KHANGSER RINPOCHE
Trích: Làm chủ cuộc đời; Trần Gia Phong dịch Việt; NXB. Hồng Đức; Công ty VH sáng tạo Trí Việt - First News; 2016
Chỉ khi nào làm chủ được tâm mình thì ta mới có thể sống an lạc hơn và hạnh phúc hơn.
Nhiều người thường cho rằng đạo Phật đồng nghĩa với việc đi chùa, lễ lạy các pho tượng, và dâng cúng lễ Phật. Thực tế không hẳn là như vậy. Theo quan điểm của đạo Phật, việc đi chùa lễ Phật không quan trọng bằng việc thay đổi bản thân. Đức Phật đã thuyết pháp suốt 45 năm và nếu đúc kết toàn bộ lời dạy của ngài trong suốt giai đoạn đó thì ta sẽ thấy Phật chủ yếu hướng dẫn ta cách thức thay đổi bản thân và làm chủ tâm mình. Chỉ khi nào làm chủ được tâm mình thì ta mới có thể sống an lạc hơn và hạnh phúc hơn; đây chính là tư tưởng cốt lõi của toàn bộ lời Phật dạy.
Có một mẩu chuyện kể về một vị tu sĩ già. Khi vị tu sĩ qua đời và tái sanh vào cõi trời, ông ấy rất vui sướng vì được hưởng thụ mọi lạc thú nơi đó. Vài ngày sau, ông ta phát hiện một sự việc lạ lùng. Ông nhìn thấy rất nhiều tổ tiên và bạn bè của ông đang bị xiềng xích trong một nhà tù ở cõi trời. Vị tu sĩ đã rất sửng sốt và hỏi chư thiên, “Tại sao ông giam bạn bè và tổ tiên của tôi trong tù? Tại sao ông trói họ lại?” Vị Thiên trả lời, “Nếu tôi không trói tổ tiên và bạn bè của ông trong tù thì họ sẽ đòi về trần gian mà không muốn sống ở cõi trời nữa.” Vị tu sĩ lấy làm ngạc nhiên và hỏi, “Tại sao họ lại muốn trở về trần gian?” Vị Thiên đáp, “Bởi vì tổ tiên và bạn bè ông nói ở cõi trời rất chán. Ở cõi trời không có internet, không có điện thoại di động, vì vậy họ muốn trở lại trần gian. Ở trần gian có tất cả những thứ đó!” Đây là một điểm chúng ta cần hiểu thấu đáo. Nếu không thể điều phục tâm mình thì dù có sinh vào cõi trời, chắc chắn ta sẽ gặp rắc rối. Bây giờ nếu được sinh vào cõi trời, có lẽ bạn sẽ rất nhớ món phở. Nếu không thể điều phục tâm mình thì dù có được sinh vào cõi trời, bạn sẽ cảm thấy “Sao không có phở? Sao không có mì xào?”
Chúng ta có thể đạt đến một đời sống an lạc và hạnh phúc hơn bằng cách thay đổi đường lối tư duy của bản thân, thông qua luyện tâm. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã dạy:
Một điều ác nhỏ cũng không được làm,
Phụng hành viên mãn hết thảy điều lành,
Điều phục toàn diện tâm ý chính mình,
Đây chính là lời dạy của chư Phật.
Đức Phật đã dạy “Điều phục toàn diện tâm ý chính mình. Đây chính là lời dạy của chư Phật”. Một khi có thể điều phục tâm mình thì bạn có thể thay đổi rất nhiều điều. Nếu không thể điều phục tâm thì bạn sẽ gặp rất nhiều thử thách và khổ đau trong cuộc sống. Đạo Phật hướng dẫn chúng ta nhiều cách để kiểm soát các tư tưởng tiêu cực trong tâm, và những cách thức này được gọi là các pháp luyện tâm. Luyện tâm không là gì khác ngoài việc kiểm soát tư tưởng tiêu cực hay phiền não trong tâm. Kiểm soát phiền não chính là luyện tâm. Luyện tâm chính là kiểm soát phiền não như nóng giận, căng thẳng, lo sợ, đố kỵ, ham muốn…
Đạo Phật hướng dẫn chúng ta nhiều cách kiểm soát các tư tưởng tiêu cực trong tâm, và những cách thức này được gọi là các pháp luyện tâm.
Tôi từng nghe một câu chuyện nổi tiếng ở Tây Tạng. Có một hành giả thực hành thiền định liên tục chín năm trong một hang động nhỏ. Trong suốt thời gian này, râu tóc và móng tay của ông mọc rất dài. Một ngày nọ, một con chuột cắn đứt một bên tóc của ông nhưng ông không biết vì ông đang trong trạng thái định rất sâu. Sau chín năm, ông ra khỏi hang và phát hiện một bên tóc của ông đã bị chuột gặm. Ông đã rất giận dữ và hét lớn, “Ta sẽ giết con chuột nào cắn tóc ta!” Vậy đâu là lợi ích của việc hành thiền suốt chín năm? Ông ta đã làm gì trong suốt chín năm đó mà vẫn không thể điều phục sân giận? Điều đó có nghĩa là trong suốt thời gian ấy, hành giả này đã không thực hành luyện tâm mà chỉ tự ép buộc mình thực hành mà thôi. Có sự khác biệt giữa thực hành gượng ép và thực hành thật sự. Có một vị thầy yêu cầu người học trò hành thiền. Khi hành thiền, người học trò không thể tập trung vào đề mục thiền, và anh ta hỏi thầy mình phải làm thế nào để khắc phục. Vị thầy chỉ luôn nói một điều, “Hãy tập trung! Tập trung! Tập trung!” Phương pháp này hoàn toàn không mang lại hiệu quả. Tương tự, trong suốt chín năm, ông hành giả đã không thực hành đúng cách nên ông ta không thể điều phục sân giận trong tâm.
Bạn có theo đạo Phật hoặc có trở thành Phật tử hay không, đó là vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta luôn mong ước được sống an lạc, hạnh phúc, và ta cần biết rõ mình phải làm gì để sống hạnh phúc. Đơn giản là ta phải kiểm soát tâm mình, hay luyện tâm. Rất nhiều điều có thể được thay đổi từ bên trong thông qua luyện tâm, đạo Phật luôn đưa ra thông điệp như vậy.
Atisha, học giả nổi tiếng người Ấn Độ, đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ XI. Khi đến Tây Tạng, Atisha gặp một người liên tục lễ lạy ở một ngôi chùa. Atisha nói với người đó, “Lễ lạy ở chùa là điều tốt, nhưng nếu anh có thể thực hành Pháp thì sẽ tốt hơn.” Lúc đó, người đàn ông kia nghĩ rằng lễ lạy ở chùa không phải là thực hành Pháp, nên anh ta bắt đầu tụng thần chú. Atisha nói, “Tụng chú là điều tốt, nhưng nếu anh có thể thực hành Pháp thì sẽ tốt hơn.” Anh kia nghĩ rằng tụng chú không phải là thực hành Pháp, và anh ta chuyển sang đi kinh hành quanh ngôi chùa. Atisha nói tương tự, “Đi kinh hành là điều tốt, nhưng nếu anh có thể thực hành Pháp thì sẽ tốt hơn.” Người đàn ông hoang mang và đến hỏi Atisha, “Tôi cảm thấy rất khó hiểu. Phải thực hành Pháp như thế nào?” Atisha trả lời, “Thực hành Pháp là luyện tâm.” Tôi cũng muốn nói với bạn điều tương tự như vậy. Nếu bạn tụng chú thì rất tốt, nếu bạn lễ lạy cũng rất tốt. Tuy nhiên, nếu bạn có thể luyện tâm thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Chỉ khi nào điều phục được tâm mình thì bạn mới có thể thấy lợi ích to lớn của Phật pháp. Nếu không thể luyện tâm thì bạn sẽ không cảm nhận được bất cứ lợi lạc nào cả.
Ở thế kỷ thứ XXI, khi mua một vật dụng nào đó như điện thoại, máy tính… bạn sẽ nhận được sách hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, khi chào đời ta không nhận được một quyển sách nào hướng dẫn ta cách sống hạnh phúc, thậm chí cha mẹ cũng không thể trao cho ta một quyển sách như vậy. Để được hạnh phúc ta cần đến những chỉ dẫn về phương cách sống hạnh phúc, và thông điệp đó đến từ đạo Phật. Nói cách khác, những chỉ dẫn trong đạo Phật chính là nghệ thuật sống một cuộc đời hạnh phúc và tràn đầy ý nghĩa. Vì vậy, tôi thường gọi đạo Phật là khoa học về cuộc sống. Ở các trường đại học đã được dạy rất nhiều môn như tâm lý học, xã hội học, sinh học… nhưng bạn sẽ không thể tìm thấy môn khoa học về cuộc sống. Đạo Phật chính là khoa học về cuộc sống.