KINH BÁO ĐÁP CÔNG ƠN CHA MẸ

KINH BÁO ĐÁP CÔNG ƠN CHA MẸ

Nguồn: Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ"; Tác giả: Tuệ Đăng - Nguyễn Minh Tiến; NXB Văn Hóa Thông Tin

Các bạn trẻ thân mến! Chúng ta đều biết rằng hiếu thuận vốn là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Các bạn biết không, về phương diện tôn giáo, đạo Phật cũng rất chú trọng đến đạo hiếu.

Qua nhiều sách vở được lưu hành rộng rãi xưa nay, chúng ta thường thấy có nhiều vị tu sĩ rời xa gia đình và thành thị náo nhiệt để vào tận rừng cao núi hiểm tu hành. Có lẽ do đây mà mọi người thường có sự ngộ nhận rằng: Những tu sĩ Phật giáo đều đã dứt bỏ mọi tình cảm. Nhưng thực tế không phải vậy! 

Hôm nay, chúng tôi xin gửi đến các bạn một câu chuyện xưa để giúp các bạn có thể hiểu được Phật giáo quan niệm như thế nào về chữ hiếu. 

Đây là một câu chuyện xảy ra ở khu vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc – tại một vùng thuộc Ấn Độ thuở xưa, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm. Lúc bấy giờ, đức Phật thường thuyết pháp cho các đệ tử đại tỳ-kheo và đại Bồ Tát tại nơi này.

báo đáp công ơn cha mẹ

Một hôm, đức Phật cùng các đệ tử vào xóm khất thực. Đức Phật nhìn thấy một đống xương khô nằm trơ trọi bên đường liền vội cung kính chắp tay bái lạy.

Cử chỉ lạ lùng của đức Phật khiến các vị đệ tử quanh Ngài đều cảm thấy vô cùng kinh ngạc và hoài nghi. Các thầy không thể hiểu được vì sao đức Thế Tôn lại bái lạy đống xương một cách thành kính như vậy.

Khi ấy, thầy A-nan là thị giả của đức Phật, liền quì xuống thành kính thưa hỏi:

– “Kính bạch đấng từ phụ kính yêu của chúng con. Ngài là bậc tôn quí nhất trên cõi đời này, sao lại bái lạy một đống xương khô không tên không họ bên đường như thế? Xin ngài chỉ dạy cho chúng con được hiểu.”

Sau khi nghe thầy A-nan thưa hỏi, đức Phật dịu dàng đáp:

– “A-nan! Lời ông hỏi rất phải. Các ông tuy đều là đệ tử của ta, theo ta xuất gia tu học đã lâu, nhưng còn có nhiều việc các ông có thể chưa biết hết. Mặc dầu đây chỉ là một đống xương khô, song biết đâu đó lại chẳng phải là di hài của ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp của ta? Các ông hãy nói xem, có đạo đức luân lý nào cấm con cái không được lạy cha mẹ đâu? Vì lẽ thiêng liêng cao cả ấy nên ta mới thành kính lạy đống xương này.”

Đức Phật lại dạy tiếp:

– “A-nan! Bây giờ ông hãy thử chia đống xương này ra làm hai phần đi! Nên nhớ, xương người nam thì màu trắng và nặng, còn xương người nữ thì đen và nhẹ.”

Nghe lời dạy của đức Phật, thầy A-nan cảm thấy phân vân, liền chắp tay thưa hỏi:

– “Bạch Thế Tôn! Việc này con thấy khó hiểu quá! Khi con người còn sống, nhờ vào cách ăn mặc, đi đứng mà chúng ta có thể phân biệt được là nam hay nữ. Chứ khi chết rồi, ai cũng thành một đống xương trắng như nhau, làm sao chúng con biết trong đống xương này đâu là xương người nam, đâu là xương người nữ?”

Lúc đó, đức Phật dạy thầy A-nan:

– “Được rồi! Như Lai sẽ nói cho thầy biết vậy! Người đàn ông khi còn sống thường có nhiều điều kiện sinh hoạt tốt hơn, được vào chùa nghe giảng kinh, luật, tôn kính Tam bảo và thường niệm Phật. Vì trong đời sống không phải cạn kiệt khí lực nên sau khi mất xương của người đàn ông thường có màu trắng và nặng. Còn người đàn bà phần nhiều ít có điều kiện học hành, tri thức kém cỏi, không được giữ những cương vị tốt đẹp trong xã hội. Vả lại, người phụ nữ phải trải qua việc sinh nở, nuôi dưỡng con cái vô cùng khó nhọc. Khi nuôi con thì mẹ phải mất đi nhiều sữa. Mà sữa từ đâu ra? Sữa được tạo ra từ chính máu huyết của người mẹ. Nên mẹ mất nhiều sữa để nuôi con thì cũng có nghĩa là hao tổn không biết bao nhiêu máu huyết của mình. Người mẹ phải lao nhọc như vậy nên thân thể gầy mòn tiều tụy. Vì khí lực phải cạn kiệt như thế, nên sau khi chết xương người đàn bà thường có màu đen và nhẹ.”

Sau khi nghe đức Phật giảng giải, thầy A-nan mới hiểu được sự vĩ đại và vất vả bấy lâu của cha mẹ. Thầy tự thấy mình chưa làm tròn đạo hiếu với cha mẹ nên âu sầu rơi lệ.

Các bạn trẻ thân mến! Mặc dầu những khó khăn vất vả của cha mẹ trong suốt thời gian nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn là hết sức rõ ràng, cụ thể, nhưng phần lớn chúng ta lại không mấy khi lưu tâm đến! Chúng ta thường xem đó như việc tất nhiên phải vậy, nên không chịu để tâm suy xét, chiêm nghiệm để thấu hiểu được sự khổ nhọc mà cha mẹ đã nhiều năm gánh chịu vì ta. Chỉ đến khi chúng ta thực sự khôn lớn, tự lập một gia đình riêng của mình và cũng đi vào con đường khó khăn vất vả của việc nuôi dưỡng con cái, lúc ấy chúng ta thường mới nhận biết được công ơn trời biển của mẹ cha. Nhưng than ôi! Đợi đến khi ấy thì mọi việc thường đã quá muộn màng! Vào lúc đó, có khi cha mẹ đã không còn nữa! 

Tôn giả A-nan liền cung kính thưa với đức Phật:

– “Bạch đức Thế Tôn! Ân đức cha mẹ cao cả và sâu dày như vậy, hàng đệ tử chúng con phải làm thế nào mới báo đáp được?”

Đức Phật dạy A-nan:

– “Cha mẹ nuôi dưỡng con cái là một việc rất gian khổ. Nay các ông có lòng hiếu thảo muốn báo đáp công ơn ấy thì nên lắng lòng nghe những lời Như Lai sắp chỉ dạy sau đây.

