TARA MACISAAC
Tara MacIsaac, Epoch Times; March 26, 2016; Người dịch: Quý Khải
Emma Seppala – Tiến sĩ Đại học Stanford chứng minh lòng tốt dẫn đến thành công.
Đại học Stanford có hẳn một trung tâm dành cho ngành khoa học về tình thương và lòng trắc ẩn. Tiến sĩ Emma Seppala là giám đốc khoa học của trung tâm này, và bà đã giúp chứng minh bằng khoa học rằng tình thương, hay lòng vị tha là điều tuyệt vời nhất dẫn đến thành công.
Bà được đào tạo ở ba trường Đại học Yale, Columbia, và Stanford, và trong tất cả những môi trường Ivy League này (cụm tám trường đại học cổ kính và nổi tiếng nhất nước Mỹ), bà đã chứng kiến những người đạt thành tích cao vật lộn trong các giá trị nhầm lẫn của nước Mỹ về “sự chăm chỉ” và “thành công”.
“Một trong số những bộ óc rạng rỡ nhất ở đất nước chúng ta cũng đang cực kỳ không hạnh phúc và rất, rất căng thẳng.”, TS. Seppala nói.
Một trong những sinh viên của TS. Seppala tại Đại học Stanford bảo bà rằng cô được nuôi dạy để vươn tới sự thành công. Cô sinh viên này đã hỏi ba mẹ, “Làm sao con có thể thành công?”
Họ bảo cô, “Làm việc chăm chỉ.”.
Cô hỏi họ, “Làm sao con biết con đã làm việc đủ chăm chỉ?”.
Họ bảo cô, “Nếu con đang phải đau khổ, thì có nghĩa là con đang làm việc đủ chăm chỉ.”.
Trong cuốn sách “The Happiness Track” (Đường mòn hạnh phúc), TS. Seppala viết: “Quan điểm nổi trội nhất lấn át tất cả các quan điểm khác về sự thành công là chúng ta phải hy sinh hạnh phúc trong ngắn hạn để đạt được sự thành công và hạnh phúc trong dài hạn. Tuy nhiên, phương thức này không những không khiến năng suất của chúng ta đạt mức tối ưu mà trên thực tế còn khiến chúng ta trở nên cực kỳ bất mãn.”.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy hạnh phúc giúp gia tăng năng suất lên đến 12%”, bà đã viết.
Lòng trắc ẩn và sự hạnh phúc có mối quan hệ gắn kết với nhau.
Đối tốt với bản thân – lấy ví dụ, cho phép bản thân có một chút thời gian nghỉ ngơi – sẽ làm gia tăng mức độ hạnh phúc. Đối xử tốt với người khác giúp gia tăng lòng trung thành và sự tận tụy trong đồng nghiệp và nhân viên, từ đó tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc hơn.
Trong các cuộc phỏng vấn tại các trường Đại học ở Mỹ, bà đã chỉ ra những số liệu thống kê khác: Lo lắng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc điều trị sức khỏe tâm thần ở Mỹ, làm tiêu tốn hơn 42 tỷ USD trên cả nước hàng năm.
Trong môi trường làm việc ở Mỹ, 50% nhân viên khá thờ ơ (có mặt nhưng không có cảm hứng làm việc), và 20% rất thờ ơ (cực kỳ bất mãn với công việc).
Tình trạng này tiêu tốn cho kinh tế Mỹ khoảng 450 tỷ USD hàng năm.
70% người dân Mỹ không có cảm hứng với công việc, tiêu tốn cho kinh tế Mỹ khoảng 450 tỷ USD hàng năm.
TS. Seppala đã tư vấn cho các công ty trong danh sách Fortune 500 (danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ) để giúp họ hiểu được cái giá phải trả cho một môi trường làm việc thiếu hạnh phúc. Bà đã giúp họ nuôi dưỡng lòng trắc ẩn để không chỉ nâng cao tiêu chuẩn đạo đức, mà còn gián tiếp cải thiện việc làm ăn.
Bản chất của con người là ích kỷ hay thiện lương?
Nghiên cứu cho thấy rằng các công ty có một môi trường văn hóa tích cực, với các đặc điểm như sự tôn trọng, sự tử tế, sự cảm thông, sự hỗ trợ, và sự thấu hiểu lẫn nhau đã dẫn tới các kết quả tốt hơn cho tất cả mọi người.
“Nếu nhìn vào các nghiên cứu, bạn sẽ nhận thấy thiện lương là thứ gì đó rất bẩm sinh trong chúng ta.”, bà nói. Trong các nghiên cứu, các quyết định rất nhanh được mọi người đưa ra dù chưa suy nghĩ thấu đáo thường có thiên hướng hướng đến sự thiện lương. “Khi một sinh vật khác đang đau khổ, chúng ta thường có thiên hướng đến giúp đỡ họ.”.
Một số người cho rằng bản chất của con người là ích kỷ và việc cạnh tranh khắc nghiệt là con đường dẫn đến thành công. Nhưng “kẻ mạnh sống sót” không thật sự là cách thức tự nhiên vận hành, TS. Seppala giải thích. Mọi người thường liên kết nguyên lý này với thuyết tiến hóa của Charles Darwin, nhưng chính Herbert Spencer mới là người nghĩ ra nó.
Spencer (1820 – 1903) là một nhà sinh học và lý thuyết chính trị, người đã sử dụng nguyên lý “kẻ mạnh sống sót” để biện minh cho hệ thống phân biệt chủng tộc và phân chia cấp bậc xã hội. Trái lại, bà nói rằng, “Chúng ta sẽ không bao giờ có thể tồn tại trong giới tự nhiên nếu không có nhau.”.
Lòng tốt nơi công sở không chỉ có một tác động tích cực trên bình diện đạo đức, mà còn trong hiệu quả kinh doanh.
Về một thế giới kinh doanh đầy cạnh tranh, bà nói “Bạn có thể cạnh tranh, nhưng bạn không cần phải cạnh tranh bằng cách phá hoại người khác.”. Bạn có thể kéo bản thân lên mà không cần đẩy người khác xuống.
Làm cách nào để trở nên hạnh phúc hơn?
“Bí mật lớn nhất dẫn đến hạnh phúc là phục vụ người khác.”, bà Seppala nói. Kết quả nghiên cứu ủng hộ điều này – đây không chỉ là một tuyên bố mang tính hình tượng.
Bất kể công việc của bạn là gì, bạn có thể hướng mục tiêu của nó đến việc phục vụ cộng đồng. Điều này có thể giúp nâng cao mức độ hài lòng đối với công việc. Lấy ví dụ, TS. Seppala nói, một số công ty tạo ra các sản phẩm thật sự hữu ích đối với mọi người.
Bí mật lớn nhất dẫn đến hạnh phúc là phục vụ người khác
Nếu bạn thật sự không thể tìm thấy một mục đích như vậy cho công việc của mình, bạn có thể nghĩ về cách thức công việc đó cho phép bạn hỗ trợ gia đình. Hoặc bạn có thể nghĩ về mỗi ngày làm việc như một cơ hội để hỗ trợ những người đồng nghiệp của mình, bà gợi ý.
Nhiều người Mỹ cảm thấy khó có thể phân tách bản thân với công việc, và với stress. Dành một khoảng thời gian đi nghỉ mát có thể giúp mọi người giảm stress và trở lại làm việc với một tinh thần tươi mới, sảng khoái hơn. Nhiều người Mỹ không sử dụng những khoảng thời gian nghỉ mát được phân bổ cho họ.
Khoảng 90% người Mỹ cũng làm việc trong kỳ nghỉ của họ. Trong kỷ nguyên của điện thoại thông minh, nhiều người xen lẫn công việc vào những phút giây bên gia đình, vốn có thể kéo họ vào một phản ứng stress trong những khoảng thời gian đáng lẽ nên dùng để thư giãn.
Sự tận tâm trong ngành y tế
Một ví dụ về rất nhiều nghiên cứu TS. Seppala và đồng nghiệp của cô đã thực hiện là nghiên cứu nhìn vào sự tận tâm trong ngành y tế.
Khi một người bị stress, người đó sẽ khó có thể cảm nhận và biểu lộ sự đồng cảm hay lòng tốt đối với những người khác.
“Gần một nửa số sinh viên ngành y trải nghiệm tình trạng kiệt sức do stress trong quá trình huấn luyện, và 11% trong số đó báo cáo đã xuất hiện ý nghĩ tự tử như hệ quả của tình trạng kiệt sức, sự suy giảm chất lượng cuộc sống, và các triệu chứng trầm cảm”, nghiên cứu báo cáo. “Trong những bác sĩ nội trú, gần 20% báo cáo tình trạng sức khỏe tinh thần dưới mức trung bình – gấp đôi so với công chúng có cùng độ tuổi.”.
Trong các chuyên gia y tế có kinh nghiệm, tỷ lệ xuất hiện tình trạng kiệt sức có thể cao đến mức 70%.
Trong các chuyên gia y tế có kinh nghiệm, tỷ lệ xuất hiện tình trạng kiệt sức có thể cao đến mức 70%, từ đó gia tăng tỷ lệ chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế dưới chuẩn.
Mức độ stress cao thường thấy trên những nhân viên chăm sóc y tế đang dẫn đến tình trạng thiếu vắng sự tận tâm đối với người bệnh và các sai sót trong quá trình điều trị.
“Tình trạng kiệt sức của các bác sĩ nội trú, y tá, và bác sĩ sẽ làm gia tăng khả năng xuất hiện thái độ phục vụ và kết quả điều trị y tế cho bệnh nhân dưới chuẩn, các sai sót trong quá trình điều trị hoặc kê đơn, cũng như các trường hợp nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Ngoài các sai sót khách quan trong quá trình chăm sóc y tế, tình trạng stress và kiệt quệ cũng phần nào làm giảm sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ.”, TS. Seppala báo cáo.
Người Mỹ đánh giá cao sự tận tâm trong các trải nghiệm chăm sóc y tế của họ. Theo nghiên cứu, phần lớn những người được hỏi sẽ sẵn sàng trả nhiều hơn, đi xa hơn, và đợi lâu hơn tại những cơ sở chăm sóc y tế có mức độ tận tâm cao hơn với người bệnh.
Tuy vậy có đến 64% số người được hỏi trả lời đã bắt gặp các hành vi khiếm nhã trong môi trường điều trị y tế.
Ở các bệnh viện, các tổ chức lớn, và cả các doanh nghiệp nhỏ, việc thúc đẩy sự tận tâm đã có một kết quả khá tốt.
“Nghiên cứu cho thấy rằng các công ty có một môi trường văn hóa tích cực, với các đặc điểm như sự tôn trọng, sự tử tế, sự cảm thông, sự hỗ trợ, và sự thấu hiểu lẫn nhau … đã dẫn tới các kết quả tốt hơn cho tất cả mọi người.”, TS. Seppala nói. “[Những kết quả này bao gồm] lòng trung thành lớn hơn, thái độ làm việc tận tụy hơn, và rốt cục điều đó sẽ giải quyết được vấn đề căn bản.”.
——*——
Tara MacIsaac, Epoch Times
March 26, 2016
Người dịch: Quý Khải