KHÔNG TRỤ Ở ĐÂU NHƯNG Ở KHẮP MỌI NƠI – PHẦN 1

DEEPAK CHOPRA

Trích: Chữa Lành Lượng Tử; Nguyên tác: Quantum Healing; Việt dịch: Lê Hà Lộc & Nguyễn Tăng Phú; NXB. Thế giới; Công ty XB Sách Thiện Tri Thức, 2022

Nếu bạn có thể giải thích cách tâm-thể chuyển từ không phân tử thành một phân tử, thì rất nhiều bí ẩn về não bộ sẽ được làm sáng tỏ. Sau phần vật chất nhỏ bé đầu tiên đó, phần còn lại của chuỗi tuân theo các quy luật tự nhiên đã được biết rõ. Ngoài vi lượng đồng căn, tôi thấy một ví dụ rõ ràng hơn nhiều trong các trường hợp bệnh tâm thần kỳ lạ được gọi là đa nhân cách. Không có gì trong lĩnh vực tâm-thể dường như khó giải thích đến vậy, vì khi một người đa nhân cách chuyển đổi từ nhân cách này sang nhân cách khác, cơ thể của anh ta cũng thay đổi theo.

Ví dụ, một nhân cách có thể mắc bệnh tiểu đường và người đó sẽ bị thiếu insulin miễn là nhân cách đó đang hoạt động. Tuy nhiên, những nhân cách khác có thể hoàn toàn không mắc bệnh tiểu đường, với dữ liệu về lượng đường trong máu giống như người bình thường. Daniel Goleman, một nhà tâm lý học và là phóng viên thường xuyên về các chủ đề cơ thể-tâm trí, mô tả một đứa trẻ tên là Timmy có gần một tá tính cách riêng biệt.

Một trong số nhân cách này sẽ nổi phát ban nếu cậu ta uống nước cam. “Việc nổi mề đay sẽ xảy ra”, Goleman viết “ngay đang khi Timmy uống nước cam và một nhân cách khác xuất hiện trong khi nước trái cây vẫn đang được tiêu hóa. Hơn thế nữa nếu Timmy quay lại nhân cách cũ trong khi đang có phản ý dị ứng, thì tình trạng ngứa nổi mề đay sẽ chấm dứt ngay lập tức và các vết phồng rộp mọng nước sẽ bắt đầu xẹp xuống.”

Khi đọc những dòng chữ này lần đầu tiên, tôi cảm thấy rất thích thú. Các văn bản y tế không nói rằng các phản ứng dị ứng có thể được tắt và bật theo ý muốn. Làm sao chúng có thể như thế được? Các tế bào bạch huyết của hệ miễn dịch, được bao phủ bởi các kháng thể như IgE, chỉ đơn thuần chờ đợi sự tiếp xúc của một kháng nguyên. Khi tiếp xúc xảy ra, chúng sẽ tự động được kích hoạt để phản ứng. Tuy nhiên, trong cơ thể của Timmy, người ta phải hình dung các phân tử nước cam tiếp cận tế bào bạch huyết, và sau đó một quyết định có phản ứng hay không mới được đưa ra. Điều này ngụ ý rằng bản thân tế bào có trí thông minh, giống như tôi vẫn bàn luận. Hơn nữa, trí thông minh của nó được gói gọn trong từng phân tử, không phải chỉ được ban riêng cho một phân tử đặc biệt như ADN, vì kháng thể và nước cam hoàn toàn chỉ tương tác với các nguyên tử rất bình thường như carbon, hydro và oxy.

Để nói rằng các phân tử đưa ra quyết định bất chấp khoa học vật lý hiện tại – giống như thể muối lúc thích có vị mặn lúc thì không vậy. Nhưng để chuyển đổi từ sự kiện này trong tâm thể sang một sự kiện khác luôn luôn là một sự phóng chiếu của trí thông minh; chỉ có sự nhanh chóng và cường độ đáng kể trong trường hợp của Timmy mới khiến chúng ta choáng váng. Một khi đã chấp nhận sự kiện là cậu bé đang chọn bị dị ứng – vì không thì còn cách nào khác để cậu có thể làm mình bị và hết bị nổi mề đay? – thì chúng ta đối mặt với khả năng rằng chúng ta cũng đang tự chọn bệnh cho mình. Chúng ta không nhận thức được sự lựa chọn này, bởi vì nó diễn ra bên dưới mức suy nghĩ có ý thức của chúng ta. Nhưng nếu nó hiện diện, chúng ta sẽ có thể thay đổi nó.

Tất cả chúng ta đều có thể thay đổi đặc điểm sinh học của cơ thể mình từ thái cực này sang thái cực khác. Khi bạn hạnh phúc tột độ, về mặt sinh lý mà nói, bạn không phải là người giống như khi bạn bị trầm cảm sâu sắc. Đa nhân cách chứng tỏ rằng khả năng thay đổi từ bên trong này nằm trong khả năng kiểm soát chính xác. Tôi muốn kể lại một chút truyền thuyết về gia đình Chopra có liên quan đến điều này và, rất đáng tò mò, cả với kháng thể IgE.

