LỤC CĂN: CỘI NGUỒN CỦA TRÍ TUỆ

ĐẠI SƯ AJAHN CHAH

Trích: Suối Nguồn Tâm Linh; Dịch việt: Minh Vi; Hiệu đính: Tỳ Khưu Saṃvarasīla; Nguồn: phuocson.org

Lục căn có thể mang đến cho chúng ta sự khoái lạc và mê đắm, nhưng chúng cũng có thể dẫn tới sự hiểu biết và trí tuệ.

Chúng ta quyết định tu hành theo Phật Pháp để mong đạt được tâm bình an. Nhưng sự bình an chân thật là gì? Sự bình an chân thật, Đức Phật nói, không ở đâu xa xôi, nó ở ngay bên trong chúng ta, chỉ là chúng ta không nhận ra nó mà thôi. Ai cũng mong tìm được sự bình an nhưng chỉ thấy toàn là sự kích động và hỗn loạn. Họ không tin vào chính mình và chưa thỏa mãn với sự tu hành của mình. Nó tương tự như khi chúng ta rời khỏi nhà, đi hết nơi này đến nơi kia, nhưng chừng nào chúng ta chưa về lại nhà, chúng ta sẽ không thấy thỏa mãn. Chúng ta vẫn còn công việc để làm. Đó là bởi vì hành trình của chúng ta chưa hoàn tất, chúng ta chưa đạt được mục tiêu của mình.

Ai cũng muốn được bình an. Khi tôi còn trẻ, tôi tìm kiếm nó khắp nơi. Nhưng đến đâu, tôi cũng không thỏa mãn. Tôi lang thang trong rừng, viếng thăm nhiều vị thầy, đi nghe nhiều buổi thuyết pháp, nhưng ở đâu tôi cũng không thấy thỏa mãn. Tại sao vậy? Chúng ta tìm kiếm sự bình an ở những nơi có rất ít cảnh sắc, âm thanh, mùi vị, tin rằng sống yên tĩnh như thế sẽ dẫn tới sự mãn túc. Nhưng sự thật thì, nếu chúng ta sống quá yên lặng ở những nơi mà không có gì xảy ra cả, trí tuệ làm sao có thể phát sinh? Chúng ta có cảm nhận được một điều gì không? Thử nghĩ đi. Điều gì sẽ xảy ra nếu mắt không nhìn thấy cảnh sắc, mũi không ngửi được gì, lưỡi không nếm được vị nào, thân thể không có cảm giác? Sống như thế là sống như một người đui và điếc, một người mà mũi và lưỡi đã sứt mất và thân thể hoàn toàn tê liệt, còn có gì ở đó nữa không? Vậy mà nhiều người nghĩ rằng nếu họ đi đến một nơi không có gì xảy ra, họ sẽ tìm được sự bình an.

Khi mới xuất gia, tôi ngồi thiền và cảm thấy nhiều tiếng động quấy nhiễu mình. Tôi nghĩ, “Làm sao để cho tâm được bình an đây?”. Thế là tôi lấy sáp ong nhét vào hai lỗ tai để tôi không thể nghe gì nữa. Tôi nghĩ rằng như thế là bình an rồi. Nhưng không, tất cả những tư tưởng và sự hỗn loạn không đến từ lỗ tai. Chúng đến từ trong tâm của tôi. Đó mới là nơi để tìm kiếm sự bình an. Cho nên, dù là ở đâu, bạn cũng không muốn làm điều gì cả, bởi vì bạn cho rằng những việc đó chỉ quấy nhiễu sự tu hành của bạn. Bạn không muốn quét sân hay làm những việc như vậy. Bạn chỉ muốn ngồi yên và tìm sự bình an theo kiểu đó. Vị thầy yêu cầu bạn giúp đỡ trong công việc hàng ngày, nhưng bạn chỉ làm cho chiếu lệ bởi vì bạn cho rằng đó là những chuyện bên ngoài.

Một trong các đệ tử của tôi rất muốn “buông bỏ” và tìm sự bình an. Tôi từng giảng dạy về “sự buông bỏ” nên anh ta nghĩ rằng bằng cách buông bỏ tất cả, anh sẽ được bình an. Ngay ngày đầu tiên đến đây, anh từ chối làm bất cứ công việc gì. Ngay cả khi gió thổi bay mất nửa cái mái chòi của mình, anh cũng không làm gì cả.

Anh nói rằng đó chỉ là chuyện bên ngoài. Thế là anh không bận tâm sửa chữa nó. Khi nắng chiếu, anh dời qua, khi mưa rơi, anh dời lại. Công việc duy nhất của anh là tìm kiếm sự bình an. Những việc khác không đáng để bận tâm.

Một hôm, tôi đi ngang qua chòi của anh, nhìn thấy mái nhà sụp đổ. “Ủa, chòi của ai vậy?” tôi hỏi. Khi biết đó là chòi của anh ta, tôi mới nói chuyện với anh, giải thích nhiều việc, chẳng hạn như, bổn phận của Tăng sĩ đối với chỗ trú ẩn của mình. “Chúng ta phải có một nơi trú ẩn, và chúng ta phải chăm sóc cho nó.’Buông bỏ’ không phải giống như vậy. Nó không có nghĩa là trốn tránh trách nhiệm của mình. Đó là hành vi của một người ngu. Khi trời mưa, anh dời qua phía bên này cái chòi. Rồi khi trời nắng chói chang, anh dời trở lại phía bên kia. Tại sao vậy? Tại sao anh không quan tâm gì cả thế?” Tôi giảng giải cho anh một hồi lâu. Khi tôi nói xong, anh ta nói, “Ồ, con thật không hiểu. Lúc thì Ngài dạy con buông bỏ, lúc thì Ngài bảo con bám víu. Con không biết phải làm gì đây. Ngay cả khi mái nhà sụp đổ và con đã buông bỏ đến mức độ này, Ngài vẫn cho rằng làm như thế là không đúng. Con thật không biết phải làm gì mới là đúng”.

Có những người như vậy đó. Họ ngu đến như thế. Các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm đều là những thứ có thể giúp bạn phát sinh trí tuệ, nếu chúng ta hiểu biết bản chất của chúng. Nếu chúng ta không thật sự hiểu biết chúng, chúng ta phải từ chối chúng, nói rằng chúng ta không muốn thấy, muốn nghe,…, bởi vì chúng quấy nhiễu chúng ta. Nếu chúng ta dứt tuyệt những điều này, thì chúng ta lấy gì để mà quán chiếu? Đây là tại sao chúng ta cần phải thu thúc lục căn. Kiềm thúc là giới. Có giới luật về sự kiềm thúc lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm. Những thứ này là giới luật, và chúng là sự hành thiền của chúng ta. Hãy suy ngẫm câu chuyện sau đây về Xá Lợi Phất. Có một lần, trước khi thọ giới Tz Khưu, ông nhìn thấy một vị sa môn đang đi khất thực, và suy nghĩ, “Vị Sư này rất khác thường. Ông không đi quá nhanh hay quá chậm, áo choàng thì rất cũ, nhưng phong thái thì thu thúc”. Xá Lợi Phất cảm thấy thích vị Sư đó, nên tiến đến gần, cung kính chào và hỏi:

– Thưa Ngài, Ngài là ai?
– Tôi là một sa-môn.
– Thầy của Ngài là ai vậy?
– Đức Thích Ca Mâu Ni là thầy của tôi.
– Đức Thích Ca Mâu Ni dạy điều gì thế?
– Ngài dạy rằng tất cả các pháp sinh khởi đều do nhân duyên. Khi chúng ngừng, đó là vì nhân duyên ngừng.

Khi Xá Lợi Phất hỏi về Phật Pháp, vị sa môn cho ông một bài pháp ngắn về lý nhân quả. Các pháp sinh khởi bởi vì có nguyên nhân. Nhân đến trước và quả theo sau. Nếu muốn ngừng quả, nhân phải ngừng trước. Đó là tất cả những gì ông nói, nhưng như thế là đủ đối với Xá Lợi Phất rồi. Đây là nguyên nhân cho sự phát sinh của pháp. Vào lúc đó, Xá Lợi Phất có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Lục căn của ông đều nguyên vẹn. Nếu không có lục căn đó, liệu ông có đủ nhân duyên để trí tuệ phát sinh không? Liệu ông có chứng ngộ được điều gì không? Nhưng đa số chúng ta sợ tiếp xúc. Hoặc là chúng ta thích tiếp xúc, nhưng chúng ta không đạt được chút trí tuệ nào từ đó cả. Thay vì vậy, chúng ta tiếp tục chạy theo lục căn, ham thích lục trần và chìm đắm trong đó. Lục căn có thể mang đến cho chúng ta sự khoái lạc và mê đắm, nhưng chúng cũng có thể dẫn tới sự hiểu biết và trí tuệ.

Chú thích:
– Lục căn là sáu giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm.
– Nhân duyên là các lý do chính (nhân) và các điều kiện hỗ trợ (duyên). Xem phụ lục Mười Hai Nhân Duyên.

Nguồn: phuocson.org

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TẠI SAO CHÚNG TA Ở ĐÂY? – ĐẠI SƯ AJAHN CHAH
  2. TRÍ TUỆ PHÁT SANH
  3. HÃY XẢ BỎ TẤT CẢ

Bài viết mới

  1. NHỮNG DẤU HIỆU CỦA SỰ TIẾN BỘ TÂM LINH
  2. TỰ DO ĐÍCH THỰC: TÔI CÓ THỂ THOÁT KHỎI CÁI GÌ?
  3. TẠI SAO CHÚNG TA Ở ĐÂY? – ĐẠI SƯ AJAHN CHAH