LỜI THỆ NGUYỆN

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Trích: Giác Ngộ Mỗi Ngày; Ban phiên dịch Drukpa Việt Nam; NXB.Hồng Đức

Bây giờ khi đã bắt đầu trưởng dưỡng sự chú tâm, điều quan trọng là bạn hãy luôn tâm niệm giúp đỡ người khác. Điều này sẽ giữ động cơ của bạn thanh tịnh và chỉ cho bạn con đường đạo chân chính. Có nhiều cách giúp đỡ khác nhau tùy theo căn cơ của từng người. Theo triết lý nhà Phật, có ba loại động cơ chính:

Thứ nhất là bạn muốn chứng đạt giác ngộ vì lợi ích của hết thảy chúng sinh. Theo nghĩa này, các bậc giác ngộ là những bậc đã thành tựu sự nghiệp tu tập và phát nguyện tận dụng toàn bộ tâm sức của mình thông qua các phương tiện thiện xảo, để mang lại hạnh phúc và giảm bớt khổ đau cho chúng hữu tình.

Thứ bai là những người có thể gọi là “người mục đồng”. Trước tiên bạn muốn cứu giúp người khác chứng đạt giác ngộ và sau đó bạn cũng viên mãn. Giống như người chăn cừu tìm được nơi trú ẩn an toàn cho bầy cừu, khi đó họ mới có thể yên tâm.

Đây là những người luôn quan tâm đến người khác với tình yêu thương và lòng bi mẫn bao la.

“Khi cứu sống một người, bạn đã cứu cả thế giới”.

NGẠN NGỮ TÂY TẠNG

Loại động cơ thứ ba là người muốn chứng đạt giác ngộ cùng những người khác, đồng thời với họ, không đến trước cũng chẳng tới sau. Họ cũng giống như người hoa tiêu chèo lái một con tàu vượt qua hiểm nguy gian khó. Họ sẽ không đi trước hoặc giúp hành khách trước rồi mới giúp mình. Tâm nguyện của họ là muốn tất cả cập bến Giác vào cùng một lúc.

Vậy bạn là kiểu người nào? Bạn muốn hoàn thiện kỹ năng kiến thức bản thân để có thể giúp đỡ người khác? Là người có xu hướng hy sinh lợi ích bản thân để quan tâm, dẫn dắt che chở mọi người hay thành viên xuất sắc có thể tạo nên sự cộng hưởng tích cực lớn lao cho cộng đồng?

Suy nghĩ về cách hỗ trợ người khác trong khả năng tốt nhất của mình là bước quan trọng trên con đường tu tập. Thông thường, chúng ta có xu hướng ưu tiên những gì có lợi cho bản thân. Ngay cả khi đã giúp đỡ một người, chúng ta cũng thường mong nhận lại điều gì đó. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn luôn tỉnh giác, quan sát tâm và động cơ của mình. Nếu động cơ đúng đắn thì nguồn năng lượng chúng ta truyền tới người khác mới thực sự tích cực.

“Vạn pháp duy tâm tạo”.

ĐỨC PHẬT

Tâm, cũng như mọi thứ khác, cần được chăm sóc đầy đủ mới có thể vận hành đúng đắn. Ví như bạn có một chiếc xe ô tô, lúc mới mua nó rất mới đẹp, nhưng nếu liên tục sử dụng mà không bảo trì, nó sẽ dần trở nên cũ hỏng. Tâm ta cũng như vậy, hàng ngày nó cần được thường xuyên kiểm soát. Nếu không cố gắng bảo trì thì dù nước sơn bên ngoài vẫn tốt, chiếc xe có thể hỏng hóc và sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Tương tự, nếu ta chỉ lo chăm chút cho thân tướng này mà quên trưởng dưỡng tâm, sau một thời gian, nó sẽ trở nên hỗn loạn, bất trị. Một khi tâm xao động, cuộc sống của bạn cũng sẽ bị rối ren. Khi tâm bạn lo lắng, tất cả mọi thứ đều căng thẳng. Thay vì trốn chạy, hãy cố gắng hiểu thông điệp mà tâm gửi đến, việc nhận biết này chính là sự thực hành pháp. Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn quán sát, trưởng dưỡng tâm trí để không sa vào cạm bẫy của những bám chấp, sân hận, kiêu mạn và hiềm khích.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ TÔN TRỌNG
  3. QUÁN SÁT TÂM MÌNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