Cha tôi là một bác sĩ tim mạch ở Ấn Độ. Ông làm bác sĩ quân y trong nhiều năm, nên chúng tôi phải chuyển hết đồn quân sự này sang đồn khác trong cả nước. Khi tôi còn là một đứa trẻ sơ sinh, ông đã bị điều đến Jammu xa xôi về phía bắc ở bang Kashmir. Tôi không nhớ gì về thời gian chúng tôi ở đó, nhưng trong nhiều năm tôi đã nghe về những cơn dị ứng khủng khiếp mà mẹ tôi phải chịu đựng ở nơi đó. Thứ hành hạ bà là phấn hoa của một loài hoa bản địa phủ kín mặt đất khi nó nở rộ vào mỗi mùa xuân. Nó khiến bà lên cơn hen suyễn nghiêm trọng; cơ thể bà sưng lên, và trên da bà xuất hiện những miếng giác lớn màu đỏ và phồng giộp (tình trạng của mẹ được gọi là phù mạch thần kinh).

Cha tôi rất yêu mẹ tôi, và vì tình yêu thương đó, cứ mỗi mùa xuân ông lại đưa bà đến Srinigar, thủ đô của Kashmir. Không khí ở Srinigar không có loại phấn hoa đặc biệt này, và mẹ rất vui khi thấy mình đang ở một thung lũng giữa núi, một trong những nơi đẹp nhất trên Trái Đất.

Mùa xuân nọ, những trận mưa lớn khiến con đường không thể đi qua được, và cha tôi quyết định họ sẽ bay về nhà sớm. Họ lên máy bay, và sau một giờ đã hạ cánh. Ông đặt tay lên cánh tay của mẹ tôi trấn an, nhưng ông đã thấy những nốt mẩn đỏ trên da cũng như những nỗ lực chỉ để duy trì hơi thở của mẹ. Mẹ tôi bị dị ứng nghiêm trọng đến mức người tiếp viên chạy đến hỏi có chuyện gì.

“Bạn không thể làm gì được đâu”, cha tôi nói. “Là do phấn hoa ở Jammu”.

“Jammu ấy ư?” Người tiếp viên tỏ vẻ khó hiểu. “Chúng ta vẫn chưa hạ cánh ở đó mà – đây là Udhampur, điểm dừng chân đầu tiên. Họ không nói với ông sao?”

Cha tôi khá kinh ngạc. Khi ông nhìn mẹ, tiếng thở khò khè đã giảm bớt và cơn đau của bà biến mất ngay tại chỗ. Trong nhiều năm sau đó, ông vẫn lắc đầu lẩm bẩm, “Tất cả những gì phải làm là nói từ Jammu và mẹ sẽ lại bị dị ứng.” Khi tôi nói với ông về thí nghiệm IgE, ông đã rất nhẹ nhõm – giờ ông đã có một câu trả lời khoa học, đại loại thế, cho bí ẩn gia đình chúng tôi. Mẹ tôi chỉ có một tính cách, nhưng sự thay đổi này vừa cực đoan vừa chóng vánh.

Nhiều trường hợp đa nhân cách đã được nghiên cứu và xác minh, đặc biệt là nhờ tiến sĩ Bennett Braun, một nhà nghiên cứu tâm thần học và chuyên gia trong lĩnh vực này. Khi tính cách của bệnh nhân thay đổi, mụn cóc, sẹo và phát ban sẽ xuất hiện và biến mất, cùng với hiện tượng tăng huyết áp và động kinh. Một nhân cách cụ thể có thể bị mù màu, chỉ để lấy lại thị lực bình thường khi nhân cách đó thay đổi trở lại. Gần như thành một quy luật, những bệnh nhân như vậy có ít nhất một nhân cách là trẻ em, và khi nó xuất hiện, cơ thể họ phản ứng với liều lượng thuốc thấp hơn. Trong một trường hợp, 5 miligam thuốc an thần khiến bệnh nhân thư thái và buồn ngủ khi là nhân cách trẻ em, trong khi liều mạnh gấp 20 lần không có tác dụng gì đối với nhân cách người lớn.

Các nhà nghiên cứu bị bối rối khi đang tìm kiếm một cơ chế để giải thích những diễn biến tưởng như không thể xảy ra này; Tôi tin rằng chỉ có thể tìm được cơ chế đó bằng cách nhìn nhận rằng một sự thay đổi lượng tử đã diễn ra. Một nhân cách không có các phân tử trong đó, chỉ được cấu tạo bởi những ký ức và khuynh hướng tâm lý; tuy nhiên, những yếu tố này tồn tại lâu dài hơn các tế bào bị tác động. Đây không phải là một bí ẩn lớn – như chúng ta đã thấy, mọi phân tử trong cơ thể bạn đều bao bọc bằng một bit trí thông minh vô hình.

Ký ức không phải là một thuật ngữ được các nhà vật lý sử dụng, nhưng người ta dễ dàng tìm thấy nó trong thế giới lượng tử – các hạt cách nhau những khoảng vô cùng lớn trong không-thời gian biết các hoạt động của nhau. Khi một điện tử nhảy sang một quỹ đạo mới ở bên ngoài nguyên tử, phản điện tử (hay positron) được ghép đôi với nó phải phản ứng, bất kể nó tồn tại ở đâu trong vũ trụ. Trên thực tế, toàn bộ vũ trụ được kết nối với nhau bởi loại mạng ký ức này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NĂNG LỰC CHỮA LÀNH ĐẾN TỪ GIẢ ĐỊNH

Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NHÂN QUẢ
  2. THAY ĐỔI THỰC TẾ CỦA BẠN ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI BÍ MẬT THỨ CHÍN
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Bài viết mới

  1. LÒNG TỪ ÁI
  2. NĂM NGUỒN LỰC THÀNH CÔNG LÀ GÌ?
  3. NHÓM VÀ CÁCH LÀM VIỆC THEO NHÓM