LIỀU THUỐC THIÊN NHIÊN

SƯU TẦM

Gần gũi với thiên nhiên sẽ tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy thiên nhiên không nhất thiết phải lên rừng xuống biển mà có ngay ở quanh ta, miễn là chúng ta nhìn và cảm nhận chúng đúng cách.

Một nghiên cứu vừa chỉ ra thiên nhiên chính là viên thuốc kỳ diệu có thể giúp người bị chứng bồn chồn, lo âu, huyết áp cao. Trong khi đó, bác sĩ ở xứ Scotland đã nghiêm túc kê vài “liều” thiên nhiên cho người đi thăm thầy thuốc với những căng thẳng trong đời sống, công việc. Điều quan trọng là không chỉ người ở vùng quê gần gũi thiên nhiên, mà dân thành thị cũng có thể dễ dàng kê cho mình “đơn thuốc” thiên nhiên.

3 lần mỗi tuần

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu ĐH Michigan (Mỹ) đăng trên tập san Frontiers in Psychology đầu tháng 04/2019, chỉ cần ít nhất 20 phút tiếp xúc với thiên nhiên là có thể giảm stress. Nhiều công trình trước đó cho thấy: dành thời gian gần gũi với thiên nhiên sẽ giảm căng thẳng.

Vì thế, theo phó giáo sư MaryCarol Hunter, trưởng nhóm nghiên cứu, mục đích của bà và các đồng nghiệp là tìm câu trả lời cho các câu hỏi “tiếp xúc với tự nhiên bao lâu, thường xuyên đến mức nào và trải nghiệm thế nào thì mới hiệu quả?”.

Kết quả cho thấy dành 20 – 30 phút ngồi ngắm thiên nhiên hay đi dạo – không cần tập thể dục hay vận động nặng, nhưng không được dùng điện thoại – có thể giúp giảm nồng độ cortisol, một hooc-môn liên quan đến stress.

Nhóm của Hunter thực hiện nghiên cứu bằng cách yêu cầu 36 “thị dân” phải thăm các nơi “mang lại cảm giác thiên nhiên” 3 lần một tuần, mỗi lần ít nhất 10 phút. Nghiên cứu kéo dài 8 tuần và những người tham gia được kiểm tra nồng độ cortisol trong nước bọt trước và sau khi “về với thiên nhiên” trong 4 lần khác nhau.

Với dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu nhận thấy thời gian tiếp xúc với thiên nhiên thực sự giúp giảm stress. Cortisol có thể giảm ngay khi bắt đầu tiếp xúc với tự nhiên, nhưng mức độ giảm chỉ có thể gọi là đáng kể khi đối tượng nghiên cứu dành 20 phút trong không gian gần gũi tự nhiên đó. Nếu dành 30 phút, cortisol sẽ giảm nhanh nhất. Hunter cho biết các thầy thuốc có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này để “kê đơn thiên nhiên” cho bệnh nhân của mình.

Điều đáng quan tâm là thiên nhiên, theo Hunter, không nhất thiết phải là cây xanh rừng thẳm hay biển rộng trời cao, mà tùy vào cảm nhận mỗi người.

“Chỉ cần một nơi cho ta cảm giác thiên nhiên thì đến đó và ở từ 20 – 30 phút là được xem là về với thiên nhiên.”, Hunter nói với trang Co.Design. “Người sống ở đô thị cũng không cần phải đến công viên nội ô hay rừng ở ngoại ô để tìm viên thuốc thiên nhiên. Đôi khi chỉ là đi thẳng khỏi cổng sở làm của quý vị.”, Hunter nói.

Nhà khoa học này khẳng định: viên thuốc thiên nhiên bắt đầu có tác dụng “ngay khi quý vị thấy cây cối bên đường hay đứng giữa giếng trời trong tòa cao ốc nơi mình làm việc”.
Vẫn theo Hunter, mảng xanh trong đô thị như thế nào không quan trọng bằng việc chúng tác động lên các giác quan của chúng ta ra sao. Vậy như thế nào là “cảm giác thiên nhiên?”. “Đó là mùi của thực vật và sự mát mẻ nhè nhẹ mỗi khi ta đứng gần một cái cây.” – Hunter giải thích.

Liệu pháp công viên

Nếu chỉ đứng gần một cái cây đã có thể cho tác dụng khỏe khoắn như uống thuốc giảm stress, thì các bác sĩ ở quần đảo Shetland (Scotland) lại có hẳn một đơn thuốc thiên nhiên chi tiết, kéo dài quanh năm, với mỗi tháng có nhiều hình thức nạp thuốc thiên nhiên khác nhau.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) Shetland đã phát hành đơn thuốc thiên nhiên để các bác sĩ kê cho bệnh nhân bị cao huyết áp, trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. “Thông qua dự án đơn thuốc thiên nhiên, bác sĩ và y tá có thể giải thích cho bệnh nhân các tác dụng tích cực của việc ra ngoài và tiếp xúc với tự nhiên lên sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.” – Lauren Peterson, chuyên viên NHS Shetland, nói trong một thông cáo.

Đơn thuốc được thiết kế dưới dạng một lịch trình 12 tháng, mỗi tháng là một loạt hoạt động mà bệnh nhân có thể thực hiện tùy theo điều kiện của mình. Chẳng hạn như làm vườn, ra bãi biển nhặt vỏ sò, hoặc đợi thủy triều xuống rồi ra biển tìm rái cá, dắt chó đi dạo, vùi mặt vào cỏ, …
Khuyến khích bệnh nhân về với thiên nhiên bên cạnh nhờ sự can thiệp của thuốc là hướng tiếp cận đang được nhiều nơi trên thế giới quan tâm. Tại Mỹ, một dự án do quận East Bay Regional Park và Bệnh viện Nhi Oakland thực hiện tổ chức chương trình đưa bệnh nhân đi thăm nhiều công viên khác nhau như một liệu pháp điều trị.

“Các nghiên cứu cho rằng tiếp xúc với thiên nhiên sẽ làm giảm stress, ổn định nhịp tim và cải thiện huyết áp.” – TS Nooshin Razani, bác sĩ nhi đồng và nhà nghiên cứu thiên nhiên làm việc tại Bệnh viện Oakland, giải thích cơ sở khoa học của “đơn thuốc công viên”. Razani cho rằng về lâu dài, đơn thuốc thiên nhiên sẽ giảm nguy cơ tim mạch và tăng tuổi thọ con người.

Cơ sở khoa học

Nghiên cứu của Hunter chủ yếu tìm mối liên hệ giữa thời gian tiếp xúc với thiên nhiên để giảm stress. Trước đó đã có nhiều nghiên cứu khác cho thấy tiếp xúc với thiên nhiên có thể chống trầm cảm, giảm căng thẳng, giảm huyết áp và các tác động tích cực khác như kích thích sáng tạo và khả năng tư duy.

Một nghiên cứu năm 2017 của Trường Sức khỏe cộng đồng T.H. Chan (ĐH Harvard) và Bệnh viện Brigham and Women cho thấy phụ nữ sẽ sống thọ hơn và có sức khỏe tâm thần tốt hơn khi sống trong, hoặc chỉ cần sống gần các mảng xanh.

Năm 2016, tác giả người Mỹ Richard Louv đưa ra khái niệm “vitamin N”, tức vitamin thiên nhiên, và cho rằng thiếu gắn kết với thiên nhiên khi còn nhỏ liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề về sức khỏe và hành vi khi trẻ lớn lên.

Louv khuyên các bậc phụ huynh cho trẻ em nạp loại dưỡng chất này ngay từ nhỏ bằng cách cho con trẻ về với thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Liều thiên nhiên cho trẻ em cũng đơn giản chỉ là chơi đùa trong rừng, bên sông hồ hay đồng ruộng, hoặc bất kỳ không gian mở và có thể vui chơi tự do.

Một nghiên cứu của ĐH Aarhus (Đan Mạch) tiến hành cho thấy trẻ em lớn lên trong không gian xanh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tâm thần khi trưởng thành ít hơn 55%.

Tương tự, để tìm mối liên hệ giữa không gian xanh lên sức khỏe thể chất của con người, các nhà nghiên cứu ĐH Canterbury (New Zealand) phân tích hoạt động của 12,500 người dân xứ kiwi và nhận thấy những người sống gần công viên ít có nguy cơ bị thừa cân hay béo phì hơn.

“Gần như mọi nghiên cứu trên thế giới tôi đã đọc qua đều nói rằng càng sống gần mảng xanh bao nhiêu thì sức khỏe ta càng tốt bấy nhiêu – GS Simon Kingham, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết – Xây dựng công viên và quy hoạch các không gian xanh là phương pháp ngăn ngừa bệnh tật ít tốn chi phí mà các chính quyền có thể thực hiện.”.

Và lỡ như chúng ta không sống gần công viên hay mảng xanh nào, hãy nhớ lời khuyên của Hunter: tìm cảm giác thiên nhiên ở mọi thứ xung quanh. “Mỗi khi ra ngoài, hãy đắm mình vào thiên nhiên càng nhiều càng tốt để nhẹ đầu đi.” – chuyên gia này khuyên.

Liệu pháp thiên nhiên cho người thành thị

Có một thực tế không thể phủ nhận: trong đời sống đô thị hiện đại, chúng ta suốt ngày phải tiếp xúc với các màn hình, mỗi ngày có thể nhìn ngắm một cái cây đã là may mắn lắm, làm sao thực sự tận hưởng cảm giác về với thiên nhiên?

Micah Mortali, chuyên gia thiền và là tác giả nhiều chương trình yoga theo “liệu pháp thiên nhiên”, cho rằng không nhất thiết phải thế. Trong bài viết trên Forbes tháng 08/2018, Mortali chỉ nhiều cách để thực hành “liệu pháp thiên nhiên” cho người sống ở các đô thị lớn, cũng dựa trên quan điểm thiên nhiên không có gì to tát mà chủ yếu ở cách ta cảm nhận.

“Một công viên, một khu vườn hay một cái cây cũng là một liều thiên nhiên nồng độ cao cho cuộc sống của bạn, miễn là bạn chuyên tâm cảm nhận chúng.” – Mortali khuyên.

Một số bí quyết để tìm một liều thiên nhiên: Ăn trưa gần một bồn phun nước công cộng để có cảm giác đang ngồi bên bờ suối và lắng nghe thanh âm của nước. Ngắm nhìn và ngưỡng mộ thiên nhiên. Nhìn ra cây cối bên ngoài cửa sổ khi gió thoảng qua.

Trồng cây ở nhà để có thể “trông cây lại nhớ đến rừng” mà không cần đi đâu xa. Ra ngoài và đi chân trần để thấy kết nối với đất, hít hương thơm cây cỏ thay vì tinh dầu nhân tạo, …

???
Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ngày 03/06/2019
Tác giả: Yến Lam
Ảnh: Nguồn Internet

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP