HỌC HAY LÀ KHÔNG HỌC

ROSIE NGUYỄN

Trích: Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu?; NXB. Hội Nhà Văn; Công ty Văn  hóa và Truyền thông Nhã Nam; 2016

“Bất kỳ ai dừng học tập đều già, dù anh ta ở tuổi hai mươi hay tám mươi” Henry Ford

Minh1 nhắn tin cho tôi, sự bối rối hiện lên trong câu chữ. Em chán ngán chương trình học ở trường, chẳng có hứng thú với bất kỳ môn học nào. Bỏ bê việc học một thời gian, em thấy vừa tội lỗi vừa mệt mỏi, vì không có bất kỳ động lực nào để học tiếp. Em muốn nghỉ học ở trường để làm việc khác.

Minh không phải là trường hợp hiếm gặp. Từng làm công tác hướng nghiệp cho nhiều người trẻ, tôi gặp không ít bạn trẻ như Minh. Họ thấy việc học ở trường không có ý nghĩa gì, nên chán nản bỏ học, hoặc bảo lưu kết quả học tập.

Điểm chung mà tôi nhận thấy ở những người trẻ này là gì?

Đó là sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục. Chương trình đào tạo nhàm chán, không có ứng dụng thực tế, học xong không biết để làm gì. Kết quả là có không ít người bỏ học giữa chừng. Người học dở nghỉ học cũng có mà người học giỏi nghỉ học cũng không thiếu. Đôi khi tôi cũng không khỏi tự hỏi, ngày xưa tốt nghiệp đúng hạn, được cấp bằng đại học, hóa ra là do mình hèn, không dám bỏ học, hay vì mình đã đủ kiên nhẫn để theo đến cùng? Hay là, vì mình luôn giữ được niềm tin ngây thơ vào nền giáo dục nước nhà?

Nói về bỏ học giữa chừng, ai cũng nhắc đến Bill Gates và Steve Jobs, hai huyền thoại từng bỏ dở việc học ở các trường đại học danh tiếng. Với một số người bạn từng bỏ dở việc học quanh tôi, nếu học cứ tiếp tục đi học làng nhàng như bao người, chưa chắc gì bây giờ họ đã gầy dựng được những cái mà họ đang có. Nhưng, nói đi thì cũng phải nói lại, mỗi năm trên thế giới có không biết bao nhiêu triệu sinh viên bỏ học, mà số lượng làm nên sự nghiệp lẫy lừng như Bill Gates hay Steve Jobs thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bạn bè tôi cũng thế, để được như bây giờ, họ cũng đã trải qua những quãng thời gian nhiều chông gai khốn khó.

Tôi không hề phản đối việc bỏ học ở trường. Theo cuốn sách Bàn về tự do của John Stuart Mill, mỗi người đều có quyền sống theo ý thích của mình, miễn sao không ảnh hưởng đến quyền sống của người khác. Việc bỏ học hay hoàn tất chương trình học tập là quyết định cá nhân của mỗi người. Nhưng không phải cứ thấy người này nghỉ học làm nên nghiệp lớn thì mình cũng sẽ làm được như vậy. Cũng như không phải trường học này tốt cho người này thì cũng tốt cho người kia. Không phải cái gì hợp với người ta cũng hợp với mình. Cho nên khi gặp các trường hợp cần tư vấn về học tập, đối với bạn này thì tôi gật gù, có lẽ điều này là tốt nhất cho em. Còn đối với bạn kia thì tôi nhắn ngược lại: “Điều quan trọng đối với em bây giờ là tốt nghiệp đại học.” Quyết định bỏ dở việc học là một việc đầy can đảm và đi kèm rất nhiều khó khăn sau đó, nên ta phải cân nhắc rất kỹ trước khi thực hiện.

Nhưng làm thế nào để biết lúc nào thì nên nghỉ học lúc nào thì không?

Bỏ qua tầm quan trọng của tấm bằng trong một xã hội trọng bằng cấp như Việt Nam, thì có nhiều điều ta cần cân nhắc trước khi quyết định bỏ học.

Đầu tiên, quyết định nghỉ học thường xuất phát từ việc quá chán nản với chương trình học ở trường. Một số bạn thấy mình không hứng thú gì với ngành học của mình và quyết định nghỉ. Mặc dù họ chưa có dự định rõ ràng sẽ làm gì khi nghỉ học. Hoặc có dự định mơ hồ rằng nghỉ để làm điều mình thích, hoặc dành thời gian cho việc khác ưu tiên hơn. Nhưng sau khi nghỉ học ở trường, với khoảng thời gian trống đột ngột như vậy, có bao nhiêu người tận dụng một cách tốt nhất thời gian của họ, hay lại sa đà vào ngủ nướng, chơi game, facebook, và những việc vô bổ tốn thời gian khác. Rồi cuối cùng kế hoạch đặt ra thì không tới đâu mà đến cả tấm bằng cũng không có. Những người như Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet, Mark Zuckerberg… đều bỏ học đại học, nhưng họ bỏ sau khi đã xác định được hướng đi cho mình. Do vậy, với những trường hợp muốn nghỉ học chỉ đơn thuần vì chán, mà không có một dự định cụ thể rõ ràng, thì tôi cho rằng không nên bỏ hẳn việc học chính khóa.

Một số bạn khác mà tôi gặp nghỉ học để thi lại, chuyển học lại một ngành học khác, một lĩnh vực khác mà họ thấy hứng thú hơn. Người đang học báo chí thích nhảy qua học làm phim. Người đang học y dược muốn chuyển sang tìm hiểu về đầu tư ngoại hối. Một em đang học kế toán nhưng thích làm du lịch. Còn em khác đang năm nhất sư phạm lại muốn học kinh doanh. Tất cả họ đều có chung câu hỏi: Có nên chuyển sang học ngành yêu thích không?

Điều họ cần xác định là: Ngành mà họ muốn chuyển qua có thực sự phù hợp với họ không? Hay đó chỉ là ý thích, là cảm xúc bồng bột nhất thời. Giả sử nghỉ học chỗ này nhảy qua chỗ khác, thì có chắc gì mình sẽ thích học hơn và theo đuổi đến cùng không. Hay lại chán nản rồi muốn nghỉ tiếp, để rồi rơi vào một vòng lẩn quẩn không lối thoát.

Một cách đơn giản để phần nào hiểu được mình có phù hợp với ngành học mới không, là hỏi. Tìm kiếm những người hiện đang học ngành đó, có thể là bạn mình, bạn của bạn mình, con cái của bạn của cha mẹ mình, hay bất kỳ người nào đang học ngành đó mà bạn biết. Hãy hỏi xem giáo trình của họ gồm những môn gì. Họ thích và không thích chương trình học chỗ nào. Cảm nhận của  họ ra sao. Họ nghĩ để học tốt ngành đó cần những tiêu chí gì. Và xác định xem mình có những khả năng, sở trường, tính cách gì phù hợp với ngành học mà mình muốn theo đuổi. Sau khi tìm hiểu xong thì ta sẽ có được chút thông tin để xác định rằng mình có sẵn sàng theo học ngành đó hay không.

Điều mâu thuẫn ở đây, là nhiều người trong chúng ta tuy chán nản và mất niềm tin vào trường học, nhưng trong tiềm thức vẫn quá phụ thuộc vào giáo dục truyền thống.

Chúng ta vẫn giữ tư duy rằng phải đi học ở trường lớp, phải có bằng cấp chứng chỉ, phải được đào tạo bài bản thì mới có thể làm được trong một ngành nào đó. Và cũng vì sai lầm đó, nên học sinh sinh viên chỉ chăm chăm tìm mọi cách làm sao để học thật giỏi ở trường. Còn cha mẹ thì tìm hết thầy này đến lớp nọ để cho con đi học thêm, cũng chỉ với mục đích đạt điểm thật cao ở lớp chính khóa. Thời gian học ở nhà cũng chỉ để bổ sung, phục vụ cho việc học ở trường.

