J. KRISHNAMURTI NÓI VỀ THIỀN

JIDDU KRISHNAMURTI

Nguồn: Những Câu Nói Của J.Krishnamurti Về Thiền trích từ hai tác phẩm J. Krishnamurti Nói Về Tự DoThực Tại Hiện Tiền; Từ Hóa Hoàng Lan biên soạn; NXB. Dân Trí; Công ty xuất bản Thiện Tri Thức, 2023

Về tác giả

Jiddu Krishnamurti sinh ngày 11 tháng 5 năm 1895 tại Madanapalle, một thị trấn nhỏ ở miền nam Ấn Độ. Từ nhỏ, ông và anh trai được nhận nuôi bởi Tiến sĩ Annie Besant, khi đó là chủ tịch của Hiệp hội Thông Thiên học. Tiến sĩ Besant và những người khác tuyên bố rằng Krishnamurti sẽ là một vị thầy của thế giới mà các Nhà Thông Thiên Học đã tiên đoán. Để chuẩn bị thế giới cho việc sắp tới này, một tổ chức toàn cầu có tên là Order of the Star in the East (Hội Ngôi Sao Phương Đông) được thành lập và chàng trai trẻ Krishnamurti được chọn làm người đứng đầu.

Tuy nhiên, vào năm 1929, Krishnamurti đã từ bỏ vai trò mà ông được kỳ vọng sẽ đảm nhận, giải tán Hội Ngôi Sao Phương Đông với lượng hội viên đông đảo, và trả lại tất cả tiền bạc và tài sản đã được quyên góp cho công việc này.

Kể từ đó, trong gần 60 năm cho đến khi ông qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986, ông đã đi khắp thế giới để nói chuyện với đông đảo cử tọa và các cá nhân về sự cần thiết của một sự thay đổi triệt để trong nhân loại.

Krishnamurti được toàn thế giới coi là một trong những nhà tư tưởng và giáo dục tâm linh vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông không trình bày bất kỳ triết lý hay tôn giáo nào, mà nói về những điều liên quan đến tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, về những vấn đề của cuộc sống trong xã hội hiện đại với bạo lực và tham nhũng, về việc tìm kiếm an ninh và hạnh phúc của cá nhân, và nhân loại cần phải tự giải thoát khỏi những gánh nặng nội tâm của sự sợ hãi, tức giận, tổn thương và buồn phiền. Ông giải thích rất chính xác những hoạt động tinh tế của tâm trí con người, và chỉ ra sự cần thiết phải mang đến cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta một phẩm chất tâm linh và thiền sâu sắc.

Krishnamurti không thuộc về tổ chức tôn giáo, giáo phái hay quốc gia nào, ông cũng không theo bất kỳ trường phái tư tưởng chính trị hay ý thức hệ nào. Ngược lại, ông khẳng định rằng đây chính là những yếu tố chia rẽ con người và gây ra xung đột và chiến tranh. Ông nhắc đi nhắc lại với người nghe rằng trước hết, tất cả chúng ta đều là con người chứ không phải tín đồ Ấn giáo, Hồi giáo hay Cơ đốc giáo, rằng chúng ta giống như phần còn lại của nhân loại và không khác biệt với nhau. Ông yêu cầu chúng ta sinh sống nhẹ nhàng trên trái đất này mà không hủy hoại bản thân hay môi trường. Ông đã truyền đạt cho người nghe một ý thức sâu sắc về sự tôn trọng thiên nhiên. Những lời dạy của ông vượt qua các hệ thống niềm tin do con người tạo ra, tình cảm dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa bè phái. Đồng thời, chúng mang lại ý nghĩa và phương hướng mới cho việc tìm kiếm chân lý của nhân loại. Lời dạy của ông, bên cạnh việc phù hợp với thời hiện đại, còn có giá trị vượt thời gian và phổ quát.

Krishnamurti nói chuyện không phải với tư cách một đạo sư mà như một người bạn, và những cuộc nói chuyện và thảo luận của ông không dựa trên kiến thức dựa trên truyền thống mà dựa trên những hiểu biết của chính ông về tâm trí con người và tầm nhìn của ông về điều thiêng liêng, vì vậy ông luôn truyền đạt một cảm giác mới mẻ và thẳng thắn mặc dù bản chất của thông điệp của ông vẫn không thay đổi trong những năm qua. Khi ông nói chuyện với những cử tọa lớn, mọi người cảm thấy rằng Krishnamurti đang nói chuyện với từng người trong số họ một cách cá nhân, đề cập đến vấn đề đặc biệt của họ. Trong các cuộc phỏng vấn riêng, ông là một người thầy giàu lòng trắc ẩn, chăm chú lắng nghe những con người nặng trĩu lo buồn đến với ông và khuyến khích họ tự chữa lành vết thương bằng sự hiểu biết về chính họ.

Các học giả tôn giáo nhận thấy rằng lời nói của ông đã soi sáng những quan niệm truyền thống. Krishnamurti chấp nhận thách thức của các nhà khoa học và tâm lý học hiện đại và đồng hành cùng họ từng bước một, thảo luận những lý thuyết của họ và đôi khi giúp họ nhận ra những hạn chế của những lý thuyết đó. Krishnamurti đã để lại một lượng lớn tài liệu dưới hình thức nói chuyện trước công chúng, bài viết, thảo luận với giáo viên và học sinh, với các nhà khoa học và nhân vật tôn giáo, đối thoại với các cá nhân, phỏng vấn trên truyền hình và đài phát thanh, và các bức thư. Nhiều trong số này đã được xuất bản dưới dạng sách, bản ghi âm và video.

???

CSAV – Dưới đây là một số câu trích dẫn của J. Krishnamurti nói về thiền được trích từ hai tác phẩm J. Krishnamurti Nói Về Tự DoThực Tại Hiện Tiền, được dịch giả Từ Hóa Hoàng Lan biên soạn và được phát hành bởi công ty xuất bản Thiện Tri Thức. BBT trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

? Thiền là sự bừng nở của hiểu biết. Hiểu biết này không bị giam hãm trong giới hạn của thời gian, thời gian không thể mang lại hiểu biết.

Thiền là thấu hiểu ý thức, cái che giấu và hiển lộ của nó, và cả chuyển động nằm bên trên mọi tư tưởng, mọi cảm xúc. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 70)

? Bắt đầu của thiền là tự biết mình, nghĩa là tỉnh giác trước mọi chuyển động của tư tưởng và cảm xúc, biết rõ tất cả các tầng ý thức của mình, không chỉ những tầng thô bề nổi mà còn cả những hoạt động sâu xa, tàng ẩn bên dưới. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 73)

? Thiền là tự biết mình và không tự biết mình thì không có thiền. Nếu bạn không rõ biết tất cả các phản ứng của mình, nếu bạn không ý thức trọn vẹn, hiểu biết rõ ràng đầy đủ về các hoạt động hàng ngày của mình, thì việc tự nhốt mình trong một căn phòng, ngồi trước tấm hình của đạo sư hay vị thầy của bạn để làm các nghi thức cúng lễ (puja), để thực hành thiền cũng chỉ là chạy trốn. Bởi vì không tự biết mình (không có chánh kiến) thì không thể tư duy đúng (không có chánh tư duy), và không tư duy đúng thì những gì bạn làm là vô nghĩa dù cho những chủ đích của bạn có cao quý đến đâu đi nữa. Do đó, cầu nguyện cũng chẳng có nghĩa gì nếu không tự biết mình. Khi tự biết mình, chúng ta mới có tư duy đúng, và như vậy có hành động đúng. Khi có hành động đúng thì không có sự rối loạn, do đó không cần cầu xin người khác hướng dẫn bạn thoát khỏi nó. Người rõ biết trọn vẹn là người đang thiền. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 75)

? Cái Ấy có mặt trong căn phòng, sung mãn đến mức mọi hình thức thiền đều kết thúc, để cho trí óc quan sát, cảm nhận từ cái Không của chính nó. Nó kéo dài rất lâu, bất kể hoặc có thể là do sức sống động, mãnh liệt của nó. Trí óc vẫn còn trống không, đầy ắp Cái Ấy phá tan mọi đối tượng mà người ta nghĩ đến, cảm nhận hay quan sát; nó là cái Không, trong đó không có gì hiện hữu. Nó là sự hủy diệt toàn bộ. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 77 – 78) 

? Thiền là tỉnh giác, không kết án về mọi ý nghĩ, mọi cảm xúc, mọi lời nói. Thời điểm bạn lên án, bạn bắt đầu khởi động một tiến trình tư duy khác, và việc khám phá bản thân chấm dứt. Rốt cuộc, như tôi đã nói, thiền là một quá trình khám phá bản thân, và khám phá bản thân là không có hồi kết. Vì vậy, thiền là một tiến trình bất tận, vượt thời gian. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 146)

? Một người ngồi trong phòng kín, rút lui vào rừng rậm, núi non vẫn còn quan hệ, anh ta không thể chạy trốn khỏi mối quan hệ. Và chỉ thông qua mối quan hệ, tôi mới có khả năng hiểu biết về bản thân mình, và do đó biết cách thiền. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 147)

? Vậy thì thiền là sự khởi đầu của thấu hiểu, thiền là sự khởi đầu của tự biết mình. Không có thiền thì không tự biết mình, không tự biết mình thì không có thiền. Vậy nên bạn phải bắt đầu biết bạn là cái gì. Bạn không thể đi xa mà không bắt đầu từ gần, nếu không hiểu tiến trình tư duy, cảm xúc và hành động hàng ngày của bạn. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 148)

? Thiền là khởi đầu của trí thông minh, tức là thấu hiểu về trí não và tâm hồn của chính mình. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 148)

? Rõ biết từng tư tưởng, biết nó phát sinh từ nguồn nào và ý định của nó là gì – đó là thiền. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 150)

? Thiền là làm trống không tâm trí tất cả những gì mà nó đã thu thập. (J. Krishnamurti Nói Về Tự Do, trang 191)

? Khi nói đến thiền, tôi muốn nói đến việc tìm hiểu những sự vận hành của trí óc già nua, để quan sát nó, để biết nó hồi đáp như thế nào, những phản ứng của nó, những khuynh hướng của nó, những nhu cầu của nó, những đòi hỏi xông xáo của nó là gì – biết được tất cả những điều này, cả phần vô thức lẫn phần ý thức của nó. Khi bạn biết nó, khi có sự tỉnh giác về nó, mà không kiểm soát, không định hướng nó, không phát biểu là: ‘Điều này tốt, điều này xấu; tôi sẽ giữ lại điều này, tôi sẽ không giữ lại điều kia”. – khi bạn thấy ra toàn bộ sự vận hành của tâm hồn già nua, khi bạn thấy toàn bộ nó, nó trở nên tĩnh lặng. (Thực Tại Hiện Tiền, trang 66)

? Thiền là để sống một đời sống chuyên cần. Thiền không tách biệt khỏi đời sống thường nhật; không phải là trốn vào trong một góc nhỏ, ngồi thiền đều đặn 20’ mỗi lần, sáng sáng, chiều chiều; đó chỉ là một giấc ngủ ngắn. Không có hệ thống nào cả. Hệ thống có nghĩa là thực hành. Thực hành có nghĩa là so đo – từ cái bạn-đang-là sang cái bạn-muốn-là, và bạn có thể thực hành sai cách. Và chắc là bạn sai rồi. Bạn gọi đó là thiền. Thiền đó hoàn toàn tách biệt khỏi đời sống thường nhật của bạn. Hãy khám phá xem có thể sống một đời sống thiền thường nhật không có so đo tại bất cứ thời điểm nào hay không. (Thực Tại Hiện Tiền, trang 134 – 135)

? Trong thiền, không có một sự kiểm soát nào bởi vì người kiểm soát là cái được kiểm soát. Trong thiền không có ý chí bởi vì ý chí là tham muốn. Bản chất của tham muốn là ý chí. “Tôi sẽ thiền, tôi sẽ thực hành điều này ngày này sang ngày khác”. Trong thiền, không có chút nỗ lực nào bởi vì không có sự kiểm soát. (Thực Tại Hiện Tiền, trang 135 – 136)

? Khi bạn thật sự tỉnh giác, rồi thì sẽ có sự chú tâm; chú tâm không chỉ để nhìn thấy diễn giả mà còn để thấy ra điều mà vợ của bạn đang nói với bạn, điều mà chồng của bạn đang nói với bạn, điều mà con của bạn đang nói với bạn, điều mà các chính trị gia đang nói với bạn – những thủ đoạn của họ, sự tìm kiếm quyền lực và địa vị của họ. Khi bạn chú tâm một cách sâu sắc như vậy, thì sẽ không có một trung tâm là cái “tôi”. Đó cũng là thiền. (Thực Tại Hiện Tiền, trang 136)

? Thiền, không phải là sự lặp lại của các từ ngữ, không phải là kỷ luật của ý chí, mà là kỷ luật của trật tự cái đến khi không có xung đột. (Thực Tại Hiện Tiền, trang 142)

? Chừng nào mà tôi còn cố gắng thiền thì không có thiền. (Thực Tại Hiện Tiền, trang 197)

? Thiền là đổi mới, là sự chết đi mỗi ngày với quá khứ; nó là một sự tỉnh giác thụ động mãnh liệt, sự thiêu rụi ý muốn để tiếp tục, để trở thành. (Thực Tại Hiện Tiền, trang 226)

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  2. TÔI KHÔNG BIẾT
  3. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH