NHIỀU CON ĐƯỜNG – MỘT LỐI ĐI

JOSEPH GOLDSTEIN

Trích: Một Pháp - Phật Giáo Đang Nổi Lên Ở Phương Tây; NXB Hà Nội; THAIHABOOKS.

Pháp vốn chẳng khác pháp

Do ái trước sinh làm

TĂNG XÁN

THIỀN VIỆN DAI BOSATSU NÉP MÌNH TRONG NÚI CATSKILL ở phía bắc tiểu bang New York. Khoảng 40 người chúng tôi đang ngồi trong phòng thiền của nhà khách nhìn về phía hồ Beecher. Đó là vào khoảng đầu tháng Năm và mùa đông cuối cùng đã nhường chỗ cho mùa xuân. Nyoshul Khen Rinpoche, một đạo sư Dzogchen Tây Tạng nổi tiếng, đã khai dẫn chúng tôi vào sự thực hành với những lễ quán đỉnh, những thuyết giảng và sự hiện diện tuyệt vời của Ngài. Giống như nhiều đạo sư Tây Tạng khác, Ngài kết hợp khiếu hài hước thế tục với sự giác ngộ của tâm từ bi và trí tuệ phi thường.

Không gian yên tĩnh và các bài giảng sâu sắc, nhưng một trận chiến đã diễn ra trong tâm trí tôi. Có vài lần trong đời của một người, khi triết học, tình yêu hiểu biết, từ một nàng thơ dịu dàng biến thành một vị thần đầy thách thức. Và đây là một trong những lần đó. Tôi đang bị cặp sừng sắc nhọn của tình trạng lưỡng nan về tâm linh chọc thủng và tâm trí tôi không thể tìm ra được cách nào để vượt qua. Như cách nói của Thiền Tông, tôi cảm thấy như thể mình đã cắn phải một viên sắt nung đỏ mà không thể nuốt vào hay nhổ ra.

Điều hội tụ lại thành cơn khủng hoảng này là sự kết hợp của hai truyền thống Phật giáo cổ, mỗi truyền thống đều có những phương pháp, ngôn ngữ, triết lý riêng cùng với những quan điểm khác biệt. Hơn 25 năm, tôi đã đắm mình trong những giáo lý của truyền thống Theravada, đặc biệt là những gì được truyền dạy bởi Hòa thượng Mahashi Sayadaw của Miến Điện. Trí tuệ và kiến thức thâm sâu của Ngài có liên quan ở mức độ lớn tới sự khôi phục lại mối quan tâm tới thực hành Satipatthana, còn được biết đến với tên gọi “Bốn Nền Tảng Chú Niệm” – sự thực hành mà Đức Phật đã gọi là con đường trực tiếp đi tới sự tỉnh thức. Từ quan điểm của vị thầy Miến Điện này, việc thực hành thiền dẫn đến sự tự do vượt qua nhận thức. Bất cứ điều gì thấp hơn thế đều bị trói buộc vào vòng sinh tử.

Nhưng vào mùa xuân 1992, tôi đang nghe những bài giảng Dzogchen về bản chất của tâm. Nội dung của chúng không hoàn toàn phù hợp với mô hình Miến Điện. Dzogchen, còn được gọi là “Đại Toàn Thiện Tự Nhiên”, là giáo lý cao nhất của trường phái Nyingma theo Phật giáo Tây Tạng. Bằng ngôn ngữ thơ mộng và đầy cảm hứng, Rinpoche giảng giải về quan kiến của Đại Toàn Thiện rằng sự thống nhất của Tỉnh Thức và Tính Không là bản chất của tâm giải thoát. Từ đó, trong suốt hơn một tháng, hai câu hỏi đã giày vò tôi: “Con đường nào là đúng – tự do vượt qua nhận thức hay tự do là nhận thức?” và “Làm sao mình biết được?”

Sau nhiều tuần với những nỗ lực hòa giải can đảm nhưng vô ích, một điều trở nên rõ ràng là tôi sẽ không bao giờ giải quyết được những câu hỏi này bằng tâm trí duy lý và biện luận của mình. Phải làm gì đây? Tôi đã nhận được rất nhiều lợi ích từ cả hai giáo lý và sự thực hành, cũng như có lòng kính trọng sâu sắc với tất cả những người thầy khác nhau của mình. Từ sự vật lộn kịch liệt với một mâu thuẫn dường như để giữ cho định hướng của toàn bộ đời sống tinh thần của mình được cân bằng đã nảy sinh một khoảnh khắc chuyển hóa mà đi cùng nó là một giải pháp không thể đoán trước. Tôi nhận ra mình đơn giản là không biết khi xét đến bản chất tối thượng và diện mạo của tâm giác ngộ trọn vẹn. Một thần chú mới nổi lên trong sự thực hành của tôi, một phản ứng rất thật đối với những mâu thuẫn đang hành hạ tôi: “Ai biết?”

Thay vì làm ngơ hoặc bấn loạn trong sự “không biết” này, tôi cảm thấy được giải thoát khỏi nhà tù do chính mình dựng lên từ những hình mẫu và ý tưởng tâm linh đã tích tập trong nhiều năm. Một làn gió tươi mới đáng kinh ngạc của sự thích thú và tinh thần cởi mở đã thổi bay đi nhiều ý tưởng được nắm giữ lâu nay về bản chất tối hậu của thực tại. Tỉnh thức là đích đến của con đường tâm linh hay là một công cụ để đi đến đích? Hay cả hai? Bản chất của tỉnh thức là gì? Thay vì bám lấy những kết luận, việc nắm lấy những câu hỏi trở nên thú vị và quan trọng hơn về tâm linh.

“Tâm không biết”, một cụm từ thường được Thiền sư Seung Sahn sử dụng, đã giúp tôi đón nhận sự đa dạng của các quan niệm, xem những quan điểm và phương pháp khác biệt như những phương tiện thiện xảo để giải thoát, thay vì như những khẳng định về sự thật tối thượng theo cách mà tôi vẫn thường hiểu. Chính sự hiểu biết này cung cấp bối cảnh cho sự khám phá Một Pháp của tự do.

“Các phương tiện thiện xảo” là một cụm từ thường được tìm thấy trong các tài liệu Phật giáo, chỉ các phương tiện và phương pháp thực hành cụ thể được sử dụng để giúp mọi người giải phóng bản thân khỏi những trói buộc của vô minh. “Thiện xảo” có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng bất cứ thứ gì hữu dụng, bất cứ thứ gì thật sự hữu ích. Với mỗi người, tại những thời điểm khác nhau, những truyền thống, cấu trúc triết học, phương tiện khác nhau có thể có ích tùy theo tính cách, hoàn cảnh hay khả năng. Với một số người, ngôn ngữ của Tính Không có thể khô khốc như sa mạc, trong khi với những người khác nó có thể hiển bày tinh túy cốt lõi của giải thoát. Một số người có thể nhanh chóng nhận ra bản chất của sự tỉnh thức, trong khi những người khác nhấn mạnh đến sự buông bỏ những trạng thái tâm che chướng sự tỉnh thức ấy. Một số người có thể thấy con đường của lòng sùng mộ thật sự làm rỗng tự ngã, trong khi với những người khác thì cách này có thể chỉ đơn giản đóng vai trò như một đám mây của ảo tưởng. Mỗi chúng ta đều cần đến tính trung thực lớn lao của sự tự xét và hướng dẫn thông thái từ những bậc thầy để tìm thấy con đường thiện xảo cho riêng mình.

Đức Dalai Lama đã trao những lời rất tâm huyết về điểm này tại hội thảo Phật giáo – Cơ Đốc giáo tổ chức năm 1996 tại tu viện Gethsemane, nơi Thomas Merton đã sống và viết trong nhiều năm. Các tăng sĩ và hành giả Phật giáo từ nhiều truyền thống khác nhau – Tây Tạng, Miến Điện, Campuchia, Sri Lanka, Trung Quốc, Thái Lan và Hoa Kỳ – cũng như các tu sĩ, nữ tu, giáo dân từ nhiều dòng phái Công giáo khác nhau đã bày tỏ một phạm vi rộng các quan điểm về tự ngã và linh hồn, thiền tập và cầu nguyện. Khi chia sẻ hiểu biết của mình tại hội thảo này, Đức Dalai Lama thường nói: “Điều này là đúng với tôi. Cách hiểu của bạn có thể đúng với bạn.”

Nếu chúng ta coi những quan niệm siêu hình như những xác nhận về sự thật, mâu thuẫn là không thể tránh khỏi, như đã thấy trong những cuộc chiến tranh tôn giáo và ý thức hệ suốt chiều dài lịch sử. Và ngay cả trong những thảo luận triết học nhẹ nhàng hơn của Phật giáo, sự bám dính vào những quan niệm đã tạo nên những phân rẽ về niềm tin rõ rệt. Những ý niệm về “đúng” và “sai” được theo sát một cách nhanh chóng bởi những ý niệm về “ta” và “họ”. Sau đó, việc bám chặt vào cách hiểu của riêng mình trở thành vấn đề chính yếu và sai chỗ của niềm tin. Nhưng nếu coi tất cả các quan niệm siêu hình như những phương tiện thiện xảo, như những công cụ để khơi gợi những cách nhìn mới, như những phương pháp để buông bỏ khổ đau, thì việc cởi mở với quan điểm của người khác trở nên dễ dàng hơn. Bằng cách này, việc học hỏi lẫn nhau thật sự là có thể.

MỘT PHÁP LÀ GÌ?

1.000 năm trước, một tăng sĩ vĩ đại từ trường Đại học Nalanda tên là Atisha đã từ Ấn Độ đến Tây Tạng để giúp tái lập lại sự thanh tịnh của đời sống tu sĩ. Ngài tới Tây Tạng khi đã 60 tuổi và mặc dù dự định chỉ ở đấy ba năm, Ngài đã ở lại cho tới khi viên tịch vào tuổi 72. Tại Tây Tạng, Atisha gặp một trong những dịch giả nổi tiếng, người chuyển ngữ các văn bản Phật giáo sang tiếng Tây Tạng. Vị dịch giả hỏi Ngài làm cách nào để thực hành tốt nhất. Atisha đã trả lời: “Ông hãy tìm điểm tinh yếu chung nhất của tất cả các giáo lý và thực hành theo cách đó.”

Một Pháp chỉ là: Trải nghiệm điểm tinh yếu chung nhất của tất cả các giáo lý. Nhưng với quá nhiều truyền thống, trường phái và con đường thực hành khác biệt, làm sao chúng ta có thể tìm thấy điểm chung nhất đó? Có hai thứ giúp chúng ta đạt được điều này. Đầu tiên là cần tạo ra một nền tảng hiểu biết căn bản, điều này sẽ trợ giúp chúng ta trong công cuộc khảo sát. Bởi hầu hết không lớn lên trong một nền văn hóa Phật giáo, nơi những điều căn bản của Phật Pháp được dạy từ thuở còn thơ ấu, chúng ta cần có một số kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về một phương pháp thực hành trước khi tìm kiếm – và tìm thấy – điểm chung nhất của nhiều con đường. Vội vàng trong tiến trình này chỉ đơn giản là dẫn đến thất bại.

Điều thứ hai để nhận ra Một Pháp, được áp dụng ngay khi đang thực hành bất kỳ phương pháp cụ thể nào, là thái độ cởi mở với những quan điểm đa dạng và sự sẵn lòng học hỏi từ những cách nhìn khác biệt. Sự phong phú của các giáo lý ở phương Tây hiện nay cung cấp vô vàn các phong cách thực hành và hệ thống hiểu biết. Kết quả là có vô số các phương tiện thiện xảo cho phép chúng ta không chỉ tìm thấy một phương pháp cụ thể phù hợp với những tính cách và nguyện vọng của mình, mà còn giúp tìm hiểu thêm sự phong phú và sâu sắc của nhiều truyền thống. Sau khi đã trở nên vững vàng trong một truyền thống, chúng ta có thể học từ những truyền thống khác với hiểu biết rằng tại tâm điểm của tất cả các truyền thống có một nền tảng chung hỗ trợ cuộc hành trình đi tới tự do.

Trong Một Pháp đang nổi lên ở phương Tây, phương tiện là chú niệm, biểu hiện là từ bi, tinh túy là trí tuệ. Chú niệm, phương tiện, là chìa khóa mở ra hiện tại. Không có nó, chúng ta đơn giản là lạc lối trong sự lang thang của tâm trí. Chú niệm giúp chúng ta theo những cách khiêm nhường nhất, giữ chúng ta kết nối với việc đánh răng hay rót một tách trà. Đức Phật đã nói về chú niệm như một con đường dẫn tới sự tỉnh thức trọn vẹn, hoàn thành những ước nguyện cao nhất của chúng ta về hạnh phúc và an lạc: “Đây là con đường trực tiếp dẫn tới sự thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, đoạn tận khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết Bàn.”

Biểu hiện của Một Pháp là từ bi. Khi chú niệm vào hiện tại, từ bi trở thành phản ứng tự nhiên đối với những đau khổ xung quanh. Khi mở lòng đối với sự đau khổ, có một chuyển biến đơn giản và tự nhiên của trái tim để giúp đỡ theo bất cứ cách nào chúng ta có thể. Đôi khi đó là những biểu hiện nhỏ của lòng tốt, đôi khi là những hành động quan tâm, chăm sóc dũng cảm hơn. Chúng ta cũng có thể trưởng dưỡng tâm từ bi như một sự thực hành nhằm củng cố phản ứng mang tính trực cảm này trong mình. Nyoshul Khen Rinpoche đã đưa pháp thực hành này vào đời sống theo cách đơn giản và trực tiếp nhất: “ Tôi muốn gửi một lời khuyên nhỏ đến tất cả mọi người. Hãy thư giãn. Chỉ thư giãn.

Hãy cư xử tốt với người khác. Khi sống cuộc đời mình, hãy chỉ đơn giản là đối xử tốt với mọi người. Cố gắng giúp thay vì tổn thương họ. Cố gắng hòa đồng thay vì tách biệt khỏi họ. Cùng với điều đó, tôi dành những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của mình cho các bạn”

Tinh túy của Một Pháp là trí tuệ. Trí tuệ hoàn hảo là ánh sáng soi rọi đời sống chúng ta, làm hiển lộ cả nguyên nhân lẫn kết quả của khổ đau. Thông qua chú tâm quán sát từng khoảnh khắc, chúng ta thấy tính chất vô thường của tất cả các hiện tượng và hiểu được niềm hạnh phúc của không bám chấp. Và thông qua không bám chấp, chúng ta tự trải nghiệm sự tỉnh thức sẵn có của tâm trí tuệ.

Chỉ biết về khái niệm hoặc thỏa mãn với một chút trải nghiệm ngắn ngủi về quán chiếu thấu suốt thì không đủ. Một lời dạy của Đức Phật như một lời nhắc nhở sâu sắc khi chúng ta sống đắm chìm trong sự bận rộn của thế giới: Khi chúng ta thực hành, trí tuệ tăng trưởng; khi chúng ta không thực hành, nó suy yếu. Trí tuệ không phải một thứ mà khi đã có thì sẽ có mãi mãi; đúng hơn, nó giống như một hiểu biết mà chúng ta cần nuôi dưỡng và phát triển trong đời sống của mình. Con đường của Đức Phật rất rộng lớn và tiềm năng cho mỗi chúng ta là vô hạn. Nhưng nó phụ thuộc vào mỗi người để thực hiện bước tiếp theo.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  2. SÁU THIỆN HẠNH
  3. LÀM VIỆC VỚI CƠN GIẬN

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