JOHN C. MAXWELL
Trích: 17 nguyên tắc vàng trong làm việc nhóm; Đức Anh dịch; NXB Lao Động
Chắc chắn là tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ những người thành đạt, những người tiên phong, những cá nhân dũng cảm và những nhà khoa học đã làm thay đổi cả thế giới bằng sức mạnh của trí óc.
Dù rất ngưỡng mộ những thành tựu cá nhân, nhưng sự thật là không có thành tựu nào được tạo ra bởi một cá nhân riêng lẻ. Một cá nhân đơn lẻ có thể tự mình làm nên điều vĩ đại chỉ có trong thần thoại. Rambo hay những vị anh hùng một mình chiến đấu chống lại kẻ thù chỉ là những nhân vật hư cấu, không có thực.
Những thành tựu cá nhân thực chất là kết quả làm việc của cả một nhóm. Ngay cả Elbert Einstein, người đã tạo ra bước đột phá về khoa học thế giới với thuyết tương đối cũng không làm việc một mình. Chính ông cũng khẳng định điều đó: “Cuộc sống của tôi và những thành tựu mà tôi đạt được ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của rất nhiều người. Do đó, tôi phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với những gì họ đã làm cho tôi.” Lịch sử đã được đánh dấu bởi những thành tựu của những nhà lãnh đạo tài ba và những cá nhân có tư duy đổi mới. Và họ luôn là thành viên của nhóm.
Nhà kinh tế học Lester C. Thurow đã bình luận về chủ đề này như sau:
Truyền thống làm việc nhóm đã làm nên lịch sử và văn hóa của nước Mỹ. Tinh thần đồng đội, hướng đến một mục tiêu chung đã đưa nước Mỹ trở thành một cường quốc về kinh tế, đồng thời là quốc gia đầu tiên đưa được con người lên mặt trăng và còn nhiều thành tựu khác nữa.
Điều đó cho thấy làm việc nhóm không chỉ có tầm quan trọng đối với sự phát triển của từng cá nhân, từng nhóm riêng lẻ mà còn với cả một đất nước, một dân tộc và nói rộng ra là cả thế giới.
Giá Trị Của Làm Việc Nhóm
Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Đằng sau một vị tướng tài là những nhân tài khác nữa”. Làm việc nhóm là chìa khóa tạo ra những thành tựu vĩ đại. Đó là lý do tôi dám khẳng định một là con số quá nhỏ để làm nên điều vĩ đại. Nếu chỉ làm việc một mình, thì bạn sẽ không thể đạt được những thành tựu có giá trị thật sự. Đó chính là Nguyên tắc Tầm quan trọng.
Bất cứ sự kiện lịch sử nào cũng đều được thực hiện bởi một nhóm. Đó là lý do Tổng thống Lyndon Johnson đã nói: “Không có vấn đề gì mà chúng ta không thể cùng nhau giải quyết. Nếu có một mình, chúng ta chỉ có thể tự giải quyết một vài vấn đề.”
Trong cuốn sách Jesus on Leadership (Chúa Jesus bàn về lãnh đạo), C. Gene Wilkes chỉ ra sức mạnh của tinh thần đồng đội không chỉ có trong lĩnh vực kinh doanh ngày nay mà nó đã có lịch sử từ rất lâu đời. Wilkes khẳng định:
- Nhóm gồm nhiều người, vì thế nó có nguồn nhân lực, ý tưởng và động lực hơn so với một cá nhân.
- Nhóm có khả năng tối đa hóa tiềm năng lãnh đạo và tối thiểu hóa nhược điểm của từng thành viên. Còn đối với mỗi cá nhân, ưu và nhược điểm luôn bộc lộ nhiều hơn.
- Nhóm đưa ra được nhiều ý tưởng để đáp ứng yêu cầu hoặc đạt mục tiêu đề ra, do đó có nhiều giải pháp để lựa chọn cho mỗi tình huống. Khi gặp vấn đề, một cá nhân hiếm khi suy nghĩ được bao quát và sâu sắc như một nhóm.
- Nhóm chia sẻ với nhau những kinh nghiệm thành công và thất bại. Điều nay giúp các cá nhân và cả tập thể trưởng thành hơn. Nhưng đối với mỗi cá nhân, họ lại phải một mình hứng chịu sự khiển trách. Điều đó khiến họ dễ nảy sinh sự tự mãn và có thể dẫn đến sự thất bại.
- Nhóm có trách nhiệm với mục tiêu đề ra. Còn đối với cá nhân, do không có sự ràng buộc nên họ dễ thay đổi mục tiêu đã đặt ra hơn.
- Nhóm có thể làm được nhiều việc hơn so với một cá nhân.
Nếu muốn khai thác tiềm năng của mình hoặc đạt một thành tựu nào đó, thì bạn nên gia nhập một nhóm.
Tại Sao Chúng Ta Đứng Một Mình
Nhóm có tác động lớn đến sự phát triển tiềm năng của từng cá nhân, nhưng có một số lý do khiến cho nhiều người vẫn muốn làm việc một mình:
- Cái Tôi
Không ai có thể làm được mọi thứ. Vì thế câu hỏi đặt ra không phải là bạn có thể tự làm mọi thứ hay không, mà là đến lúc nào bạn mới nhận ra mình không thể làm mọi thứ.
Nhà tư bản công nghiệp Andrew Carnegie đã tuyên bố: “Một bước phát triển lớn của bạn được đánh dấu khi bạn nhận ra rằng người khác có thể giúp bạn làm công việc tốt hơn là bạn tự làm một mình.” Để làm được việc lớn, hãy bỏ cái tôi của bạn để tham gia vào nhóm.
- Thiếu Tự Tin
Khi tiếp xúc với những nhà lãnh đạo, tôi nhận thấy một số cá nhân không làm việc nhóm tốt bởi họ cảm thấy bị đe dọa. Một chính khách của thành Florentine thế kỷ XVI Niccolo Machiavelli đã nhận xét: “Cách đầu tiên để nhận biết tài năng của một nhà lãnh đạo, đó là hãy nhìn vào những người xung quanh ông ta.”
Sự thiếu tự tin, hay đúng hơn là khả năng phán đoán kém, thiếu thông minh chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến nhà lãnh đạo chỉ có thể thu hút những người yếu kém quanh mình. Điều này đã được đề cập trong cuốn 21 Nguyên tắc vàng của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ những nhà lãnh đạo giỏi mới trao quyền cho người khác. Đó là Nguyên tắc Trao quyền. Nói cách khác, nhà lãnh đạo thiếu tự tin thường thất bại trong việc xây dựng nhóm vì một trong hai lý do: họ muốn duy trì quyền kiểm soát của mình đối với mọi thứ, hoặc họ sợ bị người khác có năng lực hơn thay thế. Dù với lý do nào, thì người lãnh đạo thất bại trong việc thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm cũng sẽ tự hủy hoại tiềm năng của mình và làm xói mòn nỗ lực của những người làm việc cùng họ. Lời khuyên của Tổng thống Woodrow Wilson sẽ giúp ích cho họ: “Chúng ta không nên chỉ sử dụng trí tuệ của mình, mà hãy mượn trí tuệ của nhiều người khác.”
- Sự khờ khạo
Nhà cố vận John Ghegan dán trên bàn làm việc của mình một câu nói: “Nếu được làm lại tất cả, tôi sẽ cần sự trợ giúp.” Câu nói đó nói lên cảm nghĩ chính xác của kiểu người thứ ba bị thất bại khi trở thành người xây dựng nhóm. Do đánh giá thấp sự khó khăn nên họ cố gắng tự làm mọi việc một mình.
Tuy nhiên, một số người trong nhóm này cuối cùng nhận ra giấc mơ của họ lớn hơn khả năng của họ, vì vậy nếu chỉ có một mình, họ sẽ không đạt được mục tiêu của mình và họ đã điều chỉnh lại. Họ thành lập nhóm để tiến dần đến thành công. Nhưng vẫn có một số người nhận ra sự thật này quá trễ và dĩ nhiên họ không bao giờ đạt được mục tiêu.
- Khí chất
Một số người sống khép kín cảm thấy rất khó khăn khi tham gia làm việc nhóm. Khi phải đối mặt với thách thức, họ không bao giờ tham gia cùng người khác để giải quyết nó.
Tuy nhiên, đối với tôi, bất cứ khi nào phải đối mặt với thách thức, thì điều đầu tiên tôi làm là nghĩ đến thành viên nào đó trong nhóm có thể giúp tôi thực hiện điều này. Tôi luôn nghĩ, Tại sao lại tham gia cuộc hành trình một mình trong khi có thể mời người khác cùng đi.
Nếu làm mọi thứ một mình, không bao giờ cộng tác với người khác, tức là bạn đã tự tạo ra chướng ngại vật lớn cản trở sự phát triển tiềm năng của mình. Tiến sĩ Allan Fromme cho rằng: “Mọi người sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nếu biết hợp tác làm việc với người khác.” Chúng ta cần một nhóm để duy trì hiệu quả công việc. Và những thành viên nhút nhát cũng sẽ có cơ hội để được hưởng những thành quả của cả nhóm.
Trong cuốn The Finishing Touch (Hoàn thành từng chi tiết nhỏ) đã kết luận về tầm quan trọng của việc làm việc nhóm như sau:
Không ai là toàn vẹn, chúng ta cần có nhau. Bạn cần một người nào đó và một người nào đó cũng cần bạn. Chúng ta không sống cô lập trên đảo hoang. Để làm việc, chúng ta phải biết dựa vào nhau và hỗ trợ nhau.
Nếu cố gắng làm mọi việc một mình, thì bạn sẽ thất bại. Muốn làm việc lớn, bạn phải kết hợp với người khác. Một là con số quá nhỏ để làm điều vĩ đại. Đó chính là nội dung của Nguyên tắc Tầm quan trọng.