SƯU TẦM
Nguồn: phunuonline.com.vn
Tháng Tám năm Canh Thìn (1820), chóng vánh đến bất thường, Lễ bộ Hữu tham tri Nguyễn Du, người vừa được vua Minh Mệnh cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, bất ngờ lâm bệnh dịch (khi ấy đang tràn vào phủ Thừa Thiên) và đột ngột qua đời.
Vốn dĩ sống chết theo lẽ hằng thường, nhưng một tài năng thi ca xuất chúng, một nghệ sĩ lớn của chủ nghĩa nhân đạo chết vì dịch bệnh, hẳn cũng gây nỗi “đau đớn lòng” khiến hậu thế hôm nay ngẫm ngợi.
Trước hết cần phải nhắc lại một sự thật rằng, dưới triều Nguyễn mà Nguyễn Du không thật mặn mà cộng tác, có rất nhiều trận dịch bệnh lớn nhỏ. Bộ chính sử Đại Nam thực lục ăm ắp những thông tin gây rùng mình về dịch bệnh, khi thì nổ ra ở Quảng Ngãi, Bình Hòa, Hải Dương, Phú Yên, khi tràn đến Hưng Yên, Sơn Tây, Nghệ An, Nam Định, Hà Nội… Mỗi đợt dịch bệnh, ít thì làm chết vài ngàn người, nhiều thì lên đến vài vạn. Cá biệt, năm 1850 dưới thời Tự Đức, bộ Hộ xác nhận các hạt Bắc, Nam có 589.460 người chết vì dịch bệnh; năm Đồng Khánh thứ ba (1888), chỉ riêng dịch bệnh đậu mùa bùng phát ở Quảng Ngãi đã làm chết 13.934 người, khiến vua phải mời cả quan thầy thuốc Pháp giúp đỡ.
Ngay cả Minh Mệnh cũng chưa chắc được làm vua nếu người anh trai, hoàng tử Cảnh, vốn được Nguyễn Ánh chọn làm người kế vị chính thức, không chết vì đậu mùa năm 1801. Bản thân Minh Mệnh từng nỗ lực thực thi kế hoạch lấy vắc-xin trị đậu mùa để phòng ngừa cho con cái mình. Song le, một lần nữa, oái oăm và kỳ lạ thay, vua Tự Đức cũng bị đậu mùa, tuy thoát chết nhưng di chứng thể trạng ốm yếu và không con nối nghiệp đã khiến cơ đồ nhà Nguyễn lung lay muôn phần. Cùng mất mùa, nghèo đói, dịch bệnh và nguy cơ chiến tranh là hai tác nhân khiến các chân mệnh thiên tử phải liên tục xoay xở, lúng túng tìm cách ứng phó, đôi khi tìm nguyên cớ và phương án giải quyết theo cung cách nhuốm màu mê tín.
Trở lại trận dịch tai quái trong năm đầu Minh Mệnh làm vua. Hay tin dịch lệ phát ra từ Hà Tiên lan tới Bắc Hà, “trước kia chưa có thế”, Minh Mệnh đã tổ chức cầu đảo và tự trách phạt mình, ngõ hầu làm dịu cơn quốc nạn. Nhưng ôn thần dịch lệ vẫn hoành hành khắp chốn và len vào trong chính kinh thành. Nguyễn Du, dẫu khi đó đang là quan đại thần, dẫu sắp phải đảm nhận việc đi sứ trọng trách quốc gia, vẫn không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cớ sự tạ thế lẽ ra không đáng có, hoặc ít nhất có thể được ngăn chặn, đẩy lùi, cứu chữa mà Nguyễn Du vấp phải có lẽ làm nhiều người ngậm ngùi. Vua Minh Mệnh “rất tiếc”, ban hai mươi lạng bạc, hai cây gấm, “khi đưa tang về cho thêm ba trăm quan tiền”. Còn Nguyễn Hành, cháu và cũng là thi sĩ tâm giao với Nguyễn Du, thì khóc xót xa “Nhất thế tài hoa kim dĩ hĩ!” (Thế là hết bậc tài hoa nhất đời!), và sửng sốt “Dịch lệ hà năng tốc công tử?” (Dịch lệ sao có thể làm chết chú nhanh vậy?). Nhanh và khó thể chấp nhận, nhưng sự thật đã không dành chỗ cho trí tưởng tượng thêu dệt một cái chết lẫm liệt như Từ Hải mà Tố Như từng chăm chút mô tả. Cuộc đời vẫn đầy rẫy “hận sự thiên nan vấn”, và thay vì chối bỏ nó, Nguyễn Du có lẽ đã cảm thấy “được” như lời trăn trối có phần quá gọn lỏn của ông.
Khi dịch bệnh gọi tên Nguyễn Du, và đẩy số phận của ông cùng chung kết cục với muôn thường dân, chúng ta vỡ lẽ rằng, bất luận ai, từ kẻ trị vì thiên hạ, thi sĩ cho tới dân đen con đỏ, cũng đều nếm trải đau đớn tai họa như nhau. Điều có thể là khác biệt nằm ở chỗ Nguyễn Du, với căn cốt nghệ sĩ, với tấm lòng nghĩ tới muôn đời, đã chuyển hóa nỗi đau ấy thành câu chữ trĩu nặng ưu tư và lấp lánh yêu thương, hy vọng lẫn thể tất, bao dung. Sức mạnh của bậc thi nhân vĩ đại ấy, xét đến cùng, không nằm ở khả năng chống lại, vượt qua hay chạy trốn dịch bệnh, mà ở những nhịp đập tuy ngắn ngủi nhưng tha thiết và sâu sắc với cõi trần, với cả thời cuộc biến thiên dâu bể. Hẳn Nguyễn Du muốn ẩn giấu 54 năm gió bụi cuộc đời bằng cách tự mình hòa vào mất mát của bao người vô danh khác một cách không thể thấu suốt hơn? Dĩ nhiên, chẳng ai thích thú gửi sinh mạng mình trong bàn tay dịch bệnh. Song khi cái chết có thể trù liệu cho tương lai biết phải sống thế nào để không gây, không chịu đau khổ, thì cũng là sự kiện đáng giá.
Bác sĩ Li Wenliang – người đầu tiên phát hiện và cảnh báo về sự nguy hiểm của virus corona đã qua đời vì virus này – Ảnh: Weibo |
Cái chết vì dịch bệnh của Nguyễn Du khiến tôi nhớ đến cái chết của văn sĩ Gustav von Aschenbach, một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Chết ở Venice (1911) của Thomas Man. Gustav von Aschenbach, “người nghệ nhân cần cù”, “cây bút chín chắn và tinh xảo”, “kỷ luật tự tu dưỡng rèn luyện”, trong chuyến đi thăm thú Venice, đã gặp và say mê, cuồng vọng trước vẻ đẹp hình thể như những tác phẩm điêu khắc Hy Lạp thời kỳ hoàng kim nhất của cậu bé Tadzio. Kể từ giây phút nhìn thấy Tadzio, người nghệ sĩ tiên phong kia bị đẩy vào cuộc biện luận nội tâm phức tạp, căng thẳng, vừa đau đớn, vừa hạnh phúc về một định đề tưởng đã ngã ngũ bởi các lời lẽ kinh viện: cái đẹp và đạo đức. Không may, một trận dịch bí ẩn tràn xuống Venice và Aschenbach, trên hành trình nguy hiểm đầy cám dỗ, tội lỗi và lầm lạc, đã chết lặng lẽ như lữ khách vô danh… Trong trường hợp ấy, Aschenbach không rơi vào thảm họa mà đã tìm thấy nghĩa lý, vẻ đẹp cuộc đời. Còn đạo đức, nếu phải định dạng nó, có lẽ nó giống gương mặt sự thật rằng, cái chết luôn đòi hỏi người ta sống đẹp.
Sau Nguyễn Du đúng 200 năm, chúng ta đang chứng kiến rất nhiều cái chết thương tâm vì dịch bệnh do vi-rút Corona. Khi bác sĩ Lý Văn Lượng (Trung Quốc) qua đời vì thứ vi-rút khủng khiếp đó, tôi nghĩ, trong ông không chỉ có tư cách của một bác sĩ, mà còn là một nghệ sĩ. Phàm đã là nghệ sĩ thực sự, họ sẽ tận hiến cho vẻ đẹp, cho lẽ phải, mà không có thứ đạo đức giả danh hay luật lệ vô hình nào ngăn trở được.
Mai Anh Tuấn.