KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG

NANCY K. NAPIER

Trích: “Những Khoảnh Khắc Xuất Thần”; Người dịch: Phương Oanh - Minh Hiếu; NXB Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, 2011

Bộ não có thể xử lý những gì nó biết tại thời điểm hiện tại và có thể chứng minh được điều đó. Khi vươn lên một tầm hiểu biết cao hơn của tri thức, sẽ có một điểm mốc quan trọng, nhưng bộ não lại không thể chứng minh được nó có được tri thức ấy bằng cách nào. Tất cả những khám phá vĩ đại đều đến như một sự đột phá.  — Albert Einstein

Mục tiêu chiến lược của hành trình xuất thần là giúp chúng ta “nhảy vọt” lên một tầm cao hơn, có được tư duy chiều sâu để hiểu một vấn đề phức tạp, hay để giải quyết một vấn đề lộn xộn. Theo cách nói của Einnistein, chúng ta có thể sẽ không biết bằng cách nào mình có được tư duy ấy, nhưng chắc chắn chúng ta có thể thúc đẩy quá trình đó, nhận thức được và sử dụng các kỹ thuật để khuyến khích tư duy bừng ngộ cũng như tạo môi trường hỗ trợ cho kiểu tư duy này.

Ở các chương trước của cuốn sách, chúng ta đã phân tích hành trình xuất thần, để hiểu cách chúng xảy ra như thế nào và làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được những hành trình ấy. Có thể, ngay từ đầu chúng ta đã biết mục tiêu của mình – là để học hỏi hay giải quyết vấn đề – nhưng mục tiêu ấy có thể bị thay đổi, khi những cơ hội và thử thách bất ngờ đến với chúng ta. Chúng ta chuẩn bị cho những hành trình này bằng cách thu thập thông tin và trang bị cho riêng mình. Nhưng, lại một lần nữa, chúng ta có thể sẽ nhận thấy nhiều điểm không phù hợp và không cần thiết với hành trình đó. Khi đã tiến xa hơn, chúng ta sẽ gặp phải, xem xét và hiểu được những điều mình trải nghiệm. Tuy nhiên, chúng ta có thể hệ thống hóa và lên kế hoạch cho mỗi giai đoạn, liệu có nên nhìn nhận một vấn đề theo nhiều cách mới, tìm ra các biện pháp thay thế khác để vượt qua rào cản, đi đường vòng hoặc dừng lại hay không, sự lựa chọn tùy thuộc vào các tình huống và tính cách riêng của mỗi người. Trong chương cuối cùng này, chúng ta sẽ ôn tập lại những điểm chính yếu của cuốn sách và bàn luận kỹ hơn điểm nào sẽ phát huy tác dụng tốt nhất với các nhà quản lý.

NHÌN LẠI VẤN ĐỀ: CHÚNG TA NÓI GÌ KHI CHÚNG TA NÓI VỀ NHỮNG KHOẢNH KHẮC XUẤT THẦN

Ngay từ đầu, tôi đã đưa ra một số giả định của một số người, những người nghĩ họ hiểu về các khoảnh khắc xuất thần. Sau đó, tôi cũng đã đưa ra những giả thuyết đã được sửa đổi lại. Xuyên suốt cuốn sách này, chúng ta đã phân tích các giai đoạn trong hành trình xuất thần. Chúng ta hãy cùng tổng kết lại một số điểm quan trọng nhất.

Chúng ta có thể kích thích những khoảnh khắc xuất thần

Những khoảnh khắc xuất thần không phải “đến từ cõi hư vô”, cũng không phải đúng như giả thuyết chúng ta không thể kiểm soát được chúng và không biết được chúng xảy ra như thế nào. Giờ đây, dường như chúng ta đã có thể khuyến khích những khoảnh khắc này xảy ra. Tất nhiên để làm được như vậy đòi hỏi phải có một quá trình, có thời gian và sự nỗ lực. Quá trình đó bao gồm việc nhận diện ra vấn đề, chọn lọc thông tin, và sử dụng các kỹ thuật và phương pháp tiếp cận có lẽ không được quen thuộc hay dễ chịu lắm với phần lớn chúng ta, để suy nghĩ. Một số kỹ thuật như – kết nối các mẩu vụn thông tin để nhận ra mình đã bỏ sót điều gì – có thể giúp các cá nhân và tổ chức có được những trải nghiệm có chiều sâu hơn, nhưng điều đó có nghĩa là chuyển từ việc có được những liên kết mạnh mẽ trong suy nghĩ logic của bán cầu não trái sang những liên kết yếu ớt trong tư duy của bán cầu não phải. Hầu hết mọi người đều không thích kiểu tư duy này. Nhưng bằng cách từ từ chuyển đổi và cố gắng sử dụng những kỹ thuật khuyến khích sự chuyển đổi đó, chúng ta có thể học cách tư duy sáng tạo hơn. Rèn luyện nhiều, việc tư duy như vậy có trở thành một thói quen.

Thứ hai, trong khi nhiều người nói rằng những tia sáng bừng ngộ của họ đều rất mạnh mẽ và đáng nhớ, lại có một số ít cho rằng, đó là “những khoảnh khắc xuất thần nhỏ bé” để tạo dựng lên những khoảnh khắc lớn hơn. Những trải nghiệm trong trường hợp này có thể là những bước đi nhỏ hơn, với sự rõ ràng trong từng giai đoạn tư duy về vấn đề đó, để tạo ra một giải pháp lớn lao hơn. Lời gợi ý của Einstein với Besso, góp phần làm sáng tỏ vấn đề, có được sau rất nhiều suy ngẫm và nỗ lực và có lẽ là những sáng kiến nhỏ khác của ông. Trong quá trình tìm ra cơ hội để rèn luyện tư duy bừng ngộ với các vấn đề nhỏ lẻ, có thể chúng ta sẽ nâng cao được khả năng tạo ra những khoảnh khắc bừng ngộ lớn hơn sau này.

Thứ ba, việc thúc đẩy những khoảnh khắc xuất thần của bản thân chúng ta và ở người khác dường như có thể thực hiện được. Việc học cách khuyến khích những khoảnh khắc xuất thần xuất hiện ở mỗi nhân viên là rất quan trọng đối với các lãnh đạo, các huấn luyện viên, các bậc phụ huynh và bất cứ ai muốn giúp người khác “ngộ ra” hay giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn. Cung cấp đúng thông tin, đúng cách thức, đúng thời điểm sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tạo ra được những khoảnh khắc ấy hơn.

Cấu trúc hữu ích

Albert Einstein nổi tiếng về những “sự trùng lặp” khi ông luôn mặc cùng một “bộ trang phục”– áo sơ mi trắng, quần dài tối màu, giầy không tất, dây lưng, và mũ – hoặc có phong thái bước đi hệt nhau từ nhà đến chỗ làm hoặc từ chỗ làm về nhà. Những sự trùng lặp này đã hình thành nên một cấu trúc và lộ trình trong cuộc sống thường nhật của ông, giúp bộ não của ông không phải bận tâm về những quyết định nhỏ nhặt mà chỉ phải tập trung vào công việc sáng tạo mà thôi.

Điều này cũng đúng trong các công ty cần tính sáng tạo. Chúng ta không những có thể tạo ra được tư duy bừng ngộ mà còn nuôi dưỡng chúng với một hành trình và phương pháp được cơ cấu và hệ thống hóa. Rất nhiều người mà tôi đã gặp đều đi theo những hành trình xuất thần nhưng không hề nhận thức được về chúng. Người khác lại nhận ra được khi họ sử dụng các yếu tố của khoảnh khắc đó, nhưng có lẽ đã bỏ qua mất một số giai đoạn. Khi họ hiểu được những giai đoạn khác nhau, họ nhận ra việc có thể nỗ lực nhiều hơn để đóng góp cho giai đoạn “phát sinh” hay có thể sử dụng các câu hỏi liên quan nhiều hơn để nhận diện được vấn đề.

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng những khoảnh khắc xuất thần cần phải có cấu trúc và trật tự nếu chúng ta muốn chúng xảy ra thường xuyên hơn. Tương tự, để nuôi dưỡng được khả năng tư duy bừng ngộ, chúng ta cần phải nhận thức, chú ý tới và rèn luyện với hành trình xuất thần để tạo ra được những bước nhảy vọt trong khả năng tưởng tượng mà vấn đề đó đòi hỏi. Các đạo diễn rạp hát, huấn luyện viên và ban lãnh đạo trong các tổ chức gặt hái nhiều sự sáng tạo và thành công thường đề cập đến giá trị của cấu trúc hay quy trình trong sự sáng tạo của họ: cấu trúc mang lại sự ổn định, ươm mầm cho sự sáng tạo. Họ cũng cho rằng không có cấu trúc nào có thể đảm bảo cho sự ra đời của sự sáng tạo hay sự bừng ngộ, mục tiêu của việc có cấu trúc ấy là để tăng khả năng và cơ hội có được sức tưởng tượng và tư duy nhảy vọt xảy ra.

Việc nhận ra tư duy bừng ngộ đến sau một hành trình tổng thể sẽ giúp chúng ta chuyển từ trạng thái bối rối sang cảm giác sáng tỏ mọi điều, để có thể công bố ý tưởng hay giải pháp ra trước công chúng. Có ba giai đoạn tổng hợp – sắp xếp, phát sinh, và kiểm tra – cung cấp một số cấu trúc để biết các loại hoạt động chung xảy ra trong hành trình xuất thần là gì (Hình vẽ 12-1 và 12-2). Không phải tất cả các giai đoạn đều có thể xảy ra (ví dụ, một vài người nói rằng họ không cần phải đi đường vòng), nhưng hiểu được đó là một mô hình phổ biến có thể giúp chúng ta thúc đẩy những khoảnh khắc bừng ngộ đến với mình một cách dễ dàng hơn.

Bối cảnh có tính chất quyết định

Cuối cùng, những khoảnh khắc xuất thần xảy ra khi có các điều kiện hỗ trợ chúng – khi các nhân viên và tổ chức có kinh nghiệm và động lực để học hỏi hay giải quyết một vấn đề, khi họ cởi mở với những ý tưởng và lối tư duy mới, và khi họ tin tưởng họ có thể tạo ra được những khoảnh khắc ấy. Những tổ chức sáng tạo được minh họa trong cuốn sách này đều là những tổ chức không mệt mỏi trong việc theo đuổi và bảo tồn nền văn hóa khuyến khích nhân viên táo bạo, sáng tạo và tạo ra được những khoảnh khắc xuất thần. Lãnh đạo của những công ty này hiểu được tầm quan trọng của những khuôn mẫu ứng xử đó và cố gắng khuyến khích nhân viên thực hiện theo. Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức, đồng thời phù hợp với cả các điều kiện địa lý. Một số thành viên chủ chốt (ví dụ, Dự án Trey McIntyreTrey McIntyre Project, Công ty WhiteCloud Analytics), đã quyết định phải chuyển đi hay ở lại Boise, Idaho, một phần do ảnh hưởng của tính táo bạo trong kinh doanh của cộng đồng nơi đây. Cộng đồng thuộc nền văn hóa ấy có thể có những ảnh hưởng khác nhau tới các bang khác của nước Mỹ hay toàn thế giới. Lấy ví dụ, ở Đức, công nghệ, cơ khí, và tư duy logic thống trị phần lớn thế giới kinh doanh; vì thế, sự táo bạo và khả năng làm chủ doanh nghiệp – đặc biệt với những doanh nghiệp mới thành lập và bị thất bại – thường không được đón nhận một cách tích cực. Tránh mạo hiểm có thể bị hiểu là tránh lối tư duy bừng ngộ cũng như sự sáng tạo. Ở Việt Nam, tư tưởng Nho giáo từ rất lâu đã trở thành một phần của nền văn hóa, và một phần nào đó ảnh hưởng mạnh mẽ tới các khoảnh khắc xuất thần. Các tôn ti trật tự nhìn chung rất hệ thống, điều này giới hạn các luồng thông tin, đặc biệt từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất và giới hạn việc sử dụng các câu hỏi (vì điều đó chứng tỏ sự thiếu hiểu biết, điều mà các giám đốc không thể bộc lộ ra) hoặc khích lệ sự mạo hiểm. Nếu những điều kiện văn hóa như ở Đức hay Việt Nam còn tồn tại, thì làm thế nào tạo ra được môi trường cho tư duy bừng ngộ? Ở những tổ chức toàn cầu vận hành với những văn hóa đa dạng, các giám đốc cần phải nhận thức được rằng việc khuyến khích các khoảnh khắc xuất thần xảy ra có thể sẽ là một thách thức rất lớn trong những môi trường không khuyến khích lối tư duy bừng ngộ.

LÀM GÌ TIẾP THEO?

Khi các lãnh đạo và các nhân viên hiểu được giá trị quan trọng nhất của việc hiểu và sử dụng các bước trong hành trình xuất thần, họ sẽ phải xử lý nhiều việc hơn, lạy chúa tôi! Trước tiên, phải đảm bảo cho những sự bừng ngộ kia được liên tục và thu được kết quả cao. Thứ hai, nếu quá trình tư duy bừng ngộ là điều gì đó có thể học và rèn luyện được, thì liệu chúng ta có thể thúc đẩy nhanh tiến độ học hỏi và giải quyết vấn đề không? Cuối cùng, cơ cấu này có thể vận hành trong tất cả các bối cảnh không? Chúng ta sẽ xem xét từng câu hỏi.

Biến khoảnh khắc xuất thần trở thành một hành trình liên tục

Một trong những điểm quan trọng nhất cuốn sách đưa ra là hành trình xuất thần có thể được lặp lại và cuối cùng trở thành một thói quen. Thực ra, giá trị do một hoặc một chuỗi khoảnh khoắc xuất thần mang lại sẽ bị mờ nhạt theo thời gian, vì chúng đã trở thành một phần trong những hành vi ứng xử và kinh nghiệm sống đang diễn ra của một con người. Cầu thủ bóng bầu dục của Đại Học Boise State, George Iloka đã có khoảnh khắc bừng ngộ đầu tiên hồi trung học khi anh nhận ra mình có thể thay đổi số phận của mình bằng cách chơi bóng ngay khi có cơ hội ra sân. Anh coi sự phát hiện này như một vấn đề nghiêm túc trong sự nghiệp ngay khi lên đại học, và sau đó thúc đẩy nó lên một đẳng cấp khác gắn với khoảnh khắc xuất thần khác: nhận xét từ các huấn luyện viên rằng anh cần phải hành động tích cực hơn nữa như một người đội trưởng thực thụ, với cách ứng xử và cách tư duy mới về bản thân và về những người khác. Chính những huấn luyện viên này cũng đã trải qua qua các bước nhảy vọt trong việc hiểu và tạo ra môi trường và văn hóa khuyến khích hành vi, tạo cơ hội cho sự mạo hiểm và sự tự tin của các cầu thủ. Người đồng sáng lập công ty ProClarity, ông Bob Lokken, đã nhận ra những liên kết giữa não bộ và việc sử dụng công cụ lướt “Mạng”; ông đã lợi dụng điều đó và những ý tưởng kinh doanh khác để tiến xa hơn trong sự đầu cơ mạo hiểm gần đây nhất (Công ty WhiteCloud Analytics), xuất hiện với những khoảnh khắc xuất thần sáng tạo nhằm giúp các bệnh viện cải thiện được các hoạt động của họ. Cuối cùng, Albert Einstein cũng đã có được những khoảnh khắc xuất thần hỗ trợ cho các vấn đề liên quan đến thời gian, ánh sáng và trọng lực.

Khi mỗi khoảnh khắc xuất thần đã trở thành một phần của một cá nhân hay tổ chức nào đó, nó sẽ có thể tạo ra được những khoảnh khắc vĩ đại hơn. Trong một số trường hợp, những trải nghiệm xuất thần giúp chúng ta hiểu biết sâu hơn về những kinh nghiệm và các tri thức khác. Trong một số trường hợp khác, chúng lại được xây dựng từ những khoảnh khắc xuất thần trước đó, để tạo ra được những ý tưởng và giải pháp mới mẻ hơn.

Đi sâu hơn

Trong suốt cuộc chiến tranh của người Mỹ tại Việt Nam (từ những năm đầu thập niên 1960 tới 1975), những người Việt Nam sống ở miền Nam đã xây dựng nhiều làng xã dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo Củ Chi dài 75 dặm, nằm cách Sài Gòn 160 dặm, không thể thấy được từ phía trên mặt đất, ngoại trừ một lối ra mà thường được rào lấp bởi các thân tre vót nhọn để che mắt lính Mỹ nếu họ tình cờ đi ngang qua đây. Những địa đạo đó rộng khoảng một thước và cao đủ cho một đứa trẻ mười tuổi có thể đứng dậy trong đó, và chúng càng lúc càng đi sâu vào lòng đất. Chúng được xây dựng với kết cấu giống như một tổ kiến. Rất nhiều người Việt đã ẩn nấp và làm việc bên trong các địa đạo; cuộc sống cứ thế tiếp diễn khi những đứa trẻ được sinh ra và các bậc cao niên qua đời.

Những người ngoại quốc làm việc ở Việt Nam những năm đầu thập niên 90 thường lấy các địa đạo Củ Chi như một phép ẩn dụ cho việc cố gắng hiểu các tình huống mà họ vấp phải. Những quyết định mà người dân Việt Nam đưa ra, hoặc những hành động mà các tổ chức thực hiện, đều chẳng ăn khớp với bất kỳ một khuôn khổ nào mà họ biết. Thậm chí, khi chúng ta đã đúc kết được sự hiểu biết về nền văn hóa và cách thức công việc được vận hành, chúng ta vẫn thường xuyên bị rơi vào thế bị động.

Suốt 15 năm làm việc tại Việt Nam, tôi đã nghĩ mình đã đạt độ chín trong nhận thức về nền văn hóa, con người và các hành vi ứng xử của họ. Chỉ đến khi không thể lý giải được một số vấn đề, tôi mới biết mình lầm. Có một tầng văn hoá sâu hơn, tinh tế hơn đang diễn ra trước mắt tôi. Ngay khi có được một khoảnh khắc xuất thần thấu hiểu hay giải pháp của một vấn đề, chúng ta lại phải đối mặt với một tình huống khác buộc chúng ta lại phải một lần nữa định hướng lại cách tư duy và đào sâu xuống những tầng lớp khác, giống như những địa đạo kia.

Xây dựng những khoảnh khắc xuất thần mới dựa trên những khoảnh khắc trước đó

Một cách khác để giải thích cho tính liên tục của hành trình xuất thần là những khoảnh khắc xuất thần đến sau có thể được xây dựng lên từ những khoảnh khắc trước đó trong một quá trình không bị gián đoạn. Ngay khi có được một trải nghiệm xuất thần và tạo ra giá trị nhờ nó, những lợi ích thu được từ khoảnh khắc xuất thần ban đầu sẽ bị giảm đi theo thời gian. Với trường hợp của Gary Raney, khi nhận ra việc để tù nhân vượt ngục là một triệu chứng thể hiện tính tự mãn trong tổ chức của mình, ông đã sử dụng sức mạnh của sự bừng ngộ để tạo ra một số thay đổi lớn trong cách thức quản lý văn phòng cảnh sát trưởng của mình. Nhưng không dừng lại ở đấy, ông đã tiến xa hơn nữa để tìm ra các biện pháp nhằm nâng cao, học hỏi và cuối cùng tạo nên một trải nghiệm xuất thần tiếp theo. Về mặt nhận thức, quá trình lặp đi lặp lại của những khoảnh khắc xuất thần giống như những làn sóng, liên tục uốn cong thành hình chữ S hoặc những đường cong tâm lý được tạo dựng nối tiếp nhau (Hình minh họa 12-3). Giả sử, chúng ta đều sử dụng chính khoảnh khắc xuất thần này để tạo nên được những khoảnh khắc xuất thần mới, như Iloka, Raney, và Lokken đã làm, để phát triển khả năng chơi bóng, quản lý, và phát hiện ra nhiều dự án kinh doanh mới. Bằng cách lặp đi lặp lại hành trình xuất thần, chúng ta sẽ rèn luyện được nó, và nhờ rèn luyện, chúng ta sẽ ghi nhớ quy trình và các kỹ thuật, và cuối cùng, biến hành trình xuất thần này trở thành thói quen. Đây chính là mấu chốt dẫn tới bước tiếp theo – thúc đẩy quá trình học hỏi và giải quyết vấn đề thông qua hành trình xuất thần.

Chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình học hỏi và giải quyết vấn đề không?

Như đã nhắc đến trong phần đầu cuốn sách, khi tôi lần đầu phỏng vấn mọi người về những khoảnh khắc xuất thần của họ, đa số họ đều có những giả thuyết rất chắc chắn. Một trong số những giả thuyết phổ biến nhất là những khoảnh khắc xuất thần xảy ra một cách tình cờ và không phải là điều gì đó chúng ta có thể khuyến khích được. Nhưng tuy vậy, một số người cũng dần nhận ra họ có những khoảnh khắc ấy – nhưng lại không nhận thức được chúng. Họ đã phát triển các phương pháp để khuyến khích các khoảnh khắc xuất thần loé lên: họ đã học được cách tiếp thu lượng thông tin lớn, họ tìm ra những kỹ thuật giúp mình chuyển sang lối tư duy sáng tạo và thử nghiệm nhiều ý tưởng- bằng cách nói chuyện hoặc bằng nhiều cách khác. Vì vậy, trên thực tế, họ đã phát triển thói quen tư duy theo chiều sâu, ngay cả khi họ không hoàn toàn nhận ra được khả năng này.

Như những thảo luận về thói quen trong Chương 11, cùng với thời gian và những nỗ lực, chúng ta có thể học và ghi nhớ những hành vi và cách thức tư duy. Và với thói quen này – dù đó là cách làm thế nào có thể nhận bóng từ đồng đội, bắt đầu một công việc kinh doanh, hay điều hành một câu lạc bộ gôn – nhiều người có thể bắt đầu đẩy nhanh việc học hỏi và giải quyết vấn đề của mình. Về cơ bản, chúng ta có thể rút ngắn thời gian vươn tới giai đoạn “phát sinh” những khoảnh khắc xuất thần, dịch chuyển đường cong xuất thần sang bên trái biểu đồ, rút ngắn thời gian xử lý vấn đề hay trở ngại.

Thú vị là, một đội bóng có thể là một trong những minh hoạ họa tốt nhất cho việc liệu quá trình học hỏi và tạo ra khoảnh khắc xuất thần có thể được rút ngắn lại hay không. Một số huấn luyện viên bóng bầu dục của trường đại học ở Boise State đã nhận xét tự nhiên rằng, các cầu thủ hiện nay của họ phải mất khoảng 18 tháng mới có thể “ngộ ra” để không những hiểu được vị trí của họ mà còn hiểu được hệ thống chương trình, môi trường và phương hướng hoạt động chung. Điều này ngược với những lời nhận xét của huấn luyện viên trưởng Chris Petersen vài năm trước rằng, các cầu thủ cần từ 2-2.5 năm mới có thể có được những khoảnh khắc ấy. Vì vậy, có lẽ các huấn luyện viên và cầu thủ của trường đã tìm ra được cách để học hỏi và thúc đẩy những khoảnh khắc xuất thần xảy ra nhanh hơn.

Tất nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng, như Einstein đã minh chứng, ông đã phải mất nhiều thời gian hơn để có được những khoảnh khắc xuất thần tiếp theo so với khoảnh khắc xuất thần đầu tiên năm 1905 của mình. Những thách thức và những vấn đề ông phải xử lý sau này là khó gấp bội phần, thậm chí, một số người còn cho rằng chúng không khả thi. Tuy nhiên, có thể chúng ta sẽ không rơi vào trường hợp của Einstein. Dường như, chúng ta có thể học được cách thúc đẩy những khoảnh khắc xuất thần loé lên với mình, và về cơ bản, đẩy nhanh quá trình học hỏi và giải quyết được các vấn đề. Các khoảnh khắc xuất thần có phát huy tác dụng trong mọi trường hợp?

Một phần lý do tại sao tôi quan sát nhiều công ty trong suốt dự án viết ra cuốn sách này là để xem liệu những khoảnh khắc xuất thần có ý nghĩa đối với những lĩnh vực khác nhau không. Đến khi gần hoàn thành cuốn sách, tôi đã quay trở lại công ty The Gang để kiểm nghiệm tính hữu dụng của những khoảnh khắc này. Nhìn chung, chúng đều có ý nghĩa với thành viên các nhóm, nhưng mỗi nhóm lại đưa ra những quan sát thiết thực củng cố hệ thống của họ và khiến hệ thống này có thể áp dụng vào các loại tình huống khác nhau – những người hoạt động trong lĩnh vực hoạt động thể chất (vũ công, các cầu thủ bóng bầu dục), những môi trường mang tính phân tích cao (như kỹ sư thiết kế phần mềm), hay trong lĩnh vực mang nhiều cảm xúc hơn (như hội họa, ca kịch).

Tâm điểm của cuốn sách tập trung vào hành trình xuất thần, xem đó như một cách để học hỏi/hiểu biết và để giải quyết vấn đề, chủ yếu cho các công ty tại Mỹ. Bước tiếp theo là để xem liệu những khoảnh khắc này có thể áp dụng được vào những môi trường mới và những vấn đề đa dạng mới hay không. Thứ nhất, đối với các tổ chức hoạt động rộng khắp toàn cầu, quá trình này cũng phát huy trong những bối cảnh văn hoá khác. Tại thời điểm này, đây là một câu hỏi mở. Trong khi tôi đang nói chuyện với các đồng nghiệp tại Châu Âu như Anh, Đan Mạch và Italy, họ nhận thấy những luận điểm của tôi rất logic. Nhưng tôi không biết liệu ở Việt Nam, Gana hay Mexico, chúng có còn hữu hiệu hay không. Việc cố gắng xác định ra hệ thống hành trình xuất thần – và có thể thay đổi được nó theo những cách bất ngờ là một thách thức trong tương lai của tôi, để có thể thực sự mang lại lợi ích cho các công ty toàn cầu hay bất cứ ai đang làm việc trong một tập thể đa sắc tộc.

Ngoài ra, nếu mô hình này có ích, mọi người có thể áp dụng nó vào những tình huống khác nhau như xác định vấn đề chứ không chỉ là giải quyết được vấn đề . Rất nhiều người tôi đã trò chuyện cùng trong cuốn sách này – Gary Raney, Bob Lokken hay cậu sinh viên George Iloka – đã tâm sự thật thà hay ám chỉ rằng việc phát hiện ra vấn đề đôi khi còn quan trọng hơn cả việc giải quyết nó. Với Raney, đó là vấn đề về vượt ngục và an ninh. Với Lokken, đó là việc hiểu ra rằng sản phẩm phần mềm nên được điều chỉnh bởi tư duy của những người sử dụng chúng chứ không phải là những câu hỏi mang tính kỹ thuật làm ru ngủ những người phát triển ra nó. Đối với Iloka, đó là kỹ năng chạy bộ chứ không phải là vấn đề về thái độ và sự quyết tâm của cậu ấy, cũng như việc phát hiện ra rằng chính cậu có thể thay đổi sự nghiệp cầu thủ và sự nghiệp học hành của mình chứ không phải ai khác. Một khi họ đã xác định được đúng vấn đề, họ dường như tìm ra ngay được cách giải quyết. Vì vậy, nếu những khoảnh khắc xuất thần hữu ích trong việc giúp chúng ta xác định được các vấn đề rắc rối mà chúng ta sẽ phải đối mặt phía trước, chúng ta có thể đẩy nhanh được cách giải quyết vấn đề ngay bây giờ cũng nên.

Như lúc khởi đầu, hãy để chúng tôi kết thúc cuốn sách này với câu nói của Einstein, người nói lời cuối cùng và đã trải nghiệm trọn vẹn điều đó.

“Ai đó, trong những năm ròng tìm kiếm đầy khắc khoải trong bóng tối một chân lý, chỉ cảm nhận được nhưng không thể diễn tả được ước muốn cháy bỏng và những sự thay đổi từ trạng thái tự tin sang nghi hoặc cho đến khi người đó đạt được sự sáng tỏ và thấu hiểu hoàn toàn, chỉ những ai đã trải nghiệm điều đó mới có thể hiểu được.”

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐẶT CHIẾC BÚT CHÌ VÀO BÀN TAY NGƯỜI KHÁC
  2. NHỮNG LỜI KHUYÊN SÁNG SUỐT: ĐỂ BIẾT KHI NÀO CẦN GÁC VẤN ĐỂ LẠI
  3. NỖ LỰC ĐẾN CÙNG ĐỂ PHÁ VỠ TRỞ NGẠI

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH