BỒ ĐỀ TÂM – NỀN TẢNG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích “Những Lời Khai Thị Từ Bậc Tôn Quý” Tôn sư Garchen Rinpoche Đời Thứ 8 Trung tâm Drikung Dharma Surya biên tập, 2013

KHAI THỊ SỐ 79

BỒ ĐỀ TÂM – NỀN TẢNG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT

——

Đức Phật đã dạy tám mươi bốn ngàn Pháp môn khác nhau nhưng nếu chúng ta đi tìm bản chất của những giáo lý này thì chúng ta sẽ thấy rằng nền tảng của tất cả các giáo huấn đó là tâm cầu Giác ngộ hay Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là nguyên nhân dẫn đến mọi hạnh phúc của chúng ta. Đó là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Cho dù bất kỳ ai có thuyết pháp, thì vào lúc khởi đầu, nếu người ấy có được động cơ đúng đắn, có được tâm cầu giác ngộ bao la thì đây là điều quan trọng nhất. Sau đó, chúng ta thực hành phương tiện thiện xảo quảng đại và rồi đi đến ý nghĩa tối hậu của Kim cang thừa. Trước tiên, chúng ta phải phát khởi Bồ đề tâm; chúng ta phải thực hành Bồ đề tâm chân chính. Cuối cùng, chúng ta phải hồi hướng mọi công đức [mà chúng ta tạo được qua việc trưởng dưỡng] Bồ đề vì lợi lạc của toàn bộ chúng sinh. Đây chính là điểm mấu chốt mà thầy muốn nêu ra: Chúng ta cần trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn.

Do đó, mỗi khi chúng ta giảng Pháp, lắng nghe giáo pháp hay thiền định và thực hành Pháp – trước hết nói về việc giảng Pháp thì đầu tiên vị thầy giảng Pháp phải có được ý định mang lại lợi lạc cho tất cả các chúng sinh – mẹ hiền, vốn vô lượng như hư không. Vị thầy phải có ước nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc và thoát khổ và phải giảng Pháp với duy nhất ý định này mà thôi. Nếu thiếu ý định này, nếu vị thầy chỉ giảng Pháp vì động cơ tự tôn thì giáo pháp mà vị thầy thuyết giảng sẽ chẳng có lợi ích gì.

Còn người nghe Pháp phải xem xét lại động cơ của chính mình. Phải nhắm đến lợi ích của toàn bộ chúng sinh, mong muốn cho họ thoát khổ và có được hạnh phúc. Nếu chúng ta chỉ mong cầu cho hạnh phúc của chính mình, nếu chúng ta nghe pháp với một thái độ chấp ngã, nếu chúng ta không thể xa lìa sự chấp ngã thì chúng ta sẽ chẳng có được hạnh phúc mà mình đang mong cầu.

Do đó, chúng ta phải có động cơ mang lại lợi lạc cho toàn bộ chúng sinh. Chúng ta phải coi trọng kẻ thù và những kẻ gây chướng ngại cho mình, trưởng dưỡng lòng bi mẫn và Bồ đề tâm đối với họ ngay lúc đầu. Rồi khi chúng ta thiền định và quán tưởng Bổn tôn hay khi tụng chú, chúng ta thực hành mà không xa lìa Bồ đề tâm. Nếu chúng ta không xa lìa Bồ đề tâm khi tu tập pháp Bổn tôn thì chúng ta sẽ thành tựu được Bổn tôn thực thụ.

——

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI