HH. DALAI LAMA XIV
Chỉ hài lòng với sự giải phóng thoát khỏi chiếc vòng luẩn quẩn của sự tồn tại không thôi vẫn chưa đủ. Trạng thái Phật là trạng thái cuối cùng bạn cần phải đạt đến. Sau khi đã phát huy được niềm mong ước tạo ra cuộc cách mạng trong tâm hồn và thực hành Phật pháp, thay vì hài lòng với sự giải thoát của cá nhân, tốt hơn hết chúng ta nên thiền định về lòng vị tha của trạng thái Phật, được gọi là Bồ tát phổ độ chúng sinh. Nếu bạn nhận thấy một ai đó không ngừng sống trong ảo tưởng và đau khổ nhưng bạn vẫn không hành động vì ích lợi của họ, thì như thế quả là bất công và quá thất vọng. Bạn không nên chỉ hài lòng với ích của bản thân. Bạn nên suy nghĩ ở mức độ cao hơn và cố gắng hành động vì ích lợi của mọi người. Đây là điểm khác biệt lớn giữa loài người và loài vật. Điểm độc đáo ở loài người là ở chỗ họ làm việc vì ích lợi của mọi người, chứ không chỉ quan tâm đến ích lợi của cá nhân mình. Đó là nét đẹp và nét đặc trưng của nhân loại.
Mọi người yêu mến tổng thống Mỹ Lincoln và vị lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi vì họ là những con người vĩ đại, họ không chỉ nghĩ về chính mình, họ làm việc vì ích lợi của toàn dân. Họ nghĩ về toàn xã hội loài người và họ đấu tranh vì quyền lợi của người nghèo. Hãy lấy ví dụ về Mahatma Gandhi. Sau khi giành được độc lập cho Ấn Độ, ông vẫn là một người bình thường như bao người khác, ông không nắm trong tay bất kỳ một chức vụ cao trọng nào.
Khi mặt trời tỏa sáng, nó tỏa sáng một cách vô tư, ánh sáng của nó vươn đến từng ngóc ngách, khắp thế gian. Chúng ta cần phải giống như mặt trời. Chúng ta với tư cách là các tín đồ Phật giáo, không nên chỉ quan tâm đến ích lợi bản thân với một tâm hồn hẹp hòi, mà cần phát huy lòng vị tha vô bờ bến, gánh vác trên vai mình mọi trách nhiệm, luôn hành động vì ích lợi của mọi sinh linh.
Lý tưởng Bồ tát, niềm mong ước từ bi đạt được trạng thái Phật vì ích lợi của mọi sinh linh, là hướng đi của phái Đại thừa của Phật giáo. Khi bạn tham gia phát huy lý tưởng Bồ tát, bạn trở thành một môn đệ của phái Đại thừa. Shantideva nói rằng khi bạn phát huy được lý tưởng Bồ tát, ngay cả khi bạn sống trong trạng thái cùng cực, bạn vẫn được gọi là một vị Bồ tát, một người con của Phật. Khi bạn phát huy được lý tưởng Bồ tát, bạn có thể dễ dàng đẩy lùi được các tình cảm và suy nghĩ tiêu cực và có thể dễ dàng thực hiện được mục tiêu của mình. Bạn sẽ không thể làm tổn thương hay gây hại cho bất kỳ ai, vì nếu bạn có được phẩm chất của một vị Bồ tát thì bạn sẽ xem mọi người quý báu hơn cả bản thân mình. Lý tưởng Bồ tát và lòng từ bi là suối nguồn tạo ra mọi sự tốt lành trên thế gian và ở cõi niết bàn.
Tsong-kha-pa nói rằng nếu bạn có niềm mong ước chân thành hướng tới sự giác ngộ, khi đó mọi hành vi xuất phát từ sự tử tế, ngay những hành vi nho nhỏ chẳng hạn như cho quạ ăn thóc, cũng trở thành một hành vi của Bồ tát. Tuy nhiên, nếu bạn không có được niềm mong ước chân thành hướng đến sự giác ngộ vì ích lợi của mọi sinh linh, thì ngay cả khi bạn cho tặng cả một kho báu thì đó vẫn không được xem là một hành vi của Bồ tát. Nếu bạn không thường xuyên rèn luyện lòng từ bi, cải thiện và phát huy nó, thì có nguy cơ bạn sẽ đánh mất lòng can đảm và trở nên ưu phiền, vì số lượng sinh linh tồn tại trên thế gian là vô hạn. Có nhiều người, thay vì đền đáp lại lòng tử tế của bạn sẽ tìm cách gây hại cho bạn. Nếu lòng từ bi của bạn luôn được củng cố thì bạn sẽ không màng đến những khó khăn trên đường đi, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy ưu phiền vì những rắc rối xảy ra trong suốt quá trình bạn cố gắng đem lại ích lợi cho mọi người. Với lòng từ bi bao la, Đức Phật không ngừng làm việc vì ích lợi của mọi sinh linh. Đức Phật nói rằng bài luyện tập quan trọng nhất chính là lòng từ bi, niềm mong ước hướng đến sự giác ngộ vì ích lợi của mọi sinh linh. Ngoài ra, chúng ta cần có ý thức trách nhiệm về việc giải thoát mọi người tránh xa mọi đau khổ và đem đến cho họ niềm hạnh phúc.
Khi chúng ta chiêm nghiệm về bản chất đau khổ của mọi sinh linh, chúng ta có thể phát huy được niềm mong ước rằng họ sẽ được tự do tránh xa mọi đau khổ đó. Để khám phá được sự tử tế chân thành, chúng ta cần phải có được thái độ trìu mến dành cho mọi sinh linh, xem họ là thứ quý báu và thân thiết. Tình cảm mà bạn dành cho họ càng trìu mến thì bạn càng cảm thấy yêu thương họ và bạn càng có thể phát huy mạnh mẽ lòng từ bi của mình.
Để dung hòa được tình cảm của mình, bạn hãy hình dung có ba người đang xuất hiện trước mặt bạn: một người bạn rất thân, một kẻ thù và một người lạ mặt. Ban nhận thấy rằng mình lưu luyện với người bạn thân, ghét bỏ kẻ thù dửng dưng với người lạ mặt. Sau đó, bạn hãy tìm hiểu xem tại sao bạn lại phản ứng như thế. Bạn bè có thể là bạn bè trong lúc này, nhưng có thể trong quá khứ họ đã từng là kẻ thù của ta vá rất có thể họ sẽ trở thành kẻ thù của ta trong tương lai. Tương tự kẻ thù có thể là kẻ thù trong lúc này, nhưng trong quá khứ có thể họ đã từng là bạn bè và người thân của ta và rất có thể họ sẽ trở thành bạn bè và người thân của ta trong tương lai. Thế thì chúng ta phân biệt đối xử với họ như thế để làm gì? Bạn bè là người mà ta muốn họ có được niềm hạnh phúc và hưởng một cuộc đời tươi đẹp. Ta chúc họ có được niềm hạnh phúc và sự thành công bởi vì họ đã từng tử tế với ta. Nhưng trong tương lai có thể họ sẽ trở thành kẻ thù của ta, thậm chí trong kiếp này họ có thể trở mặt với ta. Tương tự, khi chúng ta phản ứng với kẻ thù, chúng ta thường phản ứng theo hướng tiêu cực, theo bản năng chúng ta thường muốn họ gặp khó khăn, rắc rối, thất bại. Sở dĩ chúng ta phản ứng như thế là vì họ đã từng gây hại cho chúng ta. Nhưng ngay cả trong hiện tại họ có thể gây hại cho ta, thì họ vẫn có thể trở thành bạn bè của ta trong tương lai. Không có gì chắc chắn, không ai có thể khẳng định rằng bạn bè mãi mãi là bạn bè và kẻ thù mãi mãi là kẻ thù. Tương tự, dù người lạ mặt tỏ ra dửng dưng với ta và ta tỏ ra thờ ơ với họ, tuy nhiên trong quá khứ có thể người đó đã từng là bạn bè hoặc kẻ thù của ta. Nếu bạn rèn luyện tâm hồn theo cách này, bạn có thể xem mọi người đều như một và dần dần sự phân biệt đối xử giữa ba loại người này sẽ biến mất. Đây là phương cách để bạn dung hòa suy nghĩ của mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên có bạn bè hay kẻ thù. Điều chúng ta quan tâm ở đây là việc nhổ bỏ những phản ứng tình cảm tiêu cực trong tâm hồn mình. Sự dung hòa này là yếu tố rất quan trọng, nó cũng giống như quá trình san bằng mặt đất trước khi trồng cây.
Sau khi phát huy được sự dung hòa trong tình cảm, giới luật đầu tiên về luật Nhân Quả nhằm phát huy mong muốn đạt đến trạng thái giác ngộ chính là sự ý thức được rằng mọi sinh linh đã từng là mẹ của ta trong kiếp trước. Sở dĩ có sự phỏng đoán này vì không có điểm khởi đầu cho sự tồn tại này. Vì sự sống là chiếc vòng luẩn quẩn không có điểm khởi đầu, nên các kiếp trước của ta cũng là vô tận. Sự sống và cái chết liên tục luân phiên cho nhau mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào. Khi chúng ta được chào đời, chúng ta cần có một người mẹ. Vì kiếp sống luân hồi là bất tận, không ai có thể chỉ tay và nói rằng “Người đó chưa bao giờ là mẹ của ta trong quá khứ”. Họ không những là mẹ của ta trong quá khứ, mà còn có thể là mẹ của ta trong tương lai. Nếu bạn có thể phát huy được niềm tin vững chắc về việc này, bạn sẽ dễ dàng hồi tưởng được sự tử tế mà họ đã từng dành cho bạn khi họ là mẹ của bạn.
Giới luật thứ hai là bạn hãy chiêm nghiệm về sự tử tế của mọi sinh linh. Sau khi nhìn nhận rằng mọi sinh linh đều đã có lúc là mẹ của mình, bạn nhớ lại sự tử tế mà họ đã dành cho bạn, bạn hãy lấy hình ảnh mẹ mình làm ví dụ. Bạn hãy hình dung mẹ mình đang đứng trước mặt mình, và hãy hình dung rằng bà không những là mẹ của mình trong kiếp này mà còn đã từng là mẹ của mình trong nhiều trước. Sau đó bạn hãy nghĩ về sự tử tế mà bà đã dành cho bạn, bà đã bảo vệ bạn tránh xa mọi nguy hiểm, bà đã nuôi dưỡng bạn trong suốt khoảng thời gian dài với lòng bao dung vô bờ. Bà sẵn sàng đánh đổi tất cả vì ích 1ợi của bạn, bà bất chấp mọi hành động nguy hiểm để bảo vệ bạn. Bà thà mắc bệnh còn hơn để con mình bệnh. Bạn nên tập trung chiêm nghiên về sự tử tế vô bờ của bà. Khi bạn phát huy được sự mang ơn dành cho mẹ mình, bạn nên áp dụng phương cách này với những người đã từng tử tế với bạn, chẳng hạn như bạn bè và người thân. Cuối cùng bạn mở rộng đến những người xa lạ. Nếu bạn có thể phát huy được sự biết ơn dành cho người xa lạ, bạn hãy tiếp tục với kẻ thù của mình.
Tiếp theo là bạn chiêm nghiệm về việc đáp đến sự tử tế của họ. Lúc này họ không có ai để nương tựa, không có nơi trú ngụ, không có thực phẩm để ăn. Nếu chúng ta nhận thấy sự đau khổ và vô vọng của họ mà vẫn cứ làm việc vì ích lợi của chính mình, thì điều này có nghĩa là chúng ta vẫn không hành động một cách công bằng, chúng ta là người vô ơn. Ngay cả khi chúng ta xét từ góc độ trần tục, một người không đáp đền lòng tốt mà còn lấy oán trả ơn là một người rất tồi tệ. Làm sao một tín đồ của phái Đại thừa lại có thể hành xử vô ơn như thế?
Hãy hình dung mẹ bạn, không tự chủ, mù lòa, đang bước đi gần bờ vực. Nếu bà gọi đứa con bên cạnh, niềm hy vọng và là nơi nương tựa duy nhất của bà. Nếu đứa con của bà không giúp bà, vậy thì ai sẽ là người giúp bà? Nếu bà không tìm được sự trợ giúp từ con của mình, bà có thể nương tựa vào ai? Khi cảm nhận sâu sắc được trách nhiệm này, bạn nên đáp đền lòng tốt vô bờ của vô số các bà mẹ trên thế gian.
Tiếp theo là sự chiêm nghiệm về tình yêu. Theo quan điểm Phật giáo thì tình yêu là niềm mong ước rằng mọi sinh linh đều được hưởng niềm hạnh phúc và tránh xa mọi đau khổ. Chính nhờ bởi sức mạnh có được từ sự chiêm nghiệm về tình yêu mà Đức Phật có thể đánh bại được lũ ma quỹ luôn chặn bước chân mình. Trước tiên bạn cần chiêm nghiệm về tình yêu dành cho bạn bè và người thân, rồi đến tình yêu dành cho người xa lạ, tiếp theo là tình yêu dành cho kẻ thù. Cuối cùng là chiêm nghiệm tình yêu dành cho mọi sinh lình.
Rồi thì đến sự chiêm nghiệm về lòng từ bi. Có hai loại lòng từ bi: một là niềm mong ước sao cho mọi sinh linh thoát khỏi mọi đau khổ, và loại còn lại là niềm mong ước mạnh mẽ hơn: “Tôi sẽ nhận trách nhiệm giải phóng mọi sinh linh tránh xa mọi đau khổ”. Trước tiên, bạn cần chiêm nghiệm về cha mẹ, bạn bè, và người thân, sau đó bạn hãy chiêm nghiệm về người xa lạ và kẻ thù, cuối cùng bạn chiêm nghiệm về tất cả mọi người. Đây là điều quan trọng vì khi bạn có thể chiêm nghiệm về mọi sinh linh, lòng từ bi và tình yêu của bạn tỏa khắp đến mức ngay khi bạn trông thấy đau khổ thì lòng từ bi và tình yêu của bạn lập tức xuất hiện.
Trong khi chiêm nghiệm, bạn nên suy ngẫm về việc mọi sinh linh, giống như bạn, đều đang phải chịu đau khổ trong kiếp sống trầm luân này. Để thành công trong việc phát huy lòng từ bi và tình yêu, điều quan trọng là bạn cần phải nhận thấy rõ những sai lầm và khiếm khuyết của kiếp sống trầm luân. Sự hy sinh là yếu tố tất yếu trong quá trình trau dồi và phát triển lòng từ bi.
Kết quả của quá trình chiêm nghiệm liên tục chính là lòng từ bi bao la của bạn dành cho mọi sinh linh. Tình yêu của bạn dành cho mọi người sẽ trở nên mạnh mẽ giống như tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con duy nhất của mình khi đứa con ấy đang chịu đau khổ do bệnh tật. Sự đau khổ của đứa con khiến cho trái tìm người mẹ quặn đau. Từng giây, từng phút người mẹ luôn mong ước sao cho đứa con của mình được khỏe mạnh.
Nếu thái độ của bạn dành cho mọi người đều như thế, bất luận bạn có quen biết họ hay không, ngay khi bạn trông thấy đau khổ bạn lập tức nảy sinh lòng từ bi bao la dành cho mọi sinh linh. Đây là dấu hiệu cho thấy rằng bạn đã có những bước tiến đáng kể trong quá trình phát triển lòng từ bi và tình yêu của mình.
Ở bước cuối cùng trong quá trình phát huy tấm lòng Bồ tát, bạn không nên hài lòng với những gì mình đã đạt được trong quá trình phát triển lòng từ bi. Không có cách nào để có thể hoàn thành tâm nguyện của bạn trừ khi bạn có được sự toàn trí, toàn thức của một vị Phật. Từ đó bạn có thể đem lại ích lợi cho mọi sinh linh. Bạn cần phát triển một niềm tin chân thành sâu sắc đối với trạng thái giác ngộ và niềm tin đó sẽ giúp bạn có được niềm mong ước chân thành hướng đến trạng thái Bồ tát Nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn cứ là lòng từ bi.
Chúng ta nhận thấy rõ rằng mục tiêu của kiếp sống này là để giúp đỡ và phục vụ mọi người. Nếu chúng ta không giúp đỡ mọi người thì ít nhất chúng ta cũng không nên gây hại cho mọi người. Việc thực hành tấm lòng Bồ tát là việc thiết yếu đối với những ai muốn có được sự giác ngộ. Mọi vị Phật và mọi vị Bồ tát trong quá khứ đều trau dồi phát triển thái độ vị tha để có được sự giác ngộ. Đức Phật dạy rằng đời sống là thứ quý báu nhất của con người và chúng ta nên xem đời sống của mọi người con quý báu hơn cả đời sống của bản thân mình. Lời giảng dạy này luôn luôn đúng đắn trong suốt nhiều thế hệ qua. Trong thời hiện đại này, thi sự phá hoại xuất hiện khắp thế gian, chúng ta nhận thấy rằng lời giảng dạy của Đức Phật càng thêm xác đáng.
Thế nên, chúng ta nên quyết định rằng, “Từ giờ trở đi, tôi sẽ hiến mình, ngay cả thân xác của tôi, vì ích lợi của mọi người. Từ giờ trở đi, tôi sẽ làm việc không những vì niềm hạnh phúc của chính mình mà còn vì niềm hạnh phúc của mọi người. Từ giờ trở đi, mọi người đều là bậc thầy của tôi; thân xác tôi sẽ nghe theo mệnh lệnh của người khác thay vì là mệnh lệnh của tôi”. Sự thấu hiểu rằng thái độ vị kỷ là nguồn tạo ra mọi đau khổ, và sự quan tâm đến mọi người là suối nguồn tạo ra niềm hạnh phúc và mọi điều tốt lành.