HOÀ BÌNH

DAININ KATAGIRI

Trích: Trở Về Yên Lặng-Thiền trong đời sống hàng ngày; Người dịch: Thái An; NXB Hồng Đức

Có một câu chuyện đẹp về Đức Phật mà tôi không thể nào quên. Mỗi khi nhìn vào thế giới loài người, thấy cần tìm ra một cách để sống trong an bình và hoà hợp với mọi chúng sinh, tôi lại nghĩ tới câu chuyện này.

Ngày xưa ở Ấn Độ, từ rất lâu rồi, khi mối bang giao giữa hai quốc gia láng giềng Ma-kiệt-đà (Magadha) và Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu) còn diễn ra tốt đẹp, có dòng tộc Thích-ca sinh sống. Những ngày ấy, phong tục là giới quý tộc chỉ kết hôn với giới quý tộc, nên vua nước Ma-kiệt-đà đề nghị vua nước Ca-tì-la-vệ gả công chúa cho con mình. Vua nước Ca-tì-la-vệ gửi một phụ nữ đến Ma-kiệt-đà như đã hứa, nhưng thay vì một phụ nữ sinh ra trong dòng dõi cao quý, ông gửi một người hầu. Không biết chuyện này, vua nước Ma-kiệt-đà vẫn tiến hành tổ chức hôn lễ. Về sau, khi hoàng tử kế vị cha mình và trở thành vua, ai đó nói với vị vua mới về sự kiện ấy, và ông ta trở nên rất giận dữ. Ông muốn tấn công Ca-tì-la-vệ bằng bất cứ giá nào.

Khi dòng dõi Thích-ca biết được rằng vua nước Ma- kiệt-đà đang chuẩn bị tấn công mình, họ đã thỉnh cầu Đức Phật ngăn cản, và ngài chấp nhận. Dù Đức Phật là người giỏi sử dụng vũ khí và đã rèn luyện tinh thông về võ thuật, nhưng ngài không chiến đấu. Thay vào đó, ngài tìm nhiều cách đàm phán. Tuy nhiên, có một người gần gũi với vua nước Ma-kiệt-đà, kiên trì động viên ông tiến hành chiến tranh và tiêu diệt dòng họ Thích-ca. Vì vậy, vị vua không thể nghe lời Đức Phật, trong đầu ông ta không ngừng bốc cháy, cuối cùng ông quyết định tấn công.

Đức Phật biết vị vua nước Ma-kiệt-đà và quân đội của ông ta đang tới, nên ngài tọa thiền dưới một cái cây héo bên vệ đường dẫn tới Ca-tì-la-vệ. Khi vị vua cùng đoàn quân của mình đi trên con đường này, ông ta thấy Đức Phật đang ngồi dưới một cái cây héo. Vì trời rất nóng, ông ta không thể hiểu tại sao Đức Phật lại đang ngồi dưới cái cây héo như vậy. Thông thường người ta ngồi dưới tán những cây xanh đẹp đẽ. Vì thế, vị vua hỏi: “Sao ngài lại ngồi dưới một cái cây héo?”. Đức Phật bình thản nói: “Ta cảm thấy mát mẻ dù dưới cái cây héo này, vì nó mọc gần đất nước quê hương của ta”. Câu nói thực sự xuyên thấu trái tim vị vua, ông vô cùng ấn tượng với thông điệp từ hành động của Đức Phật đến nỗi không thể tiến thêm. Thay vì tấn công, ông trở về nước mình. Nhưng các cận thần của vua vẫn tiếp tục khuyên ông ta tấn công, nên cuối cùng ông ta cũng làm vậy. Lần này, thật không may, Đức Phật không có thời gian để làm gì. Chẳng nói được một lời, ngài chỉ đứng nhìn đất nước và dân tộc mình bị tiêu diệt.

Có hai điểm quan trọng trong câu chuyện này. Thứ nhất, hoà bình đích thực không phải là vấn đề bàn bạc. Vì thế mà Đức Phật ngồi dưới một cái cây héo, hiện thực hoá hoà bình đích thực, tiến tới hoà bình đích thực, hợp nhất với hoà bình đích thực vượt khỏi ý niệm về hoà bình hay không hoà bình. Nếu nhìn vào thế giới loài người, chúng ta không thể tin rằng có hoà bình. Nếu chúng ta tranh luận về hoà bình, thế giới liền biểu hiện là “không hoà bình”. Nhưng ban đầu thế giới là hoà bình; cây cối, chim chóc, mùa xuân, mùa đông, mùa thu, và cả chúng ta ngồi đây, vốn dĩ đã là hoà bình. Chúng ta là hoà bình trước khi bàn bạc liệu có hoà bình hay không. Tuy nhiên, nếu ai đó nói “Không có hoà bình”, vậy là chúng ta tranh cãi về điều đó, cuối cùng chúng ta bắt đầu chiến đấu về chính ý tưởng hoà bình ấy. Đây không phải hoà bình đích thực. Vũ khí và mọi thứ khác mà con người tạo ra lúc nào cũng có gốc rễ trong đời sống con người.

Vậy làm thế nào chúng ta có hoà bình đích thực? Theo Đức Phật, hoà bình đích thực thì hoàn toàn vượt ngoài việc có cách gì ngăn cản cuộc tấn công hay không. Những ngày ấy, Đức Phật biết sử dụng vũ khí, nhưng ngài không sử dụng. Ngài chỉ ngồi đó. Chỉ ngồi đó chính là hoà bình – hoà bình của Đức Phật. Ngài chẳng nói gì, nhưng sự an toạ của ngài là hoà bình hoàn hảo, hoà bình đích thực mà ngài tạo ra từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác. Dù Đức Phật không nói một lời, vị vua đã rất ấn tượng bởi Đức Phật biểu lộ bản thân như hoà bình đích thực, vượt mọi bàn luận về hoà bình.

Điểm thứ hai của câu chuyện là dù chúng ta có nhấn mạnh bao nhiêu nhu cầu có hoà bình đích thực cho mọi chúng sinh, vẫn có nhiều cá nhân không chấp nhận hoà bình của chúng ta. Nếu người ta không chấp nhận hoà bình của chúng ta, vậy nó có thể được tìm thấy ở đâu? Hoà bình phải được tìm thấy trong chúng ta. Chúng ta phải tìm kiếm hoà bình đích thực trong trái tim. Điều này khá khó. Đây là lý do tại sao Đức Phật chỉ đứng nhìn đất nước quê hương mình bị tàn phá. Không ai chấp nhận hoà bình của ngài, nên cuối cùng, hoà bình đích thực trở lại với chính Đức Phật. Không có cách nào khác. Bởi thế mà ngài chỉ nếm trải, hấp thu hoà bình trong chính cuộc đời mình.

Đức Phật càng nếm trải hoà bình đích thực trong trái tim, ngài càng nhận ra con người vô minh ra sao. Con người rất vô minh. Bản chất của vô minh là thiếu sự giao tiếp sâu xa với tự nhiên hoặc pháp giới. Nó là sự tách rời, cô lập, nó tạo ra sự phân biệt, nên cuối cùng chúng ta không thể giao tiếp như một toàn thể hoà hợp. Những khác biệt mà chúng ta tạo ra biểu lộ thành công kích, giận dữ, căm ghét và xung đột.

Chúng ta lúc nào cũng bám chấp vào khía cạnh bề mặt, khía cạnh phân biệt đối tượng của thế gian. Trong khía cạnh ấy của thế gian, có vô vàn những lỗ hổng mà qua đó các tư tưởng đang rò rỉ – tư tưởng về xung đột hay không xung đột, về hoà bình hay không hoà bình. Nhưng nếu muốn bám chấp vào một khía cạnh nào đó của thế gian, cần nhớ rằng xung đột hay không xung đột ở một góc độ nào đó là cùng một thứ: chúng là một nguyên lý hay học thuyết do sự vô minh của con người tạo ra. Nếu dính mắc vào tư tưởng không xung đột, chúng ta tạo ra một vấn đề. Mặt khác, nếu dính mắc vào tư tưởng xung đột, chúng ta còn tạo ra nhiều vấn đề hơn. Hãy nhìn vào cả hai mặt. Cái nào tốt hơn? Tạm thời, chúng ta sử dụng tư tưởng không xung đột để qua đó tiếp cận hoà bình đích thực. Nhưng đây chỉ là một ý tưởng. Chúng ta không thể bám vào nó như một thứ đối lập với xung đột, vì nếu làm vậy, cuối cùng chúng ta sẽ chiến đấu dưới ngọn cờ không xung đột – vì ý tưởng hoà bình, chúng ta chiến đấu. Đây là kiểu hoà bình gì vậy? Nó chẳng là gì ngoài một ý tưởng. Vậy tại sao chúng ta không thấy ý tưởng hoà bình chỉ là một ý tưởng, có thể được sử dụng tạm thời để tiến đến hoà bình đích thực. Không có cách nào khác để tiến đến hoà bình.

Để tiến đến hoà bình đích thực, phải có một cam kết tâm linh rất mạnh mẽ, ổn định, hay nói cách khác, một nguyện. Hãy có một nguyện. Hãy đưa ra một cam kết tiến đến hoà bình đích thực, giống như Đức Phật ngồi dưới một cái cây héo. Nhưng hãy nhớ, dù chúng ta thực sự đưa ra một cam kết tiến tới hoà bình đích thực, sẽ có nhiều cá nhân không chấp nhận con đường của ta. Vậy rốt cục, hoà bình đích thực có thể được tìm thấy ở đâu? Trong chúng ta. Bản thân ta phải ở yên với hoà bình. Điều này khá khó khăn, nhưng chúng ta không thể dừng lại. Đức Phật tiếp tục ngồi dưới gốc cây héo. Đây là sự an toạ của chúng ta.

Càng an toạ như vậy, chúng ta càng nhận ra sức mạnh từ sự vô minh của loài người. Không có lý do để chúng ta tạo ra tình huống tồi tệ này, nhưng chúng ta đã làm, liên tục làm như vậy. Khi đưa ra một cam kết tâm linh tiến tới hoà bình đích thực, mỗi ngày qua đi, chúng ta phải vượt lên việc mọi người có chấp nhận hoà bình hay không. Đây không phải là một vấn đề thời sự. Nó là sự cam kết tâm linh đối với hoà bình. Chúng ta phải không ngừng nếm trải nó, hấp thu nó. Tiếp theo, chúng ta phải sống với nó. Điều này khó, bởi lẽ càng nếm trải, càng hấp thu hoà bình đích thực, chúng ta càng nhận ra sự vô minh của loài người. Nhưng càng nhận ra sự vô minh của loài người, chúng ta càng không thể ngừng thuyết giảng về hoà bình đích thực, sống với sự hoà bình đích thực ấy.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SÁNG TỎ VÀ THUẦN KHIẾT
  2. Ý NGHĨA CỦA MỘT NGÓN TAY
  3. TRANH BÁNH GẠO

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