Vậy nên hễ nhắc tới việc bỏ học là nhiều người nhầm tưởng rằng tất cả sự học kết thúc ở đó. Nên cũng nảy sinh tâm lý sau khi tốt nghiệp ra đời là thở dài hân hoan, quăng hết sách vở vào góc nhà, nhảy ra đi làm. Sáng mở mắt ra đi, tối về lăn ra ngủ, dừng việc bổ sung kiến thức, nên càng ngày càng thụt lùi. Và rồi chúng ta hụt hẫng trước thực tế phũ phàng rằng kết quả học tập xuất sắc chẳng chẳng mấy liên quan tới thành công trong sự nghiệp. Chúng ta ngỡ ngàng nhận ra rằng bằng cấp không phải là tấm vé thông hành đi đến trên chuyến tàu đi đến cuộc đời mơ ước.

Chúng ta hay nhầm lẫn rằng giáo dục truyền thống thông qua nhà trường là con đường duy nhất. Trên thực tế, nó là cách phổ biến nhất, nhưng không phải là duy nhất, càng không phải là cách hoàn hảo nhất. Việc học chính khóa ở trường không phải là tất cả sự nghiệp học hành. Giáo dục truyền thống có điểm lợi nhưng cũng có điểm bất lợi. Điểm lợi của giáo dục truyền thống từ nhà trường là ta sẽ được đào tạo một cách bài bản có hệ thống, với nhiều lý thuyết, xây dựng nền tảng vững chắc và từ từ đi lên như mô hình kim tự tháp. Bất lợi lớn nhất của nó là hạn chế sự phát triển tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân.

Trường học không phải là mô  hình giáo dục hoàn hảo. Ngày càng có nhiều cá nhân, gia đình và tổ chức khác nhau trên thế giới tìm hiểu những phương pháp giáo dục thay thế cho phương pháp truyền thống thông qua nhà trường. Có thể kể đến các phương pháp như tự học, học ở nhà, thoát trường học, giáo dục cấp tiến2. Phương pháp giáo dục mở thông qua các trang web MOOC3 cũng khá được quan tâm hiện nay. Trong đó, hình thức tự học tuy phổ biến ở thế giới phương Tây, nhưng vẫn chưa được người Việt ta quan tâm chú ý. Là một người tự học, tôi nhận thấy điểm mạnh của phương pháp này là tiết kiệm được thời gian, học những gì mình thích và thực hành theo ý mình. Người tự học đôi khi không học rộng mà học sâu. Nếu thích, họ có thể bỏ qua các bước đào tạo cơ bản, và đào sâu vào mảng mình quan tâm rồi tự thực hành để nâng cao kỹ năng. Nhưng bất lợi của nó là đòi hỏi kỷ luật bản thân, mình tự dạy mình, cần sự chủ động từ chính mình rất lớn chứ không phải tiếp thu kiến thức thụ động như giáo dục truyền thống.

Thực tế ngày nay không ít người tự học, tự dạy mình một lĩnh vực mới và kiếm sống tốt bằng nghề đó, mặc dù nó hoàn toàn không liên quan gì đến chuyên ngành đào tạo của mình. Kiến Long, một người bạn của tôi tốt nghiệp thạc sĩ viễn thông ở Pháp nhưng muốn làm giáo dục nên về Việt Nam mở trường chuyên dạy kỹ năng mềm cho trẻ em. Một người bạn khác, học  quản trị kinh doanh xong chuyển sang làm quay phim chụp ảnh, vừa học vừa làm. Trang, một cô bé dễ thương học kinh tế giờ tự thiết kế cắt may quần áo và bán đồ mình may được. Tôi học ngoại thương xong giờ làm nghề viết. Những trường hợp như thế tôi kể hoài không hết.

Để chuyển đổi thành công, chúng tôi tự dạy mình ngành nghề mới, tự học lấy nghề, phát triển tay nghề bằng cách thử làm. Sau một thời gian tay nghề vững, đó là lúc thực hiện cú nhảy rẽ ngang làm theo đam mê của mình. Hoàn toàn không đợi phải học theo bài bản, hay học từ nhà trường.

Nhị Đặng, cô bạn tôi quen trong một chương trình cho người trẻ, chia sẻ về quá trình thực hiện “cú nhảy đam mê” của mình. Là một designer có tiếng, Nhị hiện đang làm việc tự do chủ yếu dựa trên kỹ năng chụp ảnh và làm phim. Nhưng cô bạn này vốn tốt nghiệp ngành Marketing, đai học Kinh tế. Từ nhỏ, bạn đã mê các chuyển động hoạt hình, phim ảnh. Đến năm thứ ba đại học thì bạn quyết định tự học về thiết kế để thỏa niềm yêu thích. Sau đó bạn tự mày mò, lên các trang mạng về phim ảnh, tìm hiểu về cách dựng video, hiệu ứng. Bạn vừa làm vừa học bằng cách nhảy vào lĩnh vực thiết kế với nhiều công việc cho các tạp chí khác nhau như Elite, F fashion, Soul Academy, Womanhealth trong suốt mấy năm liền. Công việc không hạn chế thời gian và địa điểm cố định nên Nhị vừa làm vừa có thể đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Trong thời gian vừa làm vừa đi du lịch, bạn quen thêm nhiều người nổi tiếng trong giới dựng phim cùng chung sở thích về phim ảnh và du lịch. Từ đó, tay nghề của bạn ngày càng được nâng cao, và bạn xây dựng được một nền tảng vững vàng với đam mê của mình. Phim ngắn Lost in Indonesia4 do bạn làm được lọt vào Staffpick của trang web chia sẻ video nổi tiếng Vimeo và nhận được sự quan tâm của rất nhiều du khách quốc tế.

Mark Twain từng viết rằng: “Một số người có được nền giáo dục mà không cần đi học. Những người khác thì có được nó sau khi đã ra khỏi trường”. Còn Haruki Murakami thì viết: “Trường học là thế đấy. Điều quan trọng nhất ta học được ở trường là cái sự thật rằng những điều quan trọng nhất ta lại không học hỏi được ở trường.” Bạn đọc thân mến, xin bạn đừng nghĩ rằng tôi có thù hằn truyền kiếp với trường học hay là một kẻ học hành không ra gì nên mới chán ghét trường lớp đến thế. Thực tế hoàn toàn ngược lại, nếu theo như câu chuyện về trường học loài vật, thì từ nhỏ tới lớn tôi luôn là con lươn được rất nhiều huy chương. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng: Trường học trên thực tế không đóng góp nhiều vào việc giáo dục cho con người như chúng ta vẫn tưởng.

Một điều khác tôi muốn nhấn mạnh là: Những người xuất sắc đều là những người tự học. Họ có thể được đào tạo bài bản trong một chừng mực nào đó, nhưng họ toàn đào sâu nỗ lực tự mày mò tìm kiếm, tự bổ sung kiến thức cho những gì mình còn thiếu, chứ không ỷ lại, phụ thuộc vào giáo dục nhà trường. Điển hình của những người tự học là Abraham Lincoln, Michael Faraday, Chales Darwin, Thomas Edison và Leonardo Da Vinci. Họ không quan trọng mình có bằng cấp hay không. Họ tự học, tự phát triển bản thân suốt cả đời mình. Với kỹ năng tự học xuất sắc và khả năng nắm bắt vấn đề một cách nhanh chóng, họ không mất quá nhiều thời gian để có được kiến thức sâu rộng.

Do vậy, tiếp tục hay bỏ dở việc học ở trường không phải là điều quan trọng. Mấu chốt mà ta cần ghi nhớ là luôn chủ động và tích cực trong việc tiếp thu, trau dồi tri thức, kể cả có học ở trường hay không. Bỏ học không quyết định thành công hay thất bại của bạn. Nhưng nếu bạn không biết tự học cả trong và sau khi rời khỏi ghế nhà trường thì bạn sẽ cầm chắc thất bại.

Chú thích

  1. Tên nhân vật trong hầu hết bài viết đã được thay đổi.
  2. Thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là self-learning, homeschooling, unschooling, progressive education, bạn có thể tra cứu thêm thông tin nếu muốn.
  3. MOOC: viết tắt của Massive Open Online Course, đề cập đến các khóa học mở trực tuyến dành cho số đông (không giới hạn số lượng tham gia) và truy cập qua internet.
  4. Lạc lối ở Indonesia

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ HIỂU MÌNH
  2. MÌNH NÓI GÌ VỀ HẠNH PHÚC – ROSIE NGUYỄN

Bài viết mới

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP