HỢP TÁC (KRISHNAMURTI)

JIDDU KRISHNAMURTI

Jiddu Krishnamurti (1895–1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Các chủ đề bao gồm (nhưng không giới hạn): mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu.

– ???

Chúng ta đã và đang nói về rất nhiều việc khác nhau, không phải sao? Nhưng tôi không biết bạn có biết rắc rối là gì không? Nếu chúng ta cho phép rắc rối ăn sâu vào tâm hồn thì nó sẽ trở thành một gánh nặng cho tâm hồn. Tâm hồn tạo ra rắc rối và sau đó tâm hồn lại trở thành mảnh đất nuôi dưỡng rắc rối đó; một khi rắc rối ăn sâu vào tâm hồn thì chúng ta khó có thể trừ tiệt nó được. Điều quan trọng là tâm hồn cần phải nhận ra được rắc rối và đừng nuôi dưỡng nó nữa.

Một trong những vấn đề cơ bản mà thế giới đang đối mặt chính là vấn đề hợp tác. Từ ngữ “hợp tác” có nghĩa là gì? Hợp tác có nghĩa là cùng nhau làm việc, cùng nhau xây dựng, cùng nhau suy nghĩ, có một điểm chung nào đó để chúng ta có thể cùng nhau làm việc một cách tự do. Nhưng mọi người thường không có xu hướng làm việc cùng nhau một cách tự nhiên, một cách thoải mái, một cách vui vẻ nên họ làm việc cùng nhau vì một số điều kiện nào đó, qua một số áp lực nào đó: lo sợ, hình phạt, lợi thiệt… Đây là những gì đang diễn ra trên toàn thế giới. Dưới chế độ chuyên chế, bạn bị ép buộc phải làm việc cùng nhau, nếu bạn không “hợp tác” thì bạn sẽ bị giết chết hoặc sẽ bị đưa đến trại tập trung. Tại các quốc gia được gọi là văn minh bạn được thuyết phục rằng hãy làm việc cùng nhau qua ý niệm về “quốc gia của tôi”.

Chính kế hoạch, ý tưởng, uy quyền xúi giục người ta làm việc cùng nhau. Người ta thường gọi đó là sự hợp tác và trong sự hợp tác này luôn hàm ý đến sự tưởng thưởng và sự trừng phạt, điều này có nghĩa là phía sau cái được gọi là sự “hợp tác” này chính là những lo sợ. Bạn luôn luôn làm việc vì một cái gì đó – vì quốc gia, vì tổ quốc, vì tín ngưỡng, vì Thượng đế, vì sự hòa bình. Ý tưởng về sự hợp tác là làm việc cùng nhau vì một kết quả nào đó. Bạn có một ý tưởng – xây dựng một ngôi trường hoàn hảo, hoặc một ý tưởng nào đó – và bạn làm việc vì ý tưởng đó nên bạn nói rằng sự hợp tác là điều thiết yếu. Tất cả những thứ này đều hàm ý đến uy quyền, không phải sao? Bạn luôn nghĩ rằng nhất định có một ai đó biết được đâu là điều đúng cần phải làm nên bạn nói “Chúng ta cần phải hợp tác để thực hiện việc này”.

Xin đừng gọi đó là sự hợp tác. Đó không phải là sự hợp tác, đó là một hình thức của lòng tham, một hình thức của sự lo sợ, sự cưỡng bách. Ẩn phía sau đó là lời đe dọa rằng nếu bạn không “hợp tác” thì chính phủ sẽ không thừa nhận bạn, kế hoạch của bạn sẽ thất bại, hoặc bạn sẽ bị đưa đến trại tập trung, hoặc đất nước của bạn sẽ thua cuộc trong cuộc chiến tranh này, hoặc bạn có thể sẽ không lên thiên đường được. Luôn luôn có một sự xúi giục nào đó và nơi nào có sự xúi giục, nơi nào có sự khiên cưỡng thì nơi đó không có sự hợp tác.

Bạn và tôi có thể đồng ý xây dựng một chiếc cầu mới, hoặc xây dựng một tòa nhà mới, nhưng trong sự đồng ý này luôn tồn tại nỗi lo sợ về sự bất đồng, nỗi lo sợ rằng tôi có thể sẽ không hoàn tất phần việc của mình và để bạn phải làm tất cả. Khi chúng ta cùng nhau làm việc qua bất kỳ một hình thức khiên cưỡng nào thì đó nhất định không phải là sự hợp tác, vì ẩn phía sau đó là sự cố gắng đạt được một thứ gì đó hoặc tránh né một thứ gì đó.

Theo tôi, sự hợp tác đúng nghĩa hoàn toàn khác. Sự hợp tác là niềm vui khi cùng nhau làm việc – không nhất thiết đó là công việc gì. Bạn hiểu chứ? Trẻ con thường cùng nhau làm việc trong niềm vui, trong sự tự nguyện, bạn nhận thấy điều này chứ? Chúng sẽ hợp tác trong bất kỳ công việc nào. Khi chúng hợp tác thì không có sự đồng ý hay sự bất đồng, không có sự tưởng thưởng hay sự trừng phạt; chúng chỉ muốn giúp đỡ nhau. Chúng hợp tác theo bản năng, vì niềm vui trong sự chung sức. Nhưng người lớn đã phá hủy bản năng này, họ đã phá hủy tinh thần hợp tác tự nguyện nơi trẻ con bằng cách nói rằng “Nếu bạn làm việc này thì tôi sẽ cho bạn thứ đó; nếu bạn không làm việc này thì tôi sẽ không cho bạn đi xem phim”, chính điều này tạo ra sự thối nát.

Trẻ con thường cùng nhau làm việc trong niềm vui, trong sự tự nguyện

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ TRỐNG KHÔNG NỘI TÂM (VÔ TÂM) LÀ THOÁT KHỎI THAM MUỐN
  2. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  3. TÔI KHÔNG BIẾT

Bài viết mới

  1. PHẬT TỬ CÓ HIẾU THUẬN VỚI CHA MẸ KHÔNG ?
  2. LÒNG BIẾT ƠN – TRÍCH SÁCH TRÍ HUỆ, NHỮNG HIỂU BIẾT THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
  3. RÈN LUYỆN ĐỂ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC