KINH NGHIỆM ĐẦU TIÊN CỦA TÔI VỀ NIỀM TIN

JOSEPH GOLDSTEIN

Trích: Một Pháp;  Dịch: Hoàng Lan - Việt Hoàng; NXB Hà Nội - Thái Hà Books

“Tin”, “tin cậy”, “tin tưởng” đều là những cách dịch của từ saddha trong tiếng Pali. Tất cả những thuật ngữ này đều đề cập đến sự mở ra của tâm và trái tim với những gì vượt khỏi mối quan tâm và mong muốn thông thường của cái tôi; saddha mở ra cho chúng ta những gì vĩ đại hơn chính chúng ta, khả năng tự do. Niềm tin vừa là nguồn cảm hứng ban đầu để thực hành và khám phá, vừa là điều giúp duy trì những nỗ lực tiếp theo của chúng ta.

Thức tỉnh niềm tin – JOSEPH GOLDSTEIN

ĐI VÀO TRONG

Kinh nghiệm đầu tiên của chúng ta về niềm tin hay sự tin cậy có thể là với ai đó hoặc điều gì đó bên ngoài mình. Một trong những bài kệ cổ xưa nhất về niềm tin trong Phật giáo là quy y Tam Bảo: Phật, người đã giác ngộ dưới gốc Cây Bồ Đề cách đây 2.500 năm; Pháp, chân lý, quy luật và nội dung các giáo lý; Tăng, nói riêng là cộng đồng các tăng ni và nói chung là cộng đồng những người thông tuệ. “Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, còn xin quy y Tăng,”

Nhưng trong ý nghĩa sâu xa hơn, những sự quy y này luôn hướng về những hành động và tâm trạng của chính chúng ta. Mặc dù có thể có nhiều sai lầm và bế tắc khi bắt đầu cuộc hành trình nhưng nếu sự quan tâm là chân thành, chúng ta sẽ sớm có một khám phá làm thay đổi cuộc đời. Những gì chúng ta tìm kiếm nằm trong chính chúng ta. Wei Wu Wei, một người Anh sống ở Hồng Kông trong nhiều năm, đã mô tả bước ngoặt này khi ông viết: “Cái chúng ta tìm kiếm chính là cái đang tìm kiếm. Chính Đức Phật thúc giục sự thấu hiểu này. Trong Parinibbana Sutta, bài kinh cuối cùng trước khi nhập Niết Bàn, Ngài đã dạy: “Hãy là hòn đảo cho chính mình; là nơi nương tựa cho chính mình; hãy lấy Pháp làm hòn đảo; lấy Pháp làm nơi nương tựa; đừng nương tựa vào bất cứ thứ gì khác. Bất cứ ai tự làm hòn đảo và nơi nương tựa của chính mình, trong số những người kiếm tìm giác ngộ, chính họ sẽ đạt đến những đỉnh cao” (‘Kinh Đại Bát Niết Bàn (Parinibbana Sutta) (Trường Bộ Kinh (Long Discourses), Sutta 16).)

Trong Phật giáo Tây Tạng, một hình thức quy y khác cũng hướng chúng ta trở lại bản chất của tâm mình:

Nơi tinh túy trống không, Pháp Thân (Dharmakaya)
Nơi bản tính chói sáng, Báo Thân (Samboghakaya)
Nơi năng lực ứng hiện, Hóa Thân (Nirmanakaya)
Con xin quy ” cho đến khi giác ngộ.

Những từ tiếng Sanskrit giàu ý nghĩa này đề cập đến bản chất rộng mở, tối hậu, trống không của tâm, khả năng nhận biết chói sáng và năng lực ứng hóa vô hạn của nó, Chính sự nội chuyển của niềm tin và sự hiểu biết – không phải về một cái Ngã mà về Không, một tâm điểm vô vị kỷ – chứa tinh túy của Một Pháp giải thoát. Việc nhận ra tất cả Pháp được tìm thấy trong thân và tâm mình sẽ thay đổi ý nghĩa và phẩm chất của niềm tin với chúng ta. Chúng ta không còn nhìn ra ngoài bản thân để tìm giải pháp, chúng ta đã thấy con đường nằm ở đâu. Tất cả những gì chúng ta cần là những phương tiện thiện xảo để giúp mình bước trên con đường.

Với tôi, điều này lần đầu tiên xảy ra khi làm việc cho Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) ở Thái Lan. Tôi vừa mới bắt đầu quan tâm đến Phật giáo và đang tham gia một nhóm học dành cho người phương Tây tại chùa Marble ở Bangkok. Mới tốt nghiệp từ những cuộc thảo luận triết lý bất tận trong những ngày học đại học, tôi đặc biệt thẳng thắn trong nhóm này, đến nỗi một số thành viên thường xuyên của nhóm đã khó chịu vì những câu hỏi dai dẳng của tôi và rời nhóm. Cuối cùng, có lẽ khởi lên từ sự tuyệt vọng, một trong những nhà sư đã đề nghị tôi tập thiền. Vào thời điểm đó, tôi không biết ai từng hành thiền và theo một cách trẻ trung, lãng mạn nào đó, ý tưởng này đã khiến tôi tò mò. Vùng Viễn Đông kỳ thú, những ngôi chùa đẹp đẽ và những nhà sư Phật giáo ngồi xếp bằng trong chiếc áo cà sa.

Sau khi nhận được một số hướng dẫn đơn giản về cách theo dõi hơi thở và chọn đúng loại đệm ngồi, tôi ngồi xuống và đặt đồng hồ báo thức năm phút. Dù có thể đã quá thận trọng về độ dài của thời gian ngồi thiền, nhưng một điều khá bất thường đã xảy ra, ngay cả trong vài phút đầu tiên đó. Tôi thấy rõ ràng rằng có một con đường để đi vào nội tâm. Bản thân điều này là một sự khám phá, không phải bất kỳ kinh nghiệm đặc biệt kỳ lạ hay thú vị nào. Từ lâu tôi đã cố gắng hiểu bản thân qua sách vở và qua con mắt của người khác. Tôi đã cố gắng hiểu tất cả những điều không chắc chắn mà mình đang cảm thấy, muốn tìm ra ai là người đứng sau dòng chảy vội vã của những ý nghĩ và cảm xúc mà tôi đang cho là chính mình, nhưng không thực sự biết phải làm thế nào. Giờ đây thì tôi đã thấy có một cách để trực tiếp và thân mật khám phá tâm thức của bản thân. Đó là thời điểm chuyển hóa khi chúng ta đi từ sự đánh giá Pháp một cách lý trí sang tin tưởng và tin rằng thức tỉnh là có thể, rằng bản thân mình có thể thức tỉnh.

Khi tiếp tục trên con đường, niềm tin và sự tin tưởng của chúng ta ngày càng mạnh mẽ hơn qua kinh nghiệm trực tiếp của chính mình. Vì vậy niềm tin đến không chỉ từ việc được người khác truyền cảm hứng, mà còn từ sự hiểu biết bên trong. Chúng ta bắt đầu có sự tin tưởng tại thời điểm này, vào sự thực của trải nghiệm. Chúng ta thấy những gì có ở đó cho chính mình. Một ý nghĩ, một cảm giác, một cảm xúc là gì? Bản chất của kinh nghiệm không có sự sinh khởi của các khái niệm và quan niệm hữu hạn là gì?

Sự thấy biết trực tiếp đến từ sự tỉnh thức đơn giản, tự nhiên. Trong một khoảnh khắc của sự nghe, liệu có bất kỳ nghi ngờ hay bối rối nào không? Chúng ta đang đi bộ trong rừng, có tiếng chim kêu – chỉ có sự nghe. Chúng ta trải nghiệm cảm giác hiện diện mạnh mẽ. Sự thấy biết trực tiếp này – ngay bây giờ – về hơi thở, âm thanh, chuyển động, cho thấy sự tỉnh thức bẩm sinh của tâm chúng ta. Chúng ta học cách nhận ra sự tỉnh thức này, làm quen và tin cậy nó. Milarepa, hành giả Tây Tạng vĩ đại ở thế kỷ 11, đã nói: “Ta đạt được mọi hiểu biết của mình nhờ quán sát trong tâm… Nhờ đó, mọi ý nghĩ của ta đều trở thành Pháp huấn và những hiện tượng là mọi sách ta cần”. Tất cả đều ở trong chúng ta; chúng ta chính là điều chúng ta đang tìm kiếm.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  2. NHIỀU CON ĐƯỜNG – MỘT LỐI ĐI
  3. SÁU THIỆN HẠNH

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH
  2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  3. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN