SOGYAL RINPOCHE
Trích: Tạng Thư Sống Chết; Nguyên tác: The Tibetan Book Of Living And Dying; Việt dịch: Ni sư Thích Nữ Trí Hải; NXB Hồng Đức, 2014
Thiền định là đưa tâm về nhà, và việc này trước hết được hoàn tất nhờ luyện tập chánh niệm.
Một lần có một thiếu phụ đến hỏi Phật làm cách thế nào để thiền. Phật bảo nàng hãy ý thức từng động tác của đôi tay khi nàng kéo nước giếng, vì Ngài biết như vậy nàng sẽ tự thấy mình trong tâm trạng an bình, khoáng đạt và bén nhạy, mà chính là thiền định.
Sự thực tập chánh niệm, đưa cái tâm phân tán trở về nhà – và do đó tập trung ý thức vào những khía cạnh khác nhau của con người chúng ta – được gọi là “Tinh trú” hay “An trú”. Đây là thực tập đầu tiên trên con đường thiền định Phật giáo, được gọi là shamatha trong Phạn ngữ, shyiné trong Tạng ngữ. An trú thành tựu được vài việc. Đầu tiên, mọi mảnh vụn của con người ta – thường mâu thuẫn chống chọi nhau – bây giờ ổn định, tan hòa và trở thành bạn. Trong sự ổn định ấy, ta bắt đầu hiểu mình hơn, và đôi khi còn thoáng thấy được tia sáng tự tính bản nhiên của ta. Thứ hai là, luyện tập thiền định làm tiêu tan tính tiêu cực, bạo hành nơi ta, những cảm xúc hỗn độn đã chất chứa nhiều đời; thay vì đàn áp chúng hay bị lôi cuốn theo chúng, ở đây điều quan trọng là ngắm nhìn chúng và bất cứ gì khởi lên trong tâm, với sự chấp nhận và bao dung, càng cởi mở càng tốt. Những bậc thầy Tây Tạng thường bảo rằng tính độ lượng sáng suốt ấy giống như không gian vô biên, thân thiết và dễ chịu, làm bạn cảm thấy như thể được bao phủ, được che chở trong một cái mền bằng ánh sáng.
Dần dần, khi bạn vẫn ở trong trạng thái cởi mở, tỉnh giác ấy, và dùng một trong những phương pháp sẽ nói sau, để làm cho tâm càng lúc càng tập trung hơn, tính tiêu cực nơi bạn càng ngày càng tan loãng ra; bạn khởi sự cảm thấy thoải mái trong toàn diện bản thể bạn, hay như người Pháp nói: “être bien dans sa peau”. Từ đấy phát sinh sự buông xả và một niềm an lạc sâu xa. Theo tôi thì sự tập luyện này là cách tốt nhất để chữa trị thân bệnh và tâm bệnh nơi bạn.
Thứ ba, sự tập luyện này vén màn, làm hiển lộ thiện tâm căn bản của bạn, vì nó làm tan biến thói hung ác hay tác hại ở trong bạn. Chỉ khi trừ khử được thói ấy, ta mới thực sự hữu ích cho người khác. Vậy thì nhờ tập luyện, trừ khử dần thói ác tác hại khỏi tâm ta, mà ta có thể để cho thiện tâm chân thực của ta – lòng tử tế, từ bi tự nhiên nơi ta – chiếu sáng, và trở thành bầu khí hậu cho bản thể đích thực của ta phát triển.
Bây giờ bạn thấy tại sao tôi gọi thiền định là sự thực hành chân thực để đi đến hòa bình, đi đến sự không gây hấn, đi đến sự bất bạo động. Đấy là sự giải trừ vũ khí chân thực và quan trọng nhất.