Quen Của Người Trẻ Thành Đạt” dựa trên các nguyên tắc của “7 Thói Quen Của Người Thành Đạt” được viết bởi cha ông – Stephen Covey . Cuốn sách tiếp theo của ông “7 Thói Quen Để Trẻ Trưởng Thành” đã trở thành một New York Times bán chạy nhất.
—–*—–
Tôi nhớ kết quả một cuộc điều tra mà trong đó người ta được hỏi là nổi sợ hãi lớn nhất của họ là gì. “Sợ chết” đứng hàng thứ hai. Còn điều thứ nhất bạn sẽ không thể đoán nổi. Đó là nỗi sợ “phải nói trước đám đông”. Người ta thà chết chứ không chịu nói trước đám đông. Nghe buồn cười nhỉ?
Cần phải có lòng can đảm để nói trước đám đông, đó là điều dễ hiểu. Nhưng cũng cần có lòng can đảm để nói ra những suy nghĩ của mình (không nhất thiết là nói trước đám đông).
Phần thứ hai của Thói quen thứ 5: “Tìm cách để được thấu hiểu” cũng quan trọng như phần đầu nhưng đòi hỏi những yếu tố khác. Để hiểu được người thì cần biết quan tâm, nhưng để người hiểu được thì cần lòng can đảm.
Nếu chỉ thực hiện một phần của Thói quen 5 thì bạn sẽ trở nên yếu ớt. Đó là một cái bẫy mà bạn dễ dàng rơi vào, đặc biệt là với bố mẹ. “Tôi sẽ không nói cho mẹ biết những cảm nghĩ của tôi. Mẹ sẽ không nghe và mẹ sẽ chẳng bao giờ hiểu”. Và thế là ta cất giấu những cảm giác ấy trong lòng, còn bố mẹ ta vẫn không biết thật sự ta có cảm giác ra sao. Điều này không ổn chút nào. Hãy nhớ rằng, những cảm giác không được thể hiện không hề biến mất. Chúng vẫn âm thầm sống trong lòng bạn và sau đó sẽ bộc phát theo những cách thức khó xử hơn. Hoặc bạn chia sẻ cảm giác của mình hoặc chúng sẽ gặm nhắm trái tim bạn.
Bên cạnh đó, nếu bạn chịu lắng nghe thì ngược lại, bạn sẽ có cơ hội được lắng nghe lại.
Việc cho ý kiến phản hồi cũng là một phần quan trọng để được hiểu. Nếu có ai đó đang bốc đồng thì hãy khuyên can họ. Nếu bạn có một người bạn thân có những ảo tưởng, bạn có nghĩ rằng hắn cần những ý kiến phản hồi chân thành, được nói ra một cách tế nhị? Có bao giờ bạn về nhà sau một cuộc hẹn hò và khám phá rằng có một miếng rau dính vào răng bạn từ chiều đến giờ? Thẹn thùng, bạn nhớ lại ngay lập tức những nụ cười tối đó. Bạn ước gì lúc đó có một người chân thành nói cho bạn biết cái gì đã xảy ra.
Hãy nhớ hai điều sau, khi bạn định góp ý cho ai đó:
Thứ nhất, bạn hãy tự hỏi mình rằng: “Ý kiến này có thật sự giúp cho người này không, hay mình lại buộc họ theo ý của mình?” Nếu động cơ phản hồi ý kiến của bạn không tương ứng với quan tâm cao nhất của người ấy thì có lẽ đó không phải là lúc là nơi để nói.
Thứ hai, dùng ngôi thứ nhất chứ đừng dùng ngôi thứ hai trong thông điệp, ví dụ bạn nên nói: “Mình cho rằng bạn nóng tính”. Khi bạn dùng ngôi thứ hai, thông điệp sẽ có tính chất đe dọa hơn vì nó có vẻ như bạn đang áp đặt: “Cậu có tính khí khủng quá”.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với bạn về Thói quen 5 là nhắc lại ý tưởng mà chúng ta đã nói từ đầu: Bạn có hai lỗ tai nhưng chỉ có một cái miệng, vậy hãy sử dụng chúng cho phù hợp.