LÒNG TỪ BI SẴN CÓ

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Tự truyện pháp ký - Bậc toàn tri tôn quý, Đức Gyalwang Drukpa; Drukpa Việt Nam biên dịch; NXB. Tôn giáo

Phúc duyên và hỷ lạc

Trên thế giới có muôn loài và khi nhìn thấy các loài vật bất lực, run rẩy khi sắp bị giết mổ, chúng ta hẳn phải thấy may mắn vì được sinh ra trong thân người. Chưa nói đến là ngay trong cả thế giới loài người, người nghèo, người thất học và những người yếu thế phải chịu nhiều khổ đau. Nhưng thậm chí khi hiểu rằng những người có đầy đủ mọi thứ cũng đang trải nghiệm đau khổ vì không thỏa mãn mong muốn bản thân hay không tránh được những chuyện bất như ý, không thể gia tăng tài sản dù luôn tham muốn hay ghen tỵ với của cải và thành công của người khác, khi nhìn tất cả những người này, chúng ta cần biết tri ân cuộc sống của bản thân mình. Như chúng ta nói: “Hạnh phúc nằm ở trong tâm, vạn pháp thế gian chỉ đem đến khổ đau”, dù chúng ta có cả thế giới này thì cũng chỉ thấy khổ đau mà thôi, và điều quan trọng là chúng ta cần thấy hạnh phúc trong tâm. Đây là một trong những nội dung thực hành chính của tôi trong cuộc sống.

Tôi thường thấy mình phúc duyên có được cha mẹ như đã trình bày ở trên và luôn bằng lòng với những gì mình có. Nhưng cần hiểu là tôi không cố khiến tâm thấy bằng lòng và hoan hỷ với cha mẹ, nhà cửa, xe cộ, tài sản, bạn hữu và người quen… Khi nhìn nhiều người trên thế giời này còn phải sống trong những điều kiện vất vả khó khăn hơn, tôi thực sự thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Vì không hiểu được điểm quan trọng này, nhiều người nói rằng họ đang hài lòng nhưng từ sâu thẳm trong tâm, dù đang giàu sang hay nghèo khó, dù đang ở địa vị cao hay thấp, họ đều thấy không hài lòng. Chưa nói đến việc một hành giả tâm linh sẽ phạm phải giới trọng khi có suy nghĩ như vậy, và ngay cả đối với những người thường thì cảm giác bất mãn này cũng là kẻ thù to lớn nhất, tạo ra khổ đau. Ngay cả các tỷ phú, doanh nhân hay các nhà tư sản công nghiệp cũng luôn bị tham muốn và tính ganh đua chế ngự. Một số người giàu có nói rằng khi cổ phiếu của họ giảm giá mạnh trên thị trường thì họ chẳng muốn về nhà vì không thể ngủ được. Vì thế, họ sẽ nán lại cơ quan và sau đó đi uống rượu lúc nửa đêm cho đến khi say mèm. Đó là tất cả những gì họ có thể làm. Tôi nghĩ rằng lúc đó họ thấy rượu có tác dụng. Ban ngày, họ thường mỉm cười với những đối thủ của mình, nhưng tâm họ tràn ngập lo sợ, hy vọng, nghi ngờ và không được bình an. Tôi nghĩ rằng tất cả những người có địa vị đều có chung những suy nghĩ đó, dù họ có nói thẳng ra hay không.

Cũng nhờ nghiệp thiện thuần thục trong quá khứ,

Thủa ấu thơ tôi tràn ngập an vui,

Và tự nhiên, chẳng do ai khuyên bảo,

Lòng từ bi khai phát trong tôi.

Thông thường có hai loại phẩm chất: phẩm chất tự nhiên và phẩm chất do học hành, rèn luyện mà có được. Ngay cả những khiếm khuyết cũng có thể tự nhiên vốn có hay do thói quen tạo thành. Những phẩm chất sẵn có thường hiếm hoi vì chúng ta hiếm khi làm những việc thiện lành. Ngay cả khi chúng ta làm những việc thiện lành, hầu như chẳng mấy ai có thể biến việc thực hành thiện hạnh trở thành một thói quen ổn định. Vì thế, ác nghiệp luôn che mờ thiện nghiệp của chúng ta, khiến thiện nghiệp mờ nhạt tựa như đom đóm giữa ánh sáng ban ngày.