“Này A-nan! Người mẹ mang thai trải qua mười tháng dài, có thể nói là nếm đủ không biết bao nhiêu cay đắng khổ cực. Tháng đầu tiên lúc mới mang thai, mầm sống trong bụng mẹ chỉ giống như hạt sương đọng trên ngọn cỏ, mong manh và có thể tan mất bất cứ lúc nào. Đến tháng thứ hai, mầm sống ấy chỉ như váng sữa đặc, cũng rất mềm yếu. 

“Đến tháng thứ ba, thai nhi giống như cục huyết lớn đông đặc. Tròn bốn tháng, cái thai mới có chút hình dạng con người. Các bộ phận chủ yếu như đầu, tay, chân được hình thành khi đủ năm tháng.

“Đến tháng thứ sáu, thai nhi tiếp tục xuất hiện mắt, tai, mũi, lưỡi, miệng… và bắt đầu có cảm giác.

“Đến tháng thứ bảy, xương cốt và gân trong toàn thân thai nhi lần lượt hình thành, và trên lớp da xuất hiện vô số lỗ chân lông.

“Tháng thứ tám, các bộ phận quan trọng của thai nhi phát triển gần như hoàn thiện. Đồng thời chín lỗ trên thân: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, hậu môn và đường tiểu tiện cũng được thành hình.

“Kể từ tháng thứ chín trở về sau, thai nhi bắt đầu biết dùng hai tay hai chân đấm đá, khiến người mẹ ăn ngủ không yên. Từ khi thọ thai cho đến lúc cất tiếng khóc chào đời, thai nhi hoàn toàn nhờ vào việc hấp thụ máu huyết của người mẹ được chuyển thành chất dinh dưỡng để duy trì sự sống. Khi gần đủ mười tháng, các bộ phận của hài nhi đều được hoàn chỉnh và đợi ngày ra đời.

“Chỉ mang thai độ hơn chín tháng thôi, mà người mẹ cũng nếm đủ không biết bao nhiêu khổ nhọc rồi.” 

Các bạn trẻ thân mến! Khoa học ngày nay đã có nhiều tiến bộ cho phép chúng ta quan sát và hiểu được cụ thể từng giai đoạn phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, thậm chí có thể ghi lại được cả bằng hình ảnh. Tuy nhiên, việc thai nhi phát triển như thế nào thật ra không phải điều mà mỗi chúng ta cần quan tâm. Điều quan trọng nhất chúng ta cần hiểu được ở đây là nỗi khó nhọc mà người mẹ phải trải qua trong suốt quãng thời gian ấy, cả về mặt tâm lý cũng như vật lý, nhất là đối với những người mẹ trẻ lần đầu mang thai. Thử tưởng tượng xem, từ một người phụ nữ lúc nào cũng ưa thích vẻ đẹp, luôn muốn được xuất hiện một cách thướt tha kiều diễm trước mặt mọi người, nay bỗng nhiên trở thành nặng nề thô kệch, mang thân hình xấu xí không cân đối, lại đi đứng khó khăn, chậm chạp… Những thay đổi này chắc chắn sẽ làm cho người mẹ trẻ phải cảm thấy rất khó chấp nhận, thậm chí có thể trở nên e dè, xấu hổ với người khác. Tuy nhiên, với tình mẫu tử phát sinh cùng lúc với sự hình thành của thai nhi trong bụng mẹ, thì tất cả những điều đó bỗng trở nên không còn đáng kể nữa. Người mẹ khi ấy lúc nào cũng chỉ còn biết nghĩ đến con, lo lắng cho con, thương yêu nựng nịu con, cho dù lúc ấy con chỉ mới là một bào thai nhỏ bé!

“Đến kỳ sinh nở, cơ thể người mẹ lại mất rất nhiều máu. Nếu sinh dễ, đứa bé cuộn tròn tay chân thì mọi chuyện thuận lợi và giảm bớt sự đau đớn cho sản phụ. Nếu sinh khó, nhất là khi thai nhi có tư thế trái ngược với bình thường thì khi sinh ra người mẹ sẽ phải chịu sự đau đớn không thể tưởng tượng nổi. Nghiêm trọng hơn, bởi người mẹ mất quá nhiều máu nên có thể nguy hiểm cả đến tính mạng.

Nói đến sự nguy hiểm của người mẹ khi sinh nở thì tất cả những người lớn tuổi đều hiểu được, nhưng với các bạn trẻ chúng ta thì có vẻ như ít có ai lưu tâm đến! Các bạn chỉ thấy việc sinh con như một việc rất thông thường, chẳng qua chỉ đến bệnh viện nằm vài ba hôm rồi trở về nhà với em bé, có gì là nguy hiểm đâu? Nhưng các bạn ơi! Sự thật không phải như vậy! Cho dù trong những trường hợp sinh nở dễ dàng thì chúng ta luôn thấy như chẳng có gì đáng nói, nhưng sự thật là bất cứ lần sinh nở nào của một người mẹ cũng luôn ngấm ngầm ẩn chứa rất nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Chẳng thế mà người xưa đã có câu tục ngữ để nói về việc sinh nở khó khăn và nguy hiểm của người đàn bà:

Đàn ông đi biển có đôi,

Đàn bà đi biển mồ côi một mình.

Vâng, quả thật là như thế! Trong cơn sóng gió hiểm nguy và cực kỳ đau đớn của sự sinh nở, không một ai có thể chống chèo, chia sẻ cùng người mẹ! Chỉ có tình mẫu tử là nguồn động lực duy nhất để giúp mẹ vượt qua trùng khơi nguy hiểm đó! 

“Vì vậy, con cái đừng bao giờ quên sự khổ nhọc mà mẹ phải chịu đựng khi sinh ra mình. Nếu không ghi nhớ điều này thì chẳng khác gì loài cầm thú!

“Sau khi trải qua bao đau đớn vất vả như đã nói, cuối cùng người mẹ mới sinh được con ra. Nếu nói chi tiết hơn thì công ơn của mẹ đối với chúng ta có ít nhất là mười điều. Mười điều ấy là những điều nào?

“Công ơn thứ nhất là giữ gìn mạng sống cho thai nhi. Thân người khó được, chúng ta không dễ gì có được thân này khi lưu chuyển trong luân hồi. Vì có duyên phận với cha mẹ đời này nên chúng ta mới có thể nương vào thai mẹ để đến với cõi đời. Nhưng để có thân ta, mẹ phải đổi lấy bằng biết bao sự khổ nhọc!

“Thời gian mang thai cũng là lúc vất vả của mẹ. Vì quan tâm lo lắng cho sinh mạng quý báu nhỏ bé đang mang trong mình nên làm việc gì mẹ cũng phải hết sức cẩn thận, chậm rãi. Việc ăn uống cũng phải kiêng dè, thận trọng vì sợ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Những y phục tốt đẹp mà mẹ ưa thích nay cũng không thể mặc được, vì thân thể mang thai trở nên thô kệch, xấu xí. Mọi cử chỉ, việc làm trong ngày, cho đến những sự đi, đứng, nằm, ngồi đều trở thành khó khăn, bất tiện. Nếu gặp phải những thai nhi thường hay cựa quậy, thúc đạp thì lại càng khổ sở không sao nói hết!

“Ân đức thứ hai là người mẹ phải chịu đau đớn cùng cực khi sanh nở. Sanh con là một việc rất khổ nhọc, đau đớn và nguy hiểm. Rất nhiều người mẹ vì sự sinh nở gặp khó khăn trở ngại mà phải mất cả mạng sống. Dù biết như vậy, nhưng người mẹ vẫn bất chấp sự an nguy của bản thân, chỉ luôn lo lắng con mình sinh ra có được bình an, thuận lợi hay không mà thôi.

Các bạn trẻ thân mến! Không biết là có bao giờ các bạn đã từng nghĩ đến những mối hiểm nguy đe dọa mạng sống của người mẹ khi sinh con hay chưa? Đó là một điều hoàn toàn có thật. Vì thế, nếu bạn chưa từng nghĩ đến thì sau khi đọc qua những dòng này, bạn hãy thử tìm hiểu xem đó là những mối nguy hiểm như thế nào. Chắc chắn sau khi biết được rồi, bạn sẽ thấy là lâu nay mình chưa thực sự hiểu hết về mẹ, và giờ đây sẽ càng kính yêu mẹ mình nhiều hơn nữa!

“Ân đức thứ ba là mặc dầu vì con mẹ phải chịu mọi đau đớn, nhưng đến khi vừa sinh con xong mẹ lại có thể quên hết khổ nhọc.

Các bạn thân mến! Điều quan tâm nhất của người mẹ chính là sức khoẻ của đứa con vừa sinh ra. Cho nên, dù trong khoảnh khắc phải trải qua muôn ngàn lần đau xé ruột, bất kể sự mệt mỏi đến mức nào, câu hỏi đầu tiên của mẹ bao giờ cũng là: “Con tôi có bình an, có được mạnh khỏe hay không?” Thật cảm động biết bao phải không các bạn? 

“Ân đức thứ tư của cha mẹ là luôn tự chọn lấy phần cay đắng, khó nhọc, nhường phần ngon ngọt, dễ dàng cho con. Sự chăm sóc của cha mẹ đối với con cái vô cùng chu đáo, bất kể ngày đêm. Vì muốn con được hạnh phúc vui vẻ, cho dù bản thân phải chịu bao sự lao lực khổ nhọc, cha mẹ cũng không hề cau mày nhăn mặt. Ân nghĩa sâu nặng của cha mẹ đối với con cái thật không thể nào nói hết!

“Ân đức thứ năm là luôn nhường cho con chỗ nằm ấm áp, khô ráo, còn mẹ thì không nề hà phải co ro nơi giá lạnh.

Các bạn ơi! Mẹ hiền lúc nào cũng săn sóc con rất kỹ lưỡng. Ban đêm, khi con nhỏ tiểu tiện ướt cả mền chiếu, mẹ vội vã bồng con đến chỗ khô ráo, rồi tự mình phải nằm ở nơi ẩm ướt, hôi hám mà không một lời than vãn. Chỉ cần lo cho con ngủ ngon giấc, thân mẹ dù chịu rét lạnh cũng không phiền hà. 

“Ân đức thứ sáu là cha mẹ vất vả nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái.

Tình thương của mẹ như mặt đất bao la sinh ra mọi vật; sự yêu mến của cha tựa bầu trời mênh mông, bao trùm khắp muôn loài. Mà bất luận là trời hay đất, tình thương của cha mẹ luôn là tình yêu không phân biệt. Chỉ cần là con của mình sinh ra thì dù có xấu xí thế nào cha mẹ cũng không bao giờ ghét bỏ. Dầu cho con có bị tay chân khiếm khuyết, tàn tật, cha mẹ cũng không chán ghét, trái lại càng quan tâm thương yêu hơn nữa. Cha mẹ luôn xem con là vật báu quý nhất mà mình đã rứt ruột sinh ra!

Các bạn thân mến! Mỗi khi chúng ta tiếp xúc với ai đó trong đời, ta luôn có những ấn tượng khác nhau. Có những người khiến ta quý mến, kính trọng ngay khi mới gặp; có những người lại làm ta bực tức, chán ghét… Những ấn tượng khác nhau đó đều do ngoại hình và cung cách ứng xử của người khác mang lại cho ta. Nhưng điều kỳ lạ nhất là đối với cha mẹ thì mọi sự xấu xí, bất toàn hay ngang bướng của con cái đều không bao giờ làm cho cha mẹ ghét bỏ. Chỉ có yêu thương và yêu thương mà thôi! Trong lòng cha mẹ chẳng bao giờ có sự chán ghét con mình, cho dù đó có là một đứa con hư đốn hoặc xấu xí đến mức nào đi chăng nữa! 

“Thâm ân thứ bảy là dọn rửa đồ phóng uế của con mà không sợ nhơ nhớp, lấm bẩn.

Bất chấp có khi da dẻ bị lạnh cóng nứt nẻ, mẹ vẫn không phiền hà khi chăm sóc cho con. Dù trước đây người mẹ có là cành vàng lá ngọc, mỹ miều xinh đẹp đến đâu, nhưng qua một thời gian lao lực vì con thì vẻ đẹp như hoa ấy cũng bắt đầu trở nên già nua, tàn tạ. Đôi tay ngọc ngà cũng vì những việc nấu nướng, giặt giũ mà trở thành khô cứng, sù sì. Mẹ tội nghiệp và đáng kính biết bao! Mẹ vì con hy sinh cả tuổi thanh xuân quý giá của mình, để rồi chỉ đổi lấy sự tiều tụy, mệt mỏi. 

“Ân đức thứ tám là mỗi khi con đi xa, mẹ ở nhà luôn tựa cửa ngóng chờ, nỗi nhớ con nhạt nhòa trong dòng nước mắt.

Tiễn biệt người thân về cõi thiên thu khiến con người phải đau thương, buồn nhớ. Nhưng người mẹ còn đau buồn nhớ mong gấp bội khi đứa con yêu quí của mình rời xa gia đình. Dù con xa nhà để học tập hay làm việc, cha mẹ cũng đều sớm nhớ tối mong, luôn cầu nguyện cho con luôn được bình an khỏe mạnh. Tâm hồn mẹ như treo lơ lửng giữa không trung, chẳng giây phút nào được yên dạ. Nếu bất hạnh gặp đứa con hư hỏng bỏ nhà ra đi mà không tin tức thư từ gì về, thì cha mẹ chỉ còn biết ngày đêm đổ lệ chờ con! 

“Ân đức thứ chín là cha mẹ tự nguyện chịu khổ thay con và luôn thương yêu, tha thứ cho con tất cả. 

Vì muốn cho con có điều kiện sống sung túc, cha mẹ không từ bất cứ việc gì. Đôi lúc vì muốn kiếm thêm ít tiền để con được ăn mặc đẹp, được theo kịp chúng bạn mà cha mẹ phải vất vả làm việc suốt cả ngày đêm. Nếu con bị bệnh, cha mẹ lại ngày đêm khấn vái nguyện cầu, mong sao có thể thay con chịu đựng mọi sự đau đớn. 

“Thâm ân thứ mười là tình thương cha mẹ dành cho con không bao giờ vơi cạn.

Sự thương yêu của cha mẹ đối với con cái nói không thể hết, tả không thể cùng. Như mặt trời, mặt trăng luôn soi sáng khắp nhân gian, tấm lòng cha mẹ cũng luôn hướng về con cái như vậy. Trong mắt mẹ hiền, con mãi mãi là đứa con nhỏ bé của mẹ, dẫu con tuổi đã tám mươi, nhưng trong đôi mắt người mẹ già hơn trăm tuổi vẫn cứ đinh ninh xem con là đứa con bé bỏng. Nếu hỏi tình thương của cha mẹ đối với con cái đến bao giờ mới dứt, thì có lẽ chỉ là khi cha mẹ rời khỏi cõi đời này! 

Đức Phật lại dạy tiếp:

– “Công ơn cha mẹ lớn lao là thế, nhưng ta thấy trong thế gian này có rất nhiều kẻ vong ân bội nghĩa, bất hiếu ngỗ nghịch, không biết hiếu dưỡng cha mẹ. Đó là một sự thật đau lòng.

“Các thầy phải hiểu rằng, mẹ mang thai mười tháng như mang một vật nặng trong bụng, ăn không ngon, ngủ không yên, nếm trải đủ mọi sự vất vả khổ nhọc. Đến ngày gần sinh, mẹ lại nơm nớp lo sợ những tình huống xảy ra ngoài ý muốn. Như loài heo dê khi bị chọc huyết, máu chảy ra lênh láng khắp mặt đất, người mẹ cũng phải chịu sự đau đớn giày vò như vậy mới sinh được con ra.

Tuy phải mang nặng đẻ đau vì con nhưng mẹ không vì thế mà oán trách, lại dành cho con tình thương bao la bất tận. Sau khi con chào đời, mẹ chẳng nề hà mệt nhọc, bồng ẵm trên tay, ôm ấp trong lòng, dọn rửa phẩn uế để giữ cho con luôn sạch sẽ. 

Gặp lúc con tiểu đêm ướt cả giường chiếu, mẹ vội bế con đến chỗ khô ráo, còn mình thì nằm nơi ướt lạnh. Suốt ba năm dài bế bồng bú mớm, người mẹ nào rồi cũng phải thân mòn sức kiệt.

Cha mẹ bỏ ra biết bao tâm huyết để dạy dỗ con thơ ngay từ những bước chân đầu tiên chập chững, cho đến lúc biết đọc biết viết, rồi dạy con hiểu lễ nghĩa, biết liêm sỉ. Cho đến lớn khôn, vì lo việc dựng vợ gả chồng, gầy dựng sự nghiệp cho con mà cha mẹ lại phải vất vả ngược xuôi, xoay xở tiền bạc, nhưng chẳng mong gì sự đền đáp về sau. 

Khi con bị bệnh thì cha mẹ đêm ngày cũng không yên dạ, chạy chữa khắp nơi, bất kể hao tốn bao nhiêu cũng không nề. Cha mẹ sớm hôm một nắng hai sương lo lắng cho con như thế, cũng chỉ mong con mau được khôn lớn, thành người hữu ích. Nhưng nào hay vừa được lớn khôn, rất nhiều người không những không giữ được sự lễ phép mà còn nặng lời lớn tiếng với cha mẹ. Lại khi cùng với anh, chị, em ngồi lại bàn bạc thì một lời cũng không hòa thuận, va chạm đến là sừng sộ, cãi vã… Dù anh em, chú bác có khuyên răn cách mấy cũng chẳng ăn năn sửa đổi. Một người đánh đập, chửi mắng anh em ruột thịt mà không chút đoái hoài tình máu mủ, thì dù có học hành đến đâu cũng chẳng khác nào kẻ không biết lễ nghĩa, không có lòng hổ thẹn! 

Lúc đi lúc về không thưa trình cha mẹ, nói năng vô lễ, cử chỉ ngạo mạn… Dù song thân hết lời dạy bảo, cô dì, chú bác cạn lẽ khuyên răn nhưng vẫn không đoái hoài đến. Bởi do tuổi nhỏ không biết gì lại được người lớn che chở, nuông chiều, lâu ngày chày tháng thành thói quen nên không còn coi ai ra gì cả. Đến khi lớn lên, tính tình càng thay đổi càng tỏ ra ngang ngược. Làm chuyện lầm lỗi đã không tự hối cải, ngược lại còn sanh lòng oán giận, đụng đến là bỏ nhà ra đi. Phiêu bạt chốn giang hồ, kết giao với những kẻ lọc lừa, gian trá, rồi dần dần cho những việc xấu xa là lối sống mới, là đương nhiên như vậy! 

Lại có những kẻ sau khi bỏ nhà ra đi bị kẻ xấu dụ dỗ nên lưu lạc đến xứ người. Cũng có người vì đi đây đó tìm kế sinh nhai hoặc do công việc mà phải lìa xa quê hương. Đến khi tuổi tác đã lớn, không đợi sự ưng thuận của cha mẹ mà tự động cưới vợ, lấy chồng, sanh con đẻ cái. Lúc thì vướng chuyện này, khi thì mắc việc nọ, dần dà lâu ngày chẳng còn muốn trở về quê nhà nữa. 

“Lại có một số người bất hạnh gặp phải những kẻ xấu khi lưu lạc xứ người, nếu bản thân không cẩn thận thì thường bị hãm hại, rồi chôn vùi cuộc đời trong chốn lao ngục.

Cũng có người bị cái nghèo và bệnh tật bức bách, đến nỗi lâm vào cảnh khốn cùng kiệt quệ, đã không được mọi người quan tâm giúp đỡ, trái lại còn bị ruồng rẫy. Thậm chí có lúc bệnh chết ngoài đường không ngưòi chôn cất. Từ đó, xương trắng phơi sương, hồn ma vất vưởng nơi đất khách quê người, chẳng bao giờ còn có cơ hội gặp lại người thân. 

“Than ôi! Thật uổng phí cho thâm ân nuôi dưỡng và biết bao kỳ vọng thiết tha của cha mẹ!

“Nhưng đáng thương hơn cả là tấm lòng cha mẹ, ở nơi quê nhà chẳng hề hay biết gì! Vì quá thương con nên cứ ngày ngày mong ngóng, tin chắc rồi con sẽ trở về. Do nhớ mong nên chẳng còn lòng dạ nào để làm lụng, ngủ nghỉ. Đôi mắt cũng mờ dần theo giọt lệ mỏi mòn thương nhớ. Hoặc giả vì buồn thương quá độ mà thành bệnh, có khi phải ôm buồn tủi xuống tận suối vàng! Dù hình hài đã mất, thần hồn về nơi âm cảnh, nhưng tình thương của cha mẹ đối với con cái cũng không bao giờ nguôi ngoai!”

Các bạn thân mến! Các bạn có biết không, những đứa con bất hiếu như thế, tuy có thể không thấy vướng bận gì khi lìa đời nơi xứ người, nhưng cái chết ấy có làm vơi được sự hoài vọng ngày ngày của cha mẹ ở quê nhà hay không? 

Từ lúc con ra đi, cha mẹ có giây phút nào là không mong ngóng, nhớ thương con? 

“Lại có những đứa con không lo học hành, suốt ngày tụ tập kết thành bè đảng với lũ bạn xấu, giong ruổi khắp nơi, quậy phá và làm những chuyện bại hoại đạo đức, để rồi không chỉ gây liên lụy cho người trong nhà mà còn khiến cho cha mẹ phải buồn tủi, thất vọng.

Những đứa con ấy, ra đi từ lúc mặt trời mọc đến chạng vạng tối mới về nhà, chẳng quan tâm gì đến cha mẹ ở nhà có cảm thấy lạc lỏng hiu quạnh, có cần người giúp đỡ chăm sóc hay không. Đến khi tuổi càng cao, cha mẹ lại chịu nhiều tủi nhục trước sự cười chê của ngưòi đời vì sự bất hiếu, hư đốn của con cái. 

“Cũng có những người con chỉ còn cha hoặc mẹ, lẽ ra phải hết lòng hiếu thuận, chăm nom, nhưng lại không làm được như vậy.

Chúng ta thường thấy những đứa con này bỏ mặc cha mẹ hiu quạnh, cô đơn, héo hon trong căn nhà trống vắng trơ trọi, giống như người khách lạ ở trong nhà trọ, dù có bị đói rách hay không cũng chẳng ai hay biết! 

Những người cha mẹ gặp phải tình cảnh này cũng chỉ biết đêm đêm âm thầm rơi lệ than thở mà thôi! 

Ngoài ra, chúng ta còn thấy có những người vì muốn làm hài lòng vợ con nên đối với vợ con thì bảo sao làm vậy, lại cung ứng tiền của, áo cơm cho vợ con hưởng thụ, không những không chút than vãn mà cũng chẳng dè dặt. Nhưng đối với lời dạy của cha mẹ thì lại bỏ hết ngoài tai, cũng không có chút lòng tôn kính! 

“Lại có những người con gái trước khi chưa lấy chồng thì hiếu thảo với cha mẹ, nhưng sau khi lấy chồng rồi thì lại bất hiếu.

Cha mẹ có nói đến vài câu không vui liền sanh lòng hờn dỗi, còn chồng mình đánh đập chửi mắng lại cam tâm chịu đựng! Sau khi có chồng thì xem mọi việc bên chồng là hơn hết, còn đối với cha mẹ đã sinh ra mình thì lần lần nguội lạnh, cách xa! 

“Lại có những đứa con gái bất hiếu, sau khi lên xe hoa về nhà chồng rồi thì hiếm khi thấy về thăm cha mẹ, mà cũng chẳng còn lòng thương kính cha mẹ!

Thư từ không viết, điện tín cũng không! Thương cho bậc làm cha làm mẹ, bởi thương con lấy chồng xa nhà mà phải cơm canh không ngon, ngủ chẳng trọn giấc. Như người miệng lưỡi khô khan, khao khát uống được giọt nước mát ngọt, tình thương của cha mẹ đối với con cái cũng giống như vậy, không có giây phút nào không nhớ mong con! 

“Công ơn cha mẹ như núi cao biển rộng, còn tội bất hiếu với cha mẹ thì dù nói thế nào cũng không hết được.”

Sau khi nghe Đức Phật giải thích rõ công ơn cao cả của cha mẹ, các thầy đều cảm thấy vô cùng đau xót. Mọi người quỳ xuống ngậm ngùi rơi lệ, thành tâm bày tỏ lòng ăn năn sám hối đối với những việc bất hiếu trước đây của mình. Các thầy đều hiểu rõ, công ơn cha mẹ thật sâu dày như núi cao, biển rộng!

Lúc ấy, các vị đệ tử bạch Đức Phật rằng:

– “Xin đức Thế Tôn rủ lòng thương xót! Xin Người hãy cứu lấy đàn con ngu dại, cho chúng con có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Xin chỉ bày cho chúng con biết cách nào để báo đáp thâm ân cao cả của cha mẹ.”

Lúc bấy giờ, Đức Phật dùng tám thứ Phạm âm thanh tịnh, vi diệu để nói với Đại chúng rằng:

– “Này các tỳ-kheo! Nếu như có người trên vai trái cõng cha, vai phải gánh mẹ, đi quanh hòn núi Tu-di, trải qua một thời gian dài, đến nỗi da thịt nát tan, máu huyết khô cạn, thì cũng không thể báo đáp được thâm ân cao cả của cha mẹ.

“Nếu có người bất hạnh sanh vào thời mất mùa đói kém, vì không muốn song thân bị đói khát nên cắt xẻo da thịt của chính mình để phụng dưỡng cha mẹ. Việc làm như thế so với ân đức của cha mẹ chẳng qua cũng chỉ nhỏ nhoi như một hạt bụi mà thôi. Dầu da thịt toàn thân đều cắt xẻo ra hết cũng không báo đáp được thâm ân của cha mẹ. 

“Giả sử có người vì cha mẹ mà dùng dao sắc nhọn móc lấy hai mắt mình, dâng cúng chư Phật và Bồ Tát, hy vọng có thể lấy công đức của việc này để hồi hướng, cầu nguyện cho cha mẹ được sống lâu, mạnh khỏe. Tấm lòng hiếu thảo như vậy thật lớn lao, nhưng cũng không đủ để báo đáp được thâm ân sâu dày của cha mẹ trong muôn một.

“Hoặc giả có người vì cha mẹ đốt thân cúng dường Phật và Bồ Tát, mong lấy công đức này hồi hướng nguyện cầu cho cha mẹ được an vui, sống lâu. Lòng hiếu thảo ấy cũng chưa đủ để báo đáp được thâm ân của cha mẹ trong muôn một.

“Nếu có người vì cha mẹ mà dùng dao moi lấy tim gan, dù máu tuôn khắp đất cũng không sợ đau đớn. Lòng hiếu thảo như vậy vẫn chưa đủ để báo đáp được ân đức cao cả của cha mẹ trong muôn một.

“Giả sử có người vì cha mẹ mà cam tâm chịu đau đớn cắt xẻo, để cho trăm ngàn mũi dao nhọn đâm xuyên qua thân. Lòng hiếu thảo như vậy cũng chưa đủ để báo đáp công ơn cha mẹ trong muôn một.

“Ví như có người vì cha mẹ mà có thể chịu đau đớn khi gân, xương, máu, tủy bị đứt rời tuôn chảy… Nhưng như vậy cũng chưa đủ để báo đáp được công ơn cha mẹ trong muôn một.

“Hoặc như có người vì cha mẹ mà nguyện nuốt hết các hòn sắt nóng, dù thân thể bị thiêu cháy, đau đớn thế nào cũng xin chịu hết. Nhưng việc làm như thế cũng không đủ để báo đáp được thâm ân của cha mẹ.”

Các bạn trẻ thân mến! Những ví dụ được nêu ra ở đây là muốn chỉ rõ ra rằng, cho dù con cái có thật tâm làm được những việc khó làm, chịu đựng hết thảy những điều rất khó chịu đựng, để mong báo đáp công ơn cha mẹ, thì điều đó cũng chỉ có được một phần kết quả rất hạn chế. Huống chi những người suốt đời không hề nghĩ đến việc báo đáp công ơn cha mẹ? Sở dĩ như thế là vì những việc làm vừa kể trên dẫu có khó khăn và thể hiện sự thành tâm của con trẻ, nhưng cũng chỉ báo đáp được phần nào sự lao nhọc của cha mẹ mà thôi, chưa thể so sánh được với tình thương bao la không bờ bến mà cha mẹ đã luôn dành cho con tự thuở lọt lòng. Vì thế, cách duy nhất để báo đáp công ơn cha mẹ là phải cố gắng tu dưỡng để trở thành người tốt, và khuyên dạy, chỉ bảo cho nhiều người khác cũng đều trở thành người tốt như mình. Nhờ công đức đó, may ra mới có thể đáp đền được công ơn cha mẹ.

Lúc ấy, sau khi nghe Đức Phật nói về ân đức sâu dày không thể kể xiết của cha mẹ, các thầy đều gục đầu khóc nức nở, cảm thấy đau đớn như có hàng ngàn mũi dao đâm xé trong tâm mình. Nhưng các thầy đều không biết phải báo đáp công ơn cha mẹ như thế nào, nên cùng nhau bạch Phật:

– “Bạch đức Thế Tôn! Bây giờ chúng con mới biết mình là những đứa con bất hiếu, nhưng chúng con biết làm thế nào đây, thưa Thế Tôn?”

Đức Phật thấy các đệ tử đều có lòng hổ thẹn, bèn dạy rằng:

– “Này các tỳ-kheo! Như muốn báo đáp thâm ân của cha mẹ, các thầy nên sao chép, đọc tụng quyển kinh này, hoặc cúng dường Tam bảo, giữ giới, ăn chay, sám hối mọi tội lỗi, rồi hồi hướng công đức ấy cho cha mẹ. Cũng có thể làm việc bố thí gieo ruộng phước. 

“Nếu có thể vì song thân làm được các việc trên, thì đó đích thực là người con hiếu thảo. Bằng chẳng được như vậy lại gây thêm nhiều điều ác thì nhất định sẽ rơi vào địa ngục ngay sau khi chết.”

Cách báo đáp công ơn cha mẹ như thế này mới thật là trọn vẹn, vì không chỉ giúp cha mẹ đỡ phần lao nhọc mà còn mở ra con đường tu tập thoát khỏi sinh tử luân hồi. Vì thế, việc sao chép truyền bá kinh điển là rất quan trọng, có thể giúp cho nhiều được có được sự hiểu biết chân chánh để làm theo; và sự phát tâm hồi hướng sẽ giúp cho mọi việc làm phước thiện đều trở nên có ý nghĩa sâu xa, chính đáng hơn. Như vậy, chẳng những có thể báo đáp được công ơn cha mẹ, mà tự thân mình cũng vĩnh viễn được thoát khỏi việc tái sinh trong các đường ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

công ơn cha mẹ
Rồi Đức Phật dạy tiếp:

– “Những người con bất hiếu, sau khi chết sẽ đến chịu tội ở ngục Vô gián. Trong ngục này, bốn phía đều là tường đồng vách sắt, bên trên giăng đầy lưới sắt, dưới lại có một lớp sắt dày nóng đỏ. Ngọn lửa từ các phía cháy phủ lại, trên không có thêm những luồng sấm chớp ngoằn ngoèo. Nước đồng sôi và nước sắt nóng thay nhau rót xối xả lên người phạm nhân, khiến họ đau đớn đến hồn xiêu phách tán. Thêm vào đó, chó đồng rắn sắt hung dữ đến giằng xé cắn nuốt người có tội, nên họ không bị phanh thây cũng bị thiêu nướng. Nỗi khổ nói không bao giờ hết!

“Lại có loại địa ngục trên không trung giáo mác không ngớt lao xuống đâm chém người có tội, khắp nơi rền vang tiếng kim khí, cả bầu trời toàn là rừng kiếm, xe đao, do các mũi kiếm nhọn tạo thành. Tất cả tội nhân đều bị treo ngược lơ lửng giữa không trung nên không ai không bị đao kiếm đâm chém. Những phạm nhân chịu hình phạt khổ đau cùng cực như vậy đều là do đã làm những việc ác độc và bất hiếu với cha mẹ.

“Ngoài ra, sau khi chịu xong hình phạt ở địa ngục này, phạm nhân lại bị đưa vào chịu tội ở một địa ngục khác. Ví dụ như có địa ngục trên đầu tội nhân phải đội chậu lửa cháy hừng hực, hoặc có bánh xe sắt nghiền đi nghiền lại trên thân tội nhân khiến ruột gan xương thịt của họ bị nghiền nát, đau đớn muôn phần.

“Dù bị trừng phạt tàn khốc như vậy nhưng người có tội cũng không thể chết hẳn. Mỗi ngày họ phải chết đi sống lại đến muôn lần. Bị trừng phạt như vậy là do lúc còn sống họ phạm vào các tội ngũ nghịch, bất hiếu với cha mẹ.”

Các bạn trẻ thân mến! Nói đến địa ngục thì trong kinh Phật dạy rằng đó chính là sự chiêu cảm bởi các nghiệp ác mà chúng sinh đã làm. Vì nghiệp ác có vô số hình thức khác nhau, nên địa ngục cũng có vô số cách hành hình, thọ khổ khác nhau. Những gì được mô tả trên đây cũng chỉ là một phần tiêu biểu mà thôi, không thể nào nói hết được những đau đớn khổ sở mà người tạo nghiệp ác phải lãnh chịu. Vì thế, trong kinh Phật có dạy rằng, cách tốt nhất để tránh được những khổ đau trong địa ngục là đừng bao giờ làm các điều ác. Bởi vậy, tuy Phật thuyết dạy rất nhiều kinh điển, nhưng trong kinh Đại Bát Niết-bàn có kệ tóm lại lời Phật dạy như sau:

Không làm các việc ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.

Đức Phật lại dạy thêm:

– “Cách tốt nhất để báo đáp công ơn cha mẹ không gì bằng việc góp sức sao chép hoặc in ấn và phổ biến rộng rãi kinh này. Nếu in ra được một quyển tức là đã gieo nhân duyên gặp được một vị Phật cho cha mẹ và chính mình. Nếu in được mười quyển thì về sau có thể gặp được mười vị Phật. Từ đó mà suy ra, nếu in ra được trăm cuốn, ngàn cuốn thì sẽ có công đức được gặp trăm ngàn vị Phật.

“Những người con hiếu thảo nhờ góp sức in kinh và khuyên mọi người hiếu dưỡng cha mẹ nên được chư Phật và Bồ Tát luôn gần gũi, phù hộ. Đồng thời cha mẹ và chính bản thân người ấy đều sẽ được sanh về cõi trời, thụ hưởng sự an vui ngay sau khi qua đời, không bị đọa vào địa ngục chịu cực hình.” 

Sau khi nghe Đức Phật giảng giải về những tội lỗi nặng nề cùng báo ứng của những người con bất hiếu, tất cả các thầy tỳ-kheođều thành tâm sám hối và phát nguyện rằng:

– “Từ nay mãi mãi về sau, cho dù thịt nát xương tan chúng con cũng nguyện một lòng vâng theo lời dạy của đức Thế Tôn, không dám sai phạm.

“Cho dù có người dùng móc nhọn kéo lưỡi chúng con ra, rồi dùng cày sắt cày bừa trên đó như cày ruộng đất, làm cho máu chảy thành dòng, hoặc dùng bất cứ một thủ đoạn đáng sợ nào để đe dọa chúng con phải thay đổi lời nguyện hôm nay, thì chúng con thà chịu đau đớn chứ quyết không bao giờ làm trái lời Phật dạy.”

Các bạn trẻ thân mến! Việc giữ giới là cực kỳ quan trọng. Khi Phật sắp nhập Niết-bàn có dạy các thầy tỳ-kheo rằng: “Sau khi ta nhập diệt, các ông cần phải lấy giới luật làm thầy.” Giữ theo giới luật cũng chính là ghi nhớ và làm đúng theo lời Phật dạy. Vì thế mà ở đây các thầy tỳ-kheo đã phát nguyện kiên cố, quyết tâm làm đúng theo lời Phật dạy, cho dù có phải hy sinh tính mạng cũng không làm sai. Còn các bạn thì sao? Nếu đã hiểu được những lời Phật dạy là chân lý phù hợp với đời sống chân chánh, bạn có quyết tâm làm theo hay không? Bạn có tự hứa sẽ trở thành một người con hiếu thảo, nguyện báo đáp công ơn cha mẹ hay không? 

Sau đó, tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, cung kính bạch Phật:

– “Bạch đức Thế Tôn, chúng con phải gọi tên kinh này là gì để tiện việc giữ gìn và làm theo?”

Lúc ấy, Đức Phật dạy các vị tỳ-kheo rằng:

– “Kinh này nên đặt tên là kinh ‘Báo đáp công ơn cha mẹ’. Mọi người hãy ghi nhớ và y theo đó thực hành cho tốt!”

Sau khi nghe lời Phật dạy, các thầy tỳ-kheo đều tỉnh ngộ và cảm thấy rất vui mừng, trong lòng ngập tràn niềm hân hoan, nguyện đời đờỉ kiếp kiếp vâng theo lời Phật và mãi mãi không quên sự hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ.

Sau đó, mọi người cung kính đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra, pháp hội đến đây kết thúc.


CHÚ THÍCH

Tỳ-kheo: là những vị xuất gia tu hành theo đạo Phật. Đại tỳ-kheo là những tỳ-kheo thuộc hàng trưởng thượng, đạo cao đức trọng.

Bồ Tát: là những vị siêng tu Phật pháp, phát tâm đại từ bi cứu độ tất cả chúng sanh, tự lợi lợi tha, nguyện cứu vớt tất cả chúng sinh ra khỏi bể khổ, đồng thành quả Phật. Đại Bồ Tát là những vị Bồ Tát đã tu tập viên mãn công hạnh, chứng ngộ giải thoát, vì hạnh nguyện mà vẫn tiếp tục ở trong luân hồi để cứu độ chúng sinh.

Khất thực: hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đức Phật vì muốn cho tất cả mọi người đều có được cơ duyên cúng dường các bậc tu hành, gieo trồng phước đức, nên dạy hàng đệ tử xuất gia hằng ngày phải vào thôn xóm nhận thức ăn cúng dường của bá tánh, gọi là đi khất thực. Điều này đồng thời cũng là để tạo cơ hội cho mọi người được nghe giảng giải Phật pháp mà tiến tu phước huệ.

Đức Phật là người đã đạt đến một nhân cách hoàn thiện nhất. Ngài dạy rằng: Việc đạt đến giác ngộ là do nỗ lực của chính mỗi người. Chỉ cần mọi ngưòi phát nguyện siêng năng tu tập thì đều có thể thành Phật. Vì đức Phật đã giác ngộ được chân lý và chỉ bày cho chúng ta phương pháp tu hành để đạt đến giác ngộ giống như ngài, cho nên xưng tụng rằng đức Phật là bậc đạo sư tôn quý nhất trên thế gian.

Xuất gia: là người lìa bỏ đời sống gia đình, chuyên tâm tu tập theo Phật pháp. Đức Phật dạy rằng: Mọi người vì vướng bận chuyện gia đình nên thân tâm thường phiền muộn, lo âu, không thể đạt được sự an vui tự tại. Còn người xuất gia tu hành, rời bỏ gia đình, vào chùa theo thầy học đạo có thể dứt trừ mọi sự ưu tư phiền muộn, thoát khỏi khổ đau sanh tử, nhờ vậy có thể hướng dẫn, giúp đỡ làm lợi lạc cho tất cả mọi chúng sinh khác.

Tam Bảo: là ba ngôi báu cao quý nhất trên thế gian, gồm có Đức Phật, Giáo pháp của Phật và chư tăng tu tập theo giáo pháp của Phật, thường nói ngắn gọn là Phật, Pháp và Tăng. Phật là bậc giác ngộ, thấy rõ nguyên nhân của mọi khổ đau trong đời sống và chỉ dạy con đường chấm dứt mọi khổ đau, thoát khỏi sinh tử, nên thế gian tôn xưng Phật là Phật bảo. Pháp là những lời dạy của Phật, là chân lý giúp chúng sinh tu tập theo đó mà thoát khỏi khổ đau, sinh tử, đạt được giác ngộ, nên thế gian tôn xưng là Pháp bảo. Tăng là những vị kế thừa, tự mình tu tập và truyền bá Phật pháp. Nhờ có các vị này mà tất cả mọi người mới có cơ hội tiếp xúc và học hỏi Phật pháp, nên thế gian tôn xưng là Tăng bảo.

Ở đây nói về điều kiện của người phụ nữ trong các xã hội phong kiến xưa kia, thường phổ biến quan điểm trọng nam khinh nữ.

Đoạn này cho thấy sự sống của thai nhi trong hai tháng đầu là rất mong manh, yếu ớt. Nghiên cứu khoa học gần đây cũng cho thấy các trường hợp sẩy thai thường rất dễ xảy ra trong giai đoạn này.

Thời kỳ trưởng thành của thai nhi đòi hỏi một lượng dinh dưỡng rất lớn, đặc biệt là chất canxi và phốt pho. Ở thời điểm này, nếu người mẹ không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, thai nhi lại lấy dần dưỡng chất trong cơ thể, thì sản phụ có nguy cơ xảy ra các biến chứng như bệnh thiếu máu và bệnh răng nướu.

Theo đạo Phật, đời sống của mỗi chúng sinh đều chịu sự chi phối của nghiệp lực do chính chúng sinh ấy đã tạo ra trong quá khứ. Những chúng sinh tạo nhiều nghiệp ác thì phải thọ sinh vào ba nẻo dữ là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Những chúng sinh thường làm nhiều việc lành thì được thọ sinh vào ba cảnh giới tương đối tốt đẹp hơn là cõi trời, cõi người và cõi a-tu-la. Tuy chia làm sáu cảnh giới, nhưng do nghiệp lực thay đổi trong mỗi kiếp sống nên chúng sinh không nhất thiết ở mãi trong một cảnh giới, mà có thể nhờ làm việc lành mà được thọ sinh vào các cảnh giới tốt đẹp hơn, hoặc do làm ác mà phải đọa lạc vào những cảnh giới xấu hơn. Vì tất cả chúng sinh thường xuyên lưu chuyển, thay đổi thọ sinh trong các cảnh giới này nên gọi là luân hồi. Luân là luân chuyển, hồi là trở lại, vì chúng sinh luân chuyển trở đi trở lại trong chính những cảnh giới mà trước đây đã nhiều lần trải qua. Vì chịu sự chi phối của nghiệp lực, nên muốn thọ sinh được thân người là chuyện rất khó khăn, cần phải tạo ra được những nghiệp lành tương ứng mới có được.

Đức Khổng Tứ có nói: “Khi cha mẹ còn sống, phận làm con không nên đi xa.” (Phụ mẫu tại đường, bất khả viễn du.) Đó là để cha mẹ khỏi phải lo lắng, trông mong. Nếu bất đắc dĩ phải xa nhà thì nên thường xuyên có tin tức về, để cha mẹ được biết mình vẫn bình an thì các vị mới yên lòng.

Thi sĩ Mạnh Giao đời Đường có bài thơ Du tử ngâm (Khúc ngâm của đứa con lang bạt) rất nổi tiếng, trong đó có câu rằng: “Ai dám nói là tấm lòng con cái như tấc cỏ mà đủ để đền đáp công ơn cha mẹ vòi vọi tràn khắp như nắng xuân’’. (Thùy ngôn thốn thảo tâm, báo đáp tam xuân huy.) Ân tình cha mẹ dành cho con cái thật khó mà báo đáp trong muôn một!

Thật đúng là: “Thân con đau đớn một phần, mẹ cha đứt ruột muôn lần vì con.”

Tám thứ Phạm âm thanh tịnh, vi diệu: là các loại âm thanh của những cõi trời, trong sạch không ô nhiễm, khiến người nghe được thân tâm khoái lạc, được phân ra như sau: 1. âm thanh rất hay, 2. âm thanh dịu dàng, 3. âm thanh hiền từ hòa nhã, 4. âm thanh tôn quý, trí tuệ, 5. âm thanh không mang âm điệu người nữ, 6. âm thanh không sai lệch, 7. âm thanh sâu xa, vang rộng; và 8. âm thanh trong trẻo không bị khàn.

Núi Tu-di (Meru), còn gọi là núi chúa Tu-di, dịch nghĩa là Diệu Cao, chỉ ngọn núi cao nhất, được xem là trung tâm của một thế giới. Trong vũ trụ rộng lớn vô lượng vô biên có vô số thế giới, trong mỗi thế giới đều có một ngọn núi chúa Tu-di cao nhất, cho nên có vô số ngọn núi Tu-di.

Đức Phật nêu ví dụ này để nhấn mạnh rằng công ơn của cha mẹ là sâu xa, to lớn, dẫu hết lòng báo đáp như thế cũng còn chưa báo đáp hết được. Vì thế, các bạn trẻ nên hiểu rằng ở đây không hề có ý khuyến khích việc báo đáp công ơn cha mẹ bằng cách tự làm tổn thương chính bản thân mình.

Giữ giới: tức là vâng giữ theo giới luật do đức Phật chế định. Hàng đệ tử Phật tùy theo công hạnh tu tập đều được dạy phải vâng giữ theo những giới khác nhau, như có giới của hàng tỳ-kheo, giới của tỳ-kheo ni, giới của hàng cư sĩ tại gia… Mỗi người khi đã phát nguyện giữ giới và được truyền giới thì phải hết lòng vâng giữ, dù có hy sinh tính mạng cũng không phạm vào giới luật. Như vậy gọi là giữ giới. Hàng cư sĩ tại gia có năm giới căn bản phải vâng giữ, gọi là Ngũ giới, bao gồm: 1. Không giết hại sinh mạng; 2. Không trộm cướp hay dùng bất kỳ phương cách nào để lấy được tài sản nào của người khác mà không được sự ưng thuận, cho phép của họ; 3. Không tà dâm, luôn giữ đời sống chung thủy một vợ một chồng, không làm việc dâm dục với những người không phải là vợ hoặc chồng mình; 4. Không nói dối, suốt đời nguyện chỉ nói ra những điều chân chánh, đúng với sự thật; 5. Không uống rượu và các chất gây say.

Gieo ruộng phước: Việc làm lành cũng như kẻ gieo hạt giống xuống ruộng, sẽ có ngày được gặt hái kết quả, vì thế nên gọi là gieo ruộng phước, vì bố thí, làm việc thiện thì chắc chắn sẽ có ngày gặt hái được nhiều phước lành.

Địa ngục Vô gián: cũng gọi là địa ngục A-tỳ, do phiên âm tiếng Phạn là Avỵci. Vì những tội nhân chịu hành hình trong ngục ấy không có một phút giây nào được tạm gián đoạn, nên gọi là Vô gián.

Tội ngũ nghịch: là năm tội lớn gồm có: 1. Giết cha, 2. Giết mẹ, 3. Giết vị A-la-hán; 4. Phá sự hòa hợp của Tăng đoàn; 5. Làm thân Phật chảy máu hoặc hủy hoại tháp miếu, tranh tượng Phật.

Tục ngữ có câu: “Lời hay khuyên được một đời, sách hay ích lợi cho người ngàn năm.” Vì thế, dùng lời khuyên người làm thiện thì chỉ có ảnh hưởng trong một thời gian ngắn, và số người được nghe cũng giới hạn; còn lưu hành được một quyển sách hay thì sẽ có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài hơn, vì có thể truyền bá qua nhiều năm cũng như số lượng người đọc đông đảo hơn nhiều. Nếu là truyền bá kinh điển Phật dạy thì lợi ích càng lớn lao hơn nữa, không thể kể xiết!

Bình luận


Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. MẠN ĐÀ LA – NỐI KẾT XƯA VÀ NAY