BASNAGODA RAHULA
Trích: "Lời dạy của Đức Phật về sự thành tựu trong gia đình, nơi công sở, ngoài xã hội"; Việt dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
? GIÚP CON CÁI CHỌN BẠN ĐỜI
Trong thời đức Phật, sự tham gia của cha mẹ vào việc tìm người phối ngẫu cho con cái mình có vẻ rất thích hợp. Một phần vì trước đây ở Ấn Độ không có một hệ thống giáo dục cho tất cả, thế hệ trẻ không có sự lựa chọn người phối ngẫu một cách khôn ngoan. Mặt khác, vì không có những luật lệ về hôn nhân cố định, nhiều người sau khi lập gia đình thường bỏ nhau mà không có những bổn phận đối với con cái hay người họ bỏ rơi. Trong hoàn cảnh xã hội đó, đức Phật đã khuyên cha mẹ nên giúp con cái họ chọn lựa những người phối ngẫu thích hợp.
Ngày nay, chúng ta có thể lý luận rằng bổn phận này của cha mẹ không còn quan trọng, rằng cha mẹ cần phải để cho con cái tự chọn người bạn đời của mình. Tuy nhiên, sự hướng dẫn của cha mẹ vẫn có thể là một đóng góp ích lợi cho con cái trong việc chọn lựa bạn đời. Vì không từng trải, những người trẻ tuổi có thể vội vàng kết luận rằng, vẻ bề ngoài quyến rũ của một ai đó có thể là tiêu chuẩn duy nhất để chọn lựa làm người phối ngẫu. Nhưng chẳng lâu sau họ có thể nhận ra rằng họ đã mù quáng như thế nào. Lúc đó họ mới biết có những yếu tố khác quan trọng hơn, như là cách cư xử, sự trưởng thành trong tình cảm, do đó họ cần có sự chọn lựa kỹ càng trước khi quyết định cưới nhau.
Sự hướng dẫn của cha mẹ có thể giúp những người trẻ tuổi chọn lựa bạn đời một cách khôn ngoan, do đó giảm bớt những xung đột trong mối liên hệ vợ chồng. Đời sống gia đình của chính các bậc cha mẹ cũng có thể đã dạy cho con cái của họ những bài học quan trọng. Họ biết rằng sự trưởng thành trong nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cho mối liên hệ của họ được tốt đẹp. Cha mẹ có thể truyền cho con cái sự hiểu biết quan trọng này. Không cần phải lựa chọn bạn đời cho con, nhưng cha mẹ vẫn có thể giúp con hiểu rõ hơn về một sự chọn lựa đúng đắn.
Hôn nhân là một bước quan trọng nhất trong cuộc đời của một người bạn trẻ. Sự hướng dẫn của cha mẹ có thể làm phong phú thêm sự hiểu biết của con cái về việc chọn lựa một người bạn đời thích hợp. Nhờ thế cha mẹ có lý do để hãnh diện khi họ có thể giúp con cái ở bước ngoặt quan trọng này – và lời khuyên của đức Phật dường như vẫn rất thực tế, ngay cả ở thời đại bây giờ.
? TRAO CỦA THỪA TỰ CHO CON ĐÚNG THỜI ĐIỂM
Cuối cùng đức Phật khuyên cha mẹ nên giao lại tài sản gia đình cho con cái. Dĩ nhiên đức Phật không bảo cha mẹ phải giao hết tất cả tài sản gia đình cho con cái họ, để trở thành người vô gia cư vào lúc cuối đời. Thay vào đó, đức Phật khuyên họ nên chuyến giao một phần tài sản gia đình cho con cái ở một thời điểm thích hợp. Hãy quán niệm những lời dạy của đức Phật, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn điều này. Đức Phật dùng thuật ngữ dayajjam để chỉ phần tài sản gia đình mà người con có quyền được hưởng. Dayajjam có nghĩa là ‘một phần tài sản được coi như là món quà của cha mẹ dành cho con cái’. Một từ ngữ khác samaye có nghĩa là ‘thời điểm thích hợp’.
Đây là điều cuối cùng mà bậc cha mẹ phải làm để hoàn thành trách nhiệm của mình. Đã là một nguồn hướng dẫn phong phú đối với sự phát triển nhân cách và sự thành công về vật chất của con cái, cha mẹ giờ có thể được coi như là đã hoàn thành nghĩa vụ của họ một cách viên mãn. Họ giao lại tài sản cho con cái với một số lượng thích hợp. Sau khi đã viết xong di chúc cuối cùng, các bậc cha mẹ có thể sống một cuộc sống thoải mái, tự tại vì nghĩ rằng. ‘Chúng ta đã làm đầy đủ bổn phận và đã đạt được thành công tốt đẹp trong vai trò làm cha mẹ của mình’.
Tóm tắt
Đức Phật đã hướng dẫn các cư sĩ tại gia để họ có thể trở thành những bậc cha mẹ hạnh phúc và tự tại của những đứa con đầy nhân cách. Họ đã dạy dỗ để chúng phát triển nhân cách và giáo dục. Họ bổ sung sự hiểu biết của con cái về hôn nhân và đời sống gia đình. Cuối cùng họ trao một phần tài sản gia đình cho con cái ở thời điểm thích hợp. Khi nghĩ về sự thành công của mình trong vai trò làm cha mẹ, người ta có quyền được hãnh diện vì điều đó. Những nghĩa vụ này góp phần thắt chặt thêm mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Đức Phật nhắc nhở con cái cần bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ khi cha mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ của họ. Kết quả tích cực này cho ta thấy bổn phận của người làm cha mẹ có ý nghĩa thật lớn lao.