LỢI ÍCH VÔ BIÊN CỦA SỰ TỐT BỤNG VÀ TRUNG THỰC

Steven K.Scoot

Trích: “Người Giàu Nhất Thế Gian” Tác giả: Steven K.Scoot Người dịch: Trần Thị Ngọc Hà NXB Lao Động Xã Hội, 2008 Ảnh nguồn: Internet

Xuyên suốt sách Châm Ngôn, Solomon đã đưa ra các câu điều kiện như: nếu con làm được điều này, con sẽ có được điều kia. Điều này cũng đúng với sự tốt bụng và trung thực. Nếu chúng ta biến chúng trở thành một phần cuộc sống, chúng ta sẽ thu được những ích lợi không thể mua được bằng tiền. Trong Châm ngôn 3, Solomon đã nói rằng chúng ta sẽ nhận được ơn lành của Chúa, của mọi người và tạo được uy tín đối với họ. Từ “ơn lành” trong tiếng Do Thái mà Solomon sử dụng có nghĩa là “sự đối xử một cách nâng niu, ưu tiên và được tán thành”. Theo đó, bạn bè, đồng nghiệp, ông chủ, nhân viên và gia đình sẽ tôn trọng bạn. Ngoài ra, hai đức tính này còn mang lại cho bạn nhiều lợi ích khác như:

Những mối quan hệ an toàn và giá trị

Khi biết mình có thể tin tưởng vào lời hứa của một người bạn đáng tin cậy, bạn sẽ cảm thấy tình bạn của mình được an toàn và đảm bảo. Sự trung thực sẽ tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một mối quan hệ lâu dài. Còn lòng tốt tạo ra giá trị và sự đánh giá cao trong mối quan hệ. Khi một người quen có những hành động thể hiện lòng tốt mà bạn không ngờ tới, bạn sẽ coi trọng mối quan hệ với người đó hơn những mối quan hệ khác.

Nguồn động viên và nuôi dưỡng lòng tự trọng

Khi tôi bị sa thải ở công việc thứ tư, phó Giám đốc Điều hành của công ty mẹ là Bob Marsh đã mời tôi ăn trưa. Ông hỏi tôi dự định làm gì. Khi tôi nói rằng mình đã được tuyển vào một ngân hàng ở Arizona, ông hỏi tôi đã có một bộ vest phù hợp cho vị trí tại ngân hàng chưa. Khi tôi trả lời là chưa có, ông đã đưa tôi đến một cửa hàng quần áo và mua cho tôi hai bộ vest công sở mới. Hành động của ông gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Nó có giá trị hơn bất cứ sự kiện nào khác trong cuộc đời tôi. Nó đã nâng cao lòng tự trọng của tôi. Kết quả là tôi bắt đầu công việc ở ngân hàng với một suy nghĩ hoàn toàn khác về giá trị của bản thân.

Gia tăng sự gắn bó, lòng trung thành và động lực

Bất cứ khi nào bạn đối xử tốt với người khác, họ sẽ gắn bó và trung thành hơn với bạn. Lòng tốt của bạn cũng khuyến khích họ noi gương bạn bằng cách đối xử tốt với bạn và với mọi người. Ba năm sau khi mua tặng tôi hai bộ vest mới, Bob Marsh mời tôi cộng tác trong công ty marketing mà ông mới thành lập. Khi đó, tôi đang làm việc cho một công ty lớn. Công ty này đề nghị tăng lương gấp đôi và thăng chức phó giám đốc marketing nếu tôi ở lại. Vậy là tôi có hai lựa chọn: tiếp tục làm việc cho một công ty danh tiếng với mức lương 36 nghìn đô la/năm, được trang bị ô tô và thăng chức phó giám đốc marketing; hoặc rời công ty đang làm và trở thành đối tác của Bob tại một công ty mới thành lập chỉ có khả năng trả tôi 10 nghìn đô la/năm. Tôi biết rằng nếu công ty của Bob thành công thì tôi sẽ kiếm được nhiều hơn số tiền đó. Dù đây thật sự là một trò may rủi song tôi không cảm thấy khó khăn khi đưa ra quyết định. Cơ hội hợp tác với một doanh nhân tôi ngưỡng mộ đã lâu và đánh giá cao hơn tất cả những người khác là một giấc mơ đã trở thành hiện thực. Vì vậy, tôi chấp nhận lời đề nghị của Bob. Thật may mắn, công việc kinh doanh của chúng tôi đã thành công vượt xa tưởng tượng. Khi Bob nghỉ hưu, tôi tiếp tục duy trì sự hợp tác với con trai ông và tình bạn của chúng tôi thật sự tốt đẹp. Không chỉ công ty của chúng tôi thành công mà quan trọng hơn cả là chúng tôi cảm thấy thích thú khi làm việc cùng nhau trong suốt hơn 30 năm. Và tất cả những điều đó chỉ bắt đầu từ một hành động tốt đẹp.

Những trở ngại đối với lòng tốt và sự trung thực

Dù biết rõ những ích lợi đáng kinh ngạc mà lòng tốt và sự trung thực mang lại, tại sao chúng ta vẫn gạt bỏ những đức tính ấy để nhường chỗ cho sự ích kỷ và dối trá? Câu trả lời thật đơn giản. Tính ích kỷ và yêu bản thân giống như năng lực tinh thần và cảm xúc mà chúng ta vẫn luyện tập hàng ngày trong cuộc sống. Đó thật sự là năng lực mạnh nhất của chúng ta. Bất cứ khi nào phải đối mặt với một tình huống có hai lựa chọn: lợi ích của bản thân hay lòng tốt đơn thuần, phản ứng tự nhiên của chúng ta sẽ đi theo lựa chọn thứ nhất. Sự quan tâm của chúng ta luôn tập trung vào nhu cầu và ước muốn của bản thân.

Nói cách khác, lòng tốt là năng lực tinh thần và cảm xúc mà chúng ta chỉ có được khi sáng suốt lựa chọn hành động theo nó. Điều này đòi hỏi chúng ta phải gạt bỏ nhu cầu và ước muốn của bản thân để tập trung quan tâm đến nhu cầu thật sự của người khác. Khi quyết định sử dụng năng lực này, chúng ta buộc phải vượt qua tâm lý ích kỷ, vốn là bản tính tự nhiên của con người. Việc này không dễ dàng, nhưng nếu luyện tập thường xuyên, năng lực đó sẽ mạnh mẽ hơn và trở thành một phần bản chất của bạn. Trải qua thời gian, chúng ta sẽ tự nhiên hấp thu được năng lực này mà không cần phải nỗ lực một cách có ý thức.

Tại sao nói dối lại dễ dàng?

Khi nghĩ về người thiếu trung thực, hầu như tất cả chúng ta đều nghĩ về một người khác chứ không phải bản thân mình. Nhưng nếu tính cả những lời phóng đại, lời nói dối vô hại và việc cố ý che giấu sự thật thì nhìn chung đa số chúng ta đều mắc tội thiếu trung thực. Tại sao việc phóng đại, bóp méo sự thật hay nói dối bằng cách loại bỏ một vài thông tin lại dễ dàng đến vậy? Bởi làm như thế sẽ tạm thời giúp chúng ta có một ưu thế tốt hơn so với việc nói ra sự thật.

Có ba lý do để nói dối, đó là: tự đề cao bản thân, bảo vệ bản thân và kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, hành động của người khác. Thật không may, cả ba lý do này đều là những nhận thức sai lầm. Chúng ta tưởng rằng nói dối có lợi cho mình. Nhưng dù đạt được những lợi ích gì thì đó cũng chỉ là lợi ích tạm thời, trong khi hậu quả lại kéo dài và nhiều hơn. Mỗi khi thiếu trung thực, chúng ta trở nên kém nhạy cảm với ý thức của mình và khả năng nói dối của chúng ta trong tương lai sẽ nhiều hơn. Không sớm thì muộn, hành vi thiếu trung thực sẽ trở thành thói quen hàng ngày của chúng ta. Nó sẽ trở thành một phần bản chất và quyết định cách chúng ta tương tác với thế giới. Sự dối trá đã hủy hoại cuộc sống của nhiều người, hủy hoại những cuộc hôn nhân, những công ty trong danh sách Fortune 500 và thậm chí cả chính phủ.

Theo tôi, thiếu trung thực có hai dạng: bóp méo sự thật và che giấu sự thật. Dạng đầu tiên quá rõ ràng; nhưng dạng thứ hai có thể không như vậy.

Hãy xem trường hợp của Arthur Anderson . Trong giới kinh doanh, các công ty kế toán và kiểm toán là những công ty cần sự trung thực nhất. Các công ty này được trả tiền để phân tích và báo cáo với công chúng chính xác tình hình tài chính hiện tại của một doanh nghiệp. Nhưng Công ty Arthur Anderson đã cấu kết với các nhà điều hành Enron để khai báo thông tin sai lệch. Sự dối trá này tạo điều kiện cho các thành viên hội đồng quản trị của Enron tiếp tục lừa đảo cho đến khi công ty sụp đổ, hủy hoại tiền bạc của hàng nghìn nhân viên và rất nhiều cổ đông. Một giám đốc của Enron tự tử, những người khác bị đi tù. Danh tiếng và sự nghiệp kinh doanh của Anderson tiêu tan, 28 nghìn nhân viên của công ty mất việc. Đây mới chỉ là những thiệt hại có thể thấy rõ. Hậu quả nặng nề hơn là dân chúng sẽ mãi mãi nghi ngờ các doanh nghiệp Mỹ và coi các doanh nghiệp này như những tổ chức do những kẻ tham lam lãnh đạo, những kẻ kiếm tiền cho bản thân bằng mọi giá, bất chấp hậu quả đối với cộng đồng.

Nhưng sự dối trá không bắt nguồn từ phòng họp của công ty mà là từ trái tim và trí óc mỗi người. Bạn có thể tránh được hậu quả xấu nếu xây dựng đức tính trung thực trở thành một phần không thể thiếu trong con người mình.

 

Bình luận


Bài viết mới

  1. LÒNG TỪ ÁI
  2. NĂM NGUỒN LỰC THÀNH CÔNG LÀ GÌ?
  3. NHÓM VÀ CÁCH LÀM VIỆC THEO NHÓM