HUYỄN MỘNG CUỘC ĐỜI

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Câu kế tiếp nói rằng: “Ôi! Hãy nhìn kỹ vào các pháp, hay hiện tượng thế gian! Hư ảo hệt như mơ, chúng không thể còn mãi! Nhưng chúng không phải là mơ hay hư ảo trong đời thường.” Chúng ta cần phải hiểu rằng tất cả những hiện tượng trong đời này không khác gì những giấc mơ. Tất cả những hiện tượng trong cuộc đời này mang tính chất huyễn mộng. Bình thường chúng ta không nhận biết được điều đó và chúng ta bám chấp vào những khái niệm cho rằng chúng thực sự hiện hữu. Chúng ta cứ coi trọng những hiện tượng [hư dối] trong cuộc đời này. Chúng ta tập trung hết tất cả những gì chúng ta có vào trong các hiện tượng [hư dối] trong cuộc đời này, và như thế cho nên chúng ta vẫn cứ tiếp tục trôi lăn trong luân hồi.

Các hiện tượng tuy hiện hữu trước mặt chúng ta như là có thật, nhưng khi chúng ta lìa đời và thần thức của chúng ta lang thang ở cảnh giới thân trung ấm thì lúc đó chúng ta sẽ hiểu được tính chất huyễn mộng của cuộc đời – một cuộc đời ta phải chạm mặt khi ta còn sống. Và trong thân trung ấm, chúng ta sẽ hiểu được một cách rất rõ ràng rằng toàn bộ cuộc đời này của chúng ta đã trôi qua như một giấc mơ; nó không hề có thực chất. Cũng giống như khi chúng ta nhắm mắt ngủ, chúng ta nằm mơ thì giấc mơ có vẻ như rất thật và khi đang ngủ thì chúng ta không biết được rằng giấc mơ không có thực chất. Nhưng khi ta lìa đời, ta sẽ thấy ra [vào lúc ấy] rằng toàn bộ cuộc đời ta đang sống đây không khác gì như giấc mơ, không có thực chất. Nhưng do bởi chúng ta không nhận biết được điều đó trong khi chúng ta còn sống nên chúng ta tiếp tục bị dính mắc vào những hiện tượng ở trong luân hồi, cho rằng chúng có thực chất, chúng là điều chân thật, và chúng hiện hữu một cách đặc chắc.

Khi chúng ta bước vào thân trung ấm sau cái chết thì cũng giống như chúng ta thức dậy sau một giấc mơ. Chúng ta nghĩ rằng, ô, tôi vừa mới thức dậy khỏi một cơn mộng dài, tôi đã có kinh nghiệm của cái gọi là huyễn mộng về cuộc đời tôi vừa sống qua. Khi ở trong thân trung ấm thì sẽ chẳng còn một dấu vết nào còn sót lại của cõi người, của đời người. Ở trong thân trung ấm, chúng ta sẽ nhận biết ra được rằng tất cả những kinh nghiệm nào có vẻ có thực trong cuộc đời vừa qua thì lại trở thành như là trò mộng ảo. Và chúng ta lại sẽ tiếp tục lang thang trong thân trung ấm. Khi ấy, chúng ta có một thể vía chứ không có một thân vật lý nữa. Khi ở trong thể vía, chúng ta tiếp tục phát triển tâm ô nhiễm, và chúng ta lại sẽ trôi vào trong một trạng thái mộng ảo khác, và từ đó, các tâm thức ô nhiễm sẽ đưa chúng ta lạc vào một trong sáu cõi luân hồi do bởi dấu ấn của nghiệp lực. Đây là dấu ấn của những tâm thức ô nhiễm mà chúng ta phát triển trong thể vía của thân trung ấm.

Như vậy cho nên, bằng mọi cách, chúng ta phải buông bỏ những bám chấp vào những hiện tượng trong cuộc đời này, buông bỏ những tâm thức ô nhiễm. Phải chấm dứt việc quan tâm quá nhiều đến cuộc đời này. Chúng ta có may mắn được trở lại trong cõi người, trong thân người, và tuy chúng ta phải trôi theo dòng chảy của cuộc đời, trôi theo sự vận hành của cuộc đời, nhưng bằng mọi cách, phải buông bỏ tất cả sự bám luyến trong dòng tâm thức của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta xả ly hoàn toàn, là buông bỏ tất cả mọi hoạt động thế gian! Chúng ta vẫn phải làm những gì cần làm trong cuộc đời [để sinh tồn], nhưng điều quan trọng là phải buông bỏ tất cả những tham luyến, tất cả những bám chấp vào các hiện tượng trong cuộc đời, chứ không phải là hoàn toàn không làm gì cả ở trong thế gian này.

Câu kế tiếp “Do vậy, khi xa lìa được tà kiến, ngươi phát huệ, chiếu soi vào các hoạt động thế gian. Hoàn toàn tách lìa các tâm thủ và xả, ưa thích và ghét bỏ – các tâm đó là nhân của luân hồi.” Khi chúng ta tu tập Ngondro, là các pháp tu sơ khởi để hướng tâm ta về giáo pháp, thì đây là những pháp môn vô cùng thâm diệu, là những phương tiện thiện xảo để giúp chúng ta có thể buông bỏ sự bám chấp vào luân hồi, và các hoạt động thế gian. Điều mà chúng ta có thể thành tựu qua pháp tu sơ khởi Ngondro là giúp chúng ta hướng tâm về pháp, hiểu về sự khó khăn để có được thân người, hiểu về ý nghĩa của cái chết, của vô thường, của những thống khổ trong cõi luân hồi, cũng như hiểu về nhân quả. Nếu chúng ta hiểu được về tính huyễn mộng của cuộc đời này thì một cách rất tự nhiên chúng ta sẽ bớt đi được tâm thủ hay xả, tức là nhận hay bỏ, bớt sự vướng mắc, tham luyến. Nếu chúng ta không hiểu được như thế thì chúng ta sẽ cảm thấy dính mắc vào các hoạt động trong thế gian, và sinh tâm luyến ái cuộc đời này. Cái tâm bám luyến, chấp thủ đó là những tâm thức chúng ta cần phải buông bỏ. Nếu chúng ta muốn buông bỏ chúng một cách có hiệu quả thì điều cần phải làm là phát triển được tâm Bồ đề.

Khi phát khởi được tâm Bồ đề sâu xa trong dòng tâm thức thì ta có thể thực hành những pháp môn, chẳng hạn như pháp môn cho và nhận của tonglen. Khi chúng ta cho [đi hạnh phúc của mình] và nhận [về đau khổ của chúng sinh], thì bên trong, chúng ta phát triển Bồ đề tâm, còn bên ngoài, mọi hoạt động của chúng ta sẽ trở nên ổn định, và khi thực hành các hoạt động hướng về chúng sinh, chúng ta sẽ làm những việc này với tâm đại bình đẳng.

Câu kế tiếp nói rằng “Hãy thiền định đơn độc nơi núi rừng.” Ngay cả nếu không thể buông bỏ các hoạt động thế gian để sử dụng toàn bộ thời gian cho việc tu tập thiền định thì chúng ta vẫn có thể cố gắng dành chút ít thời gian nào đó cho công phu thiền định. Chẳng hạn như chúng ta có thể nhập thất trong vòng một tháng. Nếu không thể thu xếp để nhập thất được trong 1 tháng thì lâu lâu chúng ta có thể thu xếp để có thể nhập thất trong 1 tuần. Nếu điều đó cũng không thể thực hiện được thì chúng ta phải làm những gì có thể để có thể tu tập thiền định hàng ngày, và kết hợp việc thiền định hàng ngày với các hoạt động thế gian.

Khi thiền định thì phải kết hợp bất kỳ pháp môn nào mà chúng ta ứng dụng với tứ vô lượng tâm. Nghĩa là bằng mọi cách phải phát khởi được tình yêu thương và lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh trong khi đang hành trì các pháp môn khác nhau, và phải phát khởi một cách sâu sắc ước nguyện đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Khi thực hành công phu thiền định vào buổi sáng thì phải hành trì rất sớm, trước bình minh. Nếu có thể thiền định khoảng 1 tiếng đồng hồ vào buổi sáng tinh mơ là tốt nhất. Nếu không thiền định được trong vòng 1 tiếng đồng hồ thì ít ra trong nửa tiếng đồng hồ. Chúng ta không nên nghĩ rằng trong tương lai, tôi sẽ đi nhập thất, trong tương lai tôi sẽ làm thế này, thế kia, trong tương lai tôi sẽ hành trì tu tập. Phải dứt bỏ những ý niệm như thế ấy, và cần phải tu tập ngay trong giờ phút này, ngay trong giây khắc chúng ta có thể tìm ra được thời gian để tu tập. Chúng ta phải tu tập hàng ngày.

Có rất nhiều pháp tu khác nhau trong giai đoạn sinh khởi. Trong các pháp tu của Mật thừa, có những pháp quán tưởng khác nhau. Nhưng thực sự chúng ta cần hiểu rằng nếu chúng ta có thể thiền định về chính giác tánh của chúng ta thì những pháp tu trong giai đoạn sinh khởi của Mật thừa thực sự không còn cần thiết nữa.

Thiền định về Đại Thủ Ấn là nhìn vào tâm của chính mình. Tâm của chúng ta là một sự tự hiển lộ, tự hóa hiện, tự phơi bày. Đức Milarepa nói rằng thực sự không có một hiện tượng nào tuyệt vời hơn sự tự hiển lộ của tâm. Khi còn có sự mê lầm và những kinh nghiệm dựa trên mê lầm thì sự hiển lộ của tâm đồng nghĩa với sự tự hiển lộ của những tâm thức ô nhiễm. Khi những vọng niệm khởi lên thì chúng trở nên bất tận, giống như những hạt bụi vi trần nhiều vô lượng vô biên, và chúng ta có thể nhìn thấy những hạt bụi cực nhỏ ấy xuyên qua một luồng ánh sáng.

Tâm của chúng ta giống như đại dương, và những vọng niệm giống như những đợt sóng nhấp nhô trên đại dương. Khi nhận diện ra được bản tâm của ta chính là đại dương bao la thì không có gì tốt lành hơn! Đôi khi ta lầm cho rằng tâm ta là những đợt sóng. Những đợt sóng [hay các niệm sinh khởi] nơi tâm không phải là bản tâm nên chúng ta đừng bám chấp vào những đợt sóng.

Trong lúc hành trì tu tập, khi có một niệm quá khứ đã trôi qua – và trước khi niệm tương lai hiện đến, thì sẽ có một khoảng trống ở giữa niệm trước và niệm sau. Ở trong khoảng giữa đó, không có bất kỳ một tạo tác nào, không có bất kỳ một vọng niệm nào. Và khoảng rỗng lặng ở giữa hai niệm đó thực sự tột cùng chiếu sáng, tột cùng rực rỡ. Khoảng rỗng lặng đó không có bất kỳ một niệm nào chen vào và chúng ta sẽ cảm thấy được sự hỉ lạc vô cùng to lớn. Khi có được một cảm nhận như thế thì đây là một phần của chân tâm,  chúng ta nếm được mùi vị của chân tâm. Những vọng niệm thì giống như những đám mây, còn chân tâm của chúng ta thì giống như mặt trời. Mặt trời chói sáng rực rỡ và mặt trời luôn luôn vốn sẵn có ở đó, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy mặt trời, bởi vì mặt trời bị những đám mây che lấp. Do vậy chân tâm giống như ví dụ mà thầy vừa chỉ cho chúng ta. Ví dụ này thực sự vô cùng thâm thúy, bởi vì nó có thể diễn tả được chân tâm một phần nào đó chính xác.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. MUHAMMAD ALI
  2. Ý NGHĨA NGÀY PHẬT ĐẢN
  3. ĐẢN SANH VÀ NHẬP SƠ THIỀN TẠI LỄ HẠ ĐIỀN