Cả thiện nghiệp và ác nghiệp đều tự nhiên xuất hiện tùy theo thói quen của mỗi người. Ví dụ như một số người và một số loài vật như hổ hay sư tử dễ dàng gây ác nghiệp sát sinh mà không cần rèn luyện. Tương tự như vậy, một số người sẵn có tâm từ bi và không ưa việc sát sinh hay nói dối.

Nếu thực sự nghĩ đến khổ đau của chúng sinh thì bạn có thể thực sự cảm nhận được những nỗi khổ đau đó.

Nếu thực sự nghĩ đến khổ đau của chúng sinh thì bạn có thể thực sự cảm nhận được những nỗi khổ đau đó.

Suy nghĩ và hành động thiện lành từ khi còn nhỏ

Bản thân tôi từ khi còn nhỏ đã có thiên hướng thể hiện tình yêu thương và lòng bi mẫn đối với hữu tình chúng sinh, đặc biệt là những kẻ yếu thế. Cha mẹ họ hàng gần xa chẳng ai dạy tôi về điều này cả. Tương tự như vậy, Khi thấy các loài vật đang phải chịu khổ đau, tôi thường phát tâm bi mẫn cầu nguyện tiêu trừ khổ đau cho chúng.

Tôi nhớ khi còn bé, nếu có người đến trong lúc tôi đang ăn, tôi không thể ăn tiếp mà không chia sẻ phần thức ăn đó cho bất kỳ ai đang ở trước mặt mình. Người bác quá cố của tôi, Ngài Lodoe, sau này thường nói với tôi rằng người nhà tôi dặn mọi người không được đến khi tôi đang dùng bữa.

Như đã kể ở trên, vào khoảng năm tôi lên ba, để tránh nhiều lời thỉnh cầu tôi được ấn chứng là Hóa thân của một bậc Thầy, phụ thân của tôi, Đức Bairo Rinpoche, đã đưa tất cả mọi người trong nhà đi nghỉ ở Nepal. Tôi còn nhớ đôi chút về việc viếng thăm Bảo tháp Boudhanath và các thánh địa khác, cầu nguyện và thực hành cúng dàng. Không giống như ngày nay, con đường quanh Bảo tháp Swayambhunath trong thời gian đó đầy các loài côn trùng, và tôi cứ liên tục đưa chúng ra khỏi đường đi.

Người đang dẫn tôi đi không cho tôi làm như vậy và cõng tôi trên lưng. Anh ta nói: “Nếu dẫn Wangchen đi thì sẽ không thể hoàn thành việc nhiễu tháp. Tốt hơn là cõng cậu ấy”. Tôi nhớ mình đã khóc nhiều khi anh ta làm như vậy. Khi thấu mọi người dẫm lên những con côn trùng, tôi cảm thấy đau buồn như thể họ đang dẫm lên người mình. Từ trải nghiệm này, tôi đã hiểu ra rằng nếu thực sự nghĩ đến khổ đau của chúng sinh thì bạn có thể thực sự cảm nhận được những nỗi khổ đau đó.

Tôi nhớ lại là phần lớn khi đó tôi không thể làm gì ngoài việc nhắm mắt, nhưng vì tôi thích ngắm lũ khỉ ven đường, tôi lại phải mở mắt. Khi nhìn thấy gương mặt những người đang đi thẳng, tay cầm tràng hạt trì tụng chân ngôn và những lời cầu nguyện, không buồn để ý đến những loài côn trùng đang bị họ dẫm đạp đến chết, tôi thường băn khoăn là có phải những người đó mắt kém hay không.

Một lần, có một con khỉ chộp lấy túi giấy từ tay một người và chạy đi, rồi sau đó chia sẻ thức ăn trong túi cho những con khỉ khác. Tôi cảm thấy hoan hỷ là phần thức ăn trong túi giấy có ích cho nhiều con khỉ. Ngày nay, thậm chí cả loài khỉ, chứ không chỉ riêng loài người, đã thay đổi tập quán và ăn riêng ở một góc nhà mà thậm chí không chia sẻ đồ ăn với cả lũ khỉ con.

Thường thì khi nào có đồ ăn ngon, tôi đều muốn mọi người được ăn món đó, hoặc mỗi khi có việc gì không vui, tôi thường cầu nguyện là không ai khác gặp phải nỗi buồn này. Từ nhỏ tôi đã sẵn có những suy nghĩ chân thành như vậy.

Tôi có một người bạn chơi cùng lớn tuổi hơn tôi chút ít. Anh ta thích cắt đầu giun đất và các loài côn trùng khác. Nếu anh ấy làm như vậy trong lúc tôi đang cùng chơi, tôi sẽ khóc và chạy về nhà. Để trêu tôi, anh ta thường giết thêm vài con côn trùng và tôi chỉ có thể khóc. Đó hẳn là việc của tôi vì tôi thực sự thích chạy ra ngoài và chơi với anh ấy.

Mỗi ngày chúng tôi đi chơi, anh ấy đều giết những con côn trùng và tôi thường khóc, thế là chúng tôi không chơi tiếp nữa. Trước đây tôi thường nghĩ nếu tôi để anh ấy cắt ngón tay mình thì liệu anh ấy có tha cho những con côn trùng hay không? Dĩ nhiên tôi chẳng dám đưa ngón tay cho anh ấy cắt, nhưng tôi thường có những suy nghĩ mông lung như vậy. Sau đó một vài năm, có người chặt đầu anh bạn đó và để lại phần thân bên lề đường. Tôi cảm thấy buồn và càng thấy tin tưởng hơn rằng nghiệp báo là điều không thể tránh khỏi.

Khi còn bé, tôi cũng thường thấy việc tắm là khổ sở và mỗi lần được mọi người tắm cho, tôi thường khóc và cầu nguyện là không ai khác phải chịu khổ như vậy! Đó chỉ là những câu chuyện không đâu, những suy nghĩ khi tôi chừng ba hay bốn tuổi.

Khi ngẫm lại, tôi thấy đáng kinh ngạc. Tôi đã vô cùng yêu thương cha mẹ và đối xử bình đẳng đối với mọi người bằng tình yêu thương chân thật. Tôi thích được chơi như nhiều đứa trẻ khác nhưng không bao giờ quan tâm đến những niềm vui vật chất. Tôi không bao giờ nói năng thiếu suy nghĩ hay có những suy nghĩ bất cẩn. Ngay cả trong lúc chơi đùa tôi vẫn nghĩ về việc giúp đỡ mọi người. Tôi vốn tự nhiên ưa thích việc ngắt hoa, hái quả. Những xúc tình phiền não ít hơn. Vì thế, việc tích lũy ác nghiệp ít hơn và tâm tôi thư thái, bình an hơn. Giờ đây tôi thường ao ước được quay trở lại tuổi thơ và sống lại những khoảnh khắc êm đềm đó.

Những lời tiên đoán

Do đó có nhận thức rõ ràng, tôi nhớ là mọi điều tôi nói đều xảy ra và một số người tin vào những lời tiên đoán của tôi. Hai tháng trước khi được ấn chứng là một Hóa thân chuyển thế, tôi cứ nói mãi “Sẽ có một người đàn ông để râu đến thỉnh mời con đi”, rồi quàng khăn lễ cho song thân, tôi nói: “Đã đến lúc phải đi rồi. Con chào cha mẹ!”.

Một số người thường không thích điều này và coi đó là một điều xấu và báo hiệu sư chia ly của gia đình. Họ mắng tôi rồi khi không thể ngăn tôi nói và làm như vậy, họ đã giấu tất cả những khăn lễ đi. Ngay cả đến lúc đó, khi mọi người không để ý, tôi thường cắt tất cả những rèm cửa sổ cũ thành những dải khăn và cứ quàng lên cổ song thân tôi. Tôi không biết lý do tại sao, nhưng vào lúc đó tôi cứ làm việc đó mãi.

Chẳng bao lâu sau đó, mọi người đến đón tôi để tham dự lễ ấn chứng Hóa thân, trong đoàn người có Bậc Hộ trì Kyabje Drukpa Thuksey Rinpoche. Ngài đã nghe những người sống quanh tôi kể lại và bắt đầu hiểu được tại sao mà trong hàng tháng trời tôi cứ nói mãi là một người để râu sẽ tới đón mình đi. Mọi người kể lại rằng tôi đã nhận ra một số người trong đoàn tùy tùng đi cùng với Bậc Hộ trì Kyabje Drukpa Thuksey Rinpoche, nhưng bây giờ tôi không còn nhớ nữa. Chẳng bao lâu sau đó, như tôi đã nói với song thân từ trước, tôi phải tạm biệt song thân để tới sống ở tự việc.

Giả sử lúc đó tôi giữ yên lặng và khiêm tốn, không nói hay làm nhiều việc, thì có lẽ tôi đã có thể sống một cuộc đời bình an không kèm theo trách nhiệm đối với một truyền thừa thực hành và rất nhiều tự viện thuộc truyền thừa đó. Dù là như vậy thì tôi vẫn sẽ siêng năng tu tập tâm linh và lợi ích cho mọi người.

Điều hài hước là khi tôi rời nhà đến sống ở tự viện, dù còn bé nhưng tôi không thấy buồn hay khóc lóc. Đến tận ngày nay, tôi vẫn không hề hối tiếc, dù đôi khi tôi cảm thấy là nếu không phải chịu trách nhiệm chăm lo cho các tự viện và Truyền thừa thì tôi đã trở thành một hành giả chuyên tu. Tất cả những việc này đã diễn ra khi tôi lên ba hay bốn tuổi.

Một năm sau, khi có một trận mưa to không ngớt ở Darjeeling và nguy cơ bị lụt ngày càng lớn dần, có người hỏi đùa tôi là khi nào cơn mưa này mới chấm dứt. Tôi cũng nói đùa với anh ấy về ngày, giờ cơn mưa đó chấm dứt, và rồi lời nói đó đã trở thành sự thực.

Lại có lần, khi tôi đang nhập thất ở tự viện Hemis, Ngài Ladakh Chogyal, quản lý của tự viện, lúc đó đang từ Leh đến Hemis cùng một số vị khách quan trọng. Họ đi đường khá lâu, và những người chờ đón không biết là những vị khách đó không biết có đến hay không. Thời đó chưa có điện thoại di động. Một số vị tăng thị giả của tôi tới gặp tôi để thỉnh xem các vị khách đó có đến hay không. Tôi đã cho họ biết những gì tôi nhìn thấy: “Các vị khách đã đến Kharu và đang uống trà ở cửa hàng Igu Hor. Họ đang chuẩn bị lên đường”. Lúc đó tôi chỉ nói ra suy nghĩ bất chợt của bản thân mà không hề hy vọng hay sợ hãi. Cuối cùng, chừng nửa tiếng sau, khi cac vị khách đến, mọi người hỏi xem họ có uống trà ở cửa hàng Igu Hor hay không, và các vị khách đáp đúng là họ được Igu Hor mời trà. Tôi nhớ là mọi người đều thấy ngạc nhiên.

Việc liên hệ với những câu chuyện đó chẳng có ích gì, nhưng tôi đang kể cho các bạn nghe một vài câu chuyện để trả lời cho những câu hỏi các bạn thường đặt ra, giống như câu nói “Hãy trả lời câu hỏi mà bạn bè hỏi mãi”. Mọi người cũng kể nhiều câu chuyện như trên về tôi, nhưng tôi không nhớ được phần lớn những chuyện này. Một số câu chuyện có thể là sự thực, một số câu chuyện không có thật, một số chuyện khác có thật nhưng được phóng đại lên. Tôi không nhớ và cũng chẳng quan tâm.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ TÔN TRỌNG
  2. QUÁN SÁT TÂM MÌNH
  3. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP