HIỂU RÕ ”LIỀU LƯỢNG” CỦA HÀI HƯỚC

LƯU CHẤN HỒNG

Trích: Hài Hước Một Chút Thế Giới Sẽ Khác Đi

Tục ngữ nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hài hước cũng tương tự, muốn nói thì phải nói sao cho hợp lí, giữ nguyên tắc: Nắm được “mức độ” cần nói, phân biệt rõ từng trường hợp. Đùa giỡn quá đà sẽ dễ gây chuyện thị phi. Bởi vậy, muốn thể hiện sự hài hước thì cũng phải chú ý tới mức độ.

 

Hài hước không phải là kĩ năng lòe bịp, mà là biểu hiện của trí tuệ và tình cảm, là một môn khoa học, và cũng là một nghệ thuật.

 

Nhưng cũng không thể lạm dụng sự hài hước, nếu không sẽ biến sự hài hước của mình thành lố bịch. Một người tự tin, lạc quan có phẩm chất cao thượng, độ lượng sẽ có tính cách hài hước. Ngược lại, một người vô vị, khô khan thì sẽ chỉ khiến người ta ngày càng chán ghét mà thôi.

 

Nếu không nắm được “liều lượng” của hài hước thì sẽ làm tổn hại tới hình tượng thành thực, trang trọng và đáng tin cậy của mình trong lòng người khác, đồng thời giảm bớt uy tín của bản thân trong mắt họ, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ đôi bên.

 

Bởi vậy, nói chuyện hài hước cũng cần phải có mức độ. Đừng bới móc hay cười nhạo người khác, cũng đừng nhại lại hành động hay câu nói của họ để chế giễu; đừng lải nhải nói không biết chán, bởi vì ngôn ngữ hài hước cần phải khổ luyện. Đừng chỉ biết trêu đùa, giỡn chơi, như thế bạn chỉ được cái tiếng là “thằng hề” chứ không phải là hài hước.

 

Hài hước cũng cần phải chọn thời điểm thích hợp. Một khi bạn phát hiện ra sự hài hước này khiến mọi người vui vẻ hoặc khuấy động không khí thì bạn đừng do dự mà hãy thể hiện ra. Nhưng nếu bạn phát hiện không khí xung quanh không thích hợp với sự hài hước thì hãy “biết điều” mà nén mình lại.

 

Hài hước cũng cần phải chú ý tới đối tượng, hãy phân biệt giới tính, thân phận, địa vị, kinh nghiệm, tố chất văn hóa và tính cách của từng đối tượng khác nhau, không phải ai cũng là đối tượng thích hợp để nói chuyện hài hước.

 

Thường thì với người quen, đồng hương, bạn học, đồng nghiệp, cấp dưới… có thể đùa giỡn, nói những câu hài hước, thú vị, nhưng cũng không nên đùa quá trớn.

 

Đối với cấp trên, người nổi tiếng, người lớn tuổi, người lạ, nữ giới, đặc biệt là thiếu nữ, những người có tính cách khép kín, những người bất mãn với công việc hay nơi làm việc thì không nên tùy tiện nói đùa.

 

Lời nói hài hước phải đúng mức, đùa quá trớn dễ chuyển thành vô duyên, khiến người ta thấy ghét; sự hài hước không phù hợp có khi còn trở thành cuồng ngôn, bị người ta chỉ trích.

 

Ngoài ra, lời nói hài hước cũng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình. Có câu chuyện như sau:

 

Hơn 50 năm trước, khi đại văn hào người Anh Bernard Shaw tới thăm Thượng Hải, Lâm Ngữ Đường đã lên thuyền đón tiếp ông.

 

Lâm Ngữ Đường nói: “Ở đây mấy ngày qua đều có tuyết, hôm nay mới nắng. Ông đúng là may mắn, vừa tới Thượng Hải đã nhìn thấy mặt trời.”

 

Bernard Shaw nghe thấy thế thì mỉm cười nói: “Là mặt trời may mắn thì đúng hơn, được gặp tôi ở Thượng Hải.”

 

Câu nói “Là mặt trời may mắn…” từ miệng Bernard Shaw nói ra nên nghe có vẻ hóm hỉnh, khiến người ta vui vẻ. Nhưng nếu đổi lại là

 

người khác, ví dụ như nhân vật Cu D(1) mà đến AQ cũng coi thường, nhất thời cao hứng nói với người ở làng Mùi rằng: “Là mặt trời may mắn, được gặp tôi ở làng Mùi.” thì người dân làng Mùi không cho anh ta một bài học mới lạ.

 

  • Cu D: Nhân vật xuất hiện trong tác phẩm AQ chính truyện của nhà văn Lỗ Tấn (ND).

 

Trong công việc cũng vậy, đặc biệt là ở những nơi thường xảy ra sóng gió như văn phòng làm việc thì càng cần phải chú ý tới nghệ thuật nói đùa, cho dù là một câu nói đùa nhẹ nhàng nhất cũng phải cẩn trọng. Đương nhiên là chẳng ai bắt bạn phải miệng câm như hến cả.

 

Trong công việc bạn còn cần lưu ý rằng, cấp trên mãi mãi là cấp trên, đừng hi vọng cấp trên sẽ bằng vai phải lứa với bạn. Cho dù trước đây hai người có là bạn học hay bạn thân đi nữa, thì trong công việc cũng đừng tự ý đùa cợt, đặc biệt là khi có mặt người khác.

 

Bạn tưởng rằng bạn đã rất thân quen với đối phương, có thể tùy tiện chế giễu khuyết điểm của họ. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu không khéo léo thì lời nói đùa của bạn sẽ rất dễ khiến cho đối phương cảm thấy bạn đang cười nhạo họ. Nếu đó lại là một người nhạy cảm thì một câu nói vô tình của bạn cũng có thể khiến người ta nổi giận và tình bạn của hai bạn sẽ gặp sóng gió.

 

Có những câu nói đùa có thể làm giảm không khí căng thẳng trong công việc; có những lời nói đùa giữa hai người khác giới có thể kéo gần khoảng cách đôi bên. Nhưng hãy nhớ, khi nói đùa không được quá đáng, nhất là không được nói chuyện bậy bạ trước mặt người khác giới, như thế đồng nghĩa với việc hạ thấp nhân cách của bạn trong mắt đối phương.

 

Hài hước là liều thuốc bổ trong cuộc sống, bởi vì nhờ có sự hài hước, cuộc sống mới trở nên thú vị và sinh động hơn. Thế nhưng

 

trên đời này tiếc thay lại có những người không biết nói đùa, thường khiến cho người nói đùa cảm thấy khó xử, ngượng ngùng.

 

Việc đùa giỡn giữa những người bạn là không thể tránh khỏi, nhưng nếu để xảy ra hiểu lầm thì không tốt chút nào, bởi vậy khi nói đùa nên chú ý đừng để quá đà. Hãy cùng xem ví dụ dưới đây, chắc chắn bạn sẽ hiểu ý của tôi:

 

Hai nhà Triệu Hồng và Lí Kiệt vốn không có hiềm khích gì, thậm chí có thể nói là quan hệ khá tốt, mỗi khi gặp gỡ đều cười nói rất vui vẻ.

 

Một lần, Kiệt đi xe máy không may đâm vào người khác, bị thương

 

  • chân trái, trong một thời gian dài phải đi tập tễnh. Lúc này, Hồng đùa đùa nói với Kiệt rằng: “Hay là đâm nốt chân phải của anh đi, cân bằng rồi sẽ không phải đi tập tễnh nữa”. Người ngoài nghe thấy thế thì bật cười, Kiệt cũng cười.

 

Một câu nói đùa đơn giản như thế lẽ ra sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng, nếu như Kiệt không bị tai nạn lần thứ hai.

 

Khoảng ba tháng sau, Kiệt cảm thấy chân trái của mình đã đỡ hơn nhiều, thế là lại đi xe máy ra ngoài chuyển hàng.

 

Nhưng vì hàng chất quá đầy và nặng, không cẩn thận nên xe trượt bánh trên đường. Chiếc xe đổ về bên phải, hàng hóa trên xe đè lên chân phải của Kiệt. Tai nạn này khiến chân phải của Kiệt bị gãy.

 

Khoảng thời gian giữa hai lần tai nạn rất gần nhau, thế là có người nhớ lại câu nói đùa của Hồng và kể với vợ Kiệt.

 

Lúc này, vợ Kiệt đang lo cho chồng, bèn đổ toàn bộ trách nhiệm lần tai nạn này của Kiệt cho câu nguyền rủa của Hồng. Nhưng vì chẳng thể nào bắt Hồng bồi thường, thế nên chị đành biến lửa giận thành lời rủa. Chị đứng trước cửa nhà Hồng mà rủa rằng: “Cả nhà xuống lầu bị ngã gãy cổ, ra đường thì bị cướp…” Tóm lại đều là những lời nguyền rủa độc địa.

 

Thấy Kiệt bị thương, ban đầu Hồng cũng lo lắng cho bạn, thậm chí còn mua rất nhiều đồ tẩm bổ định mang sang nhà Kiệt. Đồng thời, anh còn định nói mấy câu chúc may mắn với Kiệt. Nhưng Hồng còn chưa tới nhà Kiệt thì đã nghe thấy lời nguyền rủa của vợ Kiệt. Mấy câu nói quá độc ác ấy khiến Hồng nổi giận đùng đùng.

 

Vốn là người nóng tính nên lúc này, suy nghĩ của Hồng lập tức thay đổi 180 độ. Anh cắt một miếng bìa có chữ “Gửi lại” rồi đưa cho vợ Kiệt: “Những lời nguyền rủa của cô tôi gửi lại hết cho nhà cô.” Vợ Kiệt tức quá mà không làm thế nào được.

 

Mấy hôm sau, cậu con trai một tuổi của Hồng bị ngã từ trên cầu thang xuống. Hiềm khích giữa hai nhà càng như lửa đổ thêm dầu, xung đột xảy ra liên tiếp. Tình cảm hàng xóm láng giềng hòa thuận trong phút chốc biến mất, đổi lại là những tiếng đánh cãi chửi nhau không ngớt.

 

Chẳng qua chỉ là một câu nói đùa mà dẫn tới bao nhiêu chuyện không hay, phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ hòa thuận trước đó. Bởi vậy, điều này nhắc nhở chúng ta rằng, khi nói đùa hãy giữ mức độ vừa phải và cần chú ý một số điều sau đây:

 

  1. Nói đùa tùy vào đối tượng

 

Tính cách của mỗi người là khác nhau, có người tính tình cởi mở, rộng lượng, có người thì lại hẹp hòi. Bởi vậy, đối với những người có tính cách khác nhau thì lời nói đùa cũng khác nhau.

 

Đối với những người có tính tình cởi mở, độ lượng, bạn có thể đùa nhiều hơn một chút, như thế sẽ khiến không khí trở nên sôi nổi hơn; còn với những người nhạy cảm, hẹp hòi thì nên hạn chế nói đùa.

 

Đối với phụ nữ, nói đùa cần phải đúng mực; đối với người già, khi nói đùa càng phải chú ý tôn trọng đối phương.

 

Tóm lại, khi nói đùa, hãy nhớ mục đích là giúp không khí thoải mái, vui vẻ hơn mà không làm tổn hại tới lòng tự tôn của đối phương.

 

 

  1. Quan sát tâm trạng của đối phương

 

Cùng một người nhưng trong các tình huống khác nhau sẽ có tâm trạng khác nhau. Khi tâm trạng của đối tượng không tốt, cần được an ủi và giúp đỡ thì bạn đừng đùa cợt, bởi vì nếu không cẩn thận, đối phương sẽ cho rằng bạn đang chế giễu sự đau khổ của họ.

 

Nói đùa cần chọn khi tâm trạng mọi người dễ chịu, thoải mái, hoặc khi đối phương vì một việc nhà mà không vui, bạn có thể thông qua lời nói đùa để giúp cho tâm trạng của đối phương tốt hơn.

 

  1. Nội dung nói đùa phải lành mạnh, tao nhã

 

Tuyệt đối không được lấy khiếm khuyết của người khác ra đùa cợt, lấy nỗi đau khổ của người khác làm niềm vui cho mình. Đồng thời, cũng tránh nói những chuyện dung tục, thô thiển.

 

Lời nói đùa phải có tri thức và thú vị, khiến mọi người học thêm được kiến thức mới, từ đó đạt được hiệu quả tích cực.

 

Tuy rằng hài hước cần hiểu rõ đâu là giới hạn, nhưng trong cuộc sống, giả sử gặp phải một người không biết điều thì nên đối phó như thế nào? Bạn có thể dùng sự hài hước để “hóa giải” điều đó, như thế có thể sẽ khiến bạn trở thành người có lí hơn.

 

Hãy đọc vài ví dụ dưới đây để xem họ đối phó với những người nói chuyện không biết điểm dừng như thế nào:

 

  1. Một người mù khi lên xe bus, vô tình giẫm vào giày của một cô gái trẻ, cô gái quay đầu lại chửi: “Anh bị mù à?”

 

Người mù đó nói: “Tôi là người mù mà, mắt cô cũng mù à?”

 

Cô gái đó xấu hổ quá, không biết giấu mặt vào đâu cho đỡ ngượng.

 

  1. Có một lần, tôi cùng một người bạn cụt tay trái vào nhà hàng dùng bữa, anh ta không cẩn thận làm thức ăn rơi xuống đất, bèn vội vàng gọi người phục vụ tới dọn.

 

Người phục vụ bực mình nói: “Không thấy tôi đang bận sao? Ông không có tay à?”

 

Tôi nghĩ, chết rồi, cãi nhau to rồi. Ai ngờ bạn tôi bình tĩnh đáp: “Tôi mà có một cánh tay thì đã chẳng phải phiền đến anh.”

 

Người phục vụ đó nhìn cái tay áo phất phơ của bạn tôi, bèn vội vàng tới lau nhà.

 

  1. Trên xe bus, một cô gái ngồi cạnh một người lùn. Cô tò mò hỏi: “Anh lùn thế có lấy vợ được không?”

 

Người lùn đó biết cô gái đang nghi ngờ điều gì, bèn ung dung trả lời: “Người lùn chúng tôi ngắn tay ngắn chân chứ những chỗ khác không ngắn.”

 

Cả xe cười nghiêng ngả…

 

Qua những ví dụ kể trên, chúng ta có thể hiểu rõ hài hước có thể hóa giải rất nhiều những bối rối trong cuộc sống. Nhưng hãy ghi nhớ mấy điều sau đây:

 

  1. Khi nói đùa với người lớn tuổi hay ít tuổi hơn, không nên quá trớn

 

Đặc biệt là không nên nói những chuyện nam nữ, mấy thế hệ cùng nói đùa với nhau thì nên chọn những câu chuyện tao nhã, hài hước, giúp không khí xung quanh thêm đầm ấm, hòa thuận. Còn khi những người cùng lứa đang đùa giỡn về những chuyện nam nữ, bản thân mình là người lớn tuổi hơn hoặc nhỏ tuổi hơn cũng có mặt thì tốt nhất là không nên tham dự, chỉ lặng yên lắng nghe.

 

  1. Khi đùa với người tàn tật cần tế nhị

 

Chẳng ai muốn người khác lôi khuyết điểm của mình ra giễu cợt, đặc biệt là người tàn tật. Người xưa có câu: “Đừng nói chuyện ánh sáng với người mù”. Bạn nên biết rằng, con người chẳng có ai là thập toàn thập mĩ, khiếm khuyết của người khác không phải là trò đùa của bạn. Những lời nói đùa như thế sẽ làm tổn thương nghiêm trọng tới đối phương, gây ra hậu quả khó lường.

 

  1. Khi ở riêng với bạn khác giới, không nên nói đùa

 

Cho dù là nói đùa ý nhị thì cũng thường gây phản cảm cho đối phương, hoặc khiến người khác suy đoán thị phi, bởi vậy nên chú ý giữ gìn khoảng cách. Đương nhiên, trong một số trường hợp nhất định cũng không cần phải nghiêm túc quá.

 

Sự hài hước giữa hai người khác giới nên có một giới hạn nhất định, những câu chuyện vô nghĩa không những không thể kéo gần khoảng cách giữa đôi bên, mà ngược lại còn hạ thấp nhân cách của bản thân, dễ khiến đối phương cho rằng bạn là người dung tục.

 

  1. Không đùa cợt khi người khác đang tiếp khách

 

Khi người khác đã có chủ đề nói chuyện chung và đang có được không khí hòa thuận, nếu lúc này bạn đột nhiên chen ngang vào nói đùa với bạn bè để thu hút sự chú ý của mọi người cũng như làm ngắt chủ đề chuyện trò của họ, phá hoại hứng thú nói chuyện, thì bạn bè sẽ cho rằng bạn đang khiến họ mất mặt.

 

  1. Không sa sầm mặt khi đùa với người khác

 

Cảnh giới cao nhất của sự hài hước là người nói đùa không cười nhưng lại khiến người nghe cười nghiêng ngả. Tuy vậy, chúng ta không phải là các danh hài, thế nên rất khó làm được điều này. Bởi vậy, bạn đừng mặt mũi sầm sì khi nói đùa với người khác để tránh bị họ hiểu lầm.

 

  1. Đừng suốt ngày nói đùa với đồng nghiệp

 

Nói đùa cần phải nắm được giới hạn, không thể lúc nào cũng đùa cợt. Nếu cứ như vậy trong một thời gian dài, dần dần trước mặt đồng nghiệp, bạn sẽ không còn giữ được hình tượng nghiêm túc, các đồng nghiệp cũng sẽ mất dần sự tôn trọng đối với bạn. Hơn nữa, trước mặt cấp trên, bạn dễ bị cho là người không nghiêm túc đứng đắn, khiến cấp trên không dám đặt niềm tin cũng như giao trọng trách cho bạn. Làm như thế đúng là lợi bất cập hại.

 

  1. Đừng cho rằng trêu chọc người khác chỉ là đùa vui

 

Trêu chọc người khác là thể hiện sự không tôn trọng đối với họ, dễ khiến họ tưởng rằng bạn có ác ý, hơn nữa sau đó sẽ rất khó giải thích rõ ràng.

 

Trêu chọc không nằm trong phạm trù đùa vui, bởi vậy không được buông lời một cách tùy tiện. Trường hợp nhẹ thì chỉ làm tổn thương tới tình cảm của bạn với đồng nghiệp, nặng thì có thể còn ảnh hưởng tới “bát cơm” của bạn. Hãy nhớ “giữ mồm giữ miệng”, họa từ miệng mà ra! Đừng để sau này mới hối hận thì không còn kịp nữa.

 

  1. Có thiện ý

 

Có thiện ý với người khác là một nguyên tắc quan trọng trong nói đùa. Quá trình nói đùa thực ra là quá trình giao lưu tình cảm với nhau, nếu mượn câu nói đùa để đả kích, châm biếm người khác, bộc lộ cảm xúc bất mãn của bản thân thì người khác sẽ dễ dàng nhận ra.

 

Có thể có những người không mau mồm mau miệng, ngoài mặt có vẻ như bạn chiếm ưu thế so với họ, nhưng “sự lấn lướt” của bạn dễ khiến người khác nghĩ rằng bạn không tôn trọng họ, bởi vậy họ sẽ dè chừng trong mối quan hệ với bạn.

 

  1. Chú ý hành vi khi nói đùa

 

Ngoài việc sử dụng ngôn ngữ, có lúc người ta còn thông qua các hành vi, động tác để chọc cười người khác.

 

Thông thường, hậu bối không nên đùa giỡn với tiền bối, cấp dưới không nên đùa giỡn với cấp trên, nam giới không nên đùa giỡn với nữ giới. Khi những người bạn cùng lứa đùa giỡn với nhau, nên nắm bắt đặc trưng tính cách và tâm trạng của đối phương để lựa chọn hình thức hài hước phù hợp.

 

Hãy cẩn trọng với lời nói đùa của mình, cho dù là về tâm trạng, ngôn ngữ hay hành động cũng đều nên “nháp” trước trong đầu, nếu không rất có thể bạn sẽ bắt đầu bằng lời nói đùa và kết thúc bằng

 

“chiến tranh”. Việc đùa cần phải có mức độ, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “quá mù ra mưa” như chúng ta thường nói.

 

Có một cặp vợ chồng son, cả ngày luôn quấn quýt, đùa giỡn nhau rất vui vẻ. Một hôm, người chồng chĩa khẩu súng vào mặt vợ, nói: “Đứng yên, nếu nhúc nhích ta sẽ bắn ngươi!” Nói rồi vô thức bấm cò, khiến cho người vợ bị trọng thương. Đây là minh chứng rõ ràng cho nguyên tắc: Đùa giỡn không được quá đà.

 

Tóm lại, hãy biết thể hiện sự hài hước của mình một cách chừng mực, chứ đừng chỉ biết châm biếm, đả kích hay bới móc vào khuyết điểm của người khác, như thế chỉ làm tổn thương họ mà thôi. Đó là những điều rất quan trọng, nếu vận dụng tốt, bạn sẽ thấy rằng hài hước không chỉ mang lại cho bạn một tâm trạng vui vẻ, thoải mái mà còn khiến tình cảm giữa người với người càng thêm bền vững.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÓ MỘT TRÁI TIM NGÂY THƠ, HỒN NHIÊN
  2. DÙNG SỰ HÀI HƯỚC ĐỂ KHÉO LÉO TRÁCH CỨ 
  3. LÙI ĐỂ TIẾN

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY